Bốn thập niên sau khi thế giới chiến thứ hai chấm dứt, không còn ai nói tới thắng thua ở những chiến trường Đức với Nhật. Sách kể rằng nước Đức bị tàn phá đến độ phụ nữ Đức chỉ cần cho một điếu thuốc lá, hay một thỏi chocolat là lính Đồng Minh có thể dẫn vào giường.Tại Nhật, vua vốn được coi là con của Thái dương thần nữ, (tương tự như Tầu coi vua là thiên tử, tức con trời) sau khi ký giấy đầu hàng vô điều kiện trên chiến hạm Mỹ ở ngoài khơi Tokyo với tướng McArthur, ngày 2 tháng 9/1945 trong giây phút đã trở thành một bù nhìn, biểu tượng đứng đầu một nước Nhật mà hiến pháp do Mỹ viết ra cấm không được có quân đội. Vì dù thắng trận Mỹ đã bị chấn thương nặng nề bởi tinh thần quân phiệt Nhật. Chẳng bao lâu sau đó, nghĩa là trong vòng một thập niên, người ta chỉ còn nói đến vị trí cường quốc kinh tế của cả Đức lẫn Nhật, đáng học hỏi bắt chước, cho tới nay.
Tại Việt Nam nghèo nàn lạc hậu, với cuộc chiến tùy phía mà được gọi là “giải phóng Việt Nam”, “chống Mỹ cứu nước”, “thống nhất đất nước” hay là “bảo vệ tiền đồn thế giới tự do”, “chống bành trướng cộng sản”, vẫn chưa chấm dứt những bàn tán bình phẩm kéo dài từ 30 tháng 4/1975. Là ngày trên nguyên tắc chính quyền Hà nội chiếm trọn miền Nam.
Quân Mỹ đã hoàn toàn ra khỏi giải đất chữ S từ đó. Nhưng mà với “hội chứng Việt Nam” âm ỉ trong tiềm thức dân Mỹ và chính giới Mỹ, vấn đề thắng thua vẫn còn đâu đó chưa rõ ràng. Cuộc tranh cãi Mỹ có lý do chính đáng hay không, ngay từ đầu, để can dự vào Việt Nam, cũng chưa có phân định phải trái rạch ròi. Cô Nhíp dép râu nón tai bèo trên xe tăng đầu tiên xông vào dinh Độc lập nay đang yên lặng sống trong son phấn tư bản ở quận Cam, chìm trong cộng đồng tị nạn Cộng sản. Không kể vô số lãnh đạo VC khác âm thầm làm chủ nhiều dinh cơ ở đất Mỹ cũng như trong các nước tư bản Tây phương khác, để của cho con cháu và để chờ lúc mất chức dưỡng già.
Vì thế ngày 14 tháng 9/2018 đã có cuộc hội thảo với chủ đề “Nhìn lại Cuộc chiến Việt Nam” tại National Archives Museum Văn khố hồ sơ quốc gia - với 25 nhà trí thức, hoạt động chính trị và cộng đồng Việt, Mỹ, già trẻ mà tóm lại là mọi người đồng ý rằng có nhiều ý kiến khác biệt. Lý do đơn giản là vì tất cả hầu như chỉ nhai lại những điếu viết trong sách vở báo chí thời chiến và cuối cuộc chiến.
Sau đó ít ngày thì trong giới giang hồ điện tử tiếng Việt truyền đi lời giới thiệu cuốn sách Việt Nam: an epic tragedy:1945-1975 (Việt nam thiên anh hùng ca bi thảm 1945-1975) gồm 700 trang của Max Hastings, phát hành ngày 20 tháng 9/2018. Tác giả được tôn xưng là “sử gia hàng đầu của Anh về quân sự, địa chính trị và các vấn đề quốc tế”. Với thành tích là “đã viết 26 cuốn sách về lịch sử quân sự, các cuộc chiến lớn như thế chiến 1 và 2 vân vân. Và là người được phong Huân tước (Lord) năm 2002. Về việc làm thì Hastings đã từng là tổng biên tập của báo Daily Mail (1989-1995) và Evening Standard ở London sau đó. Một số điều trong cuốn sách nghe quen tai và hợp ý người giới thiệu đã được lấy ra đặt tiểu đề cho các đoạn trong bài. Thí dụ: Mỹ 'thua quân sự, thắng văn hóa, kinh tế'; Thiếu tin cậy tư liệu từ Việt Nam; Phương Tây 'hiểu lầm về cuộc chiến; 'Sự tàn nhẫn của miền Bắc'. Những điều này nếu kể là tóm lược cuốn sách 700 trang thì rõ ràng là không đủ mà chỉ là những ý kiến tủn mủn chủ quan, đúng có sai có, trong cuốn sách. Nếu muốn có tóm tắt quân bình thì có lẽ phải dùng lời quảng cáo của nhà xuất bản. Lược trích dẫn như sau
“Việt Nam đã trở thành cuộc tranh chấp hiện đại chia rẽ nhất Tây phương, đẩy tới sự nhục nhã trên chiến trường cho Pháp năm 1954, rồi đến một nhục nhã khác lớn hơn nhiều cho Hiệp chủng quốc Hoa kỳ năm 1975. Max Hastings đã bỏ ra 3 năm qua để phỏng vấn những người trong cuộc ở cả hai phía, cũng như sưu khảo nhiều tài liệu Mỹ và Việt cũng như hồi ức, để kể lại một thiên hùng ca về một cuộc đấu tranh anh hùng….”
“Đây là những thực tế xung đột sống động trong rừng và trong đồng ruộng đã giết hai triệu người VN. Nhiều người coi cuộc chiến như là một thảm kích Mỹ, nhưng Hastings coi đó là một thảm kịch của người Việt Nam, cứ 40 người Việt chết thì có một người Mỹ chết.”
Và “Những sai lầm ngớ ngẩn và những tàn bạo của Mỹ có thể sánh ngang với kẻ thù của họ”
“Người dân VN cả hai miền đã trả giá một cách cay đắng cho sự thắng trận của những người miền Bắc trong thiếu đói và đàn áp”.
“Không có cuốn sách nào trong quá khứ đã có thể kết hợp hài hòa những tình tiết quân sự và chính trị của toàn bộ cuộc tranh chấp với những kinh nghiệm đứng tim cá nhân mà những người đọc Max Hastings biết quá rõ”.
Hai ngày sau khi sách phổ biến, báo The Guardian của Anh ngày 22 tháng 9/2018 có bài nhận định của Jonathan Steele, với nhan đề có tính cách tóm tắt nội dung là “Nhìn lại Việt Nam bởi Max Hastings- một nỗ lực giải tội cho quân đội Mỹ”. Và là “Một quyển sách cho những người lính”. Steele chỉ ra rằng Hastings đã đưa ra nhiều điều để chứng minh rằng lính Mỹ chiến đấu dũng cảm, và nhiều trường hợp quân đội miền Nam vất khí giới bỏ chạy. Hồ chí Minh với các đồng chí hết lòng ra sức đánh đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam…” vân vân, trong khi “những lãnh đạo quốc gia là những người ích kỷ, không có lòng yêu nước.”
Có lẽ vì cái tước hiệu “sir” đứng trước tên Max Hastings, nhiều bài ca tụng cuốn sách viết một cách “bậc thầy” đã nối đuôi nhau xuất hiện trên truyền thông Tây phương. Công bình mà nói, viết được 26 cuốn sách thì phải đọc nhiều lắm, cho nên gọi là “bậc thầy” là không sai, hay “mọt sách” thì cũng đúng. Nhưng những người từng đọc sách và trong giới hàn lâm thì biết rằng viết nhiều không nhất thiết là khám phá gì ghê gớm mà rất có thể chỉ là xàng xê sao tẩm, và suy luận chẻ tóc làm tư. Nhất là trong lãnh vực lịch sử và chính trị, chê khen dễ bị ảnh hưởng của quy luật “yêu nên tốt ghét nên xấu”, nghĩa là tùy theo lập trường bênh hay chống. Trong trường hợp Hastings, người ta biết rằng Hastings sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, lúc 24 tuổi, và làm phóng viện cho đài BBC. Hastings đã đi nhiều chuyến làm phóng sự về các trận đánh. Tháng 4/1975 Hastings lại đến Sàigòn dự tính tưởng trình về đoàn quân chiến thắng CS, nhưng khi ngày 30 tháng 4 thấy đám đông người Việt đứng trước tòa đại sứ Mỹ lo lắng tìm đường chạy trốn thì Hastings đã thú nhận rằng đã hốt hoảng vượt qua đám đông mà trèo được vào tòa đại sứ, nhờ sự giúp đỡ của mấy thủy quân lục chiến Mỹ để bay khỏi Sàigon. Sau khi VC biến thái đổi mới mở cửa ra ngoài, Hastings có đến VN làm phóng sự, và đã có lần bị công an VC hành hung, đánh chẩy máu. Tất cả những chuyện này không ít thì nhiều có ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của Hastings về cuộc chiến Việt nam. Có lẽ vì thế mà trong cuốn sách Hastings đã nói đến “sự tàn ác của VC”, như chặt đầu mổ bụng dân quê vân vân không theo chúng, mà sách vở truyền thông Tây phương thiên tả đã bỏ nhẹ hay lờ đi. Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC tiếng Việt, Hastings đã phán một câu về cuộc chiến VN như sau
“Trong sách, tôi viết cả hai phe đều không xứng đáng chiến thắng. Cả hai phe đều cư xử tệ với nhân dân Việt Nam”.
Hastings không rành tiếng Việt, không biết về hoàn cảnh VN vào cuối thế chiến thứ hai, khi xẩy ra cách mạng tháng 8/1945, và khi quân Anh Pháp đi vào VN. Hastings tới VN năm 1969 khi cuộc chiến VN đến giai đoạn chót, với phong trào phản chiến được thổi mạnh bởi truyền thông Tây phương. Hastings tìm hiểu VN qua sách báo và thực tế bề ngoài khi VC biến thái. Không biết hoàn cảnh khởi đầu của cuộc chiến (vì ra đời cuối năm 1945), không chứng kiến lúc chấm dứt và giai đoạn kế tiếp của một giai đoạn đổi đời lịch sử (vì hoảng sợ bỏ chạy, tháng 4/1975). Chắp vá sách báo mà ngay sau cuộc chiến người ta đã biết rằng thiên lệch không chính xác với những chi tiết ly kỳ của đời thường để mà đi tới phán xét như vậy là không khó đối với một cây bút từng là tổng biên tập một tờ báo lá cải 9 năm (1989-1995), là Daily Mail. Nói cho rõ, chỗ đứng của cuốn sử này là trong một tờ báo lá cải.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 26 tháng 10/2018)