Hạnh phúc và đau khổ là hai điều mà ai cũng ít ra là một lần trải qua trong cuộc sống. Sự khác biệt chỉ tùy theo cường độ và hoàn cảnh xuất hiện. Có người nói, phải có đau khổ thì giá trị của hạnh phúc mới được nhìn thấy.
Đau khổ có thể đến do sự đánh mất đi hạnh phúc. Đau khổ cũng có thể đến do số phận hoặc từ cái nghiệp tạo ra cho cuộc đời luôn gặp những oái ăm, buồn phiền, không toại chí.
Con người cảm nhận hạnh phúc khi gặp được điều như ý, khi có được tình yêu hay sự yêu thương, khi tâm hồn được bình an, khi cuộc sống ổn định, khi có sức khỏe và không bịnh tật, khi gia đình đầm ấm, khi con cái nên người, hiếu thảo và có tương lai, khi tuổi già có được sự hưởng nhàn thanh thản.
Nhưng có người, khi có được hạnh phúc dễ dàng thì họ lại không cảm nhận được cái giá trị của hạnh phúc mà họ đang có, hay là xem thường, cho đến khi hạnh phúc vuột bay khỏi tầm tay, lúc đó mới quay lại tiếc nuối thì đã muộn. Và khi đó thì đau khổ.
Thường thì đau khổ nhạt nhòa dần theo giòng thời gian. Nhưng đau khổ cũng có thể được chế ngự nhanh chóng bằng chính tâm thức và sự hiểu biết của con người. Khi con người nhận thức được rằng không ai có thể quay ngược lại thời gian. Những gì đã xẩy ra thì đã đi qua. Những gì đã mất thì cũng đã không còn. Khi không có được điều ta mong thì hãy nghĩ đến sức khỏe của ta, không nên tự dằn vặt và làm khổ chính mình. Cái hiện hữu và tồn tại trước mắt chỉ còn là chính mình. Còn chấp nhặt là còn đau khổ. Còn bận tâm là còn ràng buộc vào cái vòng lẩn quẩn. Còn vấn vương là còn chuốc khổ trong sự buồn phiền. Hãy dứt khoát với thực tế và bước tới với những điều còn lại để mà vun sới thành tốt nhất cho ta. Không nên đi vào những bói toán dị đoan với ước mong được nghe những điều muốn nghe, hay hy vọng tìm được lối đi trong cơn tuyệt vọng. Bởi vì kết quả thường chỉ là mất tiền mà nhiều khi còn tạo cho cá nhân sự phiền hà do đi sâu vào mê tín.
Cách đơn giản nhất để vượt qua nỗi khổ tâm hay tìm được cho ta sự bình an trong đau khổ chính là có được lối suy nghĩ “Xả” hay “Thả”. Tức là nhìn vấn đề với sự vị tha, hiểu biết, chấp nhận, và bình tâm. Trong cơn giận dữ hãy lấy những hơi thở dài đều đặn để đẩy ra những tạp niệm và lấy lại sự bình tâm. Có thế mới sáng suốt, để tìm ra được hướng giải quyết thích hợp thay vì chìm vào sự đau khổ khiến ta đi vào sai lầm hay tổn tâm và hao mòn sức khỏe.
Khi có sự tĩnh tâm, suy nghĩ của ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, cái nhìn của ta sẽ trở nên rộng rãi và trong sáng, trái tim của ta sẽ thôi khắc khoải và giấc ngủ của ta sẽ được yên bình. Hạnh phúc sẽ đến từ trong cái tâm hiền hòa, yêu thương và hiểu biết đó.
Cách suy nghĩ yêu thương, hiểu biết, và cái tâm thiện tuy không thay đổi được trọn vẹn cái nghiệp hay cái số của mỗi người, nhưng chúng ít nhất có thể đem đến cho chúng ta một cuộc sống khỏe mạnh, có được sự phong phú trong cách nhìn và cách hành xử. Hãy cho đi và không mong sự báo đáp, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc tuyệt vời với những niềm vui. Và tiếng cười rồi sẽ đến với ta.
Phải chăng đó là ý niệm vô cầu trong đạo Phật?
Tuệ Vân