Lê Thiệp, nhà báo, nhà văn, ký sự…. đã ra đi từ 3 năm trước. Chứng ung thư quái ác đã đưa anh về cõi ấy, chắc là anh đã hết “Chân ướt chân ráo” hay “Lững Thững giữa đời” qua lời anh thố lộ bằng 2 tác phẩm cùng tên. Lê Thiệp có lối viết bất cần, bạt mạng nhưng sôi sục tâm huyết, nhất là những bài viết về bè bạn và dưới đây là một. Xin mời quí vị đọc:
Mày là thằng hèn
::: Lê Thiệp :::
Hai viên công an ập vào với một người cán bộ mặc áo bộ đội. Tất cả súng AK cầm ngang.
Quán phở có khoảng ba bốn người đang ăn cùng ngẩng lên nhìn.
Hai viên công an áo vàng có lẽ quá quen với quán – có thể vẫn ra ăn phở – tiến thẳng về phía Văn Chi. Chi Lùn vừa trong bếp ra, quần áo xộc xệch mồ hôi và bộ mặt đang đỏ gay bỗng như tái đi.
- Công dân Đỗ Văn Chi đứng nghiêm nghe pháp lệnh.
Người cán bộ đọc to và rõ nhưng chẳng ai nghe. Tất cả như khựng lại trong cái quán phở bé tí ngay Ngã Ba Ông Tạ. Dăm ba bà cắp rổ đi chợ thấy lạ, đứng ở lề đường tò mò ngó vào.
Văn Chi vẫn đứng đó như trời trồng, hai họng AK chĩa vào ngang ngực. Khi người cán bộ vừa dứt tiếng, hai viên công an sáp vào còng hai tay Văn Chi quặt ra sau, đẩy nạn nhân ra chiếc xe Jeep mui trần đậu bên lề đường. Mọi sự xảy ra không đến mười phút.
Tôi ngồi đó chết cứng như bị dán xuống ghế không đứng dậy được cho đến lúc Nga, đứa con gái của Văn Chi, lay tôi nức nở:
- Chú… chú, Bố cháu bị bắt rồi!
Đó là lần cuối tôi nhìn thấy Văn Chi.
Văn Chi có mặt trong cuộc đời tự nhiên dễ dãi đến nỗi tôi thấy cuộc đời này không thể không có Văn Chi. Tôi không nhớ gặp Chi lùn vào lúc nào, chỉ biết khi tôi vào báo Chính Luận chưa có anh và bỗng nhiên tôi và anh la cà đầu đường xó chợ, nhậu nhẹt lu bù. Chỗ nào ồn ào có ông ta là có tôi và chỗ nào vui nhộn có tôi thì thế nào cũng có ông ta.
Văn Chi hơn tôi khoảng hai ba tuổi nhưng cái đó ăn nhằm gì. Hình như Văn Chi không có tuổi bởi từ lúc biết nhau cho tới ngày cuối nhìn thấy nhau, Văn Chi không hề thay đổi vóc dáng, tính tình và cách ăn nói. Văn Chi rất hãnh diện với cái biệt danh Chi Lùn bởi anh lùn thật. Nhưng anh khỏe, xốc vác, cái gì cũng làm được tuốt, trừ việc viết lách. Ký giả Văn Chi có thể liên lạc với ông Cò Dung của Cảnh Sát Công Lộ để “xí xóa” giấy phạt cho anh em trong tòa soạn, có thể chạy đến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia để xin giấy phép giữ súng cho anh em nào muốn thủ thân, nhất là sau khi tòa báo bị đặt bom, bị đe dọa liên miên.
Văn Chi cũng có thể lên Bộ Kinh Tế để xin bông mua xe hay ra Tòa Đô Chính để giúp ông Quản Lý Đỗ Văn Nguyện chuyện gì đó.
Hễ cần gì thì có Văn Chi ngay.
Chính vì vai trò đó, Văn Chi được tất cả mọi người quí mến và chẳng ai thắc mắc về vụ viết lách.
Vả lại, đâu cứ phải cần chữ nghĩa mới làm báo được. Tuy vậy, lúc nào, đi đâu, Văn Chi cũng thủ một cái máy hình Pentax có Zoom đàng hoàng trông rất nghề nghiệp.
Có thể vì tính tình, có thể vì tuổi tác, Văn Chi thân với tôi nhất. Nếu có cơ hội, họp báo, săn tin mà có thể lôi được Văn Chi là tôi lôi theo. Văn Chi rất hãnh diện mỗi khi đi dự những vụ lớn như tiếp tân của Tổng Thống, Thủ Tướng chẳng hạn.
Mỗi lần tôi đùa “Ê, ông chụp hoài sao không đưa hình cho tòa soạn đăng kèm bài của tôi” thì câu trả lời hết sức Văn Chi là “Địt mẹ, mày đểu”.
Thân nhau đến độ một hôm Văn Chi bảo:
- Tao bán cái nhà cũ, mua căn nhà này hay lắm. Mày mua một căn.
Câu nói ở thể khẳng định và Văn Chi coi chuyện tôi mua căn nhà cạnh đó là chuyện không cần bàn cãi.
- Thôi ông ơi, tôi trên răng dưới dế, nhà cửa mẹ gì.
- Mày mua một căn làm hàng xóm với tao.
Rồi Văn Chi tỉ tê với anh chị tôi sao đó và ít lâu sau, tôi trở thành sở hữu chủ căn nhà sát vách nhà Văn Chi thật.
Khu nhà có bốn căn đi chung một ngõ ra vào và chung một cái sân rộng. Cả xóm cùng chung điện nước và sống êm đềm với nhau, coi nhau như thân thuộc.
Khu nhà có cây vú sữa lớn chi chít quả, có cây mít rất sai, hai cây dừa mỗi lần chặt một buồng cả chục trái. Văn Chi trồng thêm hai cây khế và một cây mận sau này cũng rất ngọt.
Nhưng nói đến Văn Chi thì phải nói đến ăn nhậu, bởi Chi Lùn là đại đầu bếp. Bất cứ thứ gì qua tay Văn Chi đều trở thành cao lương mỹ vị. Cua sò ốc hến, cá, ba ba, tôm, ếch, rắn, vịt, ngan, gà, lợn, dê, bò… món gì Văn Chi cũng biết nấu và nấu tới không chịu được. Tôi đã ngồi nhìn anh làm thịt một con nhít – loại giống như kỳ đà nhưng nhỏ hơn màu nâu nâu.
Vỏ con nhít trông như những miếng mica mỏng xếp lớp cứng vô cùng. Tôi băn khoăn tự hỏi làm sao có thể đánh vảy nó được. Văn Chi cười khà khà bảo “dễ ợt, nhằm nhò gì”. Anh nhúng cả con nhít vào nồi nước sôi sùng sục một lát, xong lôi ra cầm con dao đánh vảy ngược chỉ một loáng đã sạch bong. Đến rắn hổ anh cũng không lúng túng. Con rắn hổ dù đã lừ đừ, được khâu miệng nhưng trông vẫn sởn da gà. Anh cầm chiếc lưỡi lam nhẹ nhàng cứa quanh cổ con rắn rồi kéo một đường theo chiều dọc. Nhẹ nhàng và rất khéo, anh lột da con rắn. Anh bỏ da và chặt đầu xong, đem đốt rồi cẩn thận đào một cái hố rất sâu chôn đám tro. “Mẹ kiếp, cái giống rắn hổ độc lắm, đốt rồi nhưng lỡ ai đạp phải cái răng vẫn chết như chơi nên phải cẩn thận”.
Khi tay dao tay thớt, Văn Chi như một nghệ sĩ với tất cả đam mê cùng tột. Nhưng điều làm anh hãnh diện nhất là món thịt chó.
Tôi thú thực ngay là không biết ăn thịt chó. Nó làm sao ấy và tôi coi đây như một khiếm khuyết lớn trong cuộc đời. Nhưng vì ở cạnh nhà lại hay đi ăn đi nhậu, tôi đã tham dự nhiều bữa nhậu cùng Văn Chi với thịt chó đủ kiểu. Tất cả bằng hữu đều khen nức nở, nhất là món chó Lỗ Trí Thâm do anh sáng chế. Tính tôi hay tò mò và Văn Chi đã giảng cặn kẽ. Món này phải nấu bằng nồi đất và nấu ít nhất ba lần. Tại sao lại là Lỗ Trí Thâm? Văn Chi khoái trá bảo “Mày đọc truyện Tàu mà không biết sư Lỗ Trí Thâm là vua thịt chó thì đúng là thằng ngu nhất thế gian”. Thiên hạ tán tụng món này ghê lắm, chỉ tiếc là tôi không thử.
Khi anh Phạm Huấn đề nghị lập Hiệp Hội Ký Giả Chiến Trường, tôi được lôi vào làm hội viên và tôi tiến cử Văn Chi. Anh Phạm Huấn ngần ngừ thì tôi nháy mắt nhắc “Mấy ông phóng viên chiến trường họp nhau mà không nhậu thì còn ra thể thống gì. Mà nhậu thì phải có đồ mồi. Muốn có đồ mồi hết sảy thì phải có Văn Chi”.
Anh Phạm Huấn, chủ tịch Hiệp Hội vội vàng ghi Văn Chi vào làm hội viên và đã nhiều lần đám phóng viên chúng tôi được Văn Chi nấu cho ăn đủ thứ từ dê tới bò.
Cứ thế, giữa những xô bồ của chiến tranh, giữa cái băng hoại của xã hội, giữa những bát nháo của chính trị, Văn Chi hiện diện hồn nhiên lo cho những người xung quanh những niềm vui nho nhỏ.
Do sự đôn đốc nhiệt tình của bà con, Văn Chi mở một cái quán có tên rất đẹp, Quán Đầu Làng, ở ngay sát ngã ba Lê Văn Duyệt và đường Nhà Thờ Chí Hòa tức giữa ngã tư Bảy Hiền và ngã ba Ông Tạ. Quán Đầu Làng chuyên trị mộc tồn và rượu nếp thang do chính chủ nhân cất.
Quán ồn ào được ít lâu thì dẹp tiệm không phải vì ế khách. Khách đông nữa là đằng khác, nhưng “toàn là anh em, làm sao tính tiền. Vả lại, tao cũng ngồi ăn nhậu rồi lại tính tiền tụi nó kỳ quá”.
Tôi đặc cách được ăn ở quán và không phải ăn thịt chó. Văn Chi ngoáy một cái là tôi có một món, nhưng lần nào cũng bị nghe chửi “thằng ngu không biết ăn thịt chó”.
Năm 1975 thay đổi mọi sự và chúng tôi không tránh nổi cơn lốc dữ. Vào lúc đó, Văn Chi bảo:
- Tao kẹt mẹ già, vợ mới sinh. Sao mày không đi đi?
Tôi cười:
- Tôi độc thân vui tính, ở lại với ông cho vui.
Văn Chi nhìn tôi chửi thề:
- Sư mày! Ông đéo tin.
Như bất cứ người dân miền Nam nào khác, cuộc đời của hai đứa tôi trở nên nhếch nhác nhễ nhại.
Tôi đi bán bún mọc và bánh xèo giúp ông anh, bà chị ở Cửa Tây chợ Bến Thành. Có hôm bưng một tô bún từ Cửa Tây đi xuyên hàng gà, hàng thịt, hàng cá sang đến Cửa Bắc thì khách hàng, một phụ nữ còn trẻ, nhỏ nhẹ: “Chú cho thêm miếng chanh”.
Tôi đành lội ngược trở lại Cửa Tây để lấy cho cô khách hàng một miếng chanh những mong tô bún thêm phần khởi sắc.
Trong đám bằng hữu ở Ngã Ba Ông Tạ có cô Thanh, chủ cái quán cho thuê truyện trấn ngay Ngã Ba. Lúc này Nhà Nước liệt kiếm hiệp vào hàng văn hóa đồi trụy cùng với sách vở của các tay phản động miền Nam chẳng hạn như Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh… Văn Chi chụp cơ hội, biến quán cho thuê truyện đó thành quán phở.
Phở Văn Chi tuyệt hảo, ngon và thơm nên đông khách.
Rút kinh nghiệm Quán Đầu Làng, tôi dặn dò kỹ “Ông không được cho đứa nào ăn chùa, không là sập tiệm. Ngày xưa sập tiệm thì cười khì khì, bây giờ mà sập thì chết cả nút”.
Văn Chi ngần ngừ:
- Thế chả lẽ tao tính tiền cả anh Hoàng Hải Thủy à?
- Thôi được. Riêng ông Thủy thôi, nhe.
Nếu Văn Chi chỉ đóng vai đầu bếp, vai trò đúng nhất của anh, có lẽ hai đứa tôi còn có dịp gặp lại nhau.
Một dạo, tôi thấy Văn Chi thậm thà thậm thụt và đôi lúc thì thầm với những người tôi không quen. Rồi Văn Chi hỏi tôi “Mày chịu khó nghe BBC có tin gì lạ không?”
Tin gì bây giờ?
Văn Chi nghiêm trang “Tin tức về Phục Quốc, về các trận đánh ở biên giới. Tin tức về tướng Kỳ”.
Từ Văn Chi, tôi được nghe rất nhiều tin, toàn những tin như Mỹ sắp đổ bộ trở lại, đại tá Huấn đang hoạt động ngay tại Sài Gòn với hàng ngàn chiến sĩ Biệt Cách Dù hoặc tin quốc tế đang làm áp lực buộc Cộng Sản phải tôn trọng hiệp định Paris…
Khi tôi bảo đại tá Huấn đã dẫn toàn bộ lực lượng Biệt Kích về bàn giao thì Văn Chi chửi tôi loan tin nhảm.
Tôi nhớ rõ một tối sáng trăng đã khá khuya, Văn Chi đứng giữa sân hét:
- Thằng Thiệp ra đây!
Vừa ló đầu ra, tôi thấy Văn Chi tay cầm con dao phở sáng loáng, tay cầm một bọc gì đó. Thấy tôi, Văn Chi chửi:
- Địt mẹ mày! Mày có ăn thịt chó không thì bảo.
Thấy bạn quá say, tôi nhượng bộ:
- Để mai, hôm nay vừa ăn cơm xong.
- Địt mẹ! Mất nước rồi vẫn không chịu ăn thịt chó. Ông chém mày!
- Ấy từ từ! Tối nay tôi ăn thịt chó với ông, nhưng vụ thịt chó này với vụ mất nước không liên hệ gì với nhau đâu nha.
Văn Chi nguội hẳn, hể hả bày ra một đĩa thịt chó luộc trên chiếc bàn thấp vẫn kê ở giữa sân. Đó là lần đầu tiên tôi hẩu sực món “sống trên đời…” Đang ăn, Văn Chi nói:
- Mày có biết thống tướng Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng Bùi Thế Lân đang ở Kontum không?
- Không. Tin tức của các đài BBC, VOA không thấy nói gì, chỉ biết ông Kỳ đã mở tiệm bán rượu ở California thôi. Mới đây đài BBC có loan ông ấy đang viết hồi ký gì đó.
- Mày thì biết đéo gì. Này, đọc đi.
Văn Chi dúi vào mặt tôi một tờ truyền đơn in ronéo trong đó có lời kêu gọi ký tên thống tướng Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng Bùi Thế Lân yêu cầu toàn thể Quân Cán Chính và nhân dân miền Nam sẵn sàng chuẩn bị tiếp tay với quân đội đánh tan bọn Cộng Sản gian ác.
Thấy tôi đọc xong, anh bảo:
- Mày phải gia nhập Phục Quốc với tao.
Tôi ngây người nhìn bạn, nửa tin nửa ngờ. Văn Chi gia nhập Phục Quốc? Tôi trầm ngâm bảo:
- Hết rồi Văn Chi ơi. Không phục quốc được đâu. Cái truyền đơn này văn bất thành cú, sai lỗi chính tả tùm lum mà ông cũng tin à?
Văn Chi đứng dậy quắc mắt:
- Địt mẹ mày! Mày là thằng trí thức hèn. Mày là thằng hèn!
- Ông chỉ đúng có một nửa. Từ ngày biết nhau, tôi có bao giờ xưng tôi là trí thức đâu. Tôi là thằng phóng viên quèn sao ông lại bảo tôi là trí thức. Cái nửa kia thì đúng. Tôi hèn không dám gia nhập Phục Quốc. Nhưng tôi thương ông. Tôi lạy ông. Ông lo bán phở tôi bán bún. Đừng dính vô ba cái vụ này. Mút mùa lệ thủy ông ơi! Tôi van ông. Tôi ăn thịt chó rồi thì ông phải nghe tôi.
- Địt mẹ mấy thằng hèn.
Và ông chiến sĩ Phục Quốc Văn Chi quày quả đi vào nhà, bỏ mặc thịt chó và mắm tôm cho tôi.
Vài ngày sau, tôi để ý thấy Văn Chi rời nhà rất sớm nên sinh nghi. Hôm đó, khi nghe tiếng lịch kịch ngoài sân, tôi nhổm dậy chạy ra. Văn Chi nhìn tôi ngạc nhiên.
Tôi nắm lấy cổ chiếc vespa, chìa tay:
- Truyền đơn đâu? Đưa đây!
- Ai bảo mày tao đi rải truyền đơn?
- Tôi bảo. Truyền đơn đâu?
Tôi nhanh tay chộp chiếc chìa khóa xe và nói:
- Ông tính hại vợ hại con ông, hại bà cụ ông hay sao mà làm trò khỉ này. Đưa đây, không tôi gọi vợ ông dậy bây giờ.
Cực chẳng đã, Văn Chi xuống giọng:
- Ở trong cốp xe.
Tôi mở ra, lôi được một xấp ronéo, thủ vào túi quần và trả chìa khóa xe lại. Văn Chi lẩm bẩm:
- Địt mẹ thằng hèn. Địt mẹ thằng hèn!
Độ nửa tháng sau đó, Văn Chi lôi tôi ra một chỗ:
- Tao tính trốn, mày nghĩ sao?
- Lộ rồi hả?
- Chắc lộ rồi. Mấy anh em bị bắt, tao lo quá.
- Trốn đâu bây giờ. Ông cho tôi vài ngày, hỏi tụi bạn coi chứ ngay hôm nay thì chỉ có nước ông sang ở đỡ nhà bà chị.
Quả nhiên là lộ thật và có lẽ do lời khai của những bạn phục quốc khác, Văn Chi bị bắt ngay ngày hôm sau.
Từ quán Phở Văn Chi, tôi thất thểu bước về nhà. Sau đó, tôi lặn luôn, nay ngủ chỗ này mai ngủ chỗ khác. Mối liên hệ thân tình giữa tôi và Văn Chi, lại ở sát nhà nhau khiến tôi hoảng. Từ đó nhen lên ý định vượt biên.
Sau những thăng trầm của cuộc đời, tôi được tin Văn Chi đã ra khỏi tù và dựng được quán phở ở ngay đầu ngõ căn nhà 41 đường Nhà Thờ Chí Hòa. Tôi mừng thầm và tin rằng phở Văn Chi vẫn thơm, ngon và sẽ rất đông khách. Cho đến một hôm, ông anh tôi sang đoàn tụ kể:
- Ông Văn Chi mới chết mấy tháng nay. Tội nghiệp ông ấy vui tính, với ai cũng giúp, với ai cũng hết lòng. Vậy mà gia đình tan nát cả. Ông ấy chết, bị tim và đứt mạch máu não, tê liệt mấy tháng, cô quả một mình…
Tôi nghe mà không tin. Bởi trong tôi chỉ có một Văn Chi, lùn nhưng chắc nịch, chửi bới loạn cào cào nhưng lòng ngay dạ thẳng, yêu bạn hơn yêu mình và cả đời chỉ muốn đem niềm vui lại cho người khác. Tại sao lại có cái kết thúc vô lý như vậy cho một đời người như Văn Chi. Vô lý.
Tự nhiên tôi thèm được ăn thịt chó một lần nữa.
Lê Thiệp