Đầu tháng tư, đọc trên facebook những giòng chia xẻ và bài thơ viết cho con của một người mẹ từng tham gia phong trào kháng chiến giải phóng Việt nam vào những thập niên 80s, 90s. Tự nhiên trong lòng cảm thấy bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cũ. Những ngày tháng của một thời thật đáng nhớ. Đáng nhớ vì những ngày tháng đó nó trải đầy những tình người trung thực, chân thành và yêu thương, giữa các anh chị em tham gia kháng chiến. Đầy nỗi lạc quan hy vọng của tuổi đôi mươi với tinh thần “chúng ta có thể”. Những ngày tháng đó, tôi cũng như Song Hương và những chiến hữu khác có gia đình và con nhỏ đều dậy dỗ các con theo con đường đấu tranh cho dân tộc. Chúng tôi hướng cho các con chúng tôi về tình yêu thương quê hương từ ngày các con còn trong bụng mẹ. Những bài thơ viết cho các con vào thời đó, ngày hôm nay tôi xin được viết lại nơi đây để tưởng nhớ những chiến hữu đã hy sinh cũng như để trân trọng tấm lòng của những người mẹ truyền thống Việt Nam. Những người mẹ dù ở nơi đâu hoàn cảnh nào, cũng không quên nhắc nhở các con chắt chiu giữ gìn bản chất Việt, đơn giản quê mùa nhưng đôn hậu tình người.
Sau đây là đoạn văn trên Facebook của Song Hương viết về bài thơ dắt con đi biểu tình nhân ngày 30 tháng 4 hai mươi năm về trước:
“Tổ Quốc chúng ta anh hùng, cả nước đứng lên kiên cường ... Sau khi đưa khách đi mua nhà, về nhà thấy cô em gái đang ngồi xem chương trình ca nhạc của trung tâm Asia. Những bài hát đấu tranh oai hùng, những lời nhạc dành cho quê hương yêu dấu của những người con tha hương làm mình chạnh lòng. Tháng Tư, những người còn nặng lòng với quê cha đất tổ sẽ mãi mãi ngậm ngùi, không thể nào quên được những ngày tang thương của hơn 40 năm trước. Hiện tại, đất nước của chúng ta đang mất dần với những ý đồ xâm lấn của trung cộng. Xin đừng làm ngơ, xin đừng thờ ơ. Dù rằng không thích làm chính trị, cũng đừng quên giòng máu của chúng mình là giòng máu Việt Nam, tiếng nói của chúng mình là tiếng nói của người Việt Nam, mà nên tỏ thái độ: Nam quốc sơn hà nam đế cư.”
Xin chia xẻ một bài thơ mà Song Hương đã làm cho con gái (Nam Hương - Haley), khi cháu cùng Mẹ đi biểu tình vào một ngày tháng Tư, lúc cháu mới chỉ có 3, 4 tuổi .... Mà hình như không chỉ thế, Nam Hương đã từng cùng Mẹ đi biểu tình, đi đòi tự do nhân quyền cho đất nước VN từ lúc NH còn nằm trong bụng của Mẹ NH lận.”
Chung Lòng
Ba mươi tháng Tư đưa con lên phố
Môi đỏ, mắt tròn, con hỏi đi đâu ?
Biểu tình ! Mẹ đáp,
Và kể lại từ đầu
Những nỗi đớn đau, gông xiềng trên quê mẹ
Ba mươi tháng Tư không cơn gió nhẹ
Đất Houston nồng nắng cháy anh em
Vẫn vững lòng tin thắp sáng một niềm
Nguyện đoàn kết thề chung lòng quyết tiến
Con trẻ thơ ngây tay cầm tấm biển
Khẩu hiệu hô to bên mẹ một lòng
Hạnh phúc lạ lùng chợt dậy trong tâm
Khi mẹ cùng con theo dòng sóng động
Mẹ dạy con thơ sống đời đáng sống
Chẳng sống nhục hèn phản quốc ngu ngơ
Mẹ nói với con về những ước mơ
Ngày dựng lại cơ đồ đang đổ vỡ
Mẹ mong con suốt đời tâm ghi nhớ
Cây có cội,
Nước có nguồn,
Ta có Tổ Quốc trong ta
Con sống nơi đây,
Một đất nước thái hòa
Nhưng không phải đó là tất cả
Bởi quê ta,
Việt Nam:
Bên kia bờ biển cả
Vẫn lầm than đày đọa kiếp dân lành
Ở bên này màu mây trắng trời xanh
Ở bên nhà chỉ màu tang mây xám
Con trẻ thơ ngây vẫn tay cầm bảng
Với chữ quyết đòi Dân Chủ Tự Do
Ba mươi tháng Tư người người lên phố
Đòi hỏi nhân quyền đất Việt ấm no
Song Hương
Bài thơ của Song Hương viết cho con gái thật là cảm động. Riêng tôi thì đã gởi gấm niềm ước mơ cho hai con từ những ngày hai con còn nhỏ, mong mỏi rằng khi khôn lớn các con sẽ không quên đất nước.
Long Lanh
Mắt mở to con chống cằm tựa gối.
Nằm cạnh bên nghe mẹ kể chuyện xưa.
Chuyện quê hương những trò chơi thủa nhỏ.
Đẹp làm sao hạnh phúc của một thời.
Có những đoạn con bật cười ròn rã.
Chu miệng xinh xin mẹ kể nhiều lần.
“Mẹ, mẹ ơi chuyện Việt Nam vui quá.
Một ngày nào mình về lại đó nha.”
Con của mẹ lớn lên nơi xứ lạ.
Không anh em và cũng chẳng ông bà.
Đêm gặp nhau con thì thầm buồn quá.
Một mình hoài con chẳng có ai chơi.
Con của mẹ chỉ vừa tròn năm tuổi.
Mà ưu tư sao đã thoảng vành môi.
Giận Việt Cộng làm mẹ ba trôi nổi.
Gặp họ đâu con quyết chẳng thèm cười.
Ôm con chặt nghe long lanh đáy mắt.
Một ngày nào mình sẽ trở về quê.
Bỏ lại cả những tiện nghi vật chất.
Nhưng bên nhau mình có được tình người.
Lời Cho Con.
Một lần cưu mang một lần nặng nhọc.
Chín tháng mười ngày gìn giữ lo âu.
Ngày con ra đời mẹ quên mọi đớn đau.
Ôm con chặt mẹ cười rơi nước mắt.
Con của mẹ ôi thiên thần hạnh phúc.
Bàn tay con mềm mại nỗi yêu thương.
Đôi mắt to lay láy hạt tròn.
Bờ môi nhỏ ngoa ngoa tiếng khóc,
Con ra đời trong yêu thương vây bọc.
Bao tiện nghi vật chất cạnh kề bên.
Con ngủ yên trong nôi đẹp chăn êm.
Sung sướng quá tự do nơi xứ lạ,
Con của mẹ con đừng quên con nhé.
Mầu da vàng con là giống Việt Nam.
Nợ núi song tâm trí phải cưu mang.
Mai khôn lớn quyết đáp đền đất nước.
Bước chân đi người sau theo người trước.
Bình giặc thù cho tổ quốc yên vui.
Kiếp phù du sống chỉ một lần thôi.
Sống cho đáng muôn đời sau tiếng vọng.
Con nhoẻn cười mắt môi vươn sức sống.
Da thịt hồng chứa đựng một trời xuân.
Ngón nhỏ thon trong tay mẹ đồng lòng.
Lời hứa nguyện hiến dâng đời sông núi.
Tuệ Vân
Thấm thoắt thế mà từ ngày mất nước đến nay đã bốn mươi ba năm. Người hy sinh không kể. Những người còn sống có người đi phải chống gậy. Hoài bão giải phóng Việt nam không thành. Con trẻ đã lớn. Những người cỡ hai mươi, ba mươi như chúng tôi lúc đó nay đầu đã bạc. Mỗi người một ngả. Tưởng đã quên nhau. Nhưng không, khi viết thư cho Song Hương để xin bài thơ của SH làm cho con, thì ngay lập tức đã có lời thân thương hồi đáp:
“Dạ thưa chị vâng ạ. Em cám ơn chị. Chúc chị nhiều niềm vui, bình an và hạnh phúc nha. Dạo này lu bu và nhiều chuyện quá nên em gần như là người ngoài cuộc đấu tranh của chúng mình. Tuy thế vẫn nhớ tất cả mọi người, vẫn hy vọng có dịp được gặp lại những nét mặt thân thương của những Ch/h Đồng Tâm của chúng ta.”
Dễ thương như thế đó, nhưng hẳn là Song Hương không phải là người độc nhất nhớ tất cả mọi người, trẻ cũng như già của một thời đã say sưa sống với lý tưởng vì nghĩa cả. Trong trái tim tôi, quá khứ, hiện tại, và mãi mãi, vẫn sẽ mãi yêu thương, trân trọng cuộc sống vì dân tộc của những người đã ra đi, đã nằm xuống, và những người đang tiếp nối.
Xin gởi tới những tấm lòng vì nghĩa cả khắp bốn phương trời những cái siết tay thật chặt với niềm tin sẽ có một ngày Quê Hương ta có lại Tự Do.
Tuệ Vân