1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV chào NK. Thời sự VN có một chuyện kể như chưa từng có trước đây trong chế độ VC. Là Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn đã có đơn xin rút khỏi Bộ Chính trị và thôi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Bộ Chính trị- đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu. Theo kết quả cho biết, có 3 phiếu trắng và 15 phiếu chấp thuận đơn của ông Thăng. Thăng được kể như là người thân cận với Nguyễn Tấn Dũng. Sự từ chức của Thăng đã gây nhiều bình luận cho rằng đây là dấu chứng của cuộc đấu đá giữa phe NTD và Nguyễn Phụ Trọng đã kéo dài mấy năm nay. Nói như thế thì có thể không sai, nhưng không chỉ ra sự thực quan trọng là Đinh La Thăng đã làm nhiều điều phạm pháp, hao hụt tiền bạc của quốc gia, ở những cương vị lãnh đạo ông ta giữ. Và đó là tình trạng chung của chế độ VC. Cho nên chuyện Đinh La Thăng mà nói là đấu đá giữa hai nhóm quyền lực VC thì không sai nhưng nếu chỉ chú trọng vào đó không thì làm mờ đi cái tội của Thăng làm nhiều điều phạm pháp, thiệt hại tiền bạc vô số cho đất nước. Cũng tương tự như trường hợp Nguyễn tấn Dũng, Trịnh Xuân Thanh vân vân.. Điều cần nói là tất cả các thành phần VC đều phải đi, vì cánh Nguyễn phú Trọng hay cánh Nguyễn Tấn Dũng thì cũng đều nhũng lạm buôn dân bán nước như nhau. Thời sự Mỹ thì vẫn sôi động hấp dẫn. Một là chuyện giám đốc FBI, ông Comeyđã ra điều trần trước ủy ban tình báo hạ viện. Ông đã giải thích rõ ràng lý do ông thông báo cho quốc hội lúc cận ngày bầu tổng thống, rằng FBI mở lại cuộc điều tra về sự xử dụng email cá nhân của bà Clinton chỉ vì nhận được những tài liệu của bà Clinton trong một chuyện điều tra khác, là nghiêm chỉnh, không vi phạm nguyên tắc làm việc của cơ quan này, và không vì lý do chính trị để làm bà Clinton thất cử. Ông cũng nói thẳng rằng nghe lời đổ lỗi thất cử mới đây của bà Clinton cho FBI ông thấy “hơi buồn nôn”. Hai là chuyện tổng thống Donald Trump khen Kim chính Ân chủ tịch Bắc Hàn là rất khôn ngoan và sẵn sàng và hân hạnh nói chuyện với Kim. Tuyên bố này là đề tài bàn tán cho nhiều nhà truyền thông giòng chính bên cạnh chuyện Trump điện thoại thân mật với Duterte tổng thống Phi luật tân là người ăn nói cũng chẳng khác Trump là mấy. Bên Pháp thì cuộc bầu cử tổng thống phải tổ chức vòng thứ hai bầu lại vì người thắng là ông Emmanuel Macron đã không đạt đủ túc số để loại đối thủ là bà Marine Le Pen. Trong cuộc tranh luận độc nhất trước truyền hình, cả hai đã tiếp tục tấn công nhau vừa trên chủ trương quan điểm, vừa vào cá nhân. Bà Marine thì quan điểm gần với Donald Trump, nghĩa là quay về thủ cựu lo cho dân Pháp trước. Ông Emmanuel thì theo chủ trương mà bà Marine gọi là toàn cầu hoang dã. Truyền thông bình luận cho rằng hai bên bất phân thắng bại. Riêng về đời sống cá nhân thì ông Emmanuel có điều đặc biệt là ông đã lấy vợ là cô giáo của ông thời trung học, hơn ông 24 tuổi, và hai người sống nhau không con, cả hai chục năm rồi. Có lẽ điểu này không ảnh hưởng gì đến quyết định bỏ phiếu của người dân Pháp, được kể là rất phóng túng trong vấn đề nam nữ. Sơ sơ vài điều tóm tắt để mở đầu chương trình hôm nay như vậy. Xin các bạn góp ý.
2/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh Nguyên Kim, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Nhân dịp 30 tháng 4, trang mạng BBC đã cho đăng ba bài viết mà TV thấy là đáng chú ý. Bài thứ nhất là “Việt Nam Cộng Hòa và những định mệnh xui xẻo” của Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông Hưng là tác giả của cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Bài thứ hai là “Huế 1968: 'Trận đẫm máu trong cuộc chiến Việt Nam' của Mark Bowden, tác giả cuốn sách “Black Hawk Down” được đạo diễn Ridley Scott dựng thành phim năm 2001. Cuốn Huế 1968, theo trang mạng BBC, có thể sẽ được chuyển thể thành loạt phim truyền hình, với Michael Mann làm đạo diễn. Và bài thứ ba là bài “Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?” của Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975. TV đề nghị hôm nay chúng ta nên thảo luận một chút về những bài này.
3/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, ĐT, TV và NK ngày hôm nay. Kính chào Bs N và thân kính chào hai chị ĐT và TV. Người Việt mình thường hay tin là có số nhất là những người đứng tuổi đã trải qua những chuyện may cũng như rủi không thể nào cắt nghĩa được trong cuộc đời. Người không tin cũng phải tin, và đùa rằng “giầy dép còn có số huống chi là người”. Những người trẻ sinh trưởng ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Mỹ thì có lẽ ít nghĩ đến số mệnh hơn. Cho nên ông Nguyễn tiến Hưng mà có viết bài báo nói về định mệnh xui xẻo của VNCH thì không phải là lạ. Cho nên, bàn về điều này thì cũng cho vui.
4/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV. Thưa các vị, để tưởng niệm ngày Ba mươi tháng tư vừa qua, chúng mình nói về những điều này thì cũng là đúng lúc. Tuy nhiên, ĐT còn muốn nói thêm vài chuyện thời sự thế giới khác, để cho chương trình có đủ mùi đủ vị. Đó là chuyện diễn văn của Tổng Thống Hoa kỳ, và chuyên Đại Hội điện ảnh Cannes ở Pháp vào ngày 17 tháng 5 tới đây.
5/TXN. Thì các vị cứ tự nhiên. Chọn tin đáng nói hay đề tài đáng bàn là điều khó nhất trong các sinh hoạt truyền thông. Có ý kiến của các bạn là điều may mắn cho chương trình. Cho nên xin mời TV tiếp tục.
6/TV. Trong bài “Việt Nam Cộng Hòa và những định mệnh xui xẻo,” theo Nguyễn Tiến Hưng thì tai bay vạ gió luôn theo nhau đến với Việt Nam Cộng Hòa, như câu nói "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai", do đó đã đưa đến việc miền Nam Việt Nam mất về tay cộng sản Bắc Việt. Cái không may đầu tiên ông Nguyễn tiến Hưng cho là việc tổng thống Kennedy bổ nhiệm Henry Cabot Lodge sang làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa thay cho ông Frederick Nolting về hưu. Ông Hưng viết ông “Nolting là người ủng hộ ông Diệm. Ông Lodge là người mưu mô, nham hiểm, có nhiều thành kiến về ông Diệm. Vì tham vọng muốn lập thành tích để ra ứng cứ tổng thống vào năm 1964 cho nên ông đã dùng đủ mọi mưu lược triệt tiêu Tổng thống Diệm với hậu quả là phá nát nền Đệ Nhất Cộng Hòa mùa Thu 1963.”
Về cái xui sẻo thứ hai khiến VNCH sụp đổ thì ông Hưng nói rằng là vì những mưu mánh dàn dựng của Henrsy Kissinger, để ép VNCH ký hòa ước Paris, sau khi bắt tay với Mao Trạch Đông. Ông Hưng gọi Kissinger là đao phủ thủ Henry II, còn Cabot Lodge là đao phủ thủ Henry I. Tóm tắt thì là như thế, nhưng trong bài viết thì ông Hưng kể các chi tiết cho thấy tại sao ông Diệm bị giết chết, nhưng chẳng ai biết là chính xác tới đâu, vì là những điều mà các tướng lãnh phản bội ông Diệm, thí dụ như ông Thiệu nói ra. Hay là những chi tiết về các xui sẻo của đệ nhị VNCH mà TV không thấy thuyết phục cho lắm. Bác sĩ N, NK và chị ĐT có đọc các bài viết này không và nghĩ sao?
7/NK. NK thấy ông NTH nói không có lý chút nào trong vụ đại sứ Cabot Lodge khi cho rằng ông Lodge là người trái lệnh Washington mà đảo chính và giết ông Diệm. Có thể rằng ông Hưng đã suy ra từ cái tâm trạng của một vài giới quyền chức miền Nam, tuy là người của chính phủ nhưng khi ra ngoại quốc thì có thể là không theo chỉ thị chính phủ mà ngấm ngầm đi ngược lại quan điểm chính phủ. NK có nghe nói rằng VNCH có một ông “đại sứ lầm chủ” ở Hoa kỳ. Vì ông này nghe theo những tin tức của Mỹ và lấy đó để làm áp lực lên chính phủ, chứ không phải là tìm cách đảo ngược các quan điểm Mỹ theo lập trường VNCH. Theo như NK biết thì các đại sứ chỉ có một bổn phận là thi hành chính sách của chính phủ. Cabot dù ghét ông Diệm cũng không thể tự ý đảo chính ông Diệm được. Cũng không thể vì tham vọng ứng cử tổng thống mà làm chuyện đó đê lấy thành tích. Cuộc đảo chính phải là chù trương của Washington DC.
Về chuyện mất miền Nam thì những chi tiết ông Hưng đưa ra cũng không vào đâu với đâu. Như nói xui sẻo là cầu nổi vượt sông Ea Pha công binh không làm xong cho quân đội VNCH rút khỏi một cách trật tự và không bị sư đoàn VC 320 truy đuổi gây rối loạn. Ông Hưng viết rằng về sau ông Thiệu khi nói chuyện với ông đã không hiểu tại sao như thế. Và ông Cao Văn Viên cũng nói rằng nếu có cầu làm xong thỉ sư đoàn VC không thể nào đuổi kịp quân đội VNCH!
8/ĐT. Tổng thống và tổng tham mưu trường quân đội mà không biết tại sao một chiếc cầu công binh của cả quân đoàn mà bắt không xong, để kịp cho nhu cầu hành quân thì thật là hết ý. Cho nên nói là xui sẻo thì chỉ là để đổ tội cho trời, và chạy tội cho mình. Đề nghị TV đi sang bài viết thứ hai về "trận đánh Mậu thân" trên trang mạng BBC đi. ĐT ít khi theo rõi tin trên đài này, vì có kinh nghiệm với nó thời 1975, và về sau này khi nó loan tin về Đàm Vĩnh Hưng trình diễn ở Mỹ, đưa ra hình ành giả tạo của một hội trưởng đông đảo, trong khi tên ca sĩ này bị cộng đồng VN phản đối mạnh mẽ, và còn bị người ta xịt hơi cay vào mắt khi đang trình diễn trên sân khấu.
9/TV. Trong bài “Huế 1968”: 'Trận đẫm máu trong cuộc chiến Việt Nam' của Mark Bowden thì ông ta cho biết “có sự tôn trọng lớn đối với lòng yêu nước và khả năng chiến đấu của quân đội Bắc Việt cũng như quân Giải phóng miền Nam (mà người Mỹ gọi là VC - Việt Cộng). Và ông ta cũng trân trọng lý tưởng của người Mỹ, nhất là những người tình nguyện ra trận (tuy theo ông ta là đã bị đặt nhầm chỗ, bị dùng sai.
Với bài thứ ba “Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?” Dương Văn Minh phát biểu "Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài." Paul Dreyfus nhận định tướng Minh là "một người minh mẫn và nắm vững tình hình." Các anh chị nghĩ gì về những phát biểu này?
10/TXN. Với đầu đề “Huế 1968”: 'Trận đẫm máu trong cuộc chiến Việt Nam' người ta hiểu rằng có nhiều điều để nói, trong đó có sự tàn bạo thảm sát dân chúng của VC khi chiếm Huế, có sự thiệt hại to lớn của quân đội hai bên vân vân… Nhưng trang BBC đã chỉ trích dẫn tóm tắt rằng “có sự tôn trọng lớn đối với lòng yêu nước và khả năng chiến đấu của quân đội Bắc Việt cũng như quân Giải phóng miền Nam (mà người Mỹ gọi là VC - Việt Cộng). Và ông ta cũng trân trọng lý tưởng của người Mỹ, nhất là những người tình nguyện ra trận (tuy theo ông ta là đã bị đặt nhầm chỗ, bị dùng sai), thì người ta có thể thấy sự gian tà thiên lệch của người tóm tắt. Cho nên ĐT nếu mà không theo rõi BBC thì cũng là đúng thôi.
Còn bài thứ ba “Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?” thì câu nói của DVM nghe nổ như pháo. Nhưng cái câu này chỉ nghe lọt tai và nổ với người không biết chuyện DVM tiếp theo. Bởi vì DVM đã sang Pháp để sống. Rồi sau đó một thời gian, sang ở Orange County. Và sau cùng là té đập đầu xuống đấtmê man bất tỉnh và chết.
11/NK. Cái anh chàng phóng viên Tây này có thể kể như là loại phóng viên “giòng chính” mà bài viết của anh ta có dụng ý tạo cho Dương Văn Minh một hình ảnh không thực, mà truyền thông Mỹ đã tô vẽ cho ông ta thời đầu thập niên 60 để sửa soạn cho cuộc đảo chính ông Diệm và để được lôi ra, vào tháng tư 1975 để chấm dứt VNCH nhanh gọn. Giây mơ rễ má với Việt Cộng của DVM đã được lờ đi. Khách quan mà nói và xét qua những hành động của DVM từ khi làm sĩ quan cho tây, chuyển sang lực lượng quốc gia rồi dẹp Ba Cụt vân vân thì DVM là một người thân cộng, thời cơ và phản trắc, thích hợp cho những vai trò tay sai ngoại quốc. Lịch sử không có nợ gì Dương Văn Minh cả. Chỉ DVM có nợ và có tội với dân tộc. Theo NK thì nếu DVM không ra lệnh buông súng ngày 30 tháng 4 thì chưa chắc VC đã có thể lấy miền Nam dễ dàng nhanh chóng như vậy, và chưa chắc Mỹ đã có thể phủi tay dễ dàng tại VN như vậy. Chuyện DVM cứu Sài gòn không bị phá tan thành bình địa là chuyện tưởng tượng trong đầu của các phóng viên truyền thông tin giả giòng chính Âu Mỹ để mà thuyết phục dân chúng Sài gòn yên lòng chấp nhận VC. Miền Nam sụp đổ một phần quan trọng là do lãnh đạo miền Nam không xứng đáng, không có khả năng, tự cường tự lo mà chỉ dựa vào ngoại quốc. Nó bắt đầu với quyết định rút lui khỏi miền Cao nguyên và đi vào giai đoạn kết cục với sự từ chức bỏ chạy của Nguyễn văn Thiệu. Một phần khác là do kế hoạch của Mỹ chấm dứt chiến lược ngăn chống bành trướng CS, vì lúc đó Mỹ không còn thấy có nhu cầu xây dựng và củng cố thế giới tự do nữa, mà chuyển sang sống chung hòa bình, hợp tác giao thương với CS toàn cầu nói chung và VC nói riêng. Như chúng ta thấy Mỹ đã cho Holbrook điều đình giúp VC nhưng VC vì cuồng tín thi hành nghĩa vụ quốc tế vô sản theo Nga để bành trướng sang Cao mên và Thái Lan cho nên đã từ chối, mở ra cuộc chiến Cao mên tàn phá VN thêm nữa. Sau chót là bây giờ vừa mất đất mất biển cho TC, vừa biến đất nước thành từng vùng khai thác bởi các thế lực tài phiệt, mà làm tôi mọi Mỹ không xong, vì chính sách toàn cầu Mỹ đã và đang từ từ đi vào quá khứ, như hiện tượng Donald Trump cho thấy.
12/ĐT. Bây giờ ĐT xin phép đi sang một chuyện thời sự khác. Tổng Thống Obama sau 3 tháng cùng gia đình đi du lịch để thư giãn, đã trở về Chicago đọc một bài diễn văn đầu tiên vào Thứ Tư ngày 24 tháng 4 tại Club của Hội Đồng Thương MạiChicago, hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra trong hai nhiệm kỳ ở cương vị Tổng Thống của ông. Theo tờ Chicago Sun-Times, thì ông Obama không được trả tiền trong buổi nói chuyện này. Tuy nhiên sau đó, ông sẽ liên tiếp đọc những bài diễn văn có thù lao. Tháng 9 tới đây, ông sẽ đọc một bài diễn văn trong cơ sở đầu tư của Wall Street, và được trả số tiền là 400,000 đô la.
Thưa các vị, ĐT đã từng được nghe Tổng Thống Bill Clinton và vợ là Hillary Clinton đã từng đọc những bài diễn văn và được trả nhiều triệu đô la. Tại sao những bài diễn văn của các cựu TT lại đắt giá như vậy? Những bài diễn văn này có giá trị gì? giúp ích được gì trên cuộc sống của những người dân Hoa Kỳ? trong khi các bài nói chuyện của các khoa học gia về những khám phá công nghiệp nhiều khi "free of charge", hay những bài nói chuyện về tôn giáo củaThượng Tọa Thích NhấtHạnh, chỉ bán cao nhấtlà hơn 100 đô la một vé. ĐT tin rằng những bài nói chuyện này còn có ích lợi thực tiễn hơn là những bài nói chuyện của các vị Tổng Thống về hưu.
Trả các món tiền khổng lồ cho một bài diễn văn dài chưa tới 1 tiếng đồng hồ, Có phải đây là một hình thức để đền ơn, đáp nghĩa cho những ân huệ của TT ban cho trong thời gian còn tại chức? vì trong thời gian này, vì luật lệ bó buộc gắt gao, những số tiền và tặng vật cho TT đều bị kiểm tra kỹ lưỡng. Khi đã dời nhiệm sở, trở về vị trí người công dân, TTkhông còn bị bó buộc như khicòn tại chức, thì đây là cơ hội để nhận các đền bồi này, dưới chiêu bài diễn văn một cách hợp pháp?
13/TV. Ở Mỹ theo như TV hiểu thì các khoảng tiền trả cho các bài diễn văn kể là những tiền ủng hộ hợp pháp cho các ứng cử viên vào các chức vụ dân cử. Cho nên việc ông Obama lấy tiền diễn văn là bình thường. Cái bất thường là ở chỗ giá tiền quá cao. Và câu hỏi của chị ĐT đặt ra “Có phải đây là một hình thức để đền ơn, đáp nghĩa cho những ân huệ của TT ban cho trong thời gian còn tại chức?” thì TV nghĩ chúng ta khó có điều kiện trả lời với bằng cớ chính xác. Nhưng mà nghi ngờ như vậy thì cũng khó mà bác bỏ. Câu trả lời có lẽ tùy theo ở chỗ người trả lời là ở phía ủng hộ hay là phía chống ông Obama.
14/TXN. Tôi còn nhớ tổng thống Reagan sau khi mãn nhiệm đã được mời sang Nhật đọc một bài diễn văn trả hai triệu đô la. Đó là luật chơi của nước tư bản Hoa kỳ mà tài phiệt thế giới phải theo. Nó cũng tương tự như sau khi làm các chức vụ lãnh đạo trong chính phủ xong thì được mời làm trong các công ty với đủ loại danh chức ngồi chơi sơi nước với những tiền lương mấy trăm ngàn đô la một năm. Hoặc là tệ ra thì cũng là người làm công việc vận động chính giới (lobbyist) cho các công ty. Cho nên ông Trump đã ứng cử với hứa hẹn là sẽ làm khô vũng lầy Washinton DC. Cũng như cấm viên chức Bạch cung hay chính phủ là vận động trong thời hạn 5 năm. Và ông đã ký sắc lệnh làm điều này ngay khi nhận chức để chứng tỏ là ông giữ lời hứa dẹp nhũng lạm. Cũng xin nói thêm là in sách hồi ký với giá hàng mấy trăm ngàn cũng là một cách đền ơn đáp nghĩa hay là hối lộ hợp pháp.
15/NK. Cho nên ở Mỹ mà nói chuyện bài trừ tham nhũng thì cũng hơi khôi hài. Chỉ có điều hay là người cho tiền có thể trừ thuế vì kể là chi tiêu cho doanh thương, và người lãnh tiền có thể kể là lợi tức hợp pháp, với điều kiện là đóng thuế đàng hoàng
16/ĐT. Đại hội điện ảnh Canne tại Pháp sẽ khởi sự vào ngày 17 tháng 5. Trong số 9 vị giám khảo được tuyển chọn, có 8 vị là những ngườicó tài ba và danh tiếng trong làng điện ảnh quốc tê, thì vị giám khảo thứ 9 được đề cử là cô Phạm Băng Băng, tài tử điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Có nhiều tranh cãi, vì cô này ngoài nhan sắc mỹ miều, chưa có kinh nghiệm hay tuổi tác xứng với vị trí giám khảo. Có người nói việc lựa chọn cô Phạm Băng Băng là do mục tiêu thương mại của ngành điện ảnh Pháp, có người lại nói do mục tiêu chính trị. Các vị thấy việc lựa chọn cô Phạm Băng Băng làm giám khảo cho Đại Hội Diện ảnh Canne có tương xứng hay không?
17/TV. TV không biết tiêu chuẩn làm giám khảo đại hội điện ảnh Cannes là những gì cho nên không thể trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên theo suy nghĩ riêng của TV thì một tài tử nổi tiếng và có tài năng được mời làm giám khảo thì cũng không có gì sai. Bởi vì khi cô đóng phim hay thì cô cũng biết những gì là hay của một cuốn phim để mà có ý kiến.
18/TXN. Đến đây thì chương trình BCTS phải tạm ngưng. Xin kính chào quý vị thính giả. Xin chào ĐT, TV, NK và xin cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
19/ĐT. ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin kính chào S Ninh và anh NguyênKim. Thân ái chào TV. Xin hẹn gặp lại các vị trong kỳ bàn chuyện thời sự tuần tới
20/NK. NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, ĐT, TV và NK ngày hôm nay. Kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị ĐT và TV. Xin được gặp lại quý vị và các anh chị trong một chương trình BCTS lần tới.
21/TV. TV kính chào BS N, chị Đan Tâm, anh Nguyên Kim, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.