Ngày 27 tháng 3 năm 2018 đài RFA vừa cho đăng một bài viết nói là không phải quan điểm của mình. Bài viết nhan đề “Tập Cận Bình và lời nguyền 60 năm”, dịch từ một bài trên báo Nikkei Asian Review ký tên KATSUJI NAKAZAWA. Bài viết rất xúc tích viện dẫn các dữ kiện lịch sử Trung quốc cũng như đối chiếu với các sự kiện thực tế trên đường phố Bắc kinh để nói về chuyện đại hội đại biểu đảng toàn quốc TC ngày 11 tháng 3 bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để cho Tập Cận Bình có thể giữ địa vị lãnh đạo suốt đời. Nói khác đi là chỉ trích Tập Cận Bình là độc tài, coi mình như vua. Một dấu chứng khác tác giả bài báo nêu ra là việc TC kiểm duyệt mạng điện tử TQ không cho dùng chữ “Tập đế” tức là vua Tập. Bài viết tương đối ngắn nhưng đọc lý thú vì thấy sự chỉ trích thật là sâu sắc. Và thấy là hợp với lập trường của đài RFA là đề cao tự do dân chủ cho các nước Á châu. Nhưng mà nếu thế thì tại sao đài RFA lại chối không nhận là quan điểm của mình. Câu trả lời chỉ là nhận như thế thì không tiện cho một đài phát thanh được trợ cấp bởi một chính phủ có những trao đổi thương mại kinh tế với Tầu, mà cũng vì để theo đúng cái kỹ thuật tạo ấn tượng cho độc giả là chuyển đi các ý kiến khác nhau, ngay cả đối nghịch, trong tinh thần gọi là tự do và quân bình thông tin. Nhưng chỉ ra cái kỹ thuật tuyên truyền Âu Mỹ này không phải là chủ ý bài viết này. Vấn đề đáng chú ý hơn là những câu hỏi như: việc Tập Cận Bình cai trị suốt đời là có lợi hay có hại cho dân Tầu, có lợi hay có hại cho Mỹ và các nước lân bang. Giới hạn nhiệm kỳ cai trị của một lãnh đạo đất nước có phải là biện pháp toàn hảo để tránh độc tài? Một nhà lãnh đạo lâu dài nhiều năm tự thân có phải là nhân tố làm hỏng một đất nước, làm hại một dân tộc?
Những trả lời tùy thuộc vào góc nhìn của từng người, và cũng tùy theo tiêu chuẩn lượng giá.
Những người một dạ tin tưởng ở sự trung thực truyền thông Âu Mỹ cũng như ghét Tầu thậm tệ và không nghi ngờ gì ở khả năng nhận định sáng suốt khách quan của những chuyên viên, những viện nghiên cứu chính trị ngoại giao Âu Mỹ khẳng định những khó khăn to lớn mọi mặt mà hệ thống cai trị độc tài tham nhũng Trung Cộng phải đối đầu, dĩ nhiên là sẽ vô cùng sảng khoái rung đùi với chuyện Tập đế nắm quyền mà hệ quả là sự sụp đổ không tránh nổi của TC.
Những công ty hay các loại tài phiệt Âu Mỹ mà công việc làm ăn với nước Tầu lãnh đạo bởi Tập Cận Bình mà đang sinh lợi thì tất nhiên là mong Tập sống mãi cai trị mãi. Những dân Tầu mang đang bị Tập trấn áp hay bị thiệt thòi thì không thể thích Tập. Dân các nước nhược tiểu mà chính quyền độc tài được Tâp ủng hộ cũng không thể thích Tập.
Nhưng để cho sự luận giải được khách quan, cần phải nhìn rộng ra trên toàn thế giới và không dưới nhãn quan cá nhân hay nhóm. Thí dụ như lấy trường hợp Putin, và dựa ngay trên các tin tức trên truyền thông Âu Mỹ. Thì có thể thấy được mấy điều sau đây. Thời Boris Yeltsin đổi mới, nước Nga ở trong tình trạng tồi tệ vô cùng nhiều mặt. Putin là một nhân viên an ninh tình báo lên cầm quyền, đã đưa nước Nga vào tình trạng ổn định, lấy lại địa vị cường quốc, được ít nhiều nể vì. Người ta còn nhớ ít nhất có một người là tổng thống Bush con đã nói ra rằng rất thân và hiểu rõ Putin là một người bạn. Sau 18 năm cầm quyền, Putin mới tái thắng cử nhiệm kỳ 6 năm nữa với số phiếu 76%. Có những người chê bai như John McCain nói là bầu cử hình thức. Vì đối lập mà Mỹ cho là thực sự và có khả năng thì bị cấm ứng cử hay bị giết. Nhưng mà đa số truyền thông Âu Mỹ không có nhiều chỉ trích thậm tệ nặng nề như McCain. Và có những câu hỏi như tại sao Putin được giới trẻ Nga yêu thích, cho thấy Putin không phải là người lý tưởng nhưng là người thực tế được một đa số bỏ phiếu. Ngoài ra, từ góc nhìn của một người thù địch với Nga, thấy Nga là một đe dọa cho nước mình, dân mình, thì không thể thích Putin. Thí dụ như trường hợp những người chủ trương theo Âu Mỹ, như Geogia, như Ukraine, thì nếu giết được Putin, hẳn không ngần ngại.
Quay lại với Tập Cận Bình là một đảng viên Cộng sản thuần thành, đã sống qua những thời kỳ gian khổ thanh trừng của đảng. Và cũng là người từng thanh trừng các đồng chí với mình như Bạc Hy Lai vân vân.. khi nắm quyền. Đã bị chê bai ở ngoại quốc là độc tài và đã không thiếu những tiên đoán TQ sụp đổ vì những khó khăn tài chính kinh tế và bất lực, tham nhũng trong hệ thống đảng. Nhưng thực tế là dưới thời Tập Cận Bình, TC đã từ từ củng cố các vị trí biển đảo ở biển Đông, đã làm trở ngại hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình dương TPP tại hội nghị APEC năm 2014, và thay vào đó thì ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu với 60 tỉ đô la khởi động do Tầu xướng xuất được đa số nước dự hội chấp thuận. Cũng Tập Cận Bình đã dám lên tiếng nói về giấc mộng Trung Hoa, xóa cái mặc cảm bị trị và trấn áp bởi Tây phương từ thời Mãn Thanh. Việc nhỏ nhưng có ý nghĩa không nhỏ gần đây là Donald Trump, người được coi là chủ trương Mỹ nhất và kỳ thị, đã cho cháu ngoại hát và ngâm thơ Tầu cho ông và bà Tập Cận Bình nghe. Tập trọn đời lãnh đạo – nghĩa là độc tài – như vậy sẽ chẳng khác gì Putin, nghĩa là làm cho dân Tầu hãnh diện về mình, và bỏ được cái nhục một anh Tầu nhỏ thó đội cái nón lá lúc nào cũng cười hề hề trên điện ảnh Mỹ.
Tuy chỉ trích Tập cận Bình độc tài, tác giả người Nhật Nakazawa, nghĩa là người dân của một nước không có mấy thuận thảo với Tàu, trong đoạn kết đã lịch sự nhẹ nhàng viết rằng chưa biết xấu tốt ra sao cho TQ, ít ra là. trong vòng 5, 10 hay 20 năm sắp tới.
Quay sang Iran, một nước mà Mỹ khẳng định là một nước Hồi giáo độc tài do các tu sĩ Hồi giáo nắm quyền từ sau cuộc lật đổ vua Shah do Mỹ bảo trợ năm 1979, và vì thế bị Mỹ cô lập từ bấy đến nay đã trở thành một nước mà có thể đương cự với Mỹ, ở một chừng mực nào đó, thí dụ như có khả năng khoa học kỹ thuật, về mặt điện toán cũng như hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa được thấy phần nào qua những bằng chứng cụ thể.
Ngược lại nhiều nước Á Phi nhược tiểu có bầu cử được Âu Mỹ kể là tự do nhưng đã thường xuyên trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu và bị lật đổ vì tham nhũng, thối nát, để dành tiền bạc của cải ở các nước Âu Mỹ.
Như thế thì có thể dẫn tới được một suy nghĩ rằng độc tài không nhất thiết là tai hại cho một nước. Dân chủ có sự xác nhận của Tây phương không nhất thiết là tốt đẹp. Vấn đề quan trọng là tùy theo người lãnh đạo ra sao. Và tùy theo dân trí ra sao, muốn bỏ công bỏ sức ra làm bánh thật để ăn hay là muốn ngồi không ăn bánh vẽ người ngoài hứa cho.
Trần Xuân Ninh
(ngày 28 tháng 3/2018)