Một người bạn đồng nghiệp ngoại quốc, đã nhiều lần thắc mắc, hỏi tôi: "Nước Việt Nam chiến đấu bao nhiêu năm, mới dành được độc lập. Tại sao chị không ở lại, mà vượt biên sang đây làm chi?" Tôi đã trả lời, là tôi có nhiều lý do để bỏ nước ra đi lắm, nhưng khó mà diễn tả hết bằng lời, chi bằng, để tôi viết lên giấy trắng mực đen, rồi anh kiếm người thông dịch mà tìm hiểu cho thấu đáo:
Trời làm một cuộc lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông
Hai câu thơ kém giá trị văn chương, tả chân thẳng thừng này, xem ra lại chính xác đáo để! Không ai biết chính xác tác giả là aiĐã có nhiều người cho đó là hai câu " Sấm Trạng Trình" của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiên đoán chohoàn cảnh đất nước, từ mấy trăm nămvề trước.
Tuy nhiên, ý tứ hai câu thơ lại chỉ chính xác cho những cuộc.... lăng nhăng, do chế độ Cộng Sản khởi đông, như trườnghợp các cuộc biến động ở VN, vào những năm 54 và 75. Còn những cuộc cách mạng trên thế giới đòi dân chủ, những cuộc bạo lọan lật đổ chính quyền, những vụ chỉnh lý do phe phái tranh chấp, thì khi thắng lợi, họ chỉ đưa những bè phái, tay chân, bà con, bạn bè lên giữ những chức vụ quan trọng, chứ không có cảnh ...lật úp sấp thứ tự xã hội như những người Cộng sản.
Người Cộng Sản dựa vào hai giai cấp công nhân và nông dân làm nòng cốt đấu tranh. Đây là những thành phần "thấp cổ bé miệng ", chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, phần vì ít học, phần vì sống trong những điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn, nên dễ dàng nảy sinh bất mãn khi bị khích động. Với chủ trương "đấu tranh giai cấp", khuyến khích căm thù, đồngthờiđưa ra ... cái bánh vẽ về "thế giới đại đồng", "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu" một khi thắng lợi, đã khiếnnhững con người vô tư, đầu óc đơn sơ, nhẹ dạ, cả tin, lăn xả vào cuộc chiến để "hy sinh đời bố, củng cố đời con", tự nguyện làm những viên sỏi lót đường cho một chế độ...không tưởng.
Năm 75, khi miền Bắc thắng cuộc chiến, dĩ nhiên là những thành phần có công lao được hưởng những ưu tiên vật chất, chiếm giữ những địa vị lãnh đạo trong chính quyền. Điều đó cũngkhông có gì là quá đáng. Tuy nhiên, chỉ tiếc một điều, là những vị lãnh đạo các cơ quan nhà nước này, lại là những người không có trình độ học thức, thiếu khả năng chuyên môn, nghèo nàn về kinh nghiệm. Như vậy, thì làm sao họ có thể điều hành các cơ quan, huy động nhân lực một cách hiệu quả? Những ai đã vì hoàn cảnh, từng phải cúi đầu chấp hành những mệnh lệnh "đầu voi đuôi chuột, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của những cấp chỉ huy này, mới thông cảm được nỗi khổ tâm của họ.
Tôi đã từng là một trong những người đó! Tôi bị kẹt lại VN, khi nền Cộng Hòa sụp đổ. Ở trong hoàn cảnh "chẳng đặng đừng", tôi đã từng tự nhủ: "cố mà yêu lấy XHCN, để cho đời sống, và tinh thần phục vụ của tôi có ý nghĩa." Tuy nhiên, sau 8 năm trời cố gắng, tôi đã hoàn toàn thất bại! Lý thuyết và thực tế của XHCN, đã đẩy tôi ngày một xa, tới tận bên kia bờ đại dương !
Thoạt đầu là buổi học tập chính trị. Giảng viên là anh Ba Tuyên Huấn, ngồi co hai chân trên ghế, kiểu ngồi khi "nước lụt", hô hào mọi người phải" học tập căm thù", thể hiện bằng cách phát biểu : thằng Mỹ, thằng Ngụy, thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ. Buổi học tập chẳng nói gì về chính trị, chỉ toàn là mạt xát, vu khống chế độ VNCH bằng những chuyệnbịa đặt, lời lẽ láo khoét, đề cao XHCN là anh hùng.
Trong bệnh viện, trên tường treo la liệt những khẩu hiệu. Nghethì nổ ốp bốp như tạc đạn, nhưng suy ra, thì lại mâu thuẫn lẫn nhau. Khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu", nằm cạnh khẩu hiệu " Hồng trên chuyên", chứng tỏ chế độ coi rẻ khả năng chuyên môn, hơn trình độ chính trị. Thử hỏi, một vị bác sĩ có trình độ chính trị cao, có lương tâm, nhưng lại không có khả năng điều trị bệnh, thì giúp ích được gì cho bệnh nhân ? nếu không nói, là có thể giết bệnh nhân vì sự kém cỏi của mình.
Một chế độ coi khinh tầng lớp trí thức, coi trí thức "không bằng cục phân" ( nhắc lời của Mao Trạch Đông), sắp trí thức vào bực thang chót trong xã hội : "Nông, công, trí", mà các vị lãnh đạo đất nước, trong túi áo luôn để những tấm danh thiếp , ghi đầy những bằng cấp giả mạo, như tốt nghiệp luật khoa, Văn khoa, Tiến sĩ kinh tế học ... Chế độ loay hoay dùng nghị quyết 36 để chiêu dụ "chất xám" hải ngoại, kêu gọi nhân tài trở về xây dựng đất nước. Một chính quyền không đánh giá đúng mức người trí thức, thì làm sao trí thức có thể cộng tác được?
Còn một lý do cá nhân, động lực chính, thúc đẩy tôi phải đi vượtbiên, là chính sách kỳ thị lý lịch tới 3 đời của chế độ CS. Các con tôi khi sinh ra, chúng đâu có quyền lựa chọn cha mẹ, thì ngày nay, tại sao vì nghề nghiệp ngụy quân, ngụy quyền của cha mẹ, mà chúng phải chịu sự kỳ thị bất công, vô cùng cay nghiệt của chế độ? Nếu ở lại đất nước này, các con tôi sẽ không được vào đại học, không được thâu nhận vào làm những công ăn việc làm tốt. Chúng sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự, hoặc lao động khai phá những vùng kinh tế mới.. ..Tôi phải mang các con tôi đi vượt biên, tới những xứ sở tự do, để chúng được canh tranh công bằng. Cuộc đời của chúng, tùy thuộc vào khả năng và sức phấn đấu của chúng , chứ không phải dưới sức ép, và sự đầy đọa của chế độ CS.
Tới được đất nước này, tôi trắng tay, không có tiền bạc, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Tôi phải làm lại từ đầu, phải chập chững tới trường như một đứa trẻ, học từ ngôn ngữ, tới văn hóa, để mong sớm hội nhập vào xã hội mới. Tuy vậy, mà tinh thần tôi lạc quan, trái tim tôi nở hoa, tôi luôn hướng tới một tương lai sáng lạn.
Trên đây chỉ là những động lực chính, thúc đẩy tôi đi vượt biên. Tôi không muốn dài dòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, từng ấy lý do cũng đủ thuyết phục để anh thay đổi quan điểm, và thông cảm với nỗi khổ tâm của một người phải dời bỏ quê hương ra đi.
Giao Tiên
Viết cho Tháng Tư Đen 04/17