1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, chào ĐT, chào NK. Tuần này thời sự thế giới có hai điều đáng chú ý. Bên Pháp, ông Emmannuel Macron ứng cử viên lập trường trung dung đã thắng cử với số phiếu áp đảo trên 60% so với bà Marine Le Pen ứng cử viên quốc gia cực đoan, mà nhiều người lo rằng sẽ trở thành tổng thống. Bên Nga thì ngày 9 tháng 5, theo như báo giòng chính Mỹ New York Times mà ông Trump gọi là “truyền thông tin giả thất bại”, cuộc diễn hành hàng năm kỷ niệm chiến thắng Nga đối với chế độ Hitler đã diễn ra một cách thiếu ồn ào. Bởi vì chỉ có một lãnh tụ ngoại quốc là tổng thống thân Nga mới thắng cử của Moldova. Các lãnh tụ khác có mặt trong buổi diễn hành này trong quá khứ như Tầu, Đức và Mỹ đã vắng mặt. Không quân Nga đã không biểu diễn vì lý do thời tiết, nhưng có tham dự diễn hành là các hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử. Ukraine thường kỷ niệm chiến thắng Hitler này cùng ngày với Nga, nhưng năm nay tổng thống Ukraine Porochenko đã tuyên bố rằng sang năm Ukraine sẽ kỷ niệm vào ngày 8 tháng 5 cùng với các nước Tây Âu. Từ khi cầm quyền Putin đã biến ngày kỷ niệm Đức quốc xã này như là một ngày lễ quan trọng nhất của Nga để đề cao sự đoàn kết, sự hy sinh và trung ương tập quyền là những yếu tố chiến thắng. Năm nay Putin tuyên bố “đã không có, đang không có và sẽ không có một cường quốc nào có thể đánh bại chúng ta”. Tại Mỹ chuyện dài Donald Trump với những bất ngờ còn tiếp tục với quyết định đột ngột bãi nhiệm giám đốc FBI Comey, và tăng cường hoạt động quân sự tại Afghanistan. Từng đó chuyện cũng đủ để bàn. Ngoài ra thì xin mời các quý vị góp ý như thường lệ.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV. Cuộc bầu cử TT Pháp ngày 5/7 đã kết thúc, như chúng ta đa biết, ông EmmanuelMacron, Bộ trưởngkinh tế, thắng cử với tỷ số áp đảo là 65/35. Ông này mới có 39 tuổi, và vợ ông, bà Brigitte Macron 64 tuổi. Người ta nói ông thành công rực rỡ, là vì sau lưng ông có một người đàn bà khôn ngoan, giàu có, và hết lòng ủng hộ ông. Đây là bà thầy giáo của ông hồi còn học tiểu học. Ông yêu bà này say đắm và hai người kết hôn khi ông vừa 17 tuổi, và bà 42. Bà giáo ly dị chồng, mặc dầu đã có 3 đứa con. Cuộc tình duyên chênh lệch này xem ra rất hạnh phúc, và cuộc đời chính trị của ông Macron lên như diều gặp gió. Các bạn của ĐT thì nói, "chắc là kiếp trước ông này nợ bà ta, nên kiếp này phải trả.” Còn ĐT thì nghi rằng đây mới là tình yêu đích thực, vì bà giáo trông cũng bình thường, không có gì là chim sa cá lặn cả. Còn các bạn thì nghĩ sao?
3/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, ĐT, TV và NK ngày hôm nay. Kính chào Bs N và thân kính chào hai chị ĐT và TV. Về thành công hay thất bại ở đời thì mỗi người nhìn một cách, nghĩ một kiểu. Ghét thì có thể nói rằng thành công là vì may mắn chó ngáp phải ruồi. Yêu thì cho là tài giỏi xuất chúng. Cho nên NK không có ý kiến gì về dư luận cho rằng ông Emmanuel Macron thắng vì sau lưng là có một người đàn bà khôn ngoan giàu có hết lòng giúp đỡ. Người thủ cựu, thích gái tơ, thì coi ông Macron là vì kiếp trước nợ bà ấy mà kiếp này phải trả, là vớ phải một bà vợ già. Nghĩ kỹ một chút thì hai dư luận này thuộc hai thành phần đối nghịch: một bên thì trọng đàn bà, một bên thì coi thường đàn bà. Quay sang một góc nhìn khác, NK nghĩ nếu ông Macron mà ở Mỹ thì chắc là khó thắng và rất có thể bà vợ ông bị lôi thôi pháp lý nữa. Vì truyền thông giòng chính Hoa kỳ và đối thủ của ông sẽ khai thác điểm bà vợ ông là cô giáo mà lấy học trò lúc 17 tuổi. Tức là bị tội xúc phạm tình dục trẻ vị thành niên, vì tuổi 18 mới là tuổi trưởng thành và có đủ khôn ngoan quyết định hợp pháp. Trước 18 tuổi mà xẩy ra chuyện này với một người già hơn thì chỉ là bị quyến rũ hay là bị hiếp. Truyền thông Mỹ hà rầm loan đi những tin này. Và cứ tiếp tục bàn đi tán lại với đủ loại “tin giả” hay “tưởng tượng” ra, là khó có thể thắng cử, bởi vì sẽ gieo vào đầu độc giả cái tư tưởng rằng chồng không đủ tư cách làm tổng thống và vợ không đủ tư cách làm đệ nhất phu nhân. Tương tự như là trường hợp Donald Trump và bà vợ thời gian tranh cử. Phải chăng truyền thông Pháp tử tế hơn truyền thông giòng chính Hoa kỳ mà ông Trump gọi là truyền thông tin giả?
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh Nguyên Kim, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. TV không có hiểu biết bao nhiêu về truyền thông Pháp cho nên không so sánh được để mà nói truyền thông Pháp có tử tế hơn truyền thông Mỹ hay không. Chỉ nghĩ rằng nếu mà truyền thông Pháp không khai thác vụ ông Macron lấy cô giáo hơn mình 24 tuổi thì có lẽ vì cái văn hóa Pháp nó phóng khoáng hơn thói tục Mỹ mà người ta cho là nguồn gốc thanh sạch thuần khiết (puritan). Bởi vì cứ theo như các chuyện tình ái tiết lộ trên các báo chí Pháp của các nhân vật lãnh đạo chính phủ như là tổng thống Sarkozy, tổng thống Hollande vân vân thì người Pháp không lấy đó để đánh giá lãnh đạo. Trong khi đó thì ở Mỹ chuyện tình ái là một lý cớ để truyền thông khai thác hạ bệ các nhân vật chính trị. Nhận định về vụ vợ chồng ông Macron thì TV thấy có một điều đáng quý, là cả hai người đều có đặc tính dám làm dám chịu. Nhưng mà quan trọng hơn cả là hai người đã sống êm đềm với nhau 22 năm. Tức là như chị ĐT nói, đó là trường hợp tình yêu đích thực.
5/TXN. Chuyện này bàn thì có nhiều lý thú. Và điều nào nói ra cũng có phần đúng phần và phần không đúng hay đúng ít. Trước hết nói là một vấn đề văn hóa, người Pháp không giả đạo đức bằng người Mỹ. TV nói người Mỹ có nền móng đạo đức thanh sạch (puritan) thì tôi cho đó chỉ là lý thuyết còn thực tế nhìn thấy, cũng như nhiều sưu khảo cho thấy không phải như vậy. Từ sì ke, ma túy đến tình dục, hoành hành ở mọi tuổi, mọi thành phần, cả giầu lẫn nghèo. Tôi nói giả đạo đức là vì người ta đã chỉ khai thác sự việc khi cần và muốn, nghĩa là theo cái chủ quan thiên lệch của mình. Còn nếu không thì cứ coi như không có gì. Theo tinh thần “không hỏi, không nói”. Vì thế cũng thì một tội hiếp dâm mà kẻ thì bị xử 3 năm tù, kẻ thì bị xử mấy chục năm tù. Về điểm tình yêu đích thực thì khó ai mà bất đồng ý. Nhưng mà nghĩ cho kỹ thì ở Mỹ này có ai mà không lấy nhau vì tình yêu say đắm hay đích thực hay không. Không. Thế mà chẳng có bao nhiều bền vững. Bởi vì thống kê cho rằng vợ chồng lấy nhau thì có đến 50% là ly dị. Thành ra tôi nghĩ rằng yêu nhau thì dễ, giữ được tình yêu mới khó. Trong cặp Macron, tôi thấy rằng cái đáng nói nhất là chuyện hai người đã giữ được tình yêu mấychục năm, dầu tuổi tác xa cách. Cả hai người đều đáng phục. Nhân tiện thì cũng nói thêm một chút về cái đạo đức puritan mà Tuệ Vân nói. Là nó xuất phát từ Anh nhưng ở Anh như hiện nay ta thấy thì chẳng có gì thuần khiết, nếu chỉ nhìn vào trong hoàng gia. Công chúa Di là người lang chạ mà truyền thông Anh biến trở thành mẫu người lý tưởng được yêu chuộng. Công chúa Margaret là em ruột nữ hoàng Elizabeth cũng vậy.
6/ĐT. Hội nghị Asian của các nước Đông Nam Á về biển đông vừa kết thúc. Một bản tuyên ngôn chung đã được đúc kết. Ngày 2 tháng 5, Phát ngôn viên Cảnh Sản của Trung Quốc đưa ra nhận định rằng Trung Quốc rất hài lòng về thái độ mềm dẻo của các quốc giatrong khối Asian, và khen rằng thái độ này, đã làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên biển đông. Đề tài nghị luận lần này không hề đả động tới việc Trung Quốc xây đắp các đảo nhân tạo và hoàn thành các vị trí chiến lược trên các hòn đảo mà TQ tự nhận có chủ quyền. Hội nghị họp tại Manilla, thủ đô Phi Luật Tân, vì nước này tổ chức cuộc họp. TQ không có tên trong thành phần các nước thuộc khối Asian, nhưng rất quan tâm về các đề tài được mang ra nghị luận, và bản tuyên cáo chung của cuộc họp khi bế mạc. TT Phi Luật Tânlà Rodrigo Duterte đang tìm cách xích lại gần với Trung Quốc, nên lần này, nhiều người đã nghi ngờ là TQ áp lực Phi Luật Tân trên những đề tài được đề nghị đưa ra nghị luận. TQ đã để cho các ngư dân Phi Luật Tân được đánh cá gần bãi cạn Scarborough, mà TQ đã phong tỏa từ 4 năm nay. Ngày 3 tháng 5 TT Duterte đã tỏ ra không sốt sắng với lời mời sang thăm Hoa Kỳ của TT Donald Trump. Ông nói rằng, lúc này ông rất bận rộn, vì phải sang thăm Nga và Do Thái.... Các bạn thấy có gì đáng kỳ vọng gì vào các Đại Hội Asian không?
7/NK. Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 họp tại Phi luật tân là “Hợp tác với nhau để thay đổi và tham gia cùng thế giới” là một chủ đề tổng quát. Tổng thống Phi luật Tân Duterte đã đọc bài diễn văn khai mạc nói rằng đó cũng là phản ảnh chủ trương của Phi luật Tân nhằm thúc đẩy thống nhất giữa các nước trong nhóm và với cácđối tác toàn cầu. Trên lý thuyết là rất hay, nhưng làm tới đâu thì còn đòi hỏi nhiều chuyện mà không dễ thực hiện. Điều có thể thấy là như chị ĐT nói, Phi luật Tân ngả về Tầu, hay nói cho đúng hơn là xa Mỹ ra. Như là người ta có thể thấy trong sự không nhanh chóng nhận lời mời sang Mỹ của tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, thì như chị ĐT tóm tắt, đã không có sự thảo luận về vấn đề TQ chiếm cứ và phát triển căn cứ quân sự trên các đảo Trường Sa. Tóm lại là chấp nhận “chuyện ván đã đóng thuyền”.
8/TV. Nhìn từ xa và nếu không theo rõi tình hình thì có thể sẽ có người cho ông Duterte là khờ dại theo Tầu và bỏ Mỹ. Nhưng mà nghĩ lại thì có lẽ ông Duterte đã chỉ chọn một thái độ thực tế. Là Mỹ chỉ nói mồm chứ thực sự không làm gì, không giúp gì, cho các nước nhược tiểu chống bành trướng của Tầu. Mỹ không có hành động gì hơn là lâu lâu gửi mấy chiến hạm sang biển đông ở vùng biển quốc tế, bên cạnh sự khẳng định không theo phe tranh chấp nào, và rằng là mong muốn mọi sự giải quyết trong hòa bình và ngoại giao, và bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Điều này thì chính ông Duterte đã nói ra trong diễn văn của ông ta, là giữ hòa bình, tự do hàng hải, và Tầu thì cũng nói thế trước đây. Ngoài ra thì ông Trump rút khỏi TPP cho thấy Mỹ không còn giữ cái ý định đối đầu kinh tế với Tầu ở Á châu Thái bình dương nữa. Cho nên theo TV thì không có gì đáng nói về hội nghị các nước Asean này ngoài cái ưu thế Tầu đang nắm giữ. TV nghĩ chúng ta nên đi trở lại về chuyện bầu cử tổng thống Pháp. Là bàn một chút về lý do tại sao ông Macron lại thắng cử, trong khi phong trào quốc gia thủ cựu, quay trở lại lo cho dân mình trước đã đang lên ở Âu châu và ở Mỹ. Điển hình là vụ Brexit ở Anh, rồi đến vụ thắng cử của ông Trump, và sự lên giá của bà Marine Le Pen lãnh tụ Mặt trận quốc gia Pháp trong thời gian tranh cử.
9/TXN. Theo tôi, ông Macron thắng cử không phải nhờ có bà vợ giầu và giỏi hết lòng giúp đỡ. Mà vì dân Pháp sợ hiện tượng quốc gia cực đoan mà bà Marine Le Pen là đại diện, sau khi nhìn thấy những lộn xộn trong chính phủ Trump. Và trong cuộc tranh luận truyền hình thì vấn đề nên ở lại hay đi ra ngoài Liên hiệp Âu châu là vấn đề được chú trọng và nói rõ giữa hai bên.
10/ĐT. Ngày 7 tháng 5, cuộc họp của Bộ Chính trị VN để kỷ luật Bí thư thành Ủy Saigon Đinh La Thăng,kết quả là 90% đề nghị kỷ luật ở mức cảnh cáo và truất bỏ vị trí trong bộ chính trị của Đinh la Thăng. Theo dư luận, đây chỉ là một trong những bước của tiến trình thanh toán nội bộ của Đảng CS VN. PheNguyễn Phú Trong sau khi thanh toán... hụt Trịnh Xuân Thanh, đã đi thêm một bước nữa là trừ khử Đinh la Thăng, cánh tay mặt của Nguyẽn Tấn Dũng, với tội danh đã để thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng trong cơ quan dầu khí của nhà nước. Nếu xong xuôi, người kế tiếp có thể là NguyễnTấn Dũng. Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh đang trốn tránh ở ngoại quốc, đã công bố một thư tố cáo Các cấp Lãnh đạo VN, kể từ thời Võ văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng, và cho tới nay, đều góp phần trong việc rút rỉa, chia chác, và ăn cắp tiền hàng ngàn tỷ đồng của công ty dầu khí VN. Cuộc đấu đá nội bộ đã vạch áo cho toàn quốc xem được cái lưng ghẻ lở, thối nát, tham nhũng của các lãnh đạo trong trung uong đảng. Các bạn có thể tiên đoán rồi đây ai thắng, ai bại trong chuyện đấu đá khốc liệt này?
11/NK. Ai thắng ai bại thì cũng thế thôi vì tất cả đều là một phường buôn dân bán nước và “phản đảng”. NK nói phản đảng là nhìn theo khía cạnh của thành phần bần cố trong đảng, mà các lãnh đạo VC từ Hồ chí Minh trở xuống, đã khai thác xử dụng làm công cụ để thiết lập chế độ toàn trị tại VN. Phản đảng ở đây là phản lại những thành phần này, đi ngược lại cái lý tưởng nâng đỡ đề cao thành phần vô sản. Bởi vì trong chế độ VC biến thái ngày nay thì đa số dân nghèo dân quê, trừ một thiểu số lưu manh thời cơ thì giầu nứt đố đổ vách, là thành phần thiệt thòi khổ sở nhất. Chuyện Trịnh Xuân Thanh trốn tránh ở ngoại quốc mà có viết thư tố cáo các cấp lãnh đạo VC từ thời Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng cho tới nay đều rút rỉa tiền bạc tài nguyên quốc gia không phải là không ai biết. Trịnh Xuân Thanh chỉ làm chuyện cần làm để gọi là có lý cớ đào nhiệm, và để làm cho người ta quên cái tội tham nhũng thối nát của chính y và đồng đảng là Nguyễn Tấn Dũng. Dù những tên này có ra đi thì tiền bạc quốc gia đã mất cũng không thể trở lại vì nằm nguyên ở các ngân hàng ngoại quốc, Âu Mỹ hay Trung Cộng. Có người kêu là sẽ đòi lại nhưng là chuyện nói nghe cho sướng tai chứ không bao giờ xẩy ra. Bởi vì những tiền bạc nằm ở trong ngân hàng ngoại quốc là vốn để đầu tư sinh lợi cho các ngân hàng này. Vốn này dù trên giấy tờ là của những kẻ tham nhũng, thì ích lợi cho ngân hàng cũng không thay đổi. Còn nếu như trả lại cho quốc gia thì tức là mất số vốn sinh lợi này cho nên không có chuyện tiền tham nhũng ra ngoại quốc rồi sẽ trở về, như ta đã thấy trong nhiều trường hợp các lãnh đạo kể là độc tài tham nhũng và bị lật đổ với sự giúp đỡ và khuyến khích của Mỹ. Ngoài ra thì trong vụ Đinh La Thăng này, người được cử làm bí thư thành ủy Sài gòn là Nguyễn Thiện Nhân. Và đây cũng là một điều đáng nói, vì cho phép NK nhận định như ở trên rằng lãnh đạo VC nào đi hay ở thì cũng thế thôi. Bởi vì Nguyễn Thiện Nhân đã từng là bộ trưởng giáo dục và phó thủ tướng thời Nguyễn Tấn Dũng, có bằng tiến sĩ ở Đức, và đã được ca tụng là ngôi sao sáng thuộc giới trẻ đang lên cách đây trên chục năm. Nhưng sau đó ít lâu thì người ta biết rằng bằng tiến sĩ của Nhân là có trước khi trường đại học cấp bằng cho Nhân mở cửa chính thức. Và cũng chẳng bao lâu sau khi được làm lớn thì Nguyễn thiện Nhân ra đi, giữ chức vụ không quyền lực là chủ tịch MT tổ quốc, và dĩ nhiên là không làm nên trò trống gì ở cái cơ quan bình phong làm cảnh này của VC.
12/TV. TV thấy việc ông Donald Trump bất ngờ bãi nhiệm ông James Comey giám đốc FBI vào ngày thứ ba vừa qua là một vấn đề có nhiều tình tiết khó hiểu, mà chúng ta nên bàn ở đây hôm nay. Lý do vắn tắt ông Trump đưa ra là ông Comey đã làm không nên chuyện trong việc điều tra hộp thư email riêng của bà Hillary Clinton, và FBI là “một viên ngọc quý của quốc gia” nên cần có người điểu khiển xứng đáng. Quyết định bất ngờ này của ông Trump đã làm mọi người ngạc nhiên bởi vì từ đầu và cho tới rất gần đây, ông Trump vẫn tuyên bố tín nhiệm Comey. Và quyết định này theo như tòa Bạch Ốc cho biết chỉ dựa trên một văn thư của thứ trưởng tư pháp Rod Rosenstein, là người mới được thượng viện thông qua và nhận chức cách đây nửa tháng. Trong văn thư, ông Rosentein đã viết rằng việc ông Comey tiến hành điều tra vụ email của bà Hillary Clinton là “không thể biện hộ được”. Dựa trên thư này, bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions đã đề nghị bãi chức ông Comey và ông Trump thi hành liền trong cùng ngày. Nhiều câu hỏi đã đặt ra là tại sao lại chờ đến bây giờ mới bãi nhiệm về một việc quá khứ, hay dở gì thì cũng kể như là đã xong. Ngoài ra thì câu hỏi là tại sao thứ trưởng Rod Rosenstein lại moi hồ sơ cũ vụ này ra để xem, và ai là người ra lệnh cho Rosenstein làm chuyện này, trong khi ông này phải có trách nhiệm phụ trách chuyện bài trừ ma túy, tham nhũng thối nát, và ông James Comey đang tiến hành cuộc điều tra xem có hay không có thông mưu giữa các phụ tá của ông Trump với Nga. Câu hỏi đặt ra là phải chăng trong những điều FBI thu góp được có những tin tức thất lợi cho ông Trump và vì thế nên ông Comey đã bị đuổi để nhường chỗ cho một người khác sẵn sàng nhận chỉ thị của Rod Rosentein nhằm làm nhẹ việc điều tra sự vụ thông mưu với Nga này? Phía đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối và có thượng nghị sĩ đã coi đây là một âm mưu tính cho chìm xuồng sự việc điều tra những manh mối liên quan giữa ông Trump và các cố vấn của ông ta với Nga. Một số dân cử Cộng hòa cũng có nhận định tương tự. Đưa đến sự kiện đảng Cộng hòa đang chia thành hai phe, một bên binh vực và một bên chỉ trích ông Trump. Truyền thông thì đã bàn tán rất nhiều và so sánh vụ này của Donald Trump với vụ Watergate đã làm cho Nixon phải từ chức. Bác sĩ N và các anh chị NK, ĐT nghĩ sao?
13/TXN. Chẳng cần đi vào chi tiết, chỉ cần xét thái độ và cách ứng xử của ông James Comey, thuộc đảng Cộng hòa kỳ cựu, người đứng ngoài có thể thấy ông là người xử sự một cách rất chuyên nghiệp, và suy nghĩ kỹ lưỡng. Ông đưa ra các sự sai trái của bà Hillary Clinton trong vụ xử dụng hộp thư email cá nhân cho việc công ở bộ ngoại giao, nhưng ông đã tóm tắt tất cả những dữ kiện bằng những lời lẽ rất chừng mực để đi đến kết luận không truy tố bà Clinton, nhằm thỏa mãn phần nào yêu cầu chính trị của bộ trưởng tư pháp lúc đó thuộc đảng Dân chủ và bênh Clinton. Chính thái độ này đã khiến ông Obama phải xác nhận là đúng đắn không thiên lệch. Chỉ riêng phía Cộng hòa thì không bằng lòng vì muốn làm tới để bà Clinton phải bị truy tố. Sau đó, thì khi có tin tức mới về các email của bà Clinton tìm thấy trong vụ điều tra khác về dân biểu Anthony Weiner chồng cũ của Huma Abedin, phụ tá thân cận của bà Clinton thì ông Comey đã, theo tôi, cân nhắc rất kỹ để quyết định thông báo tin này cho các dân cử trách nhiệm ở quốc hội và quyết định mở lại điều tra vụ điện thư, dù rằng lúc đó chỉ còn cách ngày bầu cử 10 hôm. Phía Dân chủ đã phản đối mạnh mẽ việc này, cho rằng thái độ này có toan tính chính trị để hại bà Clinton và làm bà thất cử. Và bà Clinton mới đây đã khẳng định như thế. Theo tôi thì ông Comey chỉ sử xự như một người chuyên nghiệp, cố đứng ngoài chính trị. Nếu có thất lợi cho phía này hay có lợi cho phía kia thì chỉ là vì hoàn cảnh nó là như thế. Trên nền suy nghĩ này thì có thể nói rằng ông Comey là người cứng đầu, khó bị bẻ queo bởi những áp lực chính trị. Và như thế thì có thể nguy hiểm cho ông Trump và các phụ tá trong vụ liên lạc thảo luận với Nga, vì ông Comey sẽ không dấu những dữ kiện tìm thấy, cho dù rằng nó thất lợi cho Bạch cung. Cho nên suy đoán của tôi là Bạch cung đã ra lệnh cho Rod Rosenstein viết một văn thư nhận đĩnh về ông Comey trong vụ điện thư Clinton để mà có cớ loại ông Comey nhanh chóng trước khi lâm vào hoàn cảnh trở tay không kịp. Những gì sẽ xẩy ra kế tiếp thì thực tình chưa đoán được. Liệu vụ này có yên không hay sẽ còn kéo dài như vụ Watergate làm ông Trump mất chức thì chưa biết. Phải chờ thêm những tin tức khác nữa.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin chào quý vị thính giả. Xin chào NK, chào ĐT, chào TV và xin cám ơn các bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, ĐT, TV và NK ngày hôm nay. Kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị ĐT và TV. Xin được gặp lại quý vị và các anh chị trong một chương trình BCTS lần tới.
15/ĐT. ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV. Xin hẹn gặp lại quý vị trong kỳ bcts tuần tới.
15/TV. TV kính chào BS N, chị Đan Tâm, anh Nguyên Kim, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.