Với ông Donald Trump làm tổng thống, truyền thông giòng chính bị mất cái giai đoạn mà họ gọi là tuần trăng mật 100 ngày với tân tổng thống. Giai đoạn này là giai đoạn mà những nhân viên truyền thông giòng chính bám trụ ở Bạch cung dùng để “xem giò xem cẳng” tân chủ nhân phòng bầu dục và những phụ tá thân cận. Trong giai đoạn này, không có những lời dè bỉu chê bai chính quyền mới. Chỉ có giọng điệu kẻ cả nhất loạt so sánh cái tình trạng để yên không soi mói hoạnh họe về quan điểm đường lối này, tương tự như cặp vợ chồng mới cưới, dù sao thì cũng còn nể nang nhau.
Lý do đơn giản là truyền thông trong suốt thời gian tranh cử, và tiếp theo khi Trump thắng cử, đã đứng về phía đối nghịch, tấn công Trump thậm tệ, để ủng hộ cho Hillary Clinton. Cho nên Donald Trump , ở vị trí là một tỷ phú, từ nhỏ là con nhà giầu, tính tình ngang ngược, đã không chịu lép. Cái lối loan tin một phần hay bóp mép hay bình phẩm ỡm ờ của truyền thông giòng chính, để tạo ấn tượng muốn có nơi những quần chúng vô tình, đã bị Trump quật lại bằng cách tương tự, và không nể vì. Trump cũng chẳng sợ gì những nguồn tin mà gọi là từ giới biết chuyện dấu tên của truyền thông, hay là những nguồn tin gọi là an ninh tình báo, do những người lãnh đạo có lập trường chính trị đối nghịch với Trump, loan đi hay tiết lộ. Và Trump đã không ngần ngại chỉ ra những sai lầm to lớn của các cơ quan này trong quá khứ mà toàn dân đều biết, đã dẫn đến những quyết định chính trị có hệ quả tai hại ở Trung đông. Cụ thể là tại Iraq, Syria, Lybia…mà thịt đổ máu rơi kéo dài, và tốn kém tiền bạc cho nước Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khó ra, vì sự hình thành và phát triển của những thành phần Hồi giáo cực đoan khó trị.
Trong giai đoạn không trăng mật 100 ngày này, người bàng quan thấy được nhiều điều thú vị. Ông Trump đã chỉ thẳng tên những cơ quan truyền thông tin giả, mà ông gọi là “thất bại”. Từ truyền thông tự xưng là giòng chính và bề thế trở thành bị coi là truyền thông tin giả, bởi vị đứng đầu cơ quan hành pháp, thì quả là đau hơn hoạn. Rồi ông Sean Spicer, người phụ trách truyền thông Bạch cung, đã bỏ các buổi họp truyền thông quy ước trong phòng họp báo chí, mà tổ chức những buổi họp tản mạn, không mời một số nhân viên truyền thông kỳ cựu ông ta không muốn mời, hay là quên không mời, tại phòng làm việc riêng của ông. Điều này tạo nhữngchỉ trích độc tài của vài nhà chính trị chống Trump như John McCain, hay Lindsey Graham, nhưng rồi cũng qua đi, Tân bộ trưởng ngoại giao Tillerson sẽ đi sang Á châu công du tuần tới cũng sẽ không mang theo một dàn phóng viên chuyên nghiệp như các thời ngoại trưởng quá khứ. Quyết định này cũng bị than phiền, nếu không muốn nói là phản đối, nhưng Mark Toner quyền phát ngôn viên bộ ngoại giao chỉ giải thích “rằng ông bộ trưởng đi một chiếc máy bay nhỏ hơn”, nhưng mà sẽ có một số phóng viên đi theo. Những phóng viên đi theo này có bao nhiêu phần trăm là giòng chính thì không biết. Nhưng phóng viên Tapper của CNN mà ông Trump gọi là hãng tin giả đã nói sự công du không mang theo truyền thông này mang tính xúc phạm (insulting). Có thể hiểu được nỗi bực tức của những người như Tapper với cái mặc cảm tự tôn coi mình là nhất nói gì cũng được, đến độ mà thời cựu ngoại trưởng Kerry chiều chuộng cho đi theo công du, mọi chỗ mọi nơi đến độ xấc láo đặt tên cho ông Kerry là “Kerry-go- round” (Kerry đi lòng vòng).
Quan hệ truyền thông giòng chính với chính quyền Trump như thế, cho nên đã có hiện tượng thường xuyên đưa các tin hay bình luận thất lợi cho Trump. Thí dụ như tin sự xuất hiện trở lại của Christopher Steel ở Luân đôn, cựu nhân viên tình báo Anh M16 sau khi nộp cho an ninh tình báo Mỹ một bản tường trình nghi ngờ có thể Nga âm mưu với Trump để phá Hillary Clinton trong cuộc tranh cử. Bản tường trình không được kiểm chứng nói rằng có những hình ảnh của Trump với gái điếm ở khách sạn Ritz Carlton mà Nga có thể khai thác bắt bí Trump. Trong cuộc họp đầu tiên của an ninh tình báo Mỹ với ông Trump sau khi thắng cử, bản tường trình đã được đưa cho ông Trump và sau đó tiết lộ cho CNN và Buzzfeed để cho họ phổ biến đi rộng rãi. Vì thế CNN và Buzzfeed bị ông Trump mắng là hãng tin giả. Hay là tin thượng nghị sĩ Diane Feinstein trong ủy ban tình báo thượng viện nói rất có thể sẽ đòi hỏi Trump nộp bản khai thuế cho ủy ban xét kín. Bình luận theo vào đó là rất có thể Trump có những liên hệ làm ăn với Nga mà nhất định không nộp bản khai thuế. Rồi cũng có phổ biến đi tin Robert Reich, nguyên bộ trường lao động thời Clinton và giáo sư hàng đầu về Chính trị học ở Berkeley, đã đưa ra 5 điểm vị phạm hiến pháp có thể là lý do bãi nhiệm Trump. Rồi lại còn tin giám đốc FBI đã đến họp mật với ủy ban tình báo thượng viện, về vấn để giao tiếp với Nga. Kèm theo các bình luận hàm ý rằng Trump đang bị nguy điều tra về chuyện này
Trong tình trạng chiến tranh quyết liệt này giữa chính phủ Trump và truyền thông mà người hiểu chuyện biết rằng là tiếng nói của phe chống đối, câu hỏi là bên nào sẽ thắng? Chẳng lẽ ông Trump thất bại và bị bãi nhiệm, tương tự như trường hợp Nixon? Có vẻ như không phải thế. Bởi vì tình trạng nước Mỹ ngày nay không phải là thời Nixon, bị chìm vào chiến tranh VN và quốc hội Mỹ cũng như quần chúng và truyền thông thiên tả chống đối. Ngày nay, ông Trump có một lực lượng quần chúng bảo thủ ủng hộ ông và do đó ông đã thắng cử. Có thể nói rằng ôngTrump là đại diện cho xu hướng quốc gia (nationalist) đang lên trên toàn thế giới mà người ta thấy qua hiên tượng Brexit ở Anh, Marie Le Pen ở Pháp, Duterte ở Phi luật Tân, Alexis Tsipras ở Hi lạp vân vân, Ở đây không nói đến những nước lớn như Nga, Tầu...
Thành ra nói tổng quát lại cuộc đấu đá giữa Trump và truyền thông với phe chống đối hiên nay là cuộc đấu tranh giữa chủ trương giữa phe quốc gia (America first) và phe theo chủ nghĩa toàn cầu (globalism) là biến thái của chủ nghĩa chống bành trướng CS thời chiến tranh lạnh nay không còn nữa. Những dấu chứng được thua sẽ lộ ra dần trong vài tháng nữa. Một nơi quan trọng để nhìn là Do Thái với Netanyahu.
Trần Xuân Ninh
(ngày 9 tháng 3/2017)