Lời mở đầu:
Kính thưa quý vị và các bạn,
Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 27 tháng 8 năm 1987, ngày tuẫn tiết của các lãnh đạo đoàn quân Đông Tiến thuộc MTQGTNGPVN tại trận Hạ Lào để các anh không rơi vào tay giặc. Sự tuẫn tiết của các anh cũng nằm trong ý nguyện: “Một là giải phóng tổ quốc, hai là hy sinh cho lý tưởng tự do dân chủ cho dân tộc”.
42 năm trôi qua, kể từ khi chiếm được miền Nam và đặt được sự thống trị trên toàn cõi đất nước, bạo quyền cộng sản VN trong nước có thể là vua, nhưng khi bước chân ra hải ngoại thì chỉ là giặc. Sự căm ghét của người Việt hải ngoại đối với lãnh đạo CSVN biến thái không chỉ vì thành tích phi nhân quá khứ chuyên chính vô sản, mà vì cách hành sử hiện tại của họ đối với người dân VN. Cụ thể, lãnh đạo VC vừa độc tài vừa tham nhũng. Họ sang nhượng tài nguyên đất nước để làm giầu cho gia đình, bản thân và phe nhóm trong khi muôn dân lao đao khốn khó, già trẻ không có tương lai. Việt Nam ngày nay, không có chỗ cho tình yêu con người, không có chỗ cho tình yêu đất nước, vì những thứ này là đối nghịch lại nguyên tắc họ đang thực hiện để sát phạt hành tội nhau và trấn áp người dân nhằm độc chiếm quyền lực và quyền lợi. VC biến VN thành một vũng lầy, mà chính bản thân họ cũng chỉ chân trước chân sau tìm cách chuồn ra ngoại quốc sống.
Những người ra đi cách đây 30 năm đã không thành công trong sự nghiệp giải phóng đất nước và đã hy sinh. Nhưng các anh đã đánh thức hùng tâm dân tộc từ ngàn xưa. Và để lại một di sản tinh thần vô giá. Đo là thâm cảm hai chữ tình yêu.
Kính mời quý vị và các bạn cùng theo rõi bài viết “Tản mạn về tình yêu nhân tháng tám" của Tuệ Vân.
--------------------------------
Từ cổ đến kim, tình yêu là một cái gì đó thật lãng đãng, trừu tượng. Nó không thể nhìn thấy, không thể cầm, và thật khó nói ra sao cho trọn vẹn. Nó là một sự đam mê, là một cảm xúc từ trái tim và là sự rung động sâu đậm của trí óc, bất kể đối tượng của tình yêu là gì.
Tôi còn nhớ một truyện ngắn đọc lúc còn nhỏ, thời những năm đầu trung học, truyện Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn. Nội dung diễn biến ra sao tôi không nhớ. Nhưng nhớ một chi tiết, là chàng trai mới lớn mới biết yêu, không biết làm sao, chỉ biết đứng nói một mình ở bờ thang. Người chú khám phá ra mới chọc quê: “Đứng cười một mình thì chó nó cũng biết”. Đối với nhà văn Đỗ Tốn, có lẽ là tác giả chỉ của một tác phẩm, thì tình yêu biểu hiện vắn tắt ra một câu để đời là như vậy.
Với thi sĩ Xuân Diệu trong thời kỳ đầu phát triển thơ mới, thì tình yêu buổi đầu nam nữ đó đã được diễn tả một cách bâng khuâng, lãng mạn như trong bài thơ Vì Sao:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhăt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Trong ca dao tục ngữ dân tộc, tình yêu cũng có thể đi vào lòng người một cách nồng nàn, tha thiết, với sự hy sinh của mẹ, một đời tảo tần xốc vác trong cuộc sống khó khăn, để nuôi con cho khôn lớn có tương lai:
Ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua
Khó qua mẹ dắt con qua
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời …
Tình yêu đất nước trong khi đó, sâu đậm với sự kết hợp của trái tim và khối óc đã khẳng định sự đấu tranh phục vụ cho lý tưởng dân chủ, công bằng bác ái, tự do dân tộc. Tình yêu này không hướng về mình, không cho mình là mấy, nhưng vì một cái gì to rộng hơn, vì nhiều người, xan xẻ cho nhiều người.
Viết cho Tự Do
Viết cho Tự Do không phải viết tự do
Theo rung cảm của nhịp tim dạt dào ngây ngất
Viết cho Tự Do là xây dựng cuộc sống Tự Do
Là tranh đấu giành lại quyền Tự Do đã mất.
KCQ Cao Quỳnh Phụng.
Sự đi vào đam mê trong tình yêu đất nước này là sự tự nguyện tự chọn của con người trong đó với một mục đích vì tha nhân, xã hội, nhưng con người cũng không khỏi có những lúc cảm thấy cô đơn trong nhận thức rằng thời xưa cũng như thời nay “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” trước tình trạng dửng dưng chung, của đám đông bị trói vào cuộc sống trước mắt cần phải vật lộn, chắt chiu từng tí.
Trong quyết tâm bảo vệ tình yêu đất nước đã chọn lựa này, những giòng thơ tự nhủ đã nẩy lên, khi nhìn thấy được ý nghĩa của tất cả những vui buồn mất mát, những cảm xúc hào hùng, dù chỉ là một thoáng ngắn ngủi qua, vì trên tất cả là sự tin tưởng một ngày, cuộc đấu tranh của dân tộc sẽ đi tới đích.
Chính Ca
Ta vẫn đi trên con đường đơn độc
Có chông gai rướm máu
Có tình nghĩa quê hương
Có hạnh phúc và những nỗi buồn
Có những tiếng cười vang hào phóng
Và những ngậm ngùi sau thoáng quay lưng
Ta vẫn đi trên con đường đơn độc
Với lời thề trước linh khí cha ông
Vì quê hương nguy khó chẳng nản lòng
Thanh bình phải trở về cùng dân tộc
Ta vẫn đi trên con đường đơn độc
Nhưng trái tim sao vẫn thấy ấm nồng
Khi nghĩ tới ngày quê hương hội lớn
Mầu cờ vàng rực rỡ khắp non sông
Ta vẫn đi và ta vẫn đi
Sỏi đá kia nào có ngại gì
Sau cuối con đường ta đã thấy
Trời Việt Nam rực ánh bình minh.
Việt Khanh
Tình yêu nam nữ là sự bâng khuâng sao động trong nỗi nhớ thương gắn bỏ trong thế giới riêng hai người. Tình mẫu tử là sự cảm xúc yêu thương, bù trì một chiều từ mẹ xuống cho con với tác động phản hồi tích cực là sự trưởng thành khôn lớn của con. Trong cả hai loại tình yêu này đối tượng đều là cá nhân với sự hỗ tương qua lại. Tình yêu đất nước và dân tộc, trong khi đó, kết quả chỉ thấy rõ ràng khi tới đích. Trong tiến trình đấu tranh miên viễn này, sự chia bùi xẻ ngọt, nhu cầu chung vai gánh vác, khó khăn tùy sức tùy tài mỗi người cùng chí hướng - tức là những đồng chí, những chiến hữu - đã là niềm vui lớn, khiến chưa từng quen nhau mà mới gặp đã thân, chưa từng biết mà chỉ nghe tin mất đã xót. Tình yêu dân tộc và đất nước đã có thể nói: đã là cái Nghiệp cho những con người lãng mạn nhậy cảm, tức là có khả năng rung động - đứng chung trong một môi trường cộng-hưởng là đấu tranh. Để như những giây đàn - tiếng sắt, tiếng vàng, tiếng đục, tiếng trong - cùng hòa tấu. Cái môi trường cộng hưởng này không phải là một cái thùng đàn bình thường, mà là một không gian trải rộng tiếp nhận mọi đóng góp đấu tranh. Vì thế sự thương cảm và thông cảm không chỉ giữa những người ở cùng một nơi một chỗ. Vì thế có người trên đường về mưa ướt giữa đường phố đông đảo xe cộ hải ngoại lại nghĩ đến những người đã ra đi, xa cách cả một trời đại dương không còn hy vọng gặp, đến những mẹ già em nhỏ ở quê nghèo tháng ngày mỏi mắt chờ trông. Tâm sự này được diễn tả trong bài hát “Hạt Mưa tí tách ngủ trên tay,” nhạc và lời Việt Khanh, hòa âm Huỳnh Vi Sơn.
Hạt Mưa Tí Tách Ngủ Trên Tay
Chiều nay hoa nắng ngang lưng đồi. Hàng cây nhẹ lay gió lả lơi. Người đi vun vút xe chạy nối dài. Hạt mưa tí tách ngủ trên tay.
Chiều nay mây xám đem nỗi niềm. Mẹ yêu đàn em nhỏ chờ mong. Người đi xa quá không ngày tháng về. Biển Đông sóng vỗ hận chia ly.
Ôi mùa Xuân Tự Do. Gió heo may. Mùa Xuân về đây. Nhớ thương ai. Việt Nam sầu đau. Kiếp đọa đầy.
Chiều nay riêng bóng trên phố phường. Người qua đường vui rất xôn xao. Nụ hoa tươi thắm khoe hương sắc nồng. Mà ta sao nỗi buồn mênh mông.
Chiều nay sao nỗi thương nhớ về. Hàng tre làng quê. Tiếng hò khoan. Lệ rưng đôi mắt em ngóng chờ. Tự Do đất nước vui đoàn viên.
Hạt mưa tí tách ngủ trên tay. Mà ta sao nỗi buồn mênh mông.
Cái tâm thức chờ mong và hy vọng không đến này không phải là riêng chỉ ngày hôm nay mới có. Người Việt trong suốt giòng lịch sử đã liên tiếp sống trong những hoàn cảnh như vậy. Nó được nhìn thấy qua ngọn núi tượng hình Tô Thị ở Đồng Đăng suốt nhiều thế kỷ nhưng đã bị VC cho phá sập để lấy đá vôi đem bán. Nó được đọc thấy trong các thi phẩm, như Chinh phụ ngâm (giữa thế kỷ thứ 18) của Đặng Trần Côn và Đoàn thị Điểm, như bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm thập niên 1940, và bài hát “Các anh đi” thập niên 1940-1950.
“Các anh đi”do đó đã không chỉ là các anh của thập niên 1940-1950 mà còn là các anh của thập niên 1980 trên đường về Đông Tiến, và tất cả các anh đã ra đi suốt giòng lịch sử dân tộc chống lại giặc nước và bạo quyền ác đảng.
Tống biệt hành (Thơ Thâm Tâm)
Đưa người ta không đưa sang sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng
ly khách ly khách con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
ba năm mẹ già cũng đừng mong
**
Các Anh Đi (Nhạc Văn Phụng)
Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi
Các anh đi, đến bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông
Làng tôi nghèo nho nhỏ ven sông
Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi.
Xin cảm tạ Trời Phật đã cho cái Nghiệp làm một người rung cảm, để mà trong sự hoang mang giao động của mùa thu, thâm cảm được cái tuyệt vời quấn quyện của khói thấp trong lò và mây cao mùa thu,
Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt vời
và thấm thía được ý nghĩa những cuộc ra đi quá khứ và hiện đại để thấy rằng trong cái vô thường của cuộc đời đầy mất mát đổi thay là cái đẹp của ý niệm: ta khác với người nhưng đối đãi với người không khác gì như xử với ta.
Các anh đi... ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Hỡi đoàn người trai trẻ đấu tranh
Các anh đi... ngày ấy đã lâu rồi
Các anh đi... đến bao giờ trở lại !
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông...
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông...
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông...
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông...
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông...
***
Lời cảm tạ
Xin chân thành cám ơn nghệ sĩ Lê Diễm Chi Huệ đã ngâm giúp cho bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu với giọng ngâm rất truyền cảm. Cũng xin cám ơn nữ danh ca Hoàng Oanh đã mau mắn giúp hát cho bài ru con miền Nam điển hình mộc mạc của bà mẹ quê, bài “ví dầu cầu ván đóng đinh…”.
Tuệ Vân
(Ngày 27 tháng 8/2017)