Ngày 14 tháng 9/2018 một cuộc hội thảo kéo dài một ngày, đã được tổ chức tại Viện bảo tàng Văn khố quốc gia (National Archives Museum) ở Washington DC với chủ đề “Nhìn lại chiến tranh Việt Nam”. Thuyết trình là 15 nhà chữ nghĩa nghiên cứu hoặc dậy học cũng như nhân vật chính trị Việt Mỹ, còn khán thính giả là chừng 250 người. Phóng viên Hòa Ái đài Á châu Tự do (RFA) ghi lại tổng quát các vấn đề thảo luận như: Miền Bắc đã thắng ra sao? Tại sao Mỹ và miền Nam thua trận? Miền Nam xây dựng VNCH ra sao? Cuộc chiến Việt nam là cuôc chiến bành trướng chủ nghĩa CS hay là một cuộc nội chiến? Làm thế nào để Việt Nam có tự do dân chủ” vân vân… Nhận định về buổi thảo luận của phóng viên Hòa Ái là: diễn giả cùng các khách tham dự đã thảo luận sôi nổi và thẳng thắn. Và đã dẫn lời của một nghiên cứu gia nói với RFA rằng buổi hội là hữu ích vì các quan điểm khác biệt giúp mọi người hiểu nhau hơn. Nói khác đi thì kết luận là “mọi người đồng ý ở chỗ bất đồng ý kiến với nhau”.
Một chuyên gia của Quỹ tặng dữ quốc gia cho các vấn đề Nhân văn (National Endowment for the Humanities - NEH)- bà Victoria Sams, nói với RFA về cảm nhận của bà khi tham dự hội thảo rằng:
“Hôm nay, tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh, qua chia sẻ của những người tham dự hội thảo hôm nay và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam.” Là giám đốc chương trình giáo dục của NEH và là người nghiên cứu so sánh văn học Châu Mỹ La tinh và vùng biển Caribbean, về di cư và bi kịch Anh quốc và Ái nhĩ Lan sau chiến tranh mà nói như vậy thì là thành thật, vì Việt Nam cách Mỹ nửa vòng trái đất và bà lớn lên sau chiến tranh Việt Nam cả gần nửa thế kỷ. Cho nên học hỏi về chiến tranh VN là đúng.
Ông Tạ Trí, thị trưởng Westminster thuộc quận Cam Orange County, lớn lên sau chiến tranh, và là một diễn giả, “khẳng định với RFA rằng ông ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam phát triển”. Ông Trí nói “Tôi nghĩ rằng thế hệ trung niên và trẻ tại hải ngoại phải luôn đồng hành với thế hệ trẻ ở Việt Nam, cũng như đồng hành với hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước. Chúng ta thấy đã 43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của người trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ.”
Rõ ràng là một phát biểu “phải đạo” của một nhân vật chính trị còn muốn đi xa.
Duyệt qua các đề mục thảo luận thì không có điều gì mới lạ đối với người Việt Nam đã trải qua chiến tranh. Sự hữu ích nếu có, là với những người lớp sau, nhưng có tính giới hạn và một chiều. Thực thế những điều nêu ra và những bất đồng trong cuộc hội chỉ là những điều đã được nói trên truyền thông và sách vở Hoa kỳ thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh Việt Nam. Thí dụ như nhắc lại luận điệu Phạm Văn Đồng đối với các bào chữa rằng Hoa kỳ không thua ở VN. Đồng nói là Hà nội đã thắng trên các đường phố ở Hoa kỳ và Âu châu. Và nhắc lại luận điệu của một phái đoàn Hà Nội khi đi họp ở Hawai với một phái đoàn Mỹ năm 1993, lúc Hà nội đang lao đao vì chính sách đổi mới của Gorbachev và cần nịnh nọt Mỹ để mong có sự giúp đỡ. Không ai trong cuộc hội đã vạch ra được rằng Đồng nói là để nhận vơ cái thành tích đã vận dụng được phong trào phản chiến. Bởi vì lúc đó, số những “Việt kiều yêu nước”, mà đa số là sinh viên miền Nam du học, có khả năng tuyên truyền cho chế độ Hà nội lên dân địa phương chỉ đếm trên đấu ngón tay. Còn các nhân viên ngoại giao Cộng sản ở Mỹ thì đi đâu cũng chỉ trong vòng 50 dặm quanh tòa đại sứ, và phải xin phép, nói khác đi không thể nào dễ dàng tuyên truyền cho quần chúng được.
Cho nên thực sự là các phong trào phản chiến đã được xây dựng nên bởi truyền thông mà bây giờ Donald Trump gọi thẳng ra là “truyền thông giòng chính tin giả thất bại, kẻ thù của dân Mỹ”. Và bất chấp mọi phản đối, mọi than phiền, cũng như áp lực thường xuyên kể như hàng ngày của truyền thông, phát ngôn viên Bạch cung Sarah Huckabee Sanders đã không nói ngược lại lời ông Trump.
Tóm tắt, nếu thực sự nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, với những hiểu biết của một người Việt nam sống trong cuộc chiến và chứng kiến sự loe ngoe ở Hoa kỳ cuối thập niên 1960 khởi đầu của những kẻ phản chiến được thổi lên bởi truyền thông, rồi đối chiếu suy nghiệm thì có thể thấy rằng truyền thông đã dựng ra phong trào phản chiến để khoác cho sự rút lui khỏi Việt Nam cái lý do “lòng dân muốn thế”. Nhìn cho thấu đáo thì hiểu đó là quan điểm của giới siêu quyền lực chính trị lúc đó chủ trương hợp tác với Cộng sản tại Việt Nam. Chứng cớ là mặc dầu CSVN hùng hổ khoe khoang thắng Mỹ và miệt thị Mỹ sau tháng 4/1975, Richard Holbrooke, một viên chức ngoại giao trẻ kể là tài giỏi nguyên là một nhân viên phái đoàn Mỹ hòa đàm Paris, đã được cử làm đặc sứ âm thầm sang Hà nội điều đình, sau khi Bắc Việt chiếm được miền Nam, để đi vào chi tiết thiết lập bang giao Mỹ Việt, kèm theo viện trợ Mỹ. Holbrooke đã thất bại vì Lê Duẩn chủ trương thi hành nghĩa vụ quốc tế, đánh Pol Pot ở Cao mên là tay chân của Trung Cộng để bành trướng đế quốc Liên Sô.
Cũng không có gì đáng bàn đến ý kiến “phải tạo ra và nuôi dưỡng các phong trào xã hội phản kháng ôn hòa để bảo vệ các quyền và quyền lợi của người dân, và giới trẻ người Việt trong và ngoài nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi Việt Nam”. Bởi ý kiến này không khác bao nhiêu ý kiến của hội đồng chuột đem chuông đi buộc cổ mèo.
Có một ý kiến kể là chỉ đạo của tiến sĩ Robert Turner, thuộc Trung tâm Luật An ninh Quốc gia, University of Virginia Law School. Ông nói việc nên làm là “giáo dục cho người dân hiểu biết về chính quyền, hiểu biết về quyền lợi của tự do thương mại và các quyền lợi xã hội theo luật pháp và việc làm như thế theo thời gian, người dân Việt Nam sẽ có được tự do dân chủ”. Nhưng câu hỏi là ai giáo dục? Và dậy xong thì ai làm? Và có cần dậy người dân đang bị áp chế, trấn lột thì họ mới hiểu được là họ cần phải phản kháng để bảo vệ quyền lợi của mình hay không? Có cần phải giáo dục thì người dân miền Bắc mới biết thế nào là chuyên chính vô sản. thế nào là kinh tế tập trung, thế nào là tác hại của “ngăn sông cấm chợ”, là quyền lợi của tự do thương mại, để mà khẳng định như ông Turner nói, rằng “theo thời gian” sẽ có tự do dân chủ. Và có cần có ai dậy không thế mà người trong nước đã đổ xô đi học thương mại và kinh tế sau khi có chính sách đổi mới? Trong vô số những giới trẻ hiểu biết về các điều này thì đã có mấy ai đã làm gì và ảnh hưởng thế nào đến tình trạng công an vẫn công nhiên gọi “lên làm việc” những người có ý kiến” về các điều sai trái của chế độ mà mình phải thường trực hứng chịu?
Tóm lại như lời Hòa Ái viết, là cuộc hội thảo có hữu ích, Giúp cho những người không biết về cuõc chiến VN như bà Victoria Sams giám đốc chương trình giáo dục của tổ chức NEH, vì thấy ra rằng “có nhiều điều để học hỏi” về cuộc chiến VN. Giúp cho những người già chữ nghĩa không quên những điều sách vở báo chí Âu Mỹ đã nhiễm vào trong óc họ hồi còn trẻ. Giúp cho những người trẻ thấy rằng cuộc chiến Việt Nam thực sự là phức tạp để nhìn ra nhu cầu tìm hiểu đối chiếu sách vở với thực tế, chứ không phải là nhai lại sách vở như những con mọt sách, nếu muốn đóng góp hữu ích cho đất nước VN.
Trần Xuân Ninh
(ngày 29 tháng 9/2018)