Ngày 1 tháng 12/2018, trong khi tại hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, Tổng Thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đang cùng nhau thảo luận về "đình chiến thương mại 90 ngày", thì an ninh Canada tiến hành việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc, tại phi trường Vancouver, trên đường bà đổi máy bay từ Hồng Kông đi Mexico.
Việc bắt giữ này đã gây chấn động chính trường quốc tế, làm sụt giá thị trường chứng khoán. Bà Mạnh Văn Chu khi bị bắt, đã bị còng cả 2 tay và 2 chân. Trong phiên hỏi cung đầu tiên, bà được bảo vệ bên trong 2 lớp kính chống đạn tại tòa. Tư gia của bà Mạnh Vãn Chu ở Canada đã bị nhà chức trách Canada khám xét. Bà Mạnh vãn Chu có tới 7 thông hành, 3 thông hành Hong Kong, và 4 thông hành Trung Quốc. Tất cả 7 thông hành đều đang hữu hiệu. Nhiều giấy tờ bà mang tên Mỹ, có 2 tên là Cathy Meng và Sabrina Meng.
Tin cho biết Canada đã bắt bà Chu theo yêu cầu của Hoa Kỳ để dẫn độ bà sang Mỹ, xét xử vì 2 tội: vi phạm lệnh trừng phạt Iran, và hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Ngay lập tức, các báo đảng của TQ lên tiếng gay gắt chỉ trích Canada về các hành động: "làm nhục nhân phẩm, vì bà Mạnh không hề vi phạm pháp luật Canada, và sự kiện này làm người TQ phẫn nộ". Nhân Dân nhật báo đe dọa: " TQ không muốn gây chuyện, nhưng không hề sợ va chạm. Bất kể ai cũng không thể xem thường sự tự tin và thực lực của TQ." Hoàn Cầu thời báo cảnh cáo: " Bà Mạnh Vãn Chu vừa được giải phẫu tuyến giáp trạng vào tháng 5 vừa qua, đồng thời đang có tình trạng cao huyết áp, cần được chăm sóc y tế hàng ngày..." Có báo gọi hành động bắt bớ này là "vô lại”, “đáng kinh tởm", và Canada "chỉ là con chó của chủ Mỹ". Trong 2 ngày cuối tuần 8 và 9 tháng 12, thứ trưởng ngoại giao TQ đã triệu tập đại sứ Canada John McCallum, và đại sứ Mỹ Terry Brandstad tại Bắc Kinh, để bày tỏ thái độ giận dữ, và phản đối mạnh mẽ, yêu cầu phải trả tự do lập tức cho người bị câu lưu, nếu không muốn nhận lãnh hậu quả nghiêm trọng..
Huawei là một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất trên thế giới của TQ. Người sáng lập và chủ tịch tập đoàn là ông Nhậm Chính Phi, cha bà Mạnh vãn Chu, người đã từng làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên đảng CS TQ từ năm 1958. Trong thời gian tại ngũ, ông đã được bầu làm đại biểu quân đội, tham dự đại hội đảng toàn quốc. Sau khi rời quân ngũ, ông thành lập công ty Huawei năm 1987. Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn cầu, và doanh thu đạt 47,4 tỷ USD trong nửa năm đầu 2018, và dự kiến sẽ đạt được 92 tỷ USD trong cả năm 2018.
Năm 2005, ông Nhậm Chính Phi được tạp chí Times xếp hạng là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tài sản của ông trị giá 3.2 tỷ USD. Ông đươc báo chí Hong Kong cho là "người thường xuyên ra vào chốn cung đình Bắc Kinh". Ông đã tháp tùng Tập Cận Bình qua thăm Anh quốc năm 2015.
Bà Mạnh Vãn Chu, mang họ mẹ, 46 tuổi, có bằng thạc sĩ đại học công nghệ Hoa Trung tại Vũ Hán. Việc làm đầu tiên năm 1992 là kế toán tại Ngân Hàng Kiến thiết TQ. Một năm sau, bà về làm việc cho Huawei. Bà hiện đang làm phó chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc tài chính của Huawei. Bà là người được dự đoán sẽ kế vị Huawei trong tương lai.
Hoa Kỳ cáo buộc Huawei, từ 2009 tới 2014, đã qua một công ty vỏ bọc tên Skycom ở Hồng Kông để tiến hành các vụ giao dịch với Iran, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mạnh Vãn Chu là người đã tham dự vào các vụ giao dịch này. Bà đã đảm bảo với nhiều ngân hàng rằng Huawei không liên hệ gì với Skycom, nhưng thực chất Skycom với Huawei, là cùng một công ty. Hoa Kỳ đã thu thập đầy đủ bằng chứng, mặc dù Mạnh Vãn Chu đã nói dối rằng Huawei đã bán Skycom từ năm 2009.
Ngày 7 tháng 12, Tòa thượng thẩm Canada được triệu tập để quyết định đơn xin tại ngoại hậu tra của bà Mạnh vãn Chu. Công tố viên Canada là ông John Carsley cho biết lệnh bắt giữ bà Chu đã được đưa ra tại New York ngày 22 tháng 8. Phía Mỹ đã yêu cầu Canada hợp tác, nhưng mãi đến tháng 11, phía Canada mới đồng ý, và ngày 30 tháng 11, nhà đương cục tiểu bang British Culumbia mới phát lệnh bắt giữ. Bà Mạnh vãn Chu dò biết phía Mỹ đang điều tra, nên từ tháng 3 năm 2017, bà đã tránh không tới Mỹ, mặc dầu thời gian trước đó, từ năm 2004 tới 2017, bà đã nhập cảnh vào Mỹ trên 30 lần.
Trước đề nghị xin được đóng 1 triệu đô la Canada (750.000 USD), để được tại ngoại hậu tra của luật sư bà Chu, công tố viên John Carsley cho rằng bà Mạnh Vãn Chu có thể sẽ bỏ trốn vì trong quá khứ đã nhiều lần biểu hiện không trung thực. Cho nên đã xin tòa bác đơn tại ngoại của bà Chu. Sau nhiều cân nhắc, toà đã chấp nhận cho bà Chu tại ngoại với số tiền 7.5 triệu đô la Mỹ và các bất động sản của 5 thân nhân quen biết đồng ý cho thế chấp. Ngoài ra bà phải đeo còng điện tử để cho các cơ quan ninh theo rõi 24/24 giờ, và phải giao nộp các giấy thông hành.
Sự liên hệ mật thiết giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc, đã làm các cơ quan tình báo Âu Mỹ chú ý, và nghi ngờ chính phủ TQ đang thi hành những hoạt động gián điệp thông qua các thiết bị của Huawei. Nhất là theo luật tình báo của TQ, các cơ quan, tổ chức của người TQ, phải ủng hộ, giúp đỡ, và phối hợp với các cơ quan tình báo nhà nước TQ.
Giám đốc tình báo Canada đã nói với hãng CBC rằng: "Huawei đang bị chính phủ TQ giật dây". Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên, vì chính quyền TQ đã rót vốn nhiều tỷ nhân dân tệ để giúp cho Huawei phát triển và khuếch trương khắp tòan cầu. Cựu giám đốc CIA Hoa Kỳ, Michael Hayden khi trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Australian Financial Review đã nói: " Hoa kỳ đã có các bằng chứng về việc Huawei tiếp tay cho chính quyền TQ, thi hành các hoạt động gián điệp." Ông Ben Sasse, Thượng Nghi Sĩ Nebraska nói: " Phía sau một số hành vi xâm lược các nước khác, TQ thường núp bóng dưới các công ty tư nhân, để lén lút thi hành các âm mưu ám muội ..." Báo chí Úc đã đưa tin chính quyền Úc nhận được nhiều báo cáo về việc các điệp viên TQ sử dụng Huawei để xâm nhập vào các mạng điện tử của Úc.
Hiện nay, Hoa Kỳ, Úc, và Tân Tây Lan đều đã cấm xử dụng thiết bị 5G của Huawei. Anh đã tuyên bố loại bỏ các thiết bị của Huawei ra khỏi hạ tầng các mạng 3G, 4G, và mới đây là 5G.
Trong một diễn biến mới nhất, Nhật Bản đã đưa ra lệnh cấm các giới chức chính quyền xử dụng các sản phẩm viễn thông của Huawei và ZTE. Hãng tin Jiji Press của Nhật cũng loan tin chính phủ đã lập kế hoạch sửa đổi các quy định về mua sắm các thiết bị viễn thông nội bộ, để loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE. Ngoài ra, các sản phẩm trong nước, dùng các thiết bị của Huawei và ZTE, cũng bị cấm sử dụng.
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, khiến sự giao dịch giữa Mỹ và TQ đang căng thẳng, lại thêm căng thẳng!
Dù có những ồn ào truyền thông như đã thấy, cả hai phía giới chức thẩm quyền TQ và Hoa kỳ đều tách rời vụ Mạnh Vãn Chu và cuộc điều đình thương mại vì nói rằng không có liên hệ gì với nhau. Nói khác đi là khẳng định rằng mọi trao đổi thương thảo về thương mại giữa hai bên vẫn tiếp diễn đều đặn thông suốt. Mặt khác, ông Bolton cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump nói rằng vấn đề các công ty kỹ thuật như Huawei sẽ là một “vấn đề lớn” hai bên Mỹ và TQ sẽ thảo luận, nhưng không nói rõ là chuyện bà Chu có được nêu ra hay không. Đối với người thường thì khó hiểu là ở chỗ nếu bằng cớ hoạt động gián điệp của Huawei đã biết từ lâu mà tại sao bây giờ mới có biện pháp. Chỉ có thể giải thích là vi chính sách quyết liệt với Iran mà ông Trump đặc biệt tỏ ra muốn thi hành triệt để như Do thái. Thế nhưng ông Trump lại đã tuyên bố sẵn sàng giúp giải quyết chuyện bà Mạnh nếu mà có lợi cho quyền lợi của Mỹ. Khi được hỏi thêm bà Mạnh có được thả ra hay không thì ông đáp rằng sẽ nói chuyện với bộ tư pháp! Khi mà một nhà tự coi là chuyên trị điều đình nói, thì chẳng biết đâu mà mò, nhất là thực tế cho thấy rằng ông từng nói ngược, nói suôi, nói dối không biết ngượng. Nhưng nếu biết rằng bà Mạnh Vãn Chu không phải là một đại tư bản thường mà là một cán bộ cao cấp tránh nhiệm một tập đoàn kỹ nghệ điện tử hạng nhất thế giới của một đối tác giao thương xấp sỉ ngang tầm Hoa kỳ thì khó mà giam tù bà lâu.
Hoàng thế Hiển
12/2008