Cà phê vào đời, đem theo niềm vui và thi vị cho cuộc sống.
Hương vị cà phê thơm ngon, hóa chất cafeine làm tinh thần hưng phấn, giá cả ly cà phê lại nhẹ nhàng, gần gũi với túi tiền của giới bình dân. Cà phê không nhạt nhẽo như trà, không nồng cay và tác hại như rượu, nên cà phê dễ đi vào lòng đại chúng.
Uống cà phê cũng thay đổi theo thời tiết. Mùa đông tháng giá, nhấp ngụm cà phê nóng, thấy ấm ran cả châu thân. Mùa hè oi bức, hớp ngụm cà phê đá, thấy mát rượi cả tâm hồn. Có người lại chỉ thích uống cà phê đen, không đường, không sữa. Người Việt Nam xưa ưa uống cà phê với sữa đặc có đường. Nước cà phê đen nhánh, quyện vào dòng sữa đặc trắng tinh, trờ nên một màu nâu non, trông thực bắt mắt! Hương cà phê ngậy béo, ngào ngạt đưa vào khứu giác thấm lên tới tận não bộ. Hớp ngụm cà phê trong miệng, một hương vị vừa đắng, vừa ngọt, lại ngậy béo, làm vị giác thăng hoa. Tất cả những cảm giác đó, làm người uống cảm thấy lâng lâng, sảng khoái. Đã uống một ngụm, thì không thể không uống ngụm thứ hai. Đã thưởng thức một ly sáng hôm nay, thì không có lý do gì mà từ chối ly nữa vào sáng mai. Lâu dần, thành thói quen, buổi sáng thiếu ly cà phê, thì cảm thấy bâng khuâng, thương thương, nhớ nhớ.... như thuở mới hẹn hò.
Cà phê có thể uống bất cứ giờ giấc nào trong ngày. Bạn bè gặp gỡ nhau, tay bắt mặt mừng kéo nhau ra quán cà phê ngồi nhâm nhi tâm sự. Đối tác cần bàn thảo hùn hạp, làm ăn, hẹn nhau ở quán cà phê để nhẩn nha thương lượng. Bồ bịch hẹn hò nhau, đâu có nơi nào thanh lịch bằng quán cà phê, môi trường trong sáng, giá cả lại nhẹ nhàng.
Có tâm sự buồn, ngồi cô đơn suy tư bên ly cà phê đắng. Khi tâm hồn thăng hoa, kéo bạn bè ra quán khao một chầu cà phê. Khẩu vị của cà phê cũng biến chuyển theo tâm tư người uống:
Ngày xưa trong quán nhỏ
Đời không có mùa đông
Trên môi cà phê ngọt
Trong mắt, giọt tình nồng
Hôm nay trong quán lạ
Hai đứa ngồi nhìn nhau
Trên môi cà phê đắng
Trong mắt giọt tình sầu (1))
Sáng sớm mùa đông, khi đèn đường chưa tắt hẳn, bạn lái xe tới sở làm. Tới một góc đường, bạn chợt thấy một cửa hàng rực sáng qua làn sương mù mờ ảo. Đó là tiệm Starbucks Coffee, mở cửa từ 5 giờ sáng để phục vụ khách hàng đi làm sớm. Bạn dừng xe, đẩy cửa bước vào. Hương cà phê thơm ngào ngạt cộng thêm làn không khí ấm áp từ máy sưởi, khiến bạn cảm thấy dễ chịu, tinh thần sảng khoái, và phấn chấn hẳn lên. Bạn kiên nhẫn đứng xếp hàng, háo hức chờ đợi ngụm cà phê nóng đầu ngày. Có nhiều người, không thể thiếu ly cà phê buổi sáng ! Không có chất cà phê luân lưu trong huyết quản và kích thích não bộ, họ như không đủ năng lượng để hoạt động hữu hiệu, cũng giống như những động cơ chưa được “charge” pin, thì máy chưa thể khởi động được. Có người gọi đó là hội chứng “ghiền” cà phê.
Một số thương hiệu của Việt Nam, vì mục đích thương mại, đã kết hợp cà phê với đông trùng hạ thảo, tạo nên « cà phê Cleo » tác dụng...tả pí lù, trị bá bệnh “Cà phê Collagen” hỗn hợp của cà phê và Collagen, được quảng cáo là làm tăng nét thanh xuân, chậm sự lão hóa. « Cà phê Passiona” dành riêng cho phái đẹp. Sự kết hợp hai hóa chất cọc cạch, không đồng điệu, thiếu hài hòa, đã làm hạ gía phẩm chất của cà phê theo cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng.
Uống cà phê, không phải chỉ đơn thuần là thưởng thức hương vị của cà phê, mà còn là phương tiện để thư dãn. Buổi sáng cuối tuần, bạn thức dạy trễ, nhẩn nha pha cho mình một ly cà phê, cầm tờ báo ra ngồi ngoài hàng hiên, dưới bóng mát của dàn hoa giấy. Bạn chậm rãi hớp từng ngụm cà phê thơm ngon, đôi mắt lướt trên hàng chữ, tai lơ đãng nghe tiếng cây lá lao xao trong gió. Trong cảnh thiên nhiên u tịch này, bạn cảm thấy tâm hồn thư thái như vào nơi tiên cảnh !
Bạn hãy tới Starbucks Coffee vào bất cứ ngày nào trong tuần, nhâm nhi ly “Freshly brewed coffee”, giá chỉ có $1.95, bạn có thể ngồi cả buổi trời, mà chẳng ai phiền hà gì tới bạn. Bạn cần hoàn tất cái project hoặc ôn bài thi ư ? cứ tự nhiên kiếm một cái bàn ở góc phòng yên tĩnh, đặt ly cà phê và cái laptop lên bàn. Bạn đang hẹn hò ư ? Hãy ngồi độc ẩm tại một bàn ngoài hàng hiên, để đối tượng hẹn hò dễ tìm ra bạn. Bạn cảm thấy cô đơn ư ? chọn một bàn sát bên cửa sổ, vừa thưởng thức cà phê, vừa nhìn ngắm khách qua lại trên hè phố. Bạn đang đói bụng ư ? Hãy nhâm nhi cà phê đen với bánh donuts. Cà phê đắng ăn chung với donuts ngọt là một sự hòa hợp tuyệt hảo !
Họp mặt cuối tuần tại quán cà phê Bolsa, từ lâu, đã trở thành thông lệ của các cụ HO tỵ nạn CS. Xin phép bà xã “đi uống cà phê”, xem ra dễ ăn dễ nói hơn là xin «đi nhậu nhẹt”, vì nó vừa lành mạnh, vừa kiệm ước, lại giúp các cụ giết bớt thì giờ, giải tỏa những ấm ức của các vị ....anh hùng thất thế sa cơ.
Gậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua (2)
Đi uống cà phê, để kể cho nhau nghe những trận đánh oai hùng, những chiến công hiển hách khị xưa, tha hồ tô lục chuốt hồng, mà không sợ ai kiểm chứng. Nhấm nháp ly cà phê, các cụ trở thành những nhà chính trị sa lông, mạnh dạn chỉ trích, phê phán, chê bai các vị lãnh đạo đất nước, mà khi xưa các cụ không dám đụng tói vì e hệ thống quân giai. Từ đề tài quốc nội, các cụ chuyển sang thảo luận chuyện thời sự quốc tế, gay gắt phê bình ông Trump ăn nói ngang ngược, ông Obama có chính sách đối ngoại yếu xìu, phê bình ông Putin hành động lấn lướt, kết tội ông Tập Cận Bình vừa đánh trống vừa la làng.... Đến buổi trưa, đề tài đã cạn, các cụ lật đật chia tay, về nhà lái xe đưa bà xã đi chợ.
Với sự phát triển cao độ của cà phê, kéo theo số đệ tử ngày một gia tăng, giới thương mại đã có nhiều sáng kiến độc đáo để khai thác lợi nhuận. Ở Đức, nhiều quán cà phê đã dùng những trái tuyết lê mũm mĩm bằng cao su để đựng sữa. Khách hàng tự phục vụ bằng cách ...nắn bóp sữa vào ly cà phê. Ở Việt Nam, đã có những quán “Cà phê ôm,” lấy ôm làm chính và cà phê chỉ là phụ đề... lẻ tẻ. “Cà phê nằm”, cho khách được thoải mái vừa uống cà phê vừa nằm đọc sách, nghe nhạc, hay đánh một giấc trước khi về nhà.
Tiếc thay cho Thi sĩ Tú Xương (1870- 1907), chỉ sống được có 37 năm, nên khi sinh thời, ông chỉ biết được có trà và rượu, chưa bao giờ được nếm hương vị thơm ngon của cà phê.
Một trà, một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà (3)
Phải chi ông sống lâu hơn, được nếm thử cà phê, thì biết đâu, ông chẳng đổi ý, chừa cả 3 cái lăng nhăng, chỉ giữ lại cà phê. Có người lại góp ý: “ Dại gì mà chừa ! Cứ giữ cả 4, thứ nào tới tay thì hưởng. Cuộc đời vốn đã ngắn ngủi “giàu sang chưa chín một nồi kê”, lại buồn nhiều hơn vui, thì tội gì không tận hưởng ?”
Cho dù ý kiến như thế nào, thì cũng xin cám ơn sự hiện diện của cà phê trong cuộc đời này ! Cà phê đã làm phong phú thêm cho danh sách ẩm thực, lại thích hợp cho mọi hoạt cảnh buồn, vui, sướng, khổ của cuộc đời. Cà phê cần thiết trong cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông của tuần hòan vũ trụ. Cà phê không những đi sâu vào tâm hồn và trái tim người thưởng thức, mà còn là nguồn cảm hứng cho thi nhân và nhạc sĩ viết nên những tác phẩm để đời.
Đan Tâm
12/2018
(1) Thơ “Lòng nào như suối cạn”- Trần Mộng Tú, Nam Lộc phổ nhạc
(2) Thơ “Hổ nhớ Rừng”- Thơ Thế Lữ, 1936
(3) Thơ “Ba Cái lăng nhăng” - Trần Tế Xương