Những điều trông thấy
Tôi có một vài ông-bà-bạn đang sống ở trong nước cũng như ở nước ngoài thường hỏi han:
- “ông sống ớ Nhật khá lâu, chắc là “thổ địa”, cái gì mà ông không biết?”
- “Trật lất, chỉ một mình một xó làm sao biết trời biển bao la”.
Bạn tiếp:
- “Nhưng mà chắc chắn ông sẽ biết nhiều hơn tụi tôi về nước Nhật”?
- Đúng phóc! OK.
Thế thì:
- ông kể đi, cho tụi tôi nghe với”.
- Mà chuyện gì?
- Chuyện quanh quẩn trong đời sống ông đó.
- OK. Để tôi suy nghĩ.... Thôi kỳ này sẽ nói về những gì cảm thấy buồn buồn nhé.
------------------
Theo định nghĩa của sở khí tượng Nhật Bản thì ngày hè được chia thành 3 cấp: 夏日- Hạ Nhật (từ 25~30 độ C, nóng bình thường), 真夏日- Chân Hạ Nhật (từ 30~35 độ, nóng... ra nóng) và 猛暑日- Mãnh Thử Nhật (35 độ trở lên - “nóng khủng”).
Nhưng năm nay “mùa hè lại ở một nơi khác”, trời cứ hâm hấp rồi đổi sang lành lạnh, Tokyo nói riêng và cả nước nói chung đều phải chịu đựng những cơn “mưa khủng” (còn gọi là 豪雨 (Hào vũ) hay mưa du kích (ゲリラ豪雨) cứ ào nhanh và tạnh lẹ đánh ngay vào một chỗ, rồi lặng lẽ ra đi để lại một vùng đất đầy đất đá, mưa bùn khiến dân hèn chúng tôi chỉ biết ngồi than thân trách phận: “sao…. mưa rơi mà không bảo gì nhau”.
Nhưng cuối cùng thì trời đất cũng đã trở lại theo đúng qui luật tuần hoàn, chứ không phải “Em ra đi.... và Mùa Thu Không Trở Lại”, khí trời đã có cảm giác “se se” vào thu, sáng ngủ không muốn rời khỏi giường.
Hôm nay, trời có chút nắng đẹp, tuân lệnh “bề trên”, xin kể lại từ từ những điều tai nghe mắt thấy.
----------------------------
Cứ ngỡ là chuyện bình thường....
Hàng ngày, trong lúc cà phê cà pháo, xem báo.... đợi giờ đi cày thì cứ khoảng trước 8 giờ sáng là phía trước nhà lúc nào cũng có tiếng cười đùa, ơi ới rủ nhau đi học của một nhóm trẻ con bậc tiểu học quanh khu vực. Cũng chẳng lấy gì là ngạc nhiên vì đó cũng chỉ là chuyện bắt đầu của “một ngày như mọi ngày”, cho đến một hôm đọc được những tâm sự từ một người bạn trên chung cư “Phây”. Hơi giật mình về những điều mà cứ ngỡ là chuyện bình thường, “tưởng dzậy nhưng không phải dzậy”. Trích nguyên lời tâm sự của người bạn không thêm không bớt:
Những câu chuyện nhỏ về đất nước này
Câu chuyện thứ nhất: Hôm nay trên đường ra bãi xe, nghe tiếng chuông leng keng, vội tránh qua một bên; thấy bé gái chừng 5 tuổi đạp xe đạp 2 bánh thật chững chạc. Đi qua mình, em ngoái lại: cất tiếng cám ơn “Arigato gozaimasu”. Trời dễ thương đến cảm động, nhìn có bố mẹ nó theo không mà không thấy ai, chắc nhà gần đó thôi. Con ai sao mà khéo dạy… mà hình như con nít Nhật phần đông đều lịch sự có thừa vì đã được huấn luyện từ nhà trẻ. Chợt nghĩ, phải chi sau 75 ở VN, các trường còn giữ lại môn công dân giáo dục chắc mình không phải nghe những câu chuyện giành đường tới giết nhau. Giờ thì một tiếng cám ơn khi nhường xe giống như chuyện cổ tích!
Câu chuyện thứ 2: Sáu năm trước, con gái học lớp 4 tiểu học. Thỉnh thoảng buổi sáng lái xe đi làm trên con đường nó tới trường. Học sinh tất cả đều đi bộ, đứa bé đi theo đứa lớn. Tới ngã tư, có ông cụ đứng phất cờ xin đường cho các cháu qua. Các cháu đi xong, ông đứng rạp người cảm ơn tài xế đã chờ. Về hỏi con gái, nhà trường mướn ông cụ lớn tuổi làm công việc nắng mưa tội nghiệp vậy. Nó nói: - Ông cụ làm thiện nguyện, không phải nhân viên. Nghe nói cụ đã từng làm trưởng phòng bưu điện của khu vực, về hưu, cụ ra phất cờ giữ an toàn cho mấy đứa nhỏ đi học. Thêm một sự cảm động, giờ đó nếu là mình về hưu… sẽ là giờ vàng, uống cà phê nghe nhạc! Ở VN, câu chuyện chắc cũng là cổ tích.
Nhưng chuyện không kết ở đó. Một hôm đi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm nhoẻn miệng cười khi gặp mình:
- Cám ơn con bé nhà ông đã làm một hành động tốt.
- Chuyện gì vậy Sensei?
- Oh ông cụ làm thiện nguyện giữ giao thông cho học sinh phải nhập viện vì mổ. Con bé nhà ông nó viết thư hỏi thăm cụ. Cụ cảm kích gởi thư cám ơn trường và con bé. Nó tự nghĩ làm như vậy chứ không ai chỉ dẫn đâu.
Lòng cảm thấy vui vui, về nhà hỏi thì nó nói:
-Thường thôi mà, ông cụ đã giúp tụi con thì con nghĩ hỏi thăm lúc ông nằm viện chắc ông sẽ phấn khởi, mau lành bệnh.
-Sao con biết địa chỉ ông cụ mà gởi?
-Thì đem ra bưu điện khu vực, ai cũng biết ông, Con trai của ông cũng đang làm ở đó.
Thường ngày có rất nhiều người tốt quanh ta, giúp ta mà ta không cảm được cái tình nghĩa đó, cứ cho rằng “Atari mae”, họ làm là chuyện đương nhiên; trong khi con trẻ nó thấy cần có hành động đáp trả khi có thể, như là một chuyện bình thường. Cám ơn đất nước này đã dạy dỗ con tôi biết cách sống.
Chuyện thứ 3: cũng đã khá xưa, 20 năm trước tôi đi giúp các thầy cô dạy trong các trường tiểu học có học sinh VN ở khu vực Kobe và Amagasaki. Đối với các em mới sang không hiểu tiếng Nhật thì mình dịch lại những gì thầy giảng dạy, giúp các em làm toán, luận văn v.v… Với các em sinh ra tại đây thì thu xếp giờ dạy tiếng Việt cho các em để đừng để bị mất gốc.
Một buổi sáng vào học, thầy chủ nhiệm cho các em đổi chỗ ngồi theo chu kỳ 3 tháng một lần. Sau khi đổi chỗ, các em sẽ quay qua bắt tay những đứa bạn chung quanh mình và cất tiếng “Yoroshiku” (Xin trân trọng… giúp đỡ nhau). Tuy nhiên, một tình huống xảy ra ngoài suy nghĩ của tôi, một cô bé VN mới qua Nhật, hơi chậm phát triển một chút, đưa tay để một cu cậu Nhật bắt, thì cậu quay ngoắt đi chỗ khác khiến tay con bé trở nên ngượng ngùng. Tôi đi tới tính nắm tay con bé thì thầy chủ nhiệm đã thấy được cảnh tượng đó. Lập tức thầy gọi cu cậu lên trên đứng, cho ngưng 3 tiết học để chỉ giảng vấn đề đối xử nhau với tình con người. “Em nghĩ thế nào nếu sau này em trở thành một thanh niên, đi làm, đưa tay bắt mà không ai bắt tay với em? Hãy suy nghĩ đi!”
Đợi thằng nhỏ thấm xong, thầy lại hỏi: -Do suru? Làm sao đây?
Thằng bé tới chỗ con nhỏ VN, đưa 2 tay nắm và nói: Gomennasai… (Xin tha lỗi).
Thêm một bài học, Trường Nhật họ đặt vấn đề giáo dục con người lên trên thành tích. Bỏ 3 tiết học chỉ để giúp thằng bé thấy được cái sai!
Câu chuyện cuối: Ngày 11 tháng 3 năm 2011, loa cấp báo sóng thần đang đi vào ven biển Iwate. Các trường học sơ tán khẩn cấp. Trong lúc thập tử nhất sinh, hàng trăm em học sinh của một trường trung học cấp 2 phía trên cao đã chạy xuống trường tiểu học phía dưới mạn ven biển cách chừng 300m, để cứ từng đứa lớn, nắm tay một đứa nhỏ chạy ngược lên phía đồi cao, trước khi cơn sóng thần cao gần 30m ập vào xóa sổ.
Những đứa trẻ đó, sau này lớn lên, lúc nào nó cũng nhớ, nó đã được cứu, thì nó phải có bổn phận cống hiến lại cho đời. Dân tộc Nhật cứ vậy mà duy trì cái tinh thần sống thượng võ đã tiềm tàng trong con người của họ. Cho dù không phải là tất cả.
Những câu chuyện đó, tưởng rằng nó là sản phẩm đặc trưng của Nhật?
Không đâu, thế hệ tôi thời còn bé, trải qua những lớp học của các trường Phật giáo. Công Giáo tại VN… đã được dạy dỗ như vậy. Nó chỉ trở thành của hiếm sau 75 vì các hệ thống giáo dục tư nhân tôn giáo đã biến mất. Một số bạn bè La San hoặc chủng viện Sao Biển của tôi ngày xưa vẫn đang âm thầm bỏ công sức, góp phần nhỏ nhoi xây dựng lại một thế hệ biết “sống”.
Đọc xong, thấy nhột nhột, tôi góp ngay mấy dòng:
Thường ngày, khi ra khỏi nhà bằng xe hơi, đến một chỗ quẹo thì qua kính chiếu hậu thỉnh thoảng thấy vài cháu bé chắc là học sinh tiểu học đang chạy xe đạp đằng sau, lẽ dĩ nhiên tôi ngừng xe lại để các cháu bé vượt ngang, nhưng lúc nào tôi cũng nghe rất rõ: arigatou gozaimashita. Tôi chẳng bao giờ để ý đến khi đọc được mấy hàng chữ của chú H. Hóa ra là chuyện quá bình thường, nếu không có ai nhắc đến thì có lẽ nhiều người không biết trong đó có tôi mặc dù sống ở Nhật lâu lắm rồi.
--------------------------------
Tuy đã đủ những điều mình muốn nói nhưng viết tới đây rồi.... không lẽ lại ngưng もったいない (mottai nai- uổng quá) nên xin tiếp tục kể thêm một chuyện liên quan, nghĩ thấy mà thương....
Tuổi thơ Nhật Bản
Khi có con em đang học bậc tiểu học, thì các phụ huynh thường phải tham gia vào “Kodomokai” (Hội Trẻ Em) trong khu vực mình đang sống. Đây là một “luật” bất thành văn có từ lâu lắm, Vì là một hình thức tự trị, nên hội chẳng có liên quan gì đến nhà nước, không giống như các Hội bên VN như “Hội thiếu nhi “quàng khăn đỏ”, Hội cháu ngoan Bác.... vớ va vớ vẩn....). Hội có “cương lĩnh” rõ ràng: giúp cho các em sống cùng khu vực có thể gần nhau, kết bạn với nhau rồi cùng làm chung một việc: có ích cho chính bản thân hay xã hội. Việc tham gia này cứ thay phiên nhau mỗi “hộ” 6 tháng. Khoảng mươi năm trước, nhà có đứa con đang theo đuổi bậc.... “tiểu học”, nên mình nghiễm nhiên trở thành một thành viên của hội. Công việc khá đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Buổi sáng phụ huynh thay phiên nhau đến địa điểm tập trung để “tiễn” các em đi học, lúc các em về thì không cần vì đã có những người thiện nguyện khác. “Công tác” chính là nhận, in rồi mang những bản thông báo các sinh hoạt của hội đến từng nhà. Họp hành lai rai “trên mạng” để lên “khuôn” cho những kế hoạch dắt các cháu đi.... chơi.... Mỗi tháng một lần có mặt chung với mọi người vào thứ bảy đầu tháng để điều động các em đi từng nhà thu gom từng chồng báo cũ, từng thùng lon, chai... xếp vào một chỗ, rồi bán lại cho chỗ thu mua. Số tiền thu được chả có là bao, nhưng mang ý nghĩa là: do chính sức mình làm ra để trang trải một chút vào việc vận hành hội, hay đóng góp vào một công tác từ thiện.
Sau phần thu gom những “vật dụng tái sinh” sẽ là màn từ già đến trẻ rủ nhau đi quét đường hay nhổ cỏ dại tại công viên, nơi các em hay chơi đùa. Tuy mỗi tháng chỉ một lần, nhưng thấy các em vui lắm, cứ mong chóng đến tháng tới.
Ở trường, các thầy cô giáo thường luôn khuyên bảo: các em phải có những trải nghiệm “thực tế” ích lợi cho cuộc sống mai sau. Vì thế hội tự trị, hội phụ huynh tại khu vực đang sinh sống đều khuyến khích các em nên tham gia vào ngay cả những sinh hoạt “ngoài luồng”. Mùa Obon (mùa Vu Lan) là mùa có nhiều “event” để các em tham gia dễ dàng nhất. Do đó phận làm thầy, làm cha làm mẹ, đều phải “lên khuôn” những chương trình thật là bắt mắt vào cái mùa “obon” nóng “khủng”. Trước ngày lễ một tuần, các phụ huynh trong hội chuẩn bị giăng đèn kết hoa, dựng dàn dựng rạp; các em đều phải họp nhau để tự “phân chia người nào việc đó”, tập trước cách đi cách đứng, cách la, cách khiêng “mikoshi” (kiệu) đón.... mùa hè. Có thể nói không sai, những sinh hoạt “ngoài luồng” này rất cần thiết cho việc tạo dựng các em có một tinh thần tự lập ngay từ những buổi ban đầu. Hãy “sống cho người, trong đó có mình”. Trẻ em Nhật Bản là thế.
Tuổi thơ Việt Nam
Vài tháng trước, một ông bạn ở xa lắm, có gửi cho tôi xem một đoạn video nói về những bất hạnh của con trẻ Việt Nam. Ông bạn chịu khó nghe và viết lại lời thuyết minh của clip video phần về các em đã phải bương chải làm nghề hủ tíu mì gõ
... làm hủ tiếu mì gõ này là việc xử dụng lao động rẻ tiền nhất của những trẻ em không trường học, rời bỏ gia đình từ những miền cực khổ miền quê để gia nhập đội ngũ đi kiếm miếng ăn thường nhật về đêm này.
..Ở những góc độ tầm nhìn của xã hội hôm nay đang làm xót xa nhức nhối cho những ai có lương tri khi nhìn về tầm xa của thế hệ mai sau chúng ta .
..Vì đó là những thế hệ trẻ không đủ điều kiện để đến trường, phải thức khuya để làm công việc này. Đáng lẽ ra chúng phải được đi trường học, vui đùa.
.. Chính những sự bóc lột thái quá công sức lao động của trẻ em thiếu giáo dục và sự dung nạp vô tổ chức bừa bãi của những đứa trẻ vô gia cư này sẽ là hậu quả để đưa những trẻ em vô tội này vào những cạm bẫy của cuộc đời và dễ dàng biến chúng vào những tội phạm vô lường trước cho một xã hội ngày nay của chúng ta .."
Ông bạn chia sẻ tiếp: Đọc và coi qua những sự kiện này không ít nhiều làm cho chúng ta phài suy tư một cái gì đó cho xã hội VN chúng ta ngày mai!? đúng không a Khuê và phải chăng anh em mình cũng đang mang cùng tâm trạng: "Triệu con tim một tiếng nói" của *Việt Khang không nhỉ a. Khuê?
Bất tận ngôn từ cho Việt Nam Quê Hương.
Tôi có nhờ ông gửi lại đoạn youtube mà ông đã gửi, nhưng ông tìm mãi không ra và ông hứa là ông sẽ tìm cho bằng được. “Anh C. khỏi cần tìm nữa”, vì đã quá đầy đủ qua những hình ảnh khác mà tôi ghi nhận. Cám ơn anh C.
*Việt Khang là một nhạc sĩ trong nước đã bị chế độ cầm tù 4 năm vì sáng tác những bài hát “Anh là ai?”, “Việt Nam tôi đâu”....
Nhớ lại lúc làm “hộ vệ” cho các em tay cầm đèn, tay cầm quạt, thay phiên nhau khiêng “mikoshi” (kiệu mủa hè) miệng la lớn: “Wasshoi” (có ý nghĩa là vác cả Nhật Bản lên vai), một hình ảnh rộn ràng không thiếu vào ngày lễ hội mùa hè Obon tại Nhật. Rồi thấy các em cùng tuổi ở quê nhà đang lang thang kiếm sống, tay cầm chồng vé số, vai vác những con chim đi bán lê la khắp chốn khiến mình thẫn thờ và lặng người cả buổi.
“Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai saụ
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao”
Bài hát “Học sinh hành khúc” của nhạc sĩ Lê Thương mà tôi thuộc nằm lòng hồi niên thiếu sao giờ nghe xa quá.
Hẹn bạn ta dịp khác sẽ kể chuyện vui hơn.
Vũ Đăng Khuê