Tổng thống Donald Trump còn tới chủ nhật ngày 15 tháng 10/2017, tức là hai ngày nữa, để xác nhận hay không rằng Iran nghiêm chỉnh thi hành hiệp ước về võ khí nguyên tử đã ký với sáu nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức năm 2015. Nghĩa là 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bản An Liên hiệp quốc và Đức. Hiệp ước này đã được tổng thống Obama ký và bị Do Thái chống kịch liệt. Người ta còn nhớ rằng thủ tướng Do Thái Netanyahu đã được quốc hội Mỹ lúc đó mời qua đọc diễn văn trước lưỡng viện mà không thảo luận với Bạch cung theo như thông lệ. Trong buổi xuất hiện ông Netanyahu đã mạnh mẽ đả kích hiệp ước và kêu gọi dân Mỹ chống đối. Mặc dầu vậy, ông Obama vẫn ký hiệp ước. Và hiệp ước sau đó đã được thông qua, nhưng dưới áp lực không cưỡng nổi của Do Thái, các dân cử đã kèm theo quyết định thông qua đòi tổng thống phải ba tháng một lần ký xác nhận là Iran có thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản thỏa ước , để quốc hội căn cứ vào đó mà có thái độ với Iran. Thái độ này có thể là dẹp bỏ hiệp ước hay là ra các biện pháp chế tài với Iran.
Ông Trump từ khi nhậm chức đã hai lần ký văn bản xác nhận gửi cho quốc hội. Lần này giới truyền thông và chính trị bàn tán nhiều về chuyện ông Trump có thể không ký, vì dựa vào lời tuyên bố của ông lúctranh cử chê bai hiệp ước là tồi tệ nhất từ trước tới nay, và dựa trên lời cáo buộc thượng nghị sĩ Bob Corker chủ tịch Ủy ban ngoại giao thượng viện là đã “trải thảm đỏ” tiếp đón hiệp ước, để phản ứng lại tuyên bố của ông Corker trước truyền thông rằng Bạch cung là “một nhà trông nom người lớn”. Hàm ý rằng các nhân viên Bạch cung phải lo giữ gìn cho ông Trump khỏi tuyên bố hay quyết định bậy bạ. Sư lo ngại này đã gia tăng vì một bản tài liệu của Bạch cung công bố vào sớm ngày thứ 6 về chính sách cứng rắn của ông Trump đối những thái độ được gọi là “hiểm ác” (malign)_của Iran, tuy rằng không nói gì đến thỏa ước hạt nhân. Theo những tóm lược trên truyền thông thì tài liệu này viết rằng “những hành động hiểm ác của Iran vượt ra ngoài tầm của đe dọa hạt nhân”. Các hành động này được kể ra là bao gồm: sự phát triển hỏa tiễn liên lục địa, viện trợ tài chính và phương tiện cho quá khích và khủng bố, ủng hộ những bạo ngược của chế độ Syria đối với dân chúng Syria, thù nghịch với Do Thái, đe dọa hàng hải ở vịnh Ba Tư, tấn công điện toán vào Mỹ, Do Thái và đồng minh, vị phạm nhân quyền và giam giữ người ngoại quốc”. Bản dữ liệu này cũng phê bình tính cách cận thị của chính sách Obama đã khiến cho ảnh hưởng Iran lên đến mức cao trong vùng. Và kết luận rằng chính phủ Trump sẽ “giải quyết toàn bộ các đe dọa và hành động hiểm ác này của Iran và sẽ làm thay đổi tư thái của Iran” và chiến lược này sẽ được thi hành theo chính sách “trung hòa và chống lại các đẹ đọa của Iran, đặc biệt là lực lượng vệ binh cách mạng Iran”.Nhìn từ xa và suy nghĩ một chút thì người ta có thể thấy rằng những chuyện Iran bị kết án chỉ là hành động của một nước bình thường, không phải là hay tự coi là hàng nhược tiểu, để mà chịu lệ thuộc vào một nước lớn khác.
Lực lượng vệ binh cách mạng Iran quả là kẻ thù của Mỹ bởi vì đã là lực lượng nòng cốt chiếm đóng tòa đại sứ Mỹ và giữ nhân viên sứ quán Mỹ làm con tin hơn một năm, sau cuộc cách mạng lật đổ chính quyền vua Shah Pavhlavi tay sai của Mỹ năm 1979. Chính phủ Syria bạo ngược với dân Syria thế nào người đứng ngoài không rõ chi tiết, nhưng chiến tranh Syria nổ ra là do sự khuyến khích và ủng hộ của Mỹ và Do Thái, Thổ nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập tới nay hơn 7 năm với hàng triệu người chết và nhiều triệu người mất nhà mất cửa chạy tứ tán thì người ngoài ai cũng biết. Và cũng biết luôn rằng Mỹ đang phủi tay tại Syria, để lại những giết chóc còn tiếp tục chưa biết bao giờ chấm dứt. Cho nên không bàn đến ở đây. Người ta rõ ràng thấy ở bản tài liệu Bạch cung chỉ có môt điều. Là ông Trump khẳng định chính sách chung cứng rắn đối với Iran. Nhưng cứng rắn thế nào thì chưa biết.
Đối với lực lượng vệ binh cách mạng Iran thì sự đe dọa của ông đã được trả lời bởi tư lệnh lực lương rằng nếu Mỹ coi lực lượng này là khủng bố và đối sử như thế thì Mỹ phải nghĩ đến chuyện trả đũa của lực lượng. Cụ thể là các căn cứ Mỹ phải rút ra ngoài tầm hoạt động 2000 dặm của hỏa tiễn Iran. Đối với thỏa ước hạt nhân, thì chưa rõ là ông Trump có xác nhận Iran thi hành nghiêm chỉnh hay không. Những người dựa vào bản dữ kiện cứng rắn của Bạch cung thì nghĩ rằng ông Trump sẽ không xác nhận. Nhưng nếu thế thì có mấy vấn đề nẩy ra. Một là như ngoại trưởng Kerry chính phủ Obama tuyên bố rằng làm thế thì Mỹ sẽ bị cô lập đối với các nước đã ký thỏa ước. Như người ta biết rằng Anh Pháp Đức không sẵn sàng theo ông Trump. Và Nga Tầu thì dĩ nhiên là không đồng ý. Tuy vậy, ông Trump vẫn có thể quyết định một mình, như là ông đã lui ra khỏi hiệp ước về môi trường. Về mặt nội bộ, nếu ông Trump làm như vậy thì sẽ đẩy quốc hội Mỹ vào tình trạng khó xử. Là quốc hội sẽ phải trong vòng 60 ngày quyết định về các chế tài mới đối với Iran. Trong chuyện này, thì các dân cử khó mà đồng ý với nhau, tuy rằng hầu như tất cả đều chịu ảnh hưởng của Do Thái. Hay nói cho rõ là ảnh hưởng của thủ tướng Neranyahu. 60 ngày là thời gian quá ngắn để các dân cử thảo luận tìm ra những biện pháp chế tài mà đa số chấp nhận. Tương tự như trường hợp các dân cử Cộng hòađã không thể thỏa thuận để bãi bỏ và thay thế luật Obamacare. Chuyện lớn hơn nữa là hủy bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran. Chuyện này càng khó, bởi vì các dân cử không ai có cái lối suy nghĩ – hay là cái trí khôn – của ông Trump. Mà cái trí khôn này thì ông Trump đã tự cho là cao hơn ngoại trưởng Tillerson vì tuyên bố sẵn sàng cùng ông Tillerson thi IQ test (tức là mức độ thông minh).
Trong mạch suy nghĩ này thì có người sẽ đánh cuộc rằng ông Trump sẽ không xác nhận Iran nghiêm chỉnh thi hành thỏa ước hạt nhân đã ký. Người ta biết rằng sẽ chẳng có bao nhiêu biện pháp mạnh mẽ toàn diện và hợp pháp có thể chọn lựa nhanh chóng để tiếp theo đối phó với Iran, như đã nói. Và nếu có mà chọn đại cho xong thì Mỹ sẽ rơi vào tình trạng như tổng thống Bush con mở ra cuộc chiến IRAQ. Để sau khi nhanh chóng tuyên bố “công tác hoàn tất” sau một cuộc tấn công bằng đủ loại võ khí tối tân, tạo choáng váng kinh hoàng (shock and awe), ngắn ngày giật sập chế độ Saddam Hussein, thì còn lại là cuộc chiến kéo dài tới nay với một Iraq tan hoang, một Trung đông bom đạn chết chóc.
Nhưng chẳng sao, vì Trung Đông càng rối loạn thì Do Thái càng bình chân như vại và ông Trump cũng như những chính trị gia Mỹ sẽ không có nhiều bận tâm nào hơn là việc tiếp tục các đấu đá chính trị mà ông Trump gọi là “khai thông cái đầm lầy” Washington DC mà mới đây có người gọi là “cái cống” vĩ đại.
Lâm Phong(ngày 13 tháng 10/2017)