John Bolton, người vừa được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vụ Cố vấn hội đồng an ninh quốc gia là một nhân vật không xa lạ trong giới chính trị và truyền thông. Từng là bình luận gia chính trị , từng là đại diện Mỹ tại Liên hiệp quốc thời tổng thống Bush con, giữ những chức vụ cao cấp trong bộ ngoại giao cũng như tư pháp, cố vấn về ngoại giao cho ứng viên tổng thống Mitt Romney. Lập trường bảo thủ, thành viên nhiều lò tư tưởng (think tank) bảo thủ, ủng hộ tổ chức võ khi quốc gia (national rifle association), tổ chức chính trị Do Thái The Jewish Institute for National Security of America (JINSA). Bolton theo chủ nghĩa Neo Conservatism -Tân bảo thủ- là tư tưởng chính trị đã hình thành và hướng dẫn chính sách Mỹ từ thập niên 1960, chủ trương cổ võ dân chủ trên thế giới và nếu cần thì lật đổ các chính quyền bằng quân sự. Cũng mở ngoặc nói ở đây rằng chủ nghĩa tân bảo thủ là do một số các trí thức và lý thuyết gia chính trị Do Thái thành lập. Mặc dầu vậy đã có vô số những nhận định về Bolton ở trên truyền thông nhân chuyện Bolton được bổ nhiệm. Đủ mặt đủ kiểu, tích cực có, tiêu cực có. Từ ca tụng là người biết xử dụng khôn khéo các đòn bẩy và mánh khóe quyền lực để thi hành quyết định, đến chê bai cá tính nóng nẩy khó chịu, và khả năng gọi là đấu dao trong chính trị. Mà nôm na là hạ độc thủ kẻ đối đầu chính trị. Người ta cũng đọc thấy lập trường cá nhân của Bolton. Như là chống Hồi giáo, rất cứng rắn với Bắc Hàn và Iran, mà Bolton không ngại đề nghị ném bom, cũng như ra chủ trương đi ra khỏi thỏa hiệp võ khí hạt nhân với Iran ký cùng năm nước Anh Pháp Nga Tầu Đức và ngay cả ném bom nước này. Bolton đã ủng hộ việc mở ra chiến tranh với Iraq mà bậy giờ vẫn còn giữ nguyên lập trường dù rằng cuộc chiến Iraq đã tốn kém tiền bạc rất nhiều cũng như nhân sự cho Mỹ, mà không đi tới đâu. Chưa kể phó sản là làm nẩy sinh lực lượng ISIS quấy đảo Trung Đông và Bắc Phi. Bolton cũng ủng hộ chiến tranh Lybia, Syria. Cũng có bài viết dẫn lời phó tổng thống Biden lúc còn là thượng nghị sĩ trong một cuộc điều trần của Bolton năm 2005 đã khen Bolton là “quá có khả năng”. Thế nhưng cũng không thiếu những bình luận cho rằng chọn Bolton làm cố vấn hội đồng an ninh quốc gia là đưa Mỹ vào con đường chiến tranh, và đúng là sẽ như thế, nếu xét trên quan điểm chính trị theo chủ nghĩa Tân bảo thủ của Bolton. Cũng như căn cứ theo lập trường ủng hộ các cuộc chiến tranh Iraq, Syria, Lybia của Bolton. Bên cạnh đó là có Pompeo thuộc thành phần diều hâu được chọn làm ngoại trưởng. Phơi bầy hết tất cả các mặt con người Bolton ra như vậy trên truyền thông nhưng cũng không thể nào tránh được chuyện Bolton tới ngày là cứ điềm nhiên nhận việc bởi vì chức vụ cố vấn hội đồng an ninh quốc gia không phải thông qua quốc hội phê chuẩn. Tất cả chỉ cần thông qua về mặt an ninh. Mà về điểm này thì chẳng có gì khó khăn, bởi lẽ Bolton đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong chính quyền.
Có câu hỏi rằng một người tài giỏi như vậy, và đã từng ủng hộ Donald Trump từ đầu, và từng là cố vấn cho Trump một thời gian trong cuộc tranh cử mà tại sao lại không được bổ nhiệm vào chức vụ cố vấn hội đồng an ninh quốc gia từ đầu? Mà lại là tướng Michael Flynn rồi sau đó đến tướng McMaster mới ra đi? Và bây giờ Bolton mới lò mò từ từ tiến vào ghế, chính thức là từ ngày 9 tháng 4/2018, qua một thông báo đăng trên twitter của ông Trump: “Tôi sung sướng thông báo rằng kể từ ngày 9 tháng 4/2018 đại sứ John Bolton sẽ là tân cố vấn hội đồng an ninh quốc gia của tôi. Tôi rất cám ơn sự phục vụ của tướng H.R. McMaster là người đã thi hành nổi trội trách vụ và sẽ là bạn của tôi. Sẽ có một buổi bàn giao chính thức ngày 9 tháng 4”.
Có lẽ câu trả lời không khó lắm, nếu xét cung cách dùng người của Trump. Người đầu tiên tích cực ủng hộ Trump và lần đầu tiên giới thiệu Trump là tổng thống tương lai của Mỹ là thống đốc New Jersey Chris Chritie đã không được chức gì sau khi Trump thắng cử chỉ vì Christie ở cương vị công tố trong quá khứ đã là người đưa bố của Jared Kushner tức là thông gia của Trump vào tù vì tội trốn thuế. Mà Kushner là người thân cận vòng trong kể là ruột thịt đã giúp Trump thắng cử. Cho nên không thể nhìn mặt Chris. Bolton đã ủng hộ ông Trump nhưng không phải là người đủ ở vị trí gần gạnh như Flynn, như Stephen Bannon. Chưa kể rằng Bolton về căn bản là một người của cơ chế, mà cơ chế thì như người ta đã biết, chống Trump kịch liệt ngay cả sau khi thắng cử. Cường độ chống đối này đã chỉ giảm đi từ từ, không phải tự nhiên mà vì những trao đổi qua lại giữa hai bên. Do đó Bolton mới được lôi ra, mà tất cả những đặc tính phơi bầy bằng đủ giọng trên truyền thông không phải là nhằm gây phê phán chống đối mà để sửa soạn cho thấy Bolton là người đủ khả năng thi hành cái được gọi là “gut instinct” của Trump tức là bản năng ruột của ông Trump, nghĩa là có thể bạo tợn nhiều người có thể không thích, mà những cộng sự viên của ông Trump cho tới nay không có khả năng thực hiện. Thí dụ về một hành động có thể làm nhiều người không vui là khai trương tòa đại sứ Mỹ mới ở Jerusalem. Cũng trong tinh thần sửa soạn ấn tượng quần chúng này, người ta thấy xuất hiện những bài viết nhân những thay đổi nhân sự Bạch cung mới đây với cái ý cho rằng Trump đã có thể thực hiện những điều ông muốn mà trước kia bị cản vì các cộng sự viên thân cận! Thật không có gì từ trắng đổi thành đen nhanh như thế, đối với những người chưa bị chứng lú lẫn để không nhớ rằng cứ theo như những tường trình ra rả của truyền thông thì các cộng sự của Trump đều thường xuyên hụt hơi để tìm cách giải thích sao cho suôi những ý kiến bất ngờ mà ông chủ đưa ra chứ chẳng có ai mà bảo là có thể phản đối ý kiến ông chủ.
Nhìn dưới một góc cạnh khác, ông John Bolton là một dấu hiệu cho thấy Donald Trump sẽ tiếp tục vững chãi ngồi ở phòng bầu dục, bất kể mọi bàn tán bêu riếu về tác phong tư thái hay là những nghi ngờ quanh những liên lạc với Nga trong quá khứ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 29 tháng 3/2018)