Sau khi chấm dứt thế giới đại chiến thứ hai năm 1945, Hoa kỳ đã trở thành siêu cường số một thế giới. Và xứng đáng là như thế, với trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ, với kỹ nghệ phát triển, với tiền và vàng dự trữ to lớn vượt bực, với xã hội yên bình không nước nào sánh được. Giầu nhất thế giới, Mỹ đã đưa ra kế hoạch Marshall viện trợ cho Tây Âu để hồi phục nền kinh tế của những nước này đã lụn bại vì cuộc chiến. Đã làm cho hai nước đồng minh Pháp, Anh kiệt quệ vì chiến tranh trở lại địa vị cường quốc Tây Âu, và là nòng cốt của khối Bắc đại tây dương hiệu quả ngăn chặn bành trướng Sô viết suốt thời chiến tranh lạnh. Trong cương vị một nước thắng trận chiếm đóng Nhật và Đức cho tới ngày nay, chính sách kinh tế và chính trị của Mỹ ở hai nước này đã làm cho cả Nhật và Đức trong vòng một thập niên trở thành hai cường quốc kinh tế, xóa bỏ một cách trọn vẹn chính sách quân phiệt Nhật và phát xít Đức. Nhiều người Nhật cho tới ngày nay còn mang nặng trong đầu chủ trương không tổ chức quân đội của hiến pháp mới do Mỹ đề ra, để tránh cái mặc cảm sợ hồi sinh chế độ quân phiệt. Thủ đô Berlin của Đức ngày nay đã trở thành một thành phố mà sinh hoạt đặc thù linh hoạt, là nhờ số người Do Thái đến định cư lập nghiệp, theo như một số tài liệu viết cho du khách. Đối với các nước thuộc địa cũ, Mỹ đã thành lập “thế giới tự do”, để ngăn chống sự bành trướng Cộng sản, mà tiền đồn ở Á Châu là Miền Nam Việt Nam, và ở Âu châu là thủ đô cũ của Đức là Berlin. Cái chủ trương này chỉ chấm dứt ở thập niên 60, 5 năm sau khi chiến lược sống chung hòa bình được thủ tướng TC Chu Ân Lai đưa ra ở hội nghị Bandung Indonesia và sau khi lãnh đạo điện Kremlin là Krutschev đẩy tới. Trên nền tảng chiến lược mới này, tuy không còn thế giới tự do như lúc ban đầu, nhưng Mỹ vẫn là nước cầm đầu không thể chối cãi của khối tư bản và nhiều nước tiểu nhược Á Phi. Ở thời khoảng này, đã xuất hiện cái đòi hỏi Mỹ ngưng đóng vai trò cảnh sát quốc tế.
Tổng thống Hoa kỳ, người đứng đầu hành pháp, trách nhiệm trực tiếp chính sách Mỹ về mặt nội bộ cũng như ngoại giao, trên nguyên tắc là người toàn quyền quyết định mọi sự. Quyền hành này chỉ bị giới hạn bởi cơ chế tam quyền phân lập, bằng những biện pháp hiến định rõ ràng. Ngoài ra vì sự phát triển đa dạng của nền kinh tế và xã hội Mỹ, vô số các tiếng nói quyền lực khác nhau cũng tạo những áp lực nặng nề đủ loại lên tổng thống để mà dẫn tới những quyết định chấp nhận được, về mặt bổ nhiệm nhân sự cũng như về mặt quyết định chính sách. Do đó bộ tham mưu và chính phủ của tổng thống lập ra không nhất thiết đồng bộ và hoàn toàn thống nhất quan điểm. Thực tế là những tranh cãi và bất đồng khó giải quyết đã xẩy ra. Nhưng chưa bao giờ mà Bạch cung, được mô tả là trong tình trạng rối loạn liên miên như từ khi ông Donald Trump nắm quyền.
Thực vậy, sau khi thắng cử, ban chuyển tiếp quyền hành của ông Trump đã được nói là trong tình trạng loay hoay lúng túng, tranh chấp với nhau và ngay cả với phó tổng thống Pence, và phải thay đổi nhân sự. Sau khi chính thức nhận chức, những điều gọi là “tiết lộ” từ các nguồn kể là thân cận “dấu tên” của tổng thống Trump đã được truyền đi liên tục về các đấu đá, bất đồng giữa những cộng tác viên cao cấp nhất như Reince Priebus, Stephen Bannon, Jared Kushner vân vân, với những khẳng định người này mất chức, người kia bất mãn. Người nghe tin được nhắc đi nhắc lại như vậy cho tới nay, không thể tránh khỏi nghĩ rằng chính phủ Trump trong tình trạng hoàn toàn bị động, chìm ngập trong tình trạng thường xuyên phải phản ứng với các sự kiện sẽ làm tan vỡ tất cả, do thiếu tính toán và do cái lối làm viêc độc đoán của tổng thống Trump, không ai lường trước được. Những điều kể là “sự kiện” này thực ra chỉ là những cáo buộc, những nghi ngờ, người này nói ra, người kia loan đi, mà bằng chứng còn cần phải tìm cho ra và kiểm nghiệm.
Thí dụ như sự kiện Nga len lỏi tính ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dù không có bằng cớ, người ta vẫn có thể tin là có như thế. Vì rằng Nga và Mỹ nếu không là thù địch mà chỉ là đối tác, thì vẫn có thể vừa hợp tác vừa cạnh tranh đối đầu để lấy phần hơn. Trong cái tương quan này thì tìm hiểu các bí mật của nhau chỉ là bình thường, không thể không có. Và Mỹ thì cũng vậy, trong cái tương quan Nga Mỹ thời tổng thống Bush con, là người đã tuyên bố rằng Putin là bạn thiết mà ông hiểu rõ, có chủ trương đổi mới, đã có vô số các cơ quan phi chính phủ (NGO) hoạt động xã hội dân sự ở Nga, để mà gọi là giúp xã hội Nga nhanh chóng phát triển. Nhưng vỡ lẽ ra rằng những tổ chức này đã cung cấp tiền cũng như phương tiện để lũng đoạn cơ chế cai trị Nga, và vì thế Putin và quốc hội Nga đã ra luật quy định rõ ràng những nguyên tắc hoạt động của những cơ quan này. Vô số phải đóng cửa vì không hội đủ điều kiện không đủ tiêu chuẩn hoạt động. Thời ông Obama người ta còn nhớ rằng là điện thoại riêng của bà thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị nghe lén. Tuy bực bội giận dữ, bà Merkel đã bỏ qua để mà tiếp tục bang giao với Mỹ, vì lợi ích chung, dĩ nhiên là với những biện pháp bảo mật gia tăng. Nói như thế để thấy rằng sự tìm tòi các tin tức đủ loại để hiểu rõ đối tác trong trường chính trị không phải là lạ và bất thường, ngay cả giữa đồng minh với nhau.
Nhưng điều bất thường là sự khẳng định nhóm ông Trump âm mưu toan tính với Nga để thắng phe Hillary Clinton, mặc dầu chưa có bằng cớ cụ thể. Sự giao thiệp giữa những cộng tác viên của ông Trump với những nhân vật Nga cũng không phải là bất thường và đủ là yếu tố kết tội. Vì nhiều nhân vật chính trị hay thương mại khác cũng có những liên lạc với đủ loại nhân vật Nga hay Tầu là những nước cựu thù, ít ra là trong vấn đề làm ăn. Tóm lại người ta vẫn còn chờ. Và những bằng cớ chỉ tận tay day tận mặt, bằng âm thanh và hình ảnh ghi lại những nội dung đủ sức nặng kết tội a tòng toa rập, chưa biết là sẽ có hay không. Mà cho dù có thì cũng rất có thể bị gạt đi vì lý do chính trị.
Trở lại với chuyện truyền thông mô tả Bạch cung rối loạn, thì câu hỏi đặt ra là có thực tình trạng rối loạn thường xuyên trong Bạch cung hay không? Đứng từ xa mà xét, và với những sự kiện đã nói trên, sự bất đồng ý kiến không thể là không có. Nhưng bất đồng ý kiến giữa các các cộng sự viên cao cấp không nhất thiết tạo ra rối loạn. Như trường hợp tổng thống Johnson trong chiến tranh Việt nam. Các công tác viên cao cấp nhất của ông bất đồng ý kiến, nhưng ông đủ cương quyết để quyết định tiến hành cuộc chiến VN theo cái hướng mà ông nhìn là tốt nhất cho VN và cho Mỹ lúc đó, mà truyền thông chỉ có thể chống lại bằng cách khích động loan tin phong trào phản chiến. Trong vấn đề các chính sách xã hội, tuy quốc hội nhiều người bất đồng với ông và phát biểu ra rõ ràng như thế, nhưng ông đủ khả năng để bẻ tay hay mua chuộc để các đạo luật xây dựng một xã hội vĩ đại (Great Society) vẫn được thông qua. Hay như trường hợp tổng thống Carter có bất đồng trầm trọng giữa ngoại trường Cyrus Vance và cố vấn hội đồng an ninh Zbigniew Brzezinski, thì đã không có cái gọi là tình trạng “rối loạn Bạch cung” như thường xuyên mô tả bởi truyền thông ngày nay.
Bình tĩnh mà xét, Bạch cung không thể có rối loạn, vì rối loạn thì không thể nào tổ chức được chuyến công dụ ngoại quốc đầu tiên cho ông Trump với chủ đề rõ ràng nặng ý chính trị là “chuyến hành hương về nguồn” (pilgrimage) ba tôn giáo lớn Do Thái Thiên chúa giáo và Hồi giáo, đem lại thành công cho ông Trump. Thành công này là gì?
Không kể đến hình thức hào nháng vương giả tiếp đãi ông Trump ở Saudi Arabia. Chỉ cần nghĩ đến số tiền Saudi Arabia nhận giao nộp cho ông trên 100 tỉ đô la mua võ khí Mỹ và đầu tư vào hạ tầng cơ sở Mỹ. Chỉ cần nghĩ đến lời thủ tướng Netanyahu tuyên bố mới đây khi con rể ông Trump và Jason Greenblatt đặc sứ Mỹ tại Trung Đông sang thăm Do Thái ngày 21 tháng 4 trong 24 giờ, rằng chuyến thăm Do Thái tháng trước của ông Trump là “chuyến thăm lịch sử, với sự nồng ấm đặc biệt, để lại ấn tượng không thể phai trong lòng người dân Do thái”. Và Netanyahu nói với Jared rằng “Đây là cơ hội để theo đuổi mục tiêu chung của chúng ta về an ninh, thịnh vượng và hòa bình, và Jared, tôi vui mừng chào đón ông tới đây trong tinh thần này, tôi hiểu nỗ lực của ông và của tổng thống trong chuyện này và mong mỏi cùng làm việc với ông để đạt tới kết quả chung đó”
Chỉ cần nghĩ đến chuyện cách đây hai tuần, Saudi Arabia, United Emirates, và Bahrain cùng với Ai cập bất chợt đoạn giao với Qatar vì tội ủng hộ khủng bố và thân gần với Iran, rồi tiếp theo mới tuần trước là bộ trưởng quốc phòng Qatar ký kết với bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis giao kèo 12 tỉ đô la mua 16 máy bay F16 của Mỹ. Chỉ cần nghe lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ “không hiểu” được sự chậm trễ của mấy nước này trong chuyện nêu những than phiền của họ về Qatar. Thì thấy ngay rằng sự lộn xộn này sẽ nhanh chóng giải quyết theo yêu cầu của bộ ngoại giao cũng như quốc phòng Mỹ, là các nước này phải giàn xếp bất đồng cho xong.
Nêu vài chuyện ra như vậy chỉ để lưu ý rằng điều đặc biệt hiện nay là truyền thông giòng chính chống đối ông Trump từ đầu và không chấp nhận sự thắng cử của ông, như thường lệ mấy chục năm nay sau các cuộc bẩu tổng thống. Cho nên, các suy đoán hay nghi ngờ được coi là, và trình bầy như dữ kiện và đẩy lệch sang bên. Do đó, người theo rõi phải cẩn thận, đừng chỉ lướt qua những đề tựa để bị dẫn theo những thiên lệch kéo mình xa sự thực.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 22 tháng 6/2017