Trong một bài hát nổi tiếng NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI, Cố Nhạc sĩ Anh Bằng mở đầu bằng câu hát:
''Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu.
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan trong mây chiều….”
Mười tám tuổi mới '' vừa biết yêu '' là hơi trễ đấy nhé ! Tôi bắt đầu '' mết '' các người đẹp - phần lớn nhiều tuổi hơn tôi rất nhiều - từ những năm còn học Tiểu Học. Co lẽ trí óc của tôi phát triển về mặt tình cảm đó hơi sớm nên về phương diện học hành, tôi không lấy gì làm khá tuy rằng vẫn lên lớp đều đặn. Đó chỉ thuần là ''tình yêu học trò, một chiều '' mà tôi là ''vai chính'' độc nhứt. Tôi chắc các ''chị'' không mấy bận tâm khi thấy tôi hay lấm lét, trộm nhìn các “chị” với cặp mắt như mất hồn. Lý do là ''tôi còn bé''. Không thấy ''các chị'' trong một khoảng thời gian ngắn là tôi quên ngay các ''chị''. Quả thực:
''Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề''
(Thơ tiền chiến )
Khoảng năm 1950-1951, tôi vừa được 7-8 tuổi, gia đình tôi dọn về Khu Hàng Than ở Thủ Đô Hà Nội, kinh đô ngàn năm văn vật. Chỉ ít lâu sau, tôi khám phá ra Cô ca sĩ Tuyết Minh cư ngụ ở gần nhà tôi. Tuyết Minh là ca sĩ nổi tiếng của Đài Phát Thanh Hà Nội. Cô Tuyết Minh vừa trẻ, vừa đẹp, lại hát hay nữa. Hồi đó chưa có Video, Tape, TV hay các Đại Nhạc Hội… như bây giờ nên các ca sĩ chỉ hát trên đài phát thanh. Hồi thập niên 50, ngoài Tuyết Minh, các nữ ca sĩ nổi tiếng ở Hà Nội có thể đếm được trên đầu ngón tay như các cô Minh Đỗ, Thanh Hằng, Tâm Vấn..... Tôi thực sự ''mê'' cô Tuyết Minh. Tôi hay thơ thẩn gần cửa nhà cô để được nhìn trộm cô khi cô rời nhà để đi làm. Tôi nhớ đến câu hát:
''Một ngày không thấy em,
Là lòng ''tôi'' tan nát.
Cả trời mây u ám,
Thời gian vẫn âm thầm ......''
(Một ngày không có em- Nhật Ngân, Y Vân )
Cô Tuyết Minh và Nam Ca Sĩ Thanh Hiếu có đồng ca một số bài hát trong đó có bài BÌNH MINH CA KHÚC của Nhạc sĩ Võ Đức Thu. Bài hát đã được thâu vào đĩa để thỉnh thoảng được phát thanh lại. Mỗi lần bài đồng ca được phát thanh lại, tôi tắt ngay radio, không thèm nghe. Cứ nghĩ tới cảnh hai người tình tứ đứng ca hát bên nhau, tôi lại điên tiết lên. Tôi ghét Ca Sĩ Thanh Hiếu thậm tệ.
Một ngày kia, tôi được tin Tuyết Minh nghỉ hát ở Đài Phát Thanh Hà Nội, để vào Nam lập gia đình. Khi được biết chồng tương lai của Tuyết Minh là một nhân vật nào đó, không phải là nam Ca Sĩ Thanh Hiếu, tôi mừng vô hạn, như trút đi một gánh nặng trên đôi vai tôi. Tôi nhanh chóng quên Cô Tuyết Minh, người đã một thời ngự trị trong tâm tôi.
Khi tôi di cư vào ở Sàigòn năm 1954, sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến thứ 17, tôi cố ý để ý tìm tông tích của Cô Tuyết Minh qua Đài Phát thanh, qua các tạp chí về văn nghệ nhưng Cô đã hoàn toàn biệt vô âm tín, không trở lại con đường ca hát nữa.
x x
x
Tôi có nhiều kỷ niệm với Vũ Thị Hảo, ở ngay cạnh nhà tôi. Nhà tôi số 57 thì nhà Hảo số 55 cùng đường Nguyễn Trường Tộ. Tên cũ của phố này là Rue de Jambert. Tôi học cùng lớp với Thi, anh của Hảo, tại trường Hàng Than, nên tôi đoán Hảo chỉ nhỏ hơn tôi độ 1-2 tuổi thôi. Hảo rất xinh xắn với cặp mắt bồ câu đen lay láy cùng nụ cười tươi rất có duyên. Hình như Hảo có cảm tình đặc biệt dành cho tôi. Từ ngày có tôi, Hảo tham dự các trò chơi của chúng tôi thường xuyên hơn.Hảo luôn luôn góp mặt trong các trò chơi của chúng tôi như đánh đáo, đánh khăng, đi trốn đi tìm , trèo cây hái sấu , lên Đê Yên Phụ ở bờ sông Hồng Hà để đổ nước, bắt dế ..... hay đi bộ kéo nhau đi dạo ở Đường Cổ Ngư, con đường chạy giữa, một bên là Hồ Tây, một bên là Hồ Trúc Bạch - đường của tình yêu vang bóng một thời đối với nam thanh, nữ tú của Hà Nội..
Tháng 5 năm 1954, Quân Pháp bị đại bại ở Trận Điện Biên Phủ. Quân Đội Việt Minh thừa thắng hành quân về Miền Châu Thổ của Sông Hồng Hà. Hà Nội bị áp lực nặng nề.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hội Nghị Đình Chiến Genève (tên của một thành phố ở nước Thụy Sĩ, Âu Châu) được ký kết. Đất nước bị chia ra làm 2 tại Vĩ Tuyến 17. Miền Bắc sẽ thuộc về Đảng Cộng Sản của Ông Hồ Chí Minh. Người Quốc Gia dắt díu nhau vào sống ở vùng đất của quê hương phía Nam của Vĩ Tuyến 1. Hiệp Định Genève dự trù sau 2 năm sẽ có Tổng Tuyển Cử để thống nhất đất nước.
Gia đình tôi sửa soạn theo đoàn người di cư vào Miền Nam ngay sau khi Hiệp Định Genève được ký kết vào ngày 20/7/1954. Quyết định này bắt nguồn từ những kinh nghiệm với Cộng Sản mà Ông Bố của tôi đã trải qua khi gia đình tôi còn sống trong vùng gọi là ''vùng giải phóng'' ở vùng núi Đông Triều. Ông Bố tôi đã mang ra Chợ Trời Hà Nội để bán đổ bán tháo đi một số đồ đạc của gia đình. Tôi dò hỏi Hảo về dự định di cư vào Nam của gia đình em. Hảo cho biết Bố của Hảo đã quyết định ở lại Hà Nội. Ông nói ông chỉ là 1 tư chức tầm thường, tài sản chả có gì. Vả lại ông chưa bao giờ có hành động chống đối Cách Mạng, chưa hề cầm súng chống lại các chiến sĩ Giải Phóng Quân nên ông tin tưởng các người Bolchevik từ các An Toàn Khu về để tiếp thu Hà Nội, sẽ để ông được yên trong tinh thần Đại Đoàn Kết Dân Tộc mà Cụ Hồ đã hơn một lần hô hào.
Hải cảng Hải Phòng sẽ là chặng đầu của các người Việt muốn vào Nam, để sống dưới chính thể quốc gia. Gia đình tôi sẽ xuống Hải Phòng, chờ tầu của Mỹ đưa vào Nam. Ngày gia đình tôi xếp đồ đạc lên một xe vận tải để đi Hải Phòng, tôi bắt gặm Hảo tựa cửa nhìn chúng tôi sửa soạn rời Hà Nội. Mặt Hảo rầu rầu. Tôi phải an ủi Hảo: '' đây chỉ là cuộc chia ly tạm thời. Hai năm nữa sẽ có Tổng Tuyển Cử, thống nhất đất nước. Mình sẽ gập lại nhau ''.
Chúng tôi bặt tin tức của nhau, nhưng tôi luôn luôn nghĩ tới Hảo và gia đình của em. Tổng Tuyển Cử để thống nhứt đất nước đã không xẩy ra như đã dự trù trong Hiệp Định Genève 1954. Người CS ở Miền Bắc sửa soạn '' xâm lăng, tiến chiếm miền Nam, mà họ gọi là giải phóng miền Nam'' - thực sự họ đã chuẩn bị ''chiếu cố Miền Nam'' ngay từ giây phút họ đặt bút ký Hiệp Định Genève năm 1954, chia đôi đất nước ở Vĩ Tuyến 17. Cộng Sản của Ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đã được lệnh chôn vũ khí để ở lại Miền Nam mai phục và chờ đợi lệnh từ ngoài Bắc ban ra. Lê Duẩn, Tổng Chỉ Huy lực lượng CS nằm vùng ở Miền Nam mà theo ngôn ngữ của Người Cộng Sản là Bí Thư Khu Ủy Miền Nam, trong một phúc trình dưới hình thức một bài tham luận tựa đề ĐỀ CƯƠNG CÁCH MẠNG MIỀN NAM, đã quả quyết ''chỉ có đấu tranh vũ trang mới có thể giải phóng Miền Nam'' Chiến tranh xâm lược của CSVN được chính thức bắt đầu năm 1959 bằng trận đánh vận động chiến mở màn, tấn công căn cứ Trãng Xụp, Tây Ninh.. Rồi chiến tranh càng ngày càng trở lên ác liệt. Miền Bắc bị oanh tạc dữ dội bởi Không Quân của Miền Nam, Không Quân Hoa Kỳ. Trong những năm bom đạn đổ xuống miền Bắc, tôi luôn luôn cầu nguyện cho Hảo, cho gia đình của Hảo được bình an.
Chiến tranh giữa 2 miền Nam Bắc được chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với sự ''toàn thắng (?) ''của CS Miền Bắc. Tôi và gia đình thoát ra khỏi Sàigòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, những ngày cực kỳ mê loạn của quê hương Miền Nam. Chúng tôi được nhận vào định cư ở Gia Nã Đại. Cầm tờ giấy nhập cảnh vào đất nước Gia Nã Đại, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy mấy chữ Vô Tổ Quốc (Apatride ) ghi trên tờ giấy nhập cảnh của tôi.
Bận bịu vì phải ổn định cuộc sống nơi xứ người cũng như phải đi học lại trong vài năm để có thể trở lại nghề xưa, tôi hầu như không có thì giờ để tưởng nhớ đến Hảo - cô bạn gái bé bỏng của tôi của ngày xưa.
Kể từ những năm 90's, người CSVN đã nhận ra những người tỵ nạn ở Hải ngoại là một nguồn lợi to lớn, là các con''bò sữa'' đối với họ, nên họ đổi thái độ, đổi giọng điệu. Bọn ''đĩ điếm, bọn ăn mày đế quốc '' của những năm sau 1975 đã trở thành những ''khúc ruột ngàn dặm''. Họ mở cửa, kêu gọi đồng bào Việt tại Hải ngoại trở về thăm quê nhà. Những mỹ từ như '' quê hương là chùm khế ngọt''.vv... được CSVN ''lải nhải'' mỗi ngày, mỗi giây phút để chiêu dụ những người Việt tỵ nạn Cộng Sản trở về thăm quê hương, mang tiền bạc về quê hương, thực sự là mang tiền về cho chế độ.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi quyết định trở về thăm lại quê xưa, tìm gặp lại Vũ Thị Hảo – cô láng giềng bé nhỏ của những ngày xưa- Tôi hy vọng Hảo vẫn còn cư ngụ ở địa chỉ 55 Phố Nguyễn Trường Tộ và Hảo vẫn còn nhớ tới tôi. Còn phần tôi, tôi không bao giờ quên Hảo:
''Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm không dễ mấy ai quên''
Tôi xuống Phi trường Nội Bài, ở ngay cạnh Hà Nội. Phi trường Gia Lâm cũ kỹ, thành lập từ thời Tây đô hộ đã không còn được xử dụng nữa. Autocar đưa đoàn du lịch về ngụ tại khách sạn mới xây - Khách Sạn Thắng Lợi - ở ngay cạnh Hồ Tây, không xa lăng của Bác (?). Sau 2 ngày, tôi tách ra khỏi đoàn du lịch để tự tìm về khu Hàng Than của tôi ngày nào. Khu này không xa khách sạn nên tôi đi bộ dễ dàng tới Khu phố này. Tôi bồi hồi pha lẫn một nỗi xao xuyến trong lòng khi tìm về căn nhà cũ ở số 57 Phố Nguyễn Trường Tộ, nơi tôi đã ở trước khi di cư vào Nam năm 1954 Toàn khu phố trông rất cũ kỹ, xấu xí như chưa từng nhận được một lớp sơn kể từ năm 1954. Tôi hỏi một bà mới từ nhà cũ của gia đình Hảo bước ra ngoài phố rằng tôi muốn gập cô Hảo, Vũ Thị Hảo. Bà trả lời: '' có Cô Hảo ở đây nhưng cô Hảo đi chợ, chốc nữa mới trở về ''. Tôi thơ thẩn, nhìn lại những căn nhà ''hàng xóm cũ của tôi'' nhà của ông Nghị Tứ ở số 59, nhà ông Cốc ở ngay ngã tư Nguyễn Trường Tộ và Phố Hàng Bún........
Phía bên kia đường, ngay tại góc phố trước khi di cư 1954, là nơi trú ngụ của ''gánh cà phê'' của Bác Năm. Ngay cạnh là chỗ của gánh phở Tráng, lúc nào cũng đông khách. Sau 1954, Phở Tráng di cư vào Đà Lạt để trở thành Cà phê Tùng, rất nổi tiếng ở Đà Lạt, ngay xế cửa Chợ Hòa Bình.
Đang miên man tìm về quá khứ, tôi bỗng nghe gọi:
'' Này ông ơi, Cô Hảo đã về nhà ''
Bà cũng nói tiếp ''với Cô Hảo'': cô Hảo ơi!, có một ông, có lẽ là một Việt Kiều đến tìm cô
Trước mặt tôi là một ''bà già'' người bé nhỏ, tóc bạc, lưng hơi còng. Nhưng vẫn còn đôi mắt bồ câu đen lay láy của thuở nào khiến tôi nhận ra Hảo ngay tức khắc.
Tôi chào Hảo và hỏi em có còn nhận ra tôi hay không sau bao năm xa cách. Suy nghĩ một vài phút như cố moi trong ký ức của em về một quá khứ xa xưa, em chợt nói như reo lên: ''Tuyền đi Sàigòn năm 1954, nhớ ra rồi ! nhớ ra rồi ! ''
Sau vài câu hỏi thăm, Hảo mời tôi bước vào ''dinh cơ của em'' nói chuyện tiếp. Nói là ''dinh cơ'' nhưng thực ra chỉ vẻn vẹn là một căn phòng. Hảo ăn, ở một mình tại đây. Bếp núc cũng như nhà tắm là của chung cho tất cả mọi người sống trong căn nhà cũ của gia đình Hảo. Có tổng cộng 7 gia đình, kể cả ''gia đình'' của Hảo.
Năm 1954, chỉ vài tháng sau khi quân Cách Mạng Việt Minh từ các An Toàn Khu ở Việt Bắc về tiếp thu Hà Nội, tai họa đã giáng xuống gia đình của Hảo. Cha của Hảo, vì là một nhà thầu cung cấp lương thực cho Quân Đội Pháp, đã bị kết án là ''cộng tác với kẻ thù''. Ông bị đi tù, nhà cửa bị tịch thu. Cả gia đình bị đuổi ra khỏi nhà. Các Anh Chị của Hảo phải đi làm thuê, làm mướn để sống qua ngày. Có anh phải đi xa, mãi tận Hòn Gai để đi làm trong các mỏ than. Mẹ Hảo dẫn Hảo và 2 em của Hảo về quê ở Thường Tín, Hà Đông để làm ruộng. Gia đình Hảo tan tác vì ''Cách Mạng'' do Cụ Hồ mang lại cho nhân dân của Miền Bắc. Phải chăng khẩu hiệu ''độc lập, tự do, hạnh phúc'' chỉ là cái bánh vẽ ? Toàn Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng run sợ trước những người Cách Mạng.
Tội nghiệp Hảo ! Công việc mò cua bắt ốc là các công việc hoàn toàn xa lạ đối với Hảo, một cô bé thị thành tuổi vừa hơn 10 tuổi.
Năm 1967, Hảo gá nghĩa cùng một sĩ quan Quân Đội Nhân Dân, hy vọng với vị thế của chồng em, em có thể giúp gia đình em nhiều hơn. Năm 1972, chồng Hảo đi B nghĩa là vào Nam để chiến đấu. Vài tháng sau, em nhận được giấy báo tử: hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Xác không tìm thấy.
Cầm tờ giấy báo tử, Hảo dửng dưng, không khóc. Em đâu còn nước mắt. Cách mạng đã làm em khóc hết nước mắt từ những năm 1954-1955.
Vì là vợ của một tử sĩ, Hảo được chia một phòng (cách mạng gọi là căn hộ) trong căn nhà cũ của gia đình em. Đồng thời em có được việc làm tại một Hợp Tác Xã ở gần nhà. Em sống lủi thủi một mình tại đây từ những năm 70.
Tôi thương cảm Hảo vô cùng. Trước khi từ giã Hảo để về lại khách sạn, tôi dúi vào tay em một ít tiền dollars. Hảo từ chối khiến tôi phải ép mãi. Tôi hứa sẽ giữ liên lạc với Hảo dù ở cách xa Hảo một nửa vòng trái đất.
*
* *
Năm 1961, gia đình tôi dọn về Phú Nhuận, ngay gần Cổng Xe Lửa số 6. Cạnh nhà tôi là nhà của gia đình Quí, Nguyễn Thị Quí. Quí trạc tuổi tôi, đang học năm cuối tại Trường Nữ Trung Học Trưng Vương. Quí hay mặc áo dài trắng, với mái tóc dài xõa ngang vai, tướng đi chậm rải, trông Quí thực quí phái, duyên dáng. Năm 1963, xẩy ra vụ Phật Giáo phản đối Chánh Phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lấy lý do là kỳ thị tôn giáo. Quí là đệ tử của các Thầy ở Chùa Xá Lợi, ngay tại Đường Bà Huyện Thanh Quan, sát Trường Nữ Trung Học Gia Long. Thỉnh thoảng Quí cho tôi những thông tin về cuộc tranh đấu của Phật Giáo chống Chánh Phủ của Đệ Nhứt Cộng Hòa.
Một buổi chiều, Quí đưa cho tôi một bó truyền đơn và dặn tôi chờ tới tối, đi rải ở vài căn phố gần nhà. Tôi chờ tối hẳn mới đi rải truyền đơn. Đến một góc phố, nhìn trước nhìn sau không có người, tôi rải lẹ đống truyền đơn rồi ù té chạy về nhà, trống ngực đập thình thịch vì sợ Cảnh Sát bắt, đánh nhừ đòn. Những lần sau, các truyền đơn do Quí đưa được tôi đốt hết, không đi rải.
Quí biết chuyện tôi không đi rải mà đốt hết truyền đơn do Quí đưa do sự tiết lộ của Chị Tư, người giúp việc gia đình. Quí giận tôi ra mặt, không nói chuyện như xưa nữa cho đến ngày Quí dọn đi nơi khác. Quí không để lại địa chỉ.
Năm 1985, tôi gập lại Quí ở Orange County, California, USA. Nàng đã tay bồng tay mang. Tôi xin lỗi Quí về chuyện tôi đốt truyền đơn do Quí đưa đi rải vì lý do.... quá nhát, sợ bị đòn. Quí cười xòa và kết luận chúng ta đều bị lừa.
Cô Tuyết Minh, Vũ Thị Hảo, Quí .... là những cô láng giềng của tôi hồi tôi còn bé. Những kỷ niệm về các cô láng giềng là những kỷ niệm đẹp, khó phai mờ trong ký ức của tôi. Thực ra trong đời tôi, tôi đã có nhiều cô láng giềng. Nhưng ở mỗi tuổi, tình cả của tôi đối với các cô lại khác đi. Tháng đi, năm qua, thời gian không chờ ta, không đợi ta cũng như sự hiện hữu bên ta của các cô láng giềng làm đời tình cảm của ta thăng hoa nhưng chỉ là những giai đoạn đẹp trong đời ta.
Hỡii các cô láng giềng của tôi ơi !! Tôi không bao giờ quên được những ngày, những tháng bên các cô.
Cô láng giềng ơi ! không biết cô có còn nhớ đến tôi ?
Đôi mắt êm đềm ngày xưa khi cô còn ngây thơ
.................................................................................
(Cô láng giềng, Hoàng Quí)
Nguyễn Lương Tuyền (Montréal, Canada)