Ngày mồng một tháng giêng năm 2017, một thông cáo của chính phủ Do Thái viết rằng ”Thủ tướng Benjamin Netanyahu tối hôm nay, đã thảo luận điện thoại với tổng thống Vladimir Putin, về tình hình an ninh Trung đông, những diễn tiến trong vùng, chú trọng đặc biệt đến Syria và sự tiếp tục phối hợp về an ninh trong vùng, đã được chứng tỏ rằng là ngăn ngừa được những hiểu lầm”. Văn phòng ông Putin sau đó đã thêm rằng hai người đã thảo luận về vấn đề Do Thái và Palestine(mà thông cáo của Do thái không đề cập), nhưng không cho biết chi tiết nào khác. Tưởng cũng nhắc ở đây rằng là Nga đã đề nghị cho hai bên Do Thái và Palestine họp thảo luận với nhau ở Mạc tư Khoa, nhưng Do Thái xin hoãn. Ngày tết thường là ngày nghỉ, mà Netanyahu điện thoại thảo luận công việc với Putin thì hơi lạ. Người ta đoán có lẽ bắt đầu chỉ là chúc tết xã giao rồi bẻ sang vấn đề chính tri mà Do Thái quan tâm, nhưng không có kết quả nào cho nên đã thông báo chung chung như vậy. Dù sao thì năm 2017 đã bắt đầu không có gì hay cho ông Netanyahu.
Tối mồng hai tháng giêng, cảnh sát đã tới tư dinh ông Netanyahu thẩm vấn ông 3 tiếng đồng hồ về vấn đề quà tặng và tham nhũng. Ngày thứ năm, mồng 5, cảnh sát đã tới nhà ông thẩm vấn một lần nữa. Ông Netanyahu sau đó đã khẳng định với báo chí rằng “vấn đề sẽ không có gì, vì bắt đầu từ không có gì”. Tất cả chỉ là do truyền thông và những chính trị gia chống đối ông muốn gây chuyện làm khó dễ.
Nhiều nhà bình luận Do Thái đã lên tiếng, chia làm hai phái. Một bên thì nói rằng ông Netanyahu sẽ không sao. Bởi vì ông đã từng bị điều tra nhiều lần trước đây về những vấn đề tham nhũng và tiêu sài hoang phí tiền công quỹ nhà nước do dân đóng thuế, nhưng chẳng đi tới đâu thì bây giờ cũng thế. Thí dụ như ông đã tiêu 127 ngàn đô la để sửa sang chỗ ngủ trên máy bay cho ông trong chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ đi dự đám tang thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Hay là trả tiền cắt tóc ở New York cả ngàn đô la và mua kem vani của Pháp cũng hàng ngàn đô la. Vân vân... Những người khác thì cho rằng kỳ này ông Netanyahu sẽ có thể bị mất chức hay phải từ nhiệm, và đã phỏng đoán về những thủ tục có thể xẩy ra, tuy rằng là chi tiết công bố về hai cuộc thẩm vấn mới đây không được rõ ràng. Bộ trưởng tư pháp Do Thái đã chỉ đưa ra một thông cáo lúc gần nửa đêm mồng hai, sau cuộc thẩm vấn khuya của cảnh sát, phần lớn là nhắc lại những cuộc điều tra trước đã đóng lại vì không có bằng cớ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng nhiều tháng điều tra cho thấy là có vấn đề “phẩm chất đạo đức”. Và nếu bộ trưởng tư pháp kỳ này mà có bằng cớ để mở điều tra thì Netanyahu sẽ gặp khó khăn, chưa cần nói đến truy tố. Báo New York Times được kể như ngọn hải đăng của báo chí Mỹ, vì có khả năng hướng dẫn dư luận, đã viết rằng vấn đề của Netanyahu là do chính cái lối ưa thích sống sang trọng của ông và vợ ông. Đây là một dấu hiệu xấu cho Netanyahu.
Người ta biết rằng ông Netanyahu đã làm thủ tướng bốn nhiệm kỳ với lập trường bảo thủ hữu khuynh cứng rắn. Chống hiệp ước hạt nhân ký bởi Anh Pháp Mỹ Đức Nga Tầuvới Iran, ông đã đủ sức ảnh hưởng lên các dân cử Hoa kỳ để mời ông ra trước quốc hội Hoa kỳ đọc diễn văn kêu gọi chống hiệp ước với Iran, mà không qua thủ tục thông thường thảo luận trước với Bạch cung. Ông cũng đã tiếp tục xây các khu định cư Do Thái trên đất Palestine suốt nhiệm kỳ Obama bất kể ý kiến ông này . Khi quyết nghị hội đồng Bảo an LHQ 2443 mới đây kết án chủ trương này thì ông đã cứng rắn phản ứng, gọi chuyện này là chủ trương phe đảng, và ông đã quyết định chấm dứt đóng góp tài chính cho Liên hiêp quốc. Nhưng xem ra thì sự cứng rắn này có vẻ hơi lạc điệu đối với xu hướng thế giới hiện nay. Nguyên nhân phần lớn có lẽ là vị sự khẳng định vị trí cường quốc của Nga, đặc biêt là tại Syria, với sự đồng ý của Trung cộng, và mặt khác là sự đi xuống của tư thế chính trị kinh tế Hoa kỳ trên thế giới. Tuy khả năng ảnh hưởng của Do Thái lên giới chính trị Hoa kỳ còn lớn, nhưng khi mà Hoa kỳ không thể làm quá sức, thì Do Thái phải hạ cường độ hung hăng. Nói khác đi thì một chính phủ khác với Netanyahu là điều cần thiết. Nếu nhìn như vậy thì chuyện Netanyahu ra đi là chắc chắn. Và những điều tra mới xẩy ra cách đây vài ngày chỉ là bước mở đầu. Ai cũng biết tham nhũng thối nát là chuyện cũ rích trong chính trị từ đông sang tây. Không chỉ ở nước nghèo lạc hậu mà ngay cả nước giầu văn minh. Nó được lôi ra khai thác khi cần thiết. Nhìn quanh thế giới gần đây, thấy dư bằng cớ. Hosni Mubarak ở Ai Cập bị đảo chính sau 30 năm cầm quyền, lý do nêu ra là vì tham nhũng và độc tài. Nhưng sau đó thì án bị hủy khi có một chính phủ độc tài khác lên thay thế hợp yêu cầu. Ben Ali ở Tunisia cũng bị lật đổ ở Tunisia tương tự dưới chiêu bài cách mạng Mùa Xuân Ả Rập. Danh sách những chính trị gia lãnh đạo ra đi tương tự ở các nước Á Phi dài vô tận. Trở lại với Do Thái thì cựu thủ tướng Ehud Olmert đang bị tù 18 tháng vì tội hối lộ và tham nhũng. Những người khác bị tố và cũng ra đi nhưng không bị tù.
Do đó Netanyahu có lẽ khó thoát. Nhan đề bài viết trên New York Times “Kẻ thù của Netanyahu là chính ông ta” với giải thích trong bài là cái lối sống huy hoắc sang trọng của hai vợ chồng Netanyahu, như thích xì gà thượng hạng, champagne ngoại hạng vân vân, có đủ ý nghĩa tiên đoán cuộc đời chính trị đã dài của BibiNetanyahu. Khôn ngoan nhất cho Neranyahu là điều đình từ nhiệm đúng lúc, để đổi lấy sự miễn tố, tránh số phận Ehud Olmert.
Lâm Phong
(ngày 6 tháng 1/2017)