Ngày 2 tháng 9/2017, Robert Ford, nguyên đại sứ Mỹ tại Syria tuyên bố “Syria trong tình trạng hoang tàn đổ nát, nhưng có vẻ như Assad đã thắng cuộc chiến quân sự”. Ông Ford là nhà ngoại giao trong cuộc, đã chứng kiến và tham dự giai đoạn mở đầu cuộc chiến năm 2011. Nhờ sự tiếp tay tích cực nhiều mặt của Anh Mỹ Pháp Do Thái Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập mà vài cuộc biểu tình gọi là bất bạo động đòi tự do dân chủ để chống chế độ Bashar al Assad bị tố là tham nhũng, đã nhanh chóng trở thành cuộc chiến tàn khốc kéo dài tới nay là hơn 7 năm. Dĩ nhiên là ông Ford nhớ những khẳng định lập đi lập lại của các nhà lãnh đạo các đại cường Âu Mỹ trong suốt năm năm đầu cuộc chiến, rằng Assad phải ra đi. Nhưng bây giờ thì ông nói rằng “Tôi không nhìn thấy viễn cảnh nhóm chống đối Syria nào có khả năng bắt Assad phải có những nhượng bộ to lớn trong cuộc hòa đàm Syria”. Tổng thống Trump, người đã từng được ca ngợi là cứng rắn khi phóng 59 hỏa tiển Tomahawk vào một phi trường quân sự Syria trong khi tiếp đãi Tập Cận Bình tháng 4/2017, mới đây tuyên bố rằng công việc của Mỹ ở Syria chỉ là tiêu diệt lực lượng khủng bố ISIS. Và không đả động gì đến Assad ở lại hay ra đi. Cho nên có thể nói rằng tuy cuộc chiến chưa hẳn chấm dứt, nhưng Assad thì sẽ tiếp tục ở lại cho tới khi có một giải pháp chính trị, mà hiện nay thì chưa ai rõ thế nào. Bởi vì tình hình thực là phức tạp. Phe chống đối gồm nhiều nhóm được sự tiếp trợ của các thế lực ngoại quốc khác nhau, có thể có những hành động chống phá Assad, nhưng không nhóm nào có đủ khả năng vượt trội để điều động thống nhất. Vì mỗi nhóm có một mục tiêu chính trị riêng phục vụ cho thế lực đàng sau, mà ngay cả Mỹ cũng không thể khống chế. Tạm kể một thí dụ như nhóm YPG người Kurd Syria là nhóm chống Assad hiệu quả được Mỹ xây dựng và tiếp trợ, nhưng lại bị Thổ nhĩ Kỳ cản trở bành trướng, vì nhóm này có liên hệ với phong trào người Kurdđòi ly khai khỏi Thổ.
Cuộc chiến Syria, rút lại ngày nay đã lộ rõ rằng chỉ là cuộc chiến do các thế lực ngoại quốc gây ra, nhân danh người Syria dưới chiêu bài đấu tranh đòi tự do dân chủ theo cái hướng của những cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập. Người ta còn nhớ cách mạng mùa xuân Ả Rập bắt đầu từ Tunisia, rồi sang Ai Cập, Lybia vân vân từ năm 2010. Chế độ Gaddafi đã bị sụp đổ trong vòng8 tháng vì sự can thiệp của không quân Anh Pháp Mỹ. Tại Syria, tuy Anh Pháp Mỹ đã không có cớ can thiệp vì sự phủ quyết của Nga và Trung quốc, nhưng trước sức mạnh đánh phá từ nhiều phía, chế độ Assad tưởng đã bị sụp đổ vào năm 2015, khi chỉ còn kiểm soát chừng 1/5 diện tích lãnh thổ. Nhưng ngày 30 tháng 9/2015, với lý do là theo lời yêu cầu giúp đỡ của chính phủ Syria là chính phủ được bầu ra hợp pháp, Putin đã cho không quân ào ạt oanh tạc các nhóm chống đối, mà cho tới lúc bấy giờ gọi chung là ISIS, kịp thời cứu nguy Assad. Nhờ thế, thành phố hải cảng Latakia của Syria trênbờ Địa Trung Hải mà Nga có hiệp ước được sử dụng khỏi bị mất. Trong thời gian vài tháng vị trí Assad được củng cố, và sau đó quân chính phủ chiếm lại nhiều vùng trọng yếu, cho tới nay.
Nhìn dưới góc được thua giữa hai phía đối đầu thì như thế, nghĩa là tuy đã bị tan rã từ từ bởi những hoạt động quân sự và bạo lực phá hoại của chiến tranh đặc biệt, Assad đã thắng cuộc chiến quân sự, để sau cùng trụ lại nhờ Nga. Và đứng từ xa mà nhìn như ông Robert Ford thì chỉ vắn tắt hai điều, Là nước Syria hoang tàn đổ nát và Assad còn nguyên. Ông Ford đã không nói đến người dân Syria. Mà con số thương vong tính ra là gần một triệu người. Con số mất nhà mất cửa phiêu dạt tứ tán là 5-6 triệu người. Những ai có điều kiện theo rõi các hệ thống truyền hình thế giới hẳn chưa quên hình ảnh những người Syria chạy sang Âu châu tỵ nạn bị ngăn chặn xua đuổi. Hình ảnh đứa bé 10 tuổi nói trước máy truyền hình, là nó không muốnđi đâu, chỉ xin chấm dứt chiến tranh để về Syria. Và cũng khộng mấy ai quên hình ảnh đứa bé 2 tuổi chết đuối trên tầu tị nạn bị đắm, trôi giạt vào bờ biển, nằm bình yên thanh thản trên bãi cát. Hay là video một nữ phóng viên da trắng Hungary xô ngã người tị nạn chạy qua rào cản vừa được gỡ. Và bây giờ, tại nước Mỹ chính phủ được phép tạm không nhận dân tị nạn từ Syria.
Nhắc lại những chuyện này, chẳng để nói ai phải ai trái ai tốt ai xấu trong chính sách đối với dân tỵ nan Syria. Mà chỉ là để cho thấy tác động thực tế lên người dân của một cuộc đấu tranh gọi là để đòi tự do dân chủ nhân quyền được lãnh đạo các nước giầu có cổ võ, viện trợ.
Sẽ có những cơ quan truyền thông thế giới nhắc nhở rằng “thôi thì hãy nhìn về phía trước”. Và thực tế là thế giới đã nhìn về phía trước rồi. Qua hình ảnh và phóng sự được truyền đi về Hội chợ quốc tế kinh tế và kỹ thuật tổ chức ở thủ đô Syria Damascus tháng 8 vừa qua, sau mấy năm phải ngưng vì chiến tranh với sự tham dự của 23 quốc gia. Suy nghĩ của người dân và tương lai Syria thi đã được chuyên gia Andrew Parasiliti thuộc Trung Tâm nghiên cứu về Hiểm nghèo và An ninh toàn cầu của Cơ quan Hoa kỳ danh tiếng Rand Corporation cho biết rằng là “Ở giai đoạn này có vẻ như không có biện pháp thực tế nào để làm cho Assad ra đi, trừ trường hợp mà có gia tăng chiến tranh mạnh mẽ ghê gớm hay là nhờ cơ may run rủi. Nhiều người dân Syria chỉ mong tiếp nối đời sống của mình”. Chuyên viên cơ quan Mỹ đã nói thì khó có thể khác. Bên cạnh đó thì báo New York Times, tiếng nói của cơ quan siêu quyền lực Mỹ cũng cho rằng tư cách cai trị của Assad có giảm và Assad tuy không thắng nhưng cũng không thua.
Trong cuộc chiến Syria, nhìn về phía trước chỉ có một điều không vui mấy cho các nước có lòng tốt đóng góp cho đấu tranh vì tự do dân chủ và khuyến khích cách mạng mùa Xuân Ả Rập mà không ở phía thắng cuộc, là không hy vọng có phần nào trong cuộc tái thiết Syria, mà theo như lượng giá của ngân hàng Thế giới (World Bank) lên tới 226 tỉ đô la.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 15 tháng 9/2017