IRVINE, California (NV) – Cơ quan Văn Khố Đông Nam Á thuộc đại học UCI vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập vào 6 giờ chiều 16 Tháng Năm, 2017.
Đây là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị về quá trình định cư của những người Đông Nam Á, trong đó có người Việt, tại Orange County, California cũng như trên toàn quốc. Đến đây, người ta có thể tìm thấy rõ hơn sự phát triển của từng cộng đồng, về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa.
Khai mạc chương trình, bà Cathy Schlund-Vials, giáo sư đại học Connecticut, sứ giả của Văn Khố Đông Nam Á, nhắc về những kỷ niệm thuở ấu thơ của chính bà, phải đi qua chiến tranh và những hệ lụy đau buồn. Để không khí không quá trầm mặc, bà mời anh praCH, một ca sĩ nhạc “rap” lên trình diễn một số tác phẩm do chính anh sáng tác.
Anh praCH kể về những gian truân và những nỗi thống khổ của mình cũng như tuổi thơ Cambodia phải lớn lên trong không gian đầy chết chóc rình mò chung quanh bằng nhịp điệu “rap” rộn ràng, nhộn nhịp. Khán giả cảm nhận được nỗi thống khổ, mất mát của thế hệ anh, và nhiều người cảm động.
Trong 30 năm qua, Văn Khố Đông Nam Á đã thu thập được rất nhiều tài liệu và hiện vật do nhiều người đóng góp từ tủ sách gia đình hoặc từ những bộ sưu tập quí giá của nhiều hiệp hội quanh vùng.
Nhiều người cũng nhờ những tài liệu quí hiếm này mà thành công trong những sáng tác của họ.
Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng nói: “Cô Vanessa Vân Ánh Võ đã đến đây thu thập tài liệu để sáng tác phần đàn tranh minh họa cho phim phóng sự Bolinao 52 của đạo diễn Nguyễn Hữu Đức. Phim này nói về một chiếc ghe vượt biên năm 1988. Khi lên đường, họ có 110 người, Sau 37 ngày lênh đênh trên biển cả với đói, khát và chết chóc. Sau cùng, họ đến bến bờ tự do. Bolinao là tên hòn đảo của Philippines, nơi họ đến, và 52 là số người sống sót.”
Chưa hết, một tiểu thuyết gia được giải Pulitzer văn chươg cũng từng đến đây để nghiên cứu, tìm dữ liệu chính xác cho tác phẩm đoạt giải của mình. “Anh Nguyễn Thanh Việt đã dựa vào tài liệu ở đây để hoàn thành cuốn ‘The Sympathizer’ của anh,” cô Thúy nói.
Bà Anne Frank, sáng lập viên của văn khố, nói: “Công đầu phải nói là của ông Phạm Cao Dương. Ông ấy hối thúc tôi phải thành lập một nơi lưu giữ những tài liệu cần thiết về sự bỏ nước ra đi của người Việt Nam. Từ ý này, tôi nghĩ là nên sưu tập cho cả khu vực Đông Nam Á. Tôi không ngờ văn khố phát triển nhanh như vậy và được như hôm nay.”
Một số đông khách tham dự lễ kỷ niệm thuộc giới trẻ. Mỗi người có lý do riêng để đến đây.
Alex Singer, sinh viên kỹ thuật tại UCI, nói: “Tôi muốn hiểu hơn về người Việt Nam. Đa số bạn học của tôi là người Việt và tôi muốn biết vì sao họ được điểm cao nhất lớp.”
Em Nguyễn Thanh An, cư dân Fountain Valley, chia sẻ lý do của mình: “Em biết gia đình em đến đây từ Việt Nam, nhưng cả ba và má đều không nói nhiều về cuộc chiến tranh này. Em đến đây để tìm hiểu về nguồn gốc mình.”
Celine E. Baker, sinh viên UCI, lại có lý do khác. Cô nói: “Vị hôn phu của tôi là anh Minh. Anh ấy hay buồn mỗi khi nói về nước Việt Nam. Tôi muốn biết về đất nước này để hiểu người chồng tương lai của mình hơn. Chúng tôi sẽ làm đám cưới trong hai năm nữa, khi cả hai cùng tốt nghiệp.”