Chuyện thời sự đáng kể nhất trong năm 2018, cho tới nay, đối với những người quan tâm theo rõi tình hình đất nước, có lẽ phải kể là hiện tượng người dân trong nước, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam nổi lên biểu tình đông đảo chống đảng VC thông qua luật đặc khu, dâng nhương Vân Đồn, bắc Vân Phong và Phú Quốc cho Trung Cộng. Đáng kể vì số đông người tham dự, vi kéo dài nhiều ngày, bất chấp lực lượng an ninh đầy rẫy nhưng ở thế thụ động. Có nơi như ở Bình Thuận an ninh còn theo người biểu tình. Nhưng hình ảnh không mấy ai quên có lẽ phải nói là một thanh niên cao lớn tóc húi cao, mặc áo thun ba lỗ mầu đen, lưng đeo ba lô, đi đầu đoàn biểu tình ngày 10 tháng 6 ở Saigon. Anh hăng hái xông lên phía trước, vượt qua rào cản. Bị công an bắt lên xe trần không mui. Anh đứng trên xe làm hiệu vẫy gọi người biểu tình lên theo. Vài người hưởng ứng nhẩy lên. Rất đông người bao vây lấy chiếc xe đẩy qua đẩy lại như muốn xô lật xe. Thanh niên được thả xuống. Rồi tiếp tục tiến lên phía trước qua rào cản. Công an xúm vào đánh anh chẩy máu đầu, kéo lê lên xe mang đi.
Người ta được biết đó là William Nguyễn, sinh trưởng ở Houston Texas, tốt nghiệp đại học Yale Hoa kỳ, đang du học ở Singapore, thì theo cáo trạng của toà án VC, khi nghe tin Sàigon có biểu tình chống luật an ninh mạng và luật đặc khu đã bay về tham dự. William bị giam ở Chí Hoà 41 ngày và sau đó bị trục xuất khỏi VN. Có kẻ đã dè bỉu rằng Will là một thanh niên Mỹ con mới lớn hung hăng, vì không hiểu gì. Có nhiều người khác đã cho anh là người có lòng quan tâm với đất nước.
Hai tháng hơn sau khi về Mỹ, Tina Hà Giang của chương trình BBC tiếng Việt đã phỏng vấn William ngày 19 tháng 11 về tâm tư tình cảm của anh mà Tina gọi là Will Nguyễn để xem là người thế nào, và để biết về sự thay đổi cái nhìn nếu có của anh về quê hương sau kinh nghiệm mới trải.
Đọc bản ghi lại cuộc phỏng vấn, ngay câu trả lời thứ nhất đã cho thấy Will Nguyễn không phải là một thanh niên Mỹ hung hăng mới lớn, mà ít nhất thì là một người biết nói một cách “phải đạo chính trị” (politically correct), nếu không muốn nói là suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi phát biếu. Về điểm này thì Will hơn hẳn tổng thống Hoa kỳ Donald Trump. Will nói về mình và về những người đồng thời, một cách tế nhi, khôn ngoan. Biết cám ơn cha mẹ, cám ơn đồng bào (thuyền nhân). Biết giải thích một cách tự nhiên sự đi đầu đoàn biểu tình và thái độ quyết định vượt qua rào cản cảnh sát của mình, dù đây là những vấn đề Tina không đưa ra trong câu hỏi rất tổng quát.
Về kinh nghiệm trong tù mấy chục ngày, Will Nguyễn có những suy nghĩ kể là sâu sắc và đúng mà nhiều người ở tù nhiều năm không có, khi anh nói rằng “khả năng sống sót được thử thách” là khả năng duy trì sức khoẻ tinh thần và thể chất bằng “sự kiên cường dưới mọi hình thức”.
Khi được hỏi là có thù ghét những người đã bắt giữ mình không, Will đã trả lời là “Tuyệt đối không” có thể làm cho người ta nghĩ rằng đó là thái độ phải đạo chính trị nữa. Nhưng đã ngay đó anh đã giải thích bằng một nhận định triết lý tổng quát là
“Nói chung, cuộc sống quá ngắn để cho chúng ta thù ghét nhau. Tôi tin rằng nhân loại đã phát triển đến giai đoạn con người có thể nhận ra những cảm xúc đen tối của mình và chế ngự chúng bằng lẽ phải, sự đồng cảm và tầm nhìn”.
Về mặt quan điểm tư tưởng Will đã xác định rằng “không thay đổi gì so với trước khi bị giam giữ. Nhưng “nó xác định hộ tôi những gì mình từng cổ động trong thời gian còn học môn Chính Sách Công ở đại học Lee Kuan Yew, rằng, chúng ta, Việt Nam, đang rất cần phải hòa giải và cải cách. Những vết thương của chiến tranh vẫn còn gây nhức nhối - cộng sản, chống cộng, và đại đa số người trong chúng ta mệt mỏi vì phải chọn hoặc bên này hay bên kia.”
Tờ báo Nhân Dân độc nhất được phép đọc trong tù cho anh ta thấy nó “yếu kém về mặt báo chí”, nhưng “đặc biệt đã củng cố thêm cho tôi khao khát được phục vụ người dân Việt Nam. Người ta có thể đọc thấy giữa các dòng chữ là đất nước đang cần nhiều giúp đỡ” Nó cũng cho anh ta một “nhận thức sâu sắc về sự tụt hậu của Việt Nam, về mặt giáo dục, về mặt giao tiếp, và quan trọng nhất là về sự liêm chính của chính phủ”, theo nhu nguyên văn lời anh nói.
Đến đây, căn cứ vào những lời này thì người ta có thể nhận thấy rằng Will chưa thoát ra khỏi não trạng của một sinh viên đi học. Nghĩa là mọi sự căn cứ vào những điều được đọc, và căn cứ vào những lời giảng thuyết của người lớn về đạo đức, cũng như về cách sống của những người giảng bài trong lớp, dầu rằng những người này trong thực tế đời thường chẳng có gì là đạo đức hay tử tế. Vì thế anh đã kết luận dễ dàng là những quan chức VC anh tiếp xúc thời gian bị bắt “không khác gì đa số những người Việt Nam khác, ngoài chuyện làm cái công việc của họ. Anh kể rằng “có điều tra viên ngoài chuyện khác biệt ý thức hệ thì có nhiều tương đồng với anh hơn là khác biệt”.
Will Nguyễn còn nói về nhu cầu hòa hợp hòa giải và đoàn kết, xóa bỏ cái phân biệt “ta với họ”. Anh cho rằng “34 năm chống Cộng ồn ào” ở hải ngoại không ích lợi gì cả, không hiệu quả mà chỉ làm cho chế độ “ Hà Nội bị ám ảnh cùng cực đến thành hoang tưởng về những thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách lật đổ chế độ của họ, và những người duy nhất bị tổn hại là giới bất đồng chính kiến. Họ ngày càng trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp khốc liệt của chính phủ, và kết quả là chính người dân Việt Nam phải nuôi một bộ máy an ninh khổng lồ của nhà nước”. Có nghĩa theo anh là nếu hải ngoại không chống cộng thì những người bất đồng trong nước dễ thở hơn! Và người dân VN no hơn vì nhà nước không phải tiêu phí tiền cho lực lượng an ninh!
Rồi quay sang giải thích rằng “Tâm lý con người là vậy: Càng bị ghét bỏ thì người ta càng trở nên bướng bỉnh. Sự bị ghét bỏ, công kích khiến cho người ta luôn ở vào thế phòng thủ, quá nhạy cảm, và không thể bình tĩnh để có những suy nghĩ hợp lý. Điều này trái ngược với những gì chúng ta muốn khi cố gắng thúc đẩy sự thay đổi. Chính phủ Việt Nam xứng đáng bị lên án cho tình trạng khó nghèo của đất nước, nhưng nếu chúng ta khách quan, người Việt Nam ở nước ngoài cũng phần nào phải chịu trách nhiệm trong việc duy trì tình trạng thù địch không mang đến hiệu qủa này.”
Để đi đến kết luận rằng
“Cuối cùng, nếu những người chiến thắng không muốn làm hoà, thì điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta - những người thua trận - biết nắm lấy tư thế thượng phong và đưa bàn tay của mình ra trước.
Sự lệch lạc trong lý luận và đơn giản trong suy nghĩa này của Will Nguyễn có thể cho rằng là do cái não trạng suy nghĩ học trò như trên đã nói, và do đó có thể nghe qua rồi bỏ, đối với những người có kinh nghiệm sống ở đời. Tuy nhiên, khi đọc những phát biểu của Will trong toàn bộ cuộc phỏng vấn thì người ta thấy lời lẽ và ngôn từ dùng rất chững chạc và chuẩn xác như là một bài viết có suy nghĩ kỹ lưỡng, với những dẫn chứng xa gần đủ mặt, phản ảnh một hiểu biết sâu rộng bởi một người trưởng thành dưới chế độ trong nước. Nói khác đi nếu những câu hỏi đơn giản của Tina Hà Giang không được gửi cho Will Nguyễn trước để có thì giờ soạn sẵn với những lập trường có sẳn mà đọc ra khi đến giờ phát thanh thì khó có thể có phát biểu rành mạch, không có chữ thừa chữ thiếu, ngay cả đối với một nhà chính trị hùng biện lão làng.
Tóm tắt thì đây là một bài đẩy mạnh quan điểm hòa hợp hòa giải bắt tay với chế độ là phía thắng, mà trách nhiệm là ở phía người thua!
Hãy coi chừng những ngụy luận tương tự sẽ còn tiếp tục xuất hiện dưới chiêu bài vì quốc gia dân tộc.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 30 tháng 11/2018)