Chuyến đi sang Paris dự kỷ niệm 100 năm ngày 11 tháng 11 năm 1918 chấm dứt cuộc đại chiến thế giới thứ nhất không tạo nhiều vui vẻ cho tổng thống Hoa kỳ, ông Donald Trump. Mà cũng không đẹm lại hứng thú gì cho các nhà lãnh đạo Âu châu. Có người bảo rằng là tại cái con người ông Trump vốn cục cằn thô lỗ như thế. Nhưng có người lại cho rằng là tại vì bà thủ tướng Anh Theresa May đã khôn khéo nhưng không may. Số là vì trong khi ông Trump bay sang Âu châu trên chiếc Air Force One thì bà May đã điện thoại chúc mừng ông thắng to trong cuộc bầu cử giữa nhiệm ký, căn cứ theo những khoe khoang mà ông lớn lối. Nhưng người ta biết rằng sự khoe khoang của ông không đúng vì Cộng hòa mất đa số ở hạ viện và tại những thành trì của Cộng hòa thì ứng cử viên theo ông cũng thất bại. Cho nên ông nghiền ngẫm cái thua đó mà bà May lại khen ông thắng cho nên không tránh khỏi làm ông bực bội và đã quay sang quạt bà May không cứng rắn đủ đối với Iran cũng như kế hoạch Brexit của Anh rút ra khỏi giao thượng với Âu châu là không công bình cho các nước Âu châu. Các cộng sự viên biết chuyện đã lắc đầu không tin rằng thái độ ông Trump đã tệ hại như thế.
Báo The Guardian Anh quốc cho cho rằng sự giận dữ của ông Trump đã kéo dài trong suốt thời gian 43 giờ ở Paris và thêm mấy ngày sau đó, căn cứ trên những việc ông làm, những trả lời phỏng vấn và những câu viết trên tweet trong chuyến đi. Ông đã bỏ không đi thăm các địa điểm lịch sử quan trọng cũng như những nghĩa trang các tử sĩ đã hy sinh, là nghi thức dự tính phải có, ở ngoài Paris. Ông đã không hòa nhập với các lãnh đạo Âu châu, trong chương trình sắp xếp vào ngày thứ bấy cuối tuần ở Paris, vì sợ không nổi lên được giữa nhiều nhân vật thế giới. Phát ngôn viên Sarah Sanders Huckabee của ông giải thích muộn rằng vì trời mưa trực thăng không bay được, còn đường bộ thì vì muốn tránh không làm cho dân lái xe hơi bị kẹt đường. Nhưng chiều chủ nhật cũng trời mưa, ông một mình đi thăm nghĩa trang quân nhân Mỹ nhỏ Suresne ở ngoại ô Paris. Người ta thấy ông Trump giữa đám những cây thập tự trắng, với 6 cựu quân nhân thế chiến 2, tuyên bố cuộc thăm này là “cao điểm” của chuyến đi Paris của ông.
Ông đã nhắc lại chuyến tổng thống Pháp Macron đến thăm ông ở Bạch cung trước đây và trao tặng ông một cây nhỏ ở rừng Belleau Wood là nơi thủy quân lục chiến Mỹ đã đánh một trận quyết định, để ghi nhớ tình hữu nghị hai nước trong chiến tranh. Ông nói “Chúng ta đã cùng nhau đánh trận rất hay. Không thể nào đánh trận hay hơn nếu không cùng hợp tác với nhau”.
Cái lối tách rời để chơi trội này đã khơi ra cái khẩu hiệu America first của ông Trump làm cho các lãnh đạo thế giới khác lại gần với nhau, và lạnh nhạt để ông một mình. Tổng thống Pháp Macron, chiều chủ nhật 11/11/23018 trước một cử tọa chừng 70 lãnh đạo thế giới, đã không ngần ngại tấn công ông Trump, tuy không nói thẳng ra tên. Rằng: “Chủ nghĩa ái quốc là ngược hẳn với chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia là phản lại chủ nghĩa ái quốc. Khi đặt quyền lợi của chúng ta trước hết mà không để ý gì đến quyền lợi người khác thì chúng ta xóa hẳn chính cái điều mà một quốc gia coi trọng nhất, cái điều làm cho một quốc gia tồn tại, đó là những giá trị tinh thần của nó”. Phát biểu này đã làm cho Ben Shapiro tốt nghiệp đại học UCLA và trường luật Harvard, một người ủng hộ ông Trump xử dụng sự hiểu biết của mình, dùng ngụy luận bênh vực Trump trong một bài viết nhan đề “Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa ái quốc không phải đối nghịch nhau”. Shapiro lý luận rằng Chủ nghĩa quốc gia, khi mà đối nghịch với chủ nghĩa ái quốc, có thể là kinh khủng. Nó có nghĩa rằng quyền lợi một nước có thể gạt bỏ đi quyền lợi của mọi nước khác, rằng chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân là đáng theo vì lòng yêu nước và yêu người trong nước. Nhưng khi mà kết hợp với lòng yêu nước thì có thể dẫn đầu chống độc tài. Chủ nghĩa quốc gia có thể chống chủ nghĩa quốc tế Cộng sản. Chủ nghĩa quốc gia không chịu cúi mình trước chủ nghĩa đa văn hóa coi mọi văn hóa và thói tục đều có cùng giá trị. Chỉ mấy câu này thôi đủ cho thấy sự ngụy luận và tính kỳ thị của Shapiro. Ngụy luận vì rằng các luận cứ chỉ đúng một nửa, trên lý thuyết. Bởi vì trước hết, về mặt lý thuyết, chủ nghĩa quốc gia kết hợp với chủ nghĩa ái quốc không nhất thiết là dẫn đầu chống độc tài quốc tế, như quốc tế Cộng sản. Bởi vì người ta đã thấy nhiều nước trong thời chiến tranh lạnh vì quyền lợi quốc gia mà đã không chống độc tài quốc tế Cộng sản, hay là hợp tác với quốc tế Cộng sản. Thêm nữa, khi nói chủ nghĩa quốc gia không cúi mình trước chủ nghĩa đa văn hóa, không coi mọi văn hóa thói tục như là có cùng giá trị, thì rõ ràng là kỳ thị và không yêu nước, trong trường hợp Hợp chủng quốc Hoa kỳ là một nước gồm đủ mọi sắc dân trên thế giới. Và sức mạnh của Hoa kỳ là do khả năng khai dụng được những khác biệt văn hóa và thói tục.
Nhìn lại lịch sử thì người ta thấy nước Đức trước thế chiến hai dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc Xã (tên tắt của hai chữ Quốc gia và Xã hội), Hitler đã kết hợp chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa yêu nước, gây ra đại chiến thứ hai chết người hại của vô số kể. Nhìn lại giai đoạn lịch sử này, tính ngụy luận dùng một phần sự thật để lý luận của Shapiro để bênh vực Trump càng lộ rõ. Xét cho triệt để thì chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa yêu nước không có gì nguy hiểm tự thân về mặt lý thuyết. Mối nguy nếu có là do ở cách áp dụng. Khi ông Trump đưa ra khẩu hiệu America first (Mỹ trước hết) thì chỉ là một cách khích động lòng yêu nước Mỹ của người Mỹ và đặc biệt là để tác dụng vào một thiểu số quần chúng thua thiệt, mặc cảm, để lấy phiếu, và những người chủ trương da trắng siêu việt, và những người đầu óc kỳ thị. Đó là cách vận dụng bá đạo. Khi áp dụng ra ngoài, thì đó là cách để thỏa cái ham muốn của một thương lái, xét lại tất cả những giao kèo thỏa hiệp đã ký mà không hài lòng, hay là nhằm những lợi ích riêng tư phe phái. Trong tình hình như thế, rõ ràng là ông Trump đã như tổng thống Pháp nói làm mất cái đặc tinh quan trọng nhất mà một nước cần giữ gìn tôn trọng là những giá trị tinh thần làm cho môt quốc gia tồn tại và mạnh mẽ. Nghĩa là không yêu nước.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 16 tháng 11/2018