Thời gian gần đây, các cuộc biểu tình tự phát của người dân VN, cứ liên tiếp diễn ra, sau những dự án "Đặc khu", "An ninh mạng", và gần đây nhất là đề án xây dựng "nhà hát giao hưởng" tại Thủ Thiêm. Tình trạng này đã phản ảnh tình gắn bó giữa người dân và chính quyền, như tình trạng của cá và... nước sôi.
Ngày 20 tháng 10, trong buổi họp giữa người dân Thủ Thiêm và chính quyền thành phố về đề án xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm, cô Nguyễn thị Thùy Dương, đại diên cho người dân Thủ Thiêm, đã rút dép, ném thẳng vào mặt bà Chủ tọa Nguyễn thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố HCM, kiêm chủ tịch HĐND thành phố. Bà Nguyễn thị Quyết Tâm, người đã công khai ủng hộ dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch, với tiêu chuẩn quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà hát giao hưởng có 1,700 chỗ ngồi, và kinh phí 1,500 tỷ đồng (khoảng 65 triệu đô la) lấy từ ngân sách quốc gia. Bà Nguyễn thị Quyết Tâm đã khẳng định rằng: "người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát giao hưởng này!"
Vụ "ném dép vào mặt" chủ tọa này, làm người ta nhớ tới vụ bà nguyễn thị Xuân Đào tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, cũng vì bất bình tòa xử vụ nhà cửa không thỏa đáng, đã trùm quần vào đầu chánh án Trương Quốc Dũng ngày 11-9-2013, và ghì kéo đi. Ông Chánh án Dũng, trong lúc bất ngờ, phản ứng không kịp. bị trùm quần vào đầu kéo dài khoảng 30 phút mới gỡ ra được, nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh. Bà Nguyễn thị Xuân Đào khống chế được ông Chánh án, vì bà là một võ sư môn võ cổ truyền dân tộc. Bà Xuân Đào bị khởi tố về tội làm nhục người khác, và lãnh án 4 tháng 15 ngày tù giam. Hai phiên xử đầu, tòa phải hoãn, vì Chánh án Trương Quốc Dũng và nhân chứng đều vắng mặt. Tới phiên thứ ba, cũng chỉ có một mình bà Nguyễn thị Xuân Đào đơn thương độc mã có mặt tại tòa, nhưng tòa cũng xử ...đại. Thế mới biết ngành tư pháp ở XHCN VN bị... trùm quần vào đầu, cũng không có gì là quá đáng!
Việc xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm, cũng có nhiều uẩn khúc. Hơn hai mươi năm trước, để hoàn thành dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền đã hứa hẹn sẽ dành 160 hecta để xây nhà cho những gia đình bị giải tỏa, gồm trên 14.600 gia đình, với hơn 60,000 người đang sinh sống tại đây. Nhưng khi giải tỏa xong, thì nhà nước lại cấp tiền hỗ trợ cho các gia đình bị giải tỏa, để họ mua đất tái định cư tại các vùng khác như Bình Trưng, Cát lái, Thanh Mỹ Lợi, và Nam Rạch Chiếc... Giá tiền được nhà nước đền bù là từ 10.000.000 tới 18.380.000 đồng một mét vuông, nhưng chỉ ít lâu sau, các chủ đầu tư đã bán lại với giá 350 triệu một mét vuông, nên người dân cho là họ bị chính quyền lừa dối để trục lợi. Những gia đình không chấp nhận giải tỏa, được nhà nước dồn vào những căn nhà ổ chuột, để chờ chính quyền giải quyết. Có nhiều người rủ nhau ra tận Hà nội để khiếu kiện, vì họ không tin vào lời hứa hẹn của chính quyền địa phương. Có người uất ức, đã treo cổ tự sát, sau khi nhà cửa bị cưỡng chế. Một số người dắt nhau đi tha phương cầu thực ở khắp nơi...
Sáng ngày 9 tháng 5 năm 2018, những người dân oan mất đất, mất nhà ở Thủ Thiêm đã biểu tình bên ngoài trụ sở HĐND thành phố, để phản đối việc nhà nước cưỡng chế đất của họ, để xây dựng nhà hát giao hưởng. Buổi chiều cùng ngày, trong cuộc họp 7 tiếng đồng hồ giữa người dân Thủ Thiêm và chính quyền, nhiều người đã uất ức gào khóc, nhiều người xỉa ngón tay, hay dứ nắm đấm vào mặt chủ tọa đoàn và hỏi tại sao bao nhiêu năm chờ đợi mà đơn khiếu nại của họ cứ bị kéo dài hứa hẹn, mà không được giải quyết. Nhiều người phẫn uất kết án UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Bà Nguyễn thị Quyết Tâm đã khẳng định: "Chính quyền giải quyết vấn đề lớn, mà cô bác chưa đồng tình, còn khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ảnh, thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm". Lời nói của bà chưa ráo mép, thì 5 tháng sau, bà tuyên bố với báo chí là hoàn toàn ủng hộ dự án xây nhà hát giao hưởng trên miếng đất giải tỏa của người dân Thủ Thiêm. Một chiếc giày ném thẳng vào mặt bà, không phải là quá đáng!
Dự án xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm xôi động, vì những vụ giải tỏa đất đai, đơn khiếu kiện, kéo dài từ 20 năm nay, chưa được chính quyền giải quyết thỏa đáng. Họ đã dùng áp lực, xua đuổi những người chủ nhà, chủ đất, cưỡng chế đất, để nay, lấy chỗ xây nhà hát, phục vụ giải trí cho những người có đẳng cấp, có tiền bạc, là một điều bất công và phi lý. Chính quyền lấy lý do là :"xây nhà hát giao hưởng có mục đích nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố, và hàng triệu du khách mỗi năm..."
Những người phản đối thì chỉ ra rằng, đã có những nhà hát giao hưởng được xây dựng ở VN, như nhà hát hình "kim tự tháp ngược" ở Hà nội, xây dựng cả ngàn tỷ, nhà hát giao hưởng ở huyện Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Yên, mỗi năm chỉ mở cửa chừng 12 lần, vì khả năng trình diễn của giới nghệ sĩ VN có giới hạn, và khả năng thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt Nam cũng chưa đạt tới trình độ.. hàn lâm như ở nhiều quốc gia tân tiến. Trong hiện trạng, những nhu cầu cấp bách về đời sống của người dân còn tồn đọng ngay trước mắt, thì việc xây dựng nhà hát 1,500 tỷ quả là một hình thức xa xỉ, có tính cách phô trương, trình diễn nhiều hơn là lợi ích thực tế. Hiện nay, trong các bệnh viện thành phố, 3, 4 bệnh nhân phải nằm chung một giường, thậm chí có người phải tình nguyện nằm dưới gầm giường, cho thoải mái. Trường học, thì trẻ em phải đóng đủ thứ tiền, tốt nghiệp không có việc làm. Trình độ và khả năng đào tạo yếu kém, nên những người có khả năng đều tìm đường cho con cái ra ngoại quốc du học. Giao thông, thì đường xá đầy ổ gà, cầu xập, trạm thu tiền cứ tăng phí liên miên. Hệ thống cống rãnh không đạt tiêu chuẩn, khi trời mưa lớn, thì cả thành phố ngập lụt, giao thông trì trệ...
Những người lãnh đạo VN, có xu hướng thích thành tích. Mấy năm trước, đã có những trò vô bổ, làm bánh chưng vĩ đại cho 400 người ăn, nấu nồi phở 1000 người ăn, gói cái nem 300 người ăn. Sau đó còn có dự án xây tương HCM cả ngàn tỷ. Nay lại tới xây nhà hát giao hưởng 1,500 tỷ, trong khi học sinh miền núi đi học bằng chân đất, ăn cơm với muối, và dùng bong bóng để qua sông.
Xin các vị lãnh đạo đừng lợi dụng hai chữ "nhân dân", dùng nó như tấm bình phong, để mưu cầu trục lợi cá nhân. Số tiền 1,500 tỷ trong ngân sách quốc gia, là tiền thuế do toàn dân đóng góp, nên dùng số tiền này, để cải thiện đời sống cho người dân. Đừng mượn cớ tô vẽ, tạo ra cảnh phồn vinh giả tạo cho bộ mặt thành phố, để huênh hoang với quốc tế , và nhất là tạo cơ hội ...rút rỉa tiền trong ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, nhiều người còn thắc mắc, không biết các vị lãnh đạo nhà nước có hiểu nghĩa của nhà hát "giao hưởng" là gì không?
Đan Tâm
10/18