Không biết từ bao giờ và tại sao lại có người nói tuổi già là tuổi vàng. Đã có bài viết giải thích ý nghĩa việc này, mà không mấy người nhớ. Bởi vì cả người thường-mải-việc lẫn người trẻ-ham-vui chẳng ai quan tâm đến cái gọi là tuổi già để mà đọc và nhớ. Còn người ở tuổi có đọc những bài viết này và có thích thì cũng chắng nhớ lâu và nếu nhớ thì rồi cũng chỉ mang theo với mình. Có lẽ lý do chính để nói tuổi già là tuổi vàng là bởi vì mấy vị có tuổi hãnh diện về cái tình trạng sống khá lâu của mình mà ca tụng nó. Cũng như những hiện tượng đặt tên kỷ niệm bạc, kỷ niệm vàng, kỷ niệm bạch kim cho các dịp vợ chồng sống với nhau 30 năm, 40 năm, hay 50 năm, vì là những điều hiếm có hiện nay ở đất Mỹ này. Hiếm có không phải vì chết non mà vì tỷ lệ vợ chồng bỏ nhau tính ra là trên dưới 50%. Trong cộng đồng Việt Nam, sự hãnh diện về tuổi già có lẽ bắt đầu từ cái câu “kính lão đắc thọ”, (trọng người già thì được sống lâu) tuy rằng xem ra thì tuổi già chẳng có gì đáng kính. Bởi vì già thì về phương diện thể chất tóc bạc da mồi, mắt mờ tai nghễnh ngãng, đi đứng loạng choạng, đau chỗ này nhức chỗ nọ. Về phương diện tinh thần thì suy nghĩ chậm lụt, nói trước quên sau. Tuy không phải ai cũng thế, nhưng nói chung thì lực bất tòng tâm (lòng thì muốn mà sức thì không kham). Bỏ ra ngoài những điều hao mòn hư hại tự nhiên như vừa kể trên của thời gian lên con người, thì khách quan phải nói rằng tuổi già chỉ là do sinh ra trước. Cho nên không khác gì tuổi trẻ. Tất cả đều trải qua tiến trình sinh diệt với thất tình lục dục như nhau. Thể nhưng mà cũng có người trong các mạch văn hóa cổ này vẫn cho rằng tự cái tuổi già đã là điều đáng trọng đáng nể. Chỉ có một người Việt không nghĩ như thế, là ông Phan Khôi, đã so sánh người già với cái bình vôi trong truyện ngắn Ông bình vôi. Xin phép nhắc lại ở đây rằng ông Phan Khôi là người Quảng Nam (trong câu tục ngữ Quảng Nam hay cãi), vốn là nhà văn nhà báo. Ông là người đã xướng xuất cho giới văn nghệ sĩ miền Bắc dựa theo cái khẩu hiệu “Trăm Hoa đua nở” Mao Trạch Đông đưa ra để mà tự do viết và sáng tác, từ đó hình thành nhóm “Nhân Văn- Giai phẩm” năm 1956. Nhóm này đã bị chế độ Hà nội trấn áp nhanh chóng. Ông Phan Khôi bị giam lỏng tại gia cho tới khi chết, ba năm sau. Xin trích đoạn chót của bài viết ông Phan Khôi
“Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng “Ông”.
Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại.”
Mở ngoặc xin nhắc để quý vị vô tâm biết rằng Lê Đạt là một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm, sống lâu nhất, chỉ mới mất năm 2008. Và cũng xin nói rằng bài văn này nhà văn Phan Khôi đã viết thời Nhân văn Giai phẩm, sau khi Hồ chí Minh thỏa thuận với Pháp bằng hiệp ước Génève chia đôi đất nước mà chiếm được nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra. Là vì khi ông khai thác khẩu hiệu của Mao để vận dụng người dân lên tiếng nói về tình trạng trấn áp của chính quyền Hồ chí Minh thì nói chung tất cả đều đã im như thóc. Đa số dân trẻ và nhầng nhầng bần cố không biết thì không nói làm gì. Giới đầu óc đã nhìn đã thấy mà cũng lặng câm. Cho nên mới được ông so với cái bình vôi.
Nói rộng ở Việt Nam, thế kỷ trước người già không có việc gì làm, hay không biết làm gì, không dám làm, thì so sánh với cái bình vôi lâu ngày vô dụng, không chứa thêm được vôi là đúng. Nhưng ngày nay, người già, ít ra là tại Mỹ, có đủ thứ để làm mà chê bai như thế thì “không chuẩn” (theo tiếng VC).
Hãy cứ kể những người già Mỹ Việt hạng chót ở Mỹ, cả đời không làm gì bao nhiêu, mỗi tháng lợi tức nhà nước Mỹ ban cho để sống trung bình cũng trên dưới 700 đô la. Số tiền này ở Mỹ chỉ đủ ngồi một chỗ sống chật hẹp qua ngày. Nhưng khá nhiều những vị tuổi vàng nghe theo thơ tuyên truyền của VC “quê hương là chùm khế ngọt” đã rủ nhau trở về hưởng cái vị ngọt của những trái khế vốn bản chất là chua. Cụ ông thì kiếm “cô bé nhỏ xinh xinh” vừa mắt nào đấy giúp việc nội trợ cơm nước cũng như đấm bóp. Và cũng đồng thời xóa được cái mặc cảm xấu hổ của môt vài kẻ tự cho là “có lòng” chê rằng con gái VN không có tự hào dân tộc để lấy con trai đàn ông VN mà cứ nhào đi khỏa thân trình diễn mong được tuyển đi lấy chồng Đài loan, Hàn quốc, vân vân…Cụ bà thì son phấn đi về hội ngộ này nọ, hay là chụp hình trao tặng tiền bạc quà cáp từ thiện cho những thương phế binh béo củ. Hay hành hương những nơi VC mới xây dựng, tu bổ sửa sang để làm chỗ buôn thần bán thánh. Hoặc là du lịch Phú Quốc, Hà nội, Điện Biên để thăm triển lãm VC nó chế hóa bầy ra xỉ mạ Việt Nam Cộng hòa tàn ác hành hạ cán binh VC trong thời chiến. Bỏ những suy nghĩ cảm tính này đi, thì tuổi già loại này không hẳn là vô dụng. Bởi vì có đóng góp không ít thì nhiều cho tài chính và kinh tế trong nước để cho “đảng và nhà nước ta” có thời gian sửa chữa và thay đổi theo như những cây bút hay cái lưỡi kể là “ưu thời mẫn thế” được VC hay tay sai đưa ra lia chia trên các diễn đàn truyền thông tiếng Việt.
Đối với các vị cao tuổi chỉ lo giữ gìn sức khỏe để tránh đau ốm, khỏi phiền hà con cái dẫn đi bác sĩ, đi nhà thương, thì cũng khối người nghe lời những lương y mặc áo choàng trắng đàng hoàng trên truyền hình truyền thanh giảng giải về các cách gọi là thực dưỡng, các phương thức dựa trên nguyên lý quân bình âm dương mà sử dụng dược thảo các loại, từ đông trùng hạ thảo tới sâm nhung yến mật gấu, sữa ong chúa, tới thuốc điều chế bằng tế bào gốc có khả năng ngăn ngừa cũng như trị dứt đủ loại nan y bá chứng. Với những luận cứ này, thì những thứ dược thảo linh tinh như trên đàn bà xử dụng thì bổ kiểu âm đàn bà mà đàn ông xử dụng thì tốt cho kiểu dương đàn ông. Mà giá rẻ cực kỳ theo đúng tinh thần cứu nhân độ thế, mua một biếu một. Thuốc chế từ đâu không rõ, nhưng xem mẫu mã thì chai lọ bao bì đều trình bày đẹp đẽ, chẳng thua kém gì các sản phẩm ở xứ Cờ Hoa. Gặp người nghi ngờ chê bai thì các cụ cũng vẫn có thể gạt đi mà bảo rằng tối thiểu cũng là giúp cho một số kẻ có công ăn việc làm quảng cáo, đỡ phải sống bám vào hệ thống an sinh xã hội đất nước tạm dung.
Sau chót, sẽ là thiếu sót trầm trọng nếu không đề cập đến tầng lớp tuổi già trí thức, những vị có it nhiều danh chức trước đây ở miền Nam. Các vị không hề vô dụng như cái bình vôi. Bởi vì bỏ thì giờ đọc và sao tẩm sách báo của Tây của Mỹ viết về cuộc chiến VN ra tiếng Việt. Để cho người Việt không biết ngoại ngữ thấy rằng vì ngoại quốc bỏ chạy nên miền Nam mới mất, chứ nếu không thì cái tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á vẫn còn nguyên để cho quý vị điều động. Để cho “giới trẻ” hiểu rằng các phụ huynh đã chiến đấu anh dũng nhưng thua trận vì không còn võ khí bởi mấy tên phản chiến sợ chết chỉ có biết hô khẩu hiệu “làm tình không làm chiến tranh” ở Washington DC.
Về tuổi vàng còn nhiều điều khác để nói dưới nhiều khía cạnh. Kẻ viết bài này chỉ là “một đứa trẻ ngu độn không dậy dỗ được đã ở tuổi già” mà chữ Hán Việt trong tiểu thuyết Kim Dung gọi là “lão ngoan đồng” cho nên viết không xuể. Ngay cả như thế, thì cũng không hẳn là vô ích, vì biết rằng những giòng trên có thể cảnh báo cho những vị chưa đi vào cái tuổi mà ngày xưa các cụ ta nói là lão giả an chi lão chả biết gì lão chỉ biết ăn. Còn các cụ đã trong tình trạng lơ mơ của bệnh lẫn Alzheimer thì cũng có thể tỉnh người giây lát vì giận dữ. Khỏi phải nhờ đến các chuyên viên tâm lý của các viện dưỡng lão đánh thức.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 27 tháng 10/2017)