Sinh ra ở miền Bắc và lớn lên ở miền Nam, tôi nhớ lúc tôi học lớp năm tức là lớp tương đương với lớp một hiện nay tại Mỹ tôi vẫn nói với các bạn rằng, ba mẹ chúng tôi nói gia đình chúng tôi chỉ sống tạm ở miền Nam cho đến ngày đất nước có tổng tuyển cử, khi mà miền Bắc có tự do thì gia đình chúng tôi sẽ trở lại miền Bắc. Nhưng rồi ngày qua ngày, ước mong đó của ba mẹ tôi đã tan theo mây gió. Tôi học hết trung học, thi đỗ tú tài một và hai, bố tôi mất, rồi tôi đi vào đại học. Việt Nam hạnh phúc tự do toàn cõi đâu không thấy, mà chiến tranh quốc cộng ngày lại càng khốc liệt trước dã tâm thôn tính miền Nam của cộng sản miền Bắc. Chung quanh, tôi đã thấy những góa phụ tuổi đôi mươi, những trẻ thơ đầu quấn khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên chạy chơi trước quan tài của bố là lính trận. Tôi đã thấy những bạn bè nam trong lớp lần lượt xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ông anh họ của tôi 18 tuổi, con một, sau khi đậu tú tài Pháp được bố mẹ cho phép từ Lào về Saigòn thăm gia đình cậu tức là bố tôi một tháng. Nhưng anh đã bị lôi cuốn bởi khí thế đấu tranh của quân nhân các binh chủng khi họ về phép ở thành phố. Và anh đã mua một giấy khai sinh giả để xin gia nhập vào binh chủng nhẩy dù với tờ khai sinh giả đó. Lần cuối cùng tôi được gặp anh là khi anh đi phép cùng một người bạn ghé về thăm ba mẹ và anh chị em chúng tôi. Sau đó thì anh biến mất không để lại dấu tích vì sợ bố tôi bắt trở về Lào. Người bạn mà anh dắt về lần đó, vào một ngày đã trở về gặp lại ba mẹ tôi với hung tin là anh tôi đã hy sinh tại chiến trường. Tôi và mẹ tôi đã đi nhận xác của anh tại nghĩa trang Quân Đội. Vì anh dùng khai sinh giả để xin nhập ngũ cho nên trong gia đình không ai biết tên anh ở trong quân đội là gì, nhưng nhờ người bạn của anh dắt đi cho nên nhân viên ở nghĩa trang đã dắt chúng tôi vào phòng lạnh để nhận xác anh. Tôi còn nhớ, khi mặt anh lộ ra từ túi phủ bao người, máu từ mũi và miệng của anh đã tràn ra. Nhân viên nhà xác cho biết đó là dấu hiệu anh đã nhận ra được người thân.
Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, tôi là một sinh viên năm thứ hai khoa Quản Trị Kinh Doanh, đủ hiểu biết để nhận thức những điều đang xẩy ra trên đất nước, cũng như cảm nhận được nỗi sợ hãi của những người thân trong gia đình có kinh nghiệm với cộng sản. Đặc biệt là trước những tin đồn về cách đối xử trả thù của cộng sản Bắc Việt đối với những người Bắc di cư, vì cha mẹ tôi là một trong hàng trăm ngàn gia đình trước đây đã không chọn cuộc sống gông cùm tại miền Bắc mà quyết định di cư vào miền Nam năm 1954 theo hiệp định Geneve để có cuộc sống tự do.
Nhưng may mắn, nhờ có họ hàng làm cán bộ dưới chế độ miền Bắc, tôi đã được sắp xếp cho học tiếp tục đại học, tốt nghiệp, và được phân bổ đi làm trong công sở của chế độ. Thời gian bốn năm ở dưới chế độ tuy không dài, nhưng với sự chứng kiến những gì đã xẩy ra cho người dân Saigòn, cho các anh gốc Ngụy của tôi, và cả cho tôi, tôi đã hiểu được cách điều hành đất nước của những cán bộ Cộng sản cuồng tín kém học, độc đoán, tự tôn vinh là “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Và chế độ ngu dân đã là nguyên nhân khiến đất nước bị tàn phá, con người bị thui chột, sống không ra sống. Đến nỗi mà câu truyền miệng bảo nhau lúc đó là nếu mà cái cột đèn đi được thì nó cũng đi khỏi nước.
Tôi đã vượt biên ra đi vào cuối năm 1979 và đã đến Mỹ vào cuối năm 1980. Cuộc sống của một người tỵ nạn chính trị trên một đất nước tự do, khởi đầu thật là thiên nan vạn nan. Mọi sự phải tự lực cánh sinh. Với quyết tâm, tôi đã làm nhiều việc cùng một lúc để vươn lên và không từ nan bất cứ khó khăn nào. Thành quả đến, sau hai năm học đại học tôi đã được nhận vào làm tại một hãng dầu hỏa với nhiều quyền lợi tốt. Cùng trong thời gian đó tôi đã tham gia vào một tổ chức đấu tranh và đã hoàn toàn tâm phục bởi những sự đóng góp của những người chiến hữu mà tôi tôn trọng như anh. Những người chiến hữu đó đã từ bỏ cuộc sống cá nhân yên bình để trở về đấu tranh cho dân tộc và đã hy sinh vì đất nước vào năm 1987.
Hồi còn là học sinh tôi đã say mê những bài ca yêu nước với những lời lẽ hào hùng lãng mạn. Như là “anh đi chiến dịch xa vời, lòng súng nhân đạo cứu người lầm than”. Hay là “anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa” vân vân.. Nhờ thời gian tham gia đấu tranh, tôi có cơ hội để sống và hiểu thế nào là tình yêu nước, vì được gặp những con người bằng xương bằng thịt bình thường, nhưng anh hùng chí cả, bỏ cuộc sống yên ổn hải ngoại để chiến đấu giành lại cho dân tộc cuộc đời đáng sống. Tôi cũng hiểu sâu sắc cuộc đời hơn, trước những dèm pha xuyên tạc tệ mạt kéo dài, không phải chỉ từ VC mà những người đấu tranh chúng coi là kẻ thù, mà cả từ những kẻ trốn chạy VC chui nhủi, hay những người làm chính trị mà ganh ghét đố kỵ, hoặc những kẻ thời cơ muốn hợp tác với kẻ ác vì chút lợi ích cá nhân.
Sự hy sinh của những kháng chiến quân Việt Nam đã mở ra một chương sử cận đại của những người lưu vong, ra đi nhưng không quên đất nước. Hùng tâm của những kháng chiến quân Việt Nam đã tiếp nối giòng máu quật cường của tiền nhân qua tâm nguyện: giải phóng đất nước hay hy sinh vì tổ quốc. Người ta có thể bỏ qua sự hy sinh của các anh. Nhưng hệ quả việc các anh làm thì không thể chối cãi: Không có các anh hy sinh, thì đã không thể nổi lên phong trào và tinh thần đứng lên chống lại chế độ độc tài VC, khi mà người lưu vong bị chìm trong cái tâm thức than van sau 1975: “Một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất lối quay về”, và bị tê liệt trong cái ngụy luận của truyền thông Âu Mỹ rằng một khi nắm quyền, chế độ CS không bao giờ bị đảo ngược. Không có tinh thần bất khuất của các Kháng chiến quân đã hy sinh và cái lập trường hải ngoại cương quyết chống độc tài VC thì đã chẳng có chỗ dựa cho sự phát triển các dạng thức đối kháng trong nước và hải ngoại đã là một vùng đất của cờ đỏ sao vàng, từ khi chế độ VC trở thành một đối tác đem lợi lộc đến cho ngoại quốc để đổi lấy sự đồng tình chấp nhận cho tại vị.
Thực tế hiện nay, sau hai thập niên VC biến thái thành tư bản hoang dã, phục vụ thú tính của những kẻ có tiền, thì người dân Việt nam nói chung vẫn tìm cách ra đi khỏi nước để sống, kể cả những con cái và tay chân của giới lãnh đạo quyền thế. Bởi vì chính những thành phần này cũng thấy là không thể sống được trong một đất nước mà đang từng mảng trở thành lãnh địa của các loại tài phiệt lớn nhỏ. Một đất nước được ví trong một bài viết mới đây của nhạc sĩ Tuấn Khanh rằng là “như những con cá trong lưới được chết trong “thống nhất”.
Nhìn chung thì cho tới nay, chúng ta có thể nói gì nhân ngày 30 tháng 4? “Quốc hận” là tâm trạng của những người triền miên trong nỗi cay đắng thất bại. “Thống nhất” và “giải phóng” là sự cường điệu của những người thắng trận mà tảng lờ bỏ qua cái cuồng tín thi hành nghĩa vụ quốc tế vô sản tư an ủi là “hy sinh đời bố củng cố đời con”, dưới chiêu bài chống đế quốc Mỹ cứu nước, để cho con cháu bây giờ tha hồ ôm chân Mỹ. Lạc quan thì cho rằng đã có một cộng đồng hải ngoại thành công, với giới trẻ đầy tiềm năng đóng góp cho dân tộc. Bi quan thì chỉ ra rằng đất nước đã và đang hay sẽ lọt vào tay TC, vì không kể biển đảo và đất rừng đã và đang bị chiếm lĩnh khai thác, nhưng còn dân Tầu vào VN lấy vợ đẻ con, biến VN thành một tỉnh của Tầu.
Nếu bỏ cảm tính sang bên, khách quan và bình tĩnh nhận định, nếu “hận” là vì đã không giữ được nước, hận vì thua trận, không bảo vệ được cuộc sống miền Nam thì hận là có đúng, nhưng có lẽ hận sẽ đúng hơn nếu biết hận là do đã chỉ biết dựa vào ngoại lực chống đỡ cho mình mà nhìn ra thái độ cần phải có bây giờ. “Thống nhất” hay “giải phóng” cho là cường điệu thì cũng được đi, nhưng nếu hiểu thống nhất và giải phóng không phải là để giao nộp cả nước cho khẩu hiệu 4 tốt và 16 chữ vàng thì đất nước Việt Nam đâu có như hiện tại.
30 tháng 4 là một biến cố lịch sử đổi đời quan trọng. Tiếc thay, nó đã không phải là một cuộc đổi đời mở ra tương lai sáng lạn cho đất nước. Nó là một cuộc thay đổi “hư bột hư đường”. Như một biến cố khác 30 năm trước đó, là biến cố cách mạng tháng 8/1945. Không lấy gì làm lạ là Văn Cao, người nghệ sĩ lãng mạn đi theo cách mạng 1945, bị im tiếng suốt thời kỳ toàn trị chuyên chính vô sản, đã lại thất vọng nhanh chóng sau năm 1975 với bài hát “Mùa xuân đầu tiên” bị xếp xó bởi nhà nước Việt Cộng.
Tuệ Vân