November 24 at 12:31 AM
Người anh của tôi… Nguyễn đình Cẩm, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt vùng Kansai; “Sơn” trong những nhạc phẩm của 3 anh em lấy tên Huỳnh vi Sơn; ân nhân của những người Việt tị nạn vùng Kansai trong đó có tôi… vừa bất chợt từ giã mọi người.
Không có anh, cũng sẽ không có một Nguyễn Huy của ngày hôm nay, từ một kẻ rong chơi văn nghệ, anh đã dìu dắt tôi thành con người biết yêu nước.
Lúc từ giã để lên Tokyo làm việc, anh nhắn nhủ: -Tôi giao cộng đồng này cho Huy, tôi tin tưởng Huy sẽ thay tôi lèo lái… 10 năm sau, tôi đã phụ anh. Có nói điều gì để ăn năn cũng đã trễ mặc dù anh không trách móc tôi trong những lần gặp ít ỏi sau này.
Anh Cẩm ơi, 20 năm anh em mình từng chia sẻ những khó khăn nhất trong sinh hoạt ở đây, từng thao thức vì một tương lai cho quê nhà. Còn rất nhiều người chung quanh, nhất là Himeji, vẫn nhớ tên anh, con chim đầu đàn của lịch sử hình thành cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam nước Nhật… tôi muốn nói thật nhiều nhưng lệ nhòe, tay run run tìm lại những giòng chữ và bản nhạc của những ngày sống chết bên nhau.
Thanh thản nhé anh.
“Cõi đi về” (trích)
Lão Sơn xuống Osaka, gọi tôi, thằng Vi và thằng em Nhí ra ngoài quán tâm sự. Lão rời thành phố này dễ có trên 20 năm. Cứ vài ba năm, nhân dịp lão đi công tác xuống miệt dưới tụi tôi lại có dịp gặp gỡ bù khú, ôn lại những kỷ niệm xưa.
35 năm trước, lão Sơn chỉ trạc 25 tuổi; lớn hơn tụi tôi chừng vài ba tuổi nhưng đã coi chững chạc lắm rồi; có lẽ thời thế đưa đẩy đã tạo cho lão có cái vẻ của một người lãnh đạo cộng đồng. Lão truyền cho chúng tôi nhiệt huyết ban đầu và cứ như thế một cộng đồng tích cực của người Việt ở vùng miền Nam nước Nhật hình thành. Tuy nhiên sau đó, như một người cầm đuốc thế vận, lão lên miền Đông rồi ra ngoài xứ Phù Tang để tìm những người mới trao đuốc; rất đông người nhận đuốc từ tay lão, có ngọn tàn rụi theo thời gian, có ngọn vẫn ráng lập lòe, có ngọn cháy rực…
Tôi là Huỳnh, cùng thằng Vi với lão, thành cái tên Huỳnh-Vi-Sơn trong lúc tình cờ nghêu ngao sáng tác một bản nhạc phổ thơ Bắc Sơn “Bài Ca Đại Việt”. Từ đó vô hình chung, những sáng tác riêng của tôi hay thằng Vi đều dùng tên này cho tiện.
Năm 83, Hiệp Hội Người Việt tại Nhật mở rộng xuống miền Nam, Lão Sơn cùng chúng tôi chọn cứ điểm là thành phố Himeji, nơi không ít người Việt tị nạn tập trung sống chung quanh trại tị nạn cũ để thành lập làng Đông Tiến. Đây cũng là nơi anh hùng Phùng Tấn Hiệp, học viên khóa 1 trại định cư Himeji đã chọn con đường trở về quê hương sau khi học khóa tiếng Nhật xong, và đã hy sinh cho lý tưởng của mình. Các sinh hoạt của Hiệp Hội Người Việt hàng năm như Hội Xuân, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè, Trung Thu, giao hữu túc cầu, giao lưu Việt-Nhật, v.v… hầu như được tổ chức trên vùng đất này nhờ sự nhiệt tình và đóng góp mọi mặt của người tị nạn. Số người định cư lúc đó vào khoảng 1000 người; mỗi dịp xuân về, qui tụ tới 700 hay 800 người...
(Nghe lại Bài Ca Đại Việt nha anh Cẩm Nguyễn.)