Một người làm quan cả họ được nhờ?
Hôm 5/10, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn Chương cho ông Kazuo Ishiguro, người Anh gốc Nhật, trở thành người thứ 114 nhận giải trong lãnh vực này. Ông sinh tại Nagasaki, sống đến 5 tuổi thì theo bố mẹ sang Anh “lập nghiệp”, năm nay cũng đã 62. Ông trở lại Nhật lần đầu vào năm 30 tuổi. Nhìn mặt, thì rõ ràng là gốc Á không trật vào đâu được.
Với cả cuộc đời với chữ nghĩa, ông có rất nhiều tác phẩm để đời và đoạt nhiều giải văn chương khác.
Trong cảm tưởng đầu tiên khi được hỏi, ông nói: “khi được báo tin, tôi vẫn tưởng là ai đang... giỡn”. Thật vậy, vì lần này ông cũng không có trong danh sách những người được “dự đoán”, nhưng cũng không đến nỗi bất ngờ lắm như năm ngoái khi ca sĩ Bob Dylan được bầu chọn.
Ông tâm sự: “6 năm trước khi về nơi chôn nhau cắt rốn, ngay lúc dạo phố, ngay lúc ăn cơm, ký ức về tuổi thơ của tôi đã sống lại khiến tôi mang một tâm trạng hoàn toàn khác với những nơi đã đi qua. Nhật Bản là một phần đời sống trong tôi”. Ông tâm sự tiếp: Cuộc sống vốn ngắn hơn bạn nghĩ, nhưng tôi muốn người đọc nên suy nghĩ về những điều quan trọng nhất trong cuộc sống ngắn ngủi đó”, và đó cũng là ý tưởng trong tất cả các cuốn sách của ông.
Không biết diễn giải như thế nào cho chính xác, nhưng theo một vài tờ báo tiếng Việt “miêu tả” (nói nguyên văn) thì Kazuo Ishiguro là “con người của những cuốn tiểu thuyết vũ bão cảm xúc, đã mở ra vực sâu bên dưới cảm xúc mơ hồ về sự liên kết với thế giới của chúng ta”. Lời tả về ông quá “cao siêu, văn vẻ” hơi khó hiểu, không biết người Nhật có hiểu như thế không? nhưng chả sao, chỉ biết là dân Nagasaki nói riêng và người Nhật nói chung ai cũng nở mày nở mặt khi ông được giải. Ngay tại thời điểm giải vừa được công bố: *“gogai” (号外) phát đầy đường loan tin “thắng lợi” khắp thành phố Nagasaki.
(*Một loại báo giấy phát hành ngay tức khắc khi có những tin quan trọng được phân phối trước những nhà ga lớn).
Cũng có ý kiến khác. Một tờ báo bên Trung Quốc có một bài viết: “Người Nhật lo lắng giải Nobel Văn Chương Kazuo Ishiguro”, họ viết rằng: “việc ông người Anh gốc Nhật này được giải đang cho thấy tình trạng suy thoái của nền văn chương Nhật”. Tờ báo này còn trích lại lời của đô trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko trong cuộc họp báo thường lệ: “Các nhà nghiên cứu đang từ từ rời Nhật, làm thế nào để giữ gìn, nuôi dưỡng và phát huy các nguồn chất xám này là vấn đề cũng cần phải giải quyết”.
Đúng là như vậy, nhưng cái tờ báo này chỉ nói về “mảng tối” thôi, còn nhiều “mảng sáng” chói mắt luôn, không muốn nói thật hay không chịu nói ra. Tờ này “nói thật” hay “mai mỉa”? Thôi kệ nó, để chuyện đó qua một bên.
Dân Nhật biết nhiều tới ông hơn qua tác phẩm “Watashi wo hanasanai de” (nguyên bản: Never Let Me Go (2005) khi được đài truyền hình TBS chuyển thành phim kịch vào tháng 1/2016. Tám (8) tác phẩm của ông trong suốt 16 năm qua, khi được chuyển sang tiếng Nhật chỉ bán được lai rai tàm tạm, nhưng ngay sau khi ông “trúng giải”, một nhà xuất bản cho biết họ nhận được 200 nghìn order (注文) và được coi là “nhiều quá trời quá đất”. Đó là chưa kể đến những sách của ông còn “tồn kho” trong các tiệm sách cũng từ từ hết sạch ngay vài ngày sau đó. Có người mua tất cả các tác phẩm từ trước đến nay của ông để làm kỷ niệm. Quá khẳm
Vậy thì Ở Nhật, câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” phải được đổi là: “Một người làm quan cả nước được nhờ”, chứ không phải mang ý nghĩa “nguyên thủy” của “phe ta”. Chính xác hơn thì hơi buồn nhưng phải nói là “phe ta” thường có thói quen “dựa hơi” hoặc “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Chuyện này thì thiếu giống gì khỏi cần phải kể.
“Giấy” hay “Lướt”
Chỉ với ba cái đồ “quẹt quẹt” thì tiện lợi vô cùng, đọc sách lướt “chùa” thoải mái trong những giờ ngồi xe điện trên đường đi làm hay lúc về nhà, mọi tin tức có thể biết ngay tức khắc. Nhưng .... có điều hơi kẹt: cứ phải lướt lên lướt xuống, quẹt qua quẹt lại, link tới link lui, mỏi cổ lại thêm mỏi mắt, rồi lại không thể nào để trở lại phần “nguyên gốc”, nhất là khi muốn tìm hiểu tận tình một vấn đề nóng bỏng, thỉnh thoảng lại bị “trớt quớt” vì xe điện đã “vượt quá làn ranh”, qua luôn cái ga mà mình muốn xuống.
Đang “lai rai ba sợi”, cái TV bên cạnh vang lên bản tin “lạ” (omoshiroi), ngừng ngay và ghi vội vài “dữ liệu”, vài giờ sau mảnh giấy đó đã “biến” đâu mất tiêu, cũng có thể là mình hay ai đó “sẵn tay vô tư” dọn luôn cho .... tiện rồi rốt cuộc “tay trắng lại trở thành .... trắng tay”.
Thỉnh thoảng khi “lên mặt thầy đời” với ai đó, với mẹ cháu, luôn luôn dặn lòng: phải tìm hiểu rõ ràng tận cùng câu chuyện để mà giải thích rành rọt cho có bài có bản, sensei (thầy giáo) mà. Lơ tơ mơ là lãnh ngay bữa cơm với rau “đay”, thịt “bầm” “xả” ớt, thịt “nghiền” mướp “đắng”...... khiến “nhu cầu” có một tờ báo giấy hay sách giấy lại là điều không thể thiếu.
Kết luận: “giấy” cũng cần và “lướt” cũng cần, tôi muốn cả hai. Một cựu luật sư trong nước đang bị nhà nước “trù dập” đã có nhận định khá hay về.... “giấy”: Hôm nay lại mua một đống sách để đọc. Ngồi ngắm nhìn sách, đưa tay chạm vào sách, là khoái cảm lớn nhất của tôi. Thú thật, không thích Kindle lắm là bởi thiếu khoái cảm nói trên.
Tuần trước, đã quyết định mua báo giấy “bất định kỳ” và không chừng sẽ “định kỳ” một ngày nào đó.
Còn thú đọc và sờ sách giấy thì tôi cũng có từ lâu, thỉnh thoảng vẫn nhận được sách mới từ tủ sách Tiếng Quê Hương do anh Uyên Thao, một đàn anh của cố ký giả Lê Thiệp chủ trương. Năm nay anh cũng tám mươi mấy nhưng vẫn kiên trì, anh đã từng “mắng” khi Lê Thiệp lơ là trong việc viết lách:
Tao chỉ cần 300 độc giả là đủ. Cái quan trọng là phải có phương tiện cho anh em có chỗ tập trung, có chỗ trao đổi. Mày có tin rằng trước sau gì Cộng Sản cũng thua, và nếu tao với mày còn sống thì đem về Việt Nam được những gì?”
…….
Cộng sản bằng mọi giá muốn lịch sử phải được viết dưới lăng kính, dưới nhãn quan Lê-Nin-Nist. Họ phải tìm đủ mọi cách xóa bỏ những thực tại của lịch sử, nếu không thì bóp méo mọi dữ kiện trái với quan điểm của họ. Điều này rõ ràng không cần chứng minh gì nữa. Vấn đề còn lại là của tao, của mày, của những anh em mình.”
------------------------------
Trích trong bài nói chuyện của Lê Thiệp vào tháng 24/3/2013 trong ngày Tiếng Quê Hương ra mắt sách và anh đã lìa bỏ cõi đời sau đó 3 tháng vì ung thư gan.
--------------------------
Định ngưng, save và cất để sáng hôm sau send nhưng ngứa mắt không chịu được khi mắt vô tình nhìn thấy ....
Chữ với chả nghĩa
Từ ngày có cái “quẹt quẹt”, cái tablet (máy tính bảng), tôi đã tình nguyện “xin làm thành viên” một vài website tin tức “chùa” bằng tiếng Nhật chuyên về Việt Nam. Các bản tin này hầu hết trích từ các tờ báo lớn, hãng thông tấn lớn, truyền hình lớn và hầu như ngày nào tin cũng được cập nhật. Tin “lành” thì không thiếu, đại khái nào là tại quận đó hay xã đó sẽ có những “giao lưu” hay “event”(*) hoặc vào ngày này tháng này sẽ có một lễ hội Nhật-Việt, một tiệm ăn Việt Nam tưng bừng khai trương....., nhưng “tin dữ” cũng không thua, vài người Việt Nam vừa bị “múm” vì setto- (窃盗-ăn cắp), shogai- (傷害- đánh nhau)...., Tuy nhiên khi xem phần tiếng Việt của một vài tờ báo trong nước thì lại “phát hiện” ra một “sự cố” bàng hoàng: cùng một sự việc nhưng lại được diễn giải bằng thứ ngôn ngữ “lạ”: chẳng hạn “phó phòng "gặp sự cố" ở siêu thị của Nhật Bản”, “mua đồ quên trả tiền”v.v....
Trời ơi đất hỡi. Đúng là “miệng nhà quan nghe xong.... muốn ói”, là “Ông lớn” thì sẽ là “gặp sự cố”, hoặc “quên này quên nọ”, còn gặp “dân đen” thì “phải triệt để triệt tiêu thành phần xấu”. Thôi đi cha, ăn cắp thì gọi mẹ là ăn cắp, vớ va vớ vẩn, nghe muốn chửi thề.
(*) “event” được chuyển ngữ thành..... “sự kiện”, cũng là một ngôn ngữ lạ có một không hai
“Sự kiện xảy ra sau đó đã khiến nhiều để ý” và “Hai người gặp nhau tại... sự kiện”. Ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Mà thôi cũng là chữ Việt, đành tự nhủ lòng không bao giờ dám đụng theo ý nghĩa thứ hai.
Chữ với chả nghĩa. Chán bỏ mẹ.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê