Chuyên chính truyền thông, mấy chữ này nghe thật chướng tai, nếu không muốn nói là vô lý. Ý nghĩa chúng ra sao thì phải trước hết hiểu chuyên chính là gì. Hai chữ Chuyên chính là lấy ra từ trong nhóm 4 chữ “chuyên chính vô sản” mà Cộng sản dùng để mô tả chế độ của họ, tránh mấy chữ chế độ độc tài vô sản, nghe không thuận tai mấy. Tiếng Anh là proletariat dictatorship. Trong cái chế độ chuyên chính vô sản này, giai cấp nghèo không có tài sản, mà định nghĩa khởi thủy là công nhân, cùng với những trí thức giác ngộ, nắm toàn quyền lãnh đạo xã hội mọi mặt để chấm dứt bóc lột, thực hiện công bằng xã hội, tức là một thiên đường hạ giới. Thiên đường này gồm mọi người lao động làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, không có kẻ ngồi không ăn bám. Khi bành trướng sang Tầu lạc hậu với Mao Trạch Đông, công nhân không có bao nhiêu, trong xã hội đa số là nông dân nghèo khổ, cho nên nông dân được gom vào với công nhân để trở thành giai cấp vô sản công nông. Chính quyền Cộng sản do Lenin - Staline lãnh đạo ở Nga và Mao trach Đông lãnh đạo ở Tầu là những chế độ chuyên chính vô sản đứng đầu hệ thống các nước CS Á Phi và Đông Âu. Trong chế độ độc tài toàn trị này, những người vô sản -Cộng sản- là những thành phần chủ yếu nắm quyền với sự quy phục hoàn toàn của các giai cấp khác. Sự quy phục hoàn toàn này đạt được bằng một là bạo lực trấn áp, hai là tuyên truyền một chiều thường trực, để chỉ có một loại suy nghĩ. Các nguồn tin ngoài nguồn nhà nước là bị cấm nghe hay bị chặn lại hay bị phá hoại nhiễu sóng để không nghe được. Truyền thông do đó chỉ có một nguồn độc nhất. Do đó có thể gọi là chuyên chính truyền thông.
Trong thời chiến tranh lạnh, thế giới tư bản, lãnh đạo bởi Mỹ, gọi là thế giới tự do, có hệ thống truyền thông nhiều nguồn, với những quan điểm chống Cộng sản nhiều ít khác nhau, ngay cả có những cơ quan truyền thông kể là thân Cộng, hay những cơ quan truyền thông ít nhiều chống chính sách của chính phủ. Do đó truyền thông thế giới tư bản được coi là truyền thông tự do, đa nguyên, trung thực. Đối với những người Việt Nam được tiếp xúc với quan niệm giáo dục từ văn minh Pháp trong nửa thế kỷ đầu thứ 20, thì học được cái ý niệm truyền thông là đệ tứ quyền, là một thứ tiếng nói của dân chúng, bên cạnh ba quyền lập pháp hành pháp và tư pháp độc lập với nhau, để bảo đảm tính cách tự do dân chủ bình đẳng bình quyền của xã hội. Từ nửa sau của thế kỷ thứ 20, khi ảnh hưởng Mỹ tràn vào miền Nam trong cuộc chiến chống bành trướng Cộng sản, và đặc biệt là từ khi các cộng đồng hải ngoại hình thành do phong trào vượt biên vượt biển tị nạn CS, thì lại học được tu chính điều một của hiến pháp Mỹ, rằng tự do ngôn luận là quyền tuyệt đối của mỗi cá nhân không thể bị xâm phạm. Truyền thông và kỹ nghệ giải trí Mỹ (và Tây phương) đã tung hoành trên quan điểm này và đã trở thành một thứ quyền lực bất khả xâm phạm, bao trùm lên trên tất cả ba ngành lập pháp tư pháp và hành pháp. Thêm vào đó là những quyền khác như quyền được biết, quyền được không nói, vân vân cũng như nhiều biệt lệ râu ria khác để làm cho Hoa kỳ là nước nhiều luật nhất trên thế giới, mà ta không nói ở đây vì ra ngoài phạm vi đề tài này. Trong hoàn cảnh như thế, truyền thông và kỹ nghệ giải trí Mỹ cũnglà một loại chuyên chính truyền thông, bởi vì bằng kỹ thuật tinh vi đã bao vây toàn bộ giác quan và tri thức con người.
Thí dụ về quyền tự do ngôn luận nổi tiếng nhất là vào tháng giêng 2015 tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris bị tấn công khủng bố giết hết những người trong ban biên tập có mặt. Lý do là tuần báo này đã liên tục vẽ tranh biếm họa giáo chủ Hồi giáo Mohamed mặc dầu mọi phản đối từ phía tín đồ Hồi giáo. Phản ứng lại vụ tàn sát này là khẩu hiệu Je suis Charlie (Tôi là Charlie) ngay tại chỗ, và đã được truyền đi rộng rãi để bầy tỏ sự ủng hộ tự do ngôn luận tuyệt đối của tờ báo bất chấp người khác. Một vài người Việt Nam hải ngoại cũng viết bài ủng hộ khẩu hiệu này. Tính đến nay, hai năm đã trôi qua, tờ Charlie Hebdo đã mềm đi, không vẽ biếm họa giáo chủ Mohamed nữa. Cho nên gần đây nhất, một nữ phóng viên 35 tuổi của tờ báo, là Zineb el Rhazoui với quan điểm tự do ngôn luận tuyệt đối đã từ chức không làm nữa.
Trở lại với truyền thông và kỹ nghệ giải trí Mỹ đặt trên nền tảng tự do ngôn luận tuyệt đối, người Mỹ nhờ thế mà có cái sung sướng là hàng ngày 24/24 được xem đủ loại tin tức hình ảnh xã hội, chính trị, thật có giả có, gay cấn, hấp dẫn về tình dục, chém giết, bạo lực, phục vụ mọi loại xu hướng cảm tính quần chúng. Riêng về chính trị, truyền thông được giành riêng một phòng trong Bạch cung ngay trong khu văn phòng làm việc của Tổng thống và phó tổng thống để được thông báo định kỳ và bất thường về các vấn đề thời sự, và được tha hồ đặt câu hỏi khó dễ với tổng thống, phó tổng thống cũng như các giới chức trách nhiệm để tùy ý xử dụng khai thác. Truyền thông trong cơ chế này là cấp trung gian (media) độc quyền giữa Bach cung và dân chúng. Bên cạnh các giới chức này là vô số tin tức khác tiết lộ cho truyền thông bởi những người mà truyền thông gọi “là những giới chức thẩm quyền hiểu chuyện giấu tên vì theoquy định không được nói về việc này”. Không ai có quyền hỏi danh tánh những người mà truyền thông giấu tên này, và ngay cả tòa án có hỏi thì truyền thông cũng có thể không phải trả lời, viện ra lý do họ có quyền giữ bí mật nguồn tin. Vắn tắt thì truyền thông toàn quyền định đoạt chuyện nào đáng loan đi (newsworthy), chuyện nào không đáng nói, bảo rằng đúng thì là đúng, bảo rằng sai thì là sai, nói một nửa sự thực hay một phần sự thực vẫn được kể là sự thực, và ngay cả những sự kiện bịa đặt cũng vậy. Nếu cần thì chỉ cho một cải chính nhỏ và ngắn. Không mấy ai có khả năng cãi lại một cách rốt ráo, vì dù có gửi bài đến thì truyền thông vẫn có thể không phổ biến hay chỉ cho tóm tắt phổ biến với lời bình luận để ít nhiều trung hòa tác dụng phản bác. Người Việt nam ai cũng nhớ hình tướng Loan trên chiến trường Mậu Thân súng đạn nổ mọi góc, dơ súng bắn chết một tên VC mới giết cả nhà một sĩ quan VNCH. Nhưng chi tiết này đã không được loan đi. Còn hình ảnh này được truyền đi rộng rãi và lập đi lập lại để tạo ấn tượng tướng lãnh VNCH tàn ác, tùy tiện, để thổi mạnh phong trào phản chiến. Toàn bộ câu chuyện chỉ được nói ra mấy chục năm sau bởi những người phóng viên trong cuộc. Tháng 4/75 các đài phát thanh ngoại quốc BBC, VOA vân vân loan tin Phan Rang mất, Than Thiết mất vân vân trong khi mấy người sĩ quan ở đó mà người viết bài này gặp trong trại cải tạo kể lại rằng họ nghe những tin này khi đang ở đơn vị yên ổn chẳng thấy có tên VC nào hay nghe tiếng súng nào. Thế nhưng vì nghe tin cho nên đã lo lắng sửa soạn để bỏ vị trí. Những sự thực này đã chỉ được biết sau khi hệ quả tai hại của tin giả hay nửa sự thực đã gây ra tác dụng cần đạt rồi. Là làm cho quân nhân VNCH mất tinh thần bỏ chạy.
Trong cuộc tranh cử tổng thống giữa Hillary Clinton và Donald Trump, truyền thông cũng tiếp tục sử dụng cùng một kỹ thuật ảnh hưởng dư luận như thế để ủng hộ Clinton và đánh Trump. Nhưng Donald Trump đã thắng cử, và chống lại. Vì thế cuộc chiến giữa hai bên tiếp tục cho tới bây giờ. Cụ thể, tổng tống Trump không giành cho truyền thông cái vị trí trung gian độc quyền – tức là chuyên chính truyền thông nữa. Về phía truyền thông thì tiếp tục khai thác các tiết lộ mà hư thực không kiểm chứng để tấn công Trump. Cuộc chiến đã diễn ra thế nào, và kết thúc ra sao, ta sẽ xem trong những phần kế tiếp.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 19 tháng 2/2017)