Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, những tài liệu do Wikileaks tung ra trước ngày họp đại hội đảng Dân chủ để chọn ứng viên đại diện cho thấy những mưu mánh của dân biểu Debbie Wasserman Schultz chủ tịch Ủy ban đảng Dân chủ để loại Bernie Sanders, đối thủ của Hillary Clinton, đã tạo ra nhiều xáo trộn ồn àotrong đại hội vì những phản đối từ phía những người ủng hộ Sanders. Ngoài ra thì những emails bị tiết lộ của John Podesta chủ tịch ủy ban tranh cử của Hillary Clinton cho thấy bà Clinton trong vai trò ngoại trưởng đã không ít thì nhiều dính líu đến chuyện cho phép những nhóm quyền lợi của Nga khai thác 1/5 tổng số Uranium ở Mỹ. Và tổ chức bất vụ lợi Clinton foundation đã được tặng hàng trăm triệu đô la trong thời gian từ 2009 đến 2013 bởi các nhóm này. Tuy đây là những tai tiếng nặng, nhưng không có chứng cớ cụ thể vì các giao dịch thời bà Clinton làm ngoại trưởng đều qua hộp thư emails riêng của bà, mà một số đã bị xóa đi vì bà Clinton nói đó là thư cá nhân. Tiếp theo, người ta được nghe rằng có tin cho biết Nga len lỏi vào hệ thống liên lạc điện thư của ban vận động tranh cử đảng Dân chủ lấy tài liệu chuyển cho Wikileaks nhằm phá Clinton, giúp cho Trump thắng. Từ đó, nẩy ra các đòi hỏi điều tra vụ can thiệp này của Nga. Tất cả đã tạo ấn tượng Nga giúp Trump và Trump thân với Putin mà chứng cớ là hai bên có những khen tặng nhau trên truyền thông.
Thoạt tiên FBI cho rằng sự việc không đáng điều tra vì các dữ kiện không đáng tin. Còn CIA thì cho rằng có những chỉ dấu về sự len lỏi vào hệ thống điện toán đảng Dân chủ. Sau khi Trump thắng cử tạo choáng váng cho hệ thống siêu quyền lực hiện nay, thì tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan an ninh tình báo Mỹ xem lại vụ len lỏi điện toán và thông báo cho ông kết quả trong vòng một tháng. Trong báo cáo nộp cho ông ngày 29 tháng 12 các cơ quan an ninh tình báo đồng ý nhận định rằng có sự len lỏi của Nga để ảnh hưởng vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016, và Putin là người đích thân điều động. Ông Trump đã gạt đi, nói rằng đây là những điều không cần xét tới vì do các cơ quan đã đưa ra các tin sai lạc về võ khi tàn sát tập thể của Saddam Hussein. Trên truyền thông giòng chính đã nẩy ra những bài viết đặt vấn đề Donald Trump phản quốc, cần đem ra bãi nhiệm.
Ngay lập tức, cùng ngày, ông Obama đã ra lệnh trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga cùng với gia đình của họ và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Maryland và New York vì được dùng trong công việc xâm nhập điên toán này. Ngoài ra là những biện pháp chế tài cấm một số các nhân vật lãnh đạo hai cơ quan tình báo Nga GRU và FSB vào Mỹ. Những người chống Trump coi đây là một cú đạp vào Trump và giải thích lý do Trump thắng nhờ Nga. Ở đây không bàn đến cảm tính này làm gì, vì sẽ tạo nên một tranh luận không dứt giữa những người điếc, nghĩa là những người ở hai phiá đối nghịch -bên ủng hộ Hillary và bên ủng hộ Trump. Mà chỉ suy nghĩ về cái phản ứng ngoại giao đối với Nga, kể là sau cùng của ông Obama ở cương vị tổng thống.
Tin mới nhất trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình FOX ngày 3 tháng 1/2017, Julian Assange, người sáng lập ra Wikileaks đang tị nạn trong toà đại sứ Ecuador ở London, đã khẳng định rằng tin về đảng Dân chủ mà Wikileaks phóng đi không phải do Nga cung cấp, cũng không phải là từ một nguồn tin nhà nước nào cả. Những tin đó đều là thật mà Wikileaks thu thập được. Đối với tuyên bố này của Assange thì có người tin có người không tin. Tranh luận phải trái sẽ kéo dài vô tận. Nhưng chỉ xin nhắc ở đây rằng những tiết lộ động trời của Wikileaks về nhiều chuyện chính trị Mỹ và thế giới đã có từ mấy năm nay rồi, và chẳng mấy ai đặt vấn đề từ đâu, cũng không ai nói từ Nga hay không. Người ta chỉ để ý đến nội dung tin mà thôi.
Riêng trong vụ Donald Trump và Hillary Clinton, thì có một số điều đáng nêu ra ở đây vì nó chình ình trong các tin tức và bình luận qua lại.
Thứ nhất, là nếu Hillary Clinton đã thua thì là vì nội dung các tin đã lộ, làm người nghe mà có suy nghĩ một chútthì không thể nào bỏ phiếu cho Hillary được. Chứ không phải là vì nguồn nào người nào cung cấp tin. Nga hay một nhóm chính trị nào ở Mỹ cũng thế thôi.
Thứ hai, sự không quyết định điều tra từ đầu của ông Obama khiến người ta không khỏi có thắc mắc và mấy dân cử chống ông Obama quyết liệt đã nhân dịp này phê phán ông Obama, cũng như đòi làm tới trả đũa Nga thêm.
Ai cũng biết rằng dò la tin tức của nhau trong chính trường, trong thương trường và giữa hai nước, bạn cũng như thù, là chuyện thường có từ xưa. Thực vậy, sau vụ Ed Snowden tiết lộ sự lạm dụng quyền điều tra theo rõi của cơ quan NSA mà xâm phạm vào đời sống cá nhân của người dân Mỹ, thì người ta đã được biết là những trao đổi riêng tư của tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, đều đã bị an ninh tình báo Hoa kỳ nghe lén! Người ta cũng biết Mỹ đã từng theo rõi can thiệp vào Ukraine để đảo chính tổng thống nước này là Yanukovich. Vì Nga đã thu âm được cuộc thảo luận giữa thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ ở Ukraine bàn tính sẽ cho ai thay thế, và đem ra công bố. Trung cộng đã bị tố là len lỏi vào hệ thống điện toán Mỹ ồn ào năm ngoái, mà rồi chuyện cũng qua, chẳng có trừng phạt gì cả. Nay ông Obama căn cứ vào thẩm định (muộn) của an ninh tình báo, chứ không phải là dữ kiện cụ thể, để có biện pháp với Nga, thì có vẻ hơi bất thường. Có dư luận cho rằng đó là vì lý do cảm tính giữa hai bên thắng thua, để làm mất cái thế chính thống của tổng thống Trump. Có người cho là vì lý do chính trị, ông Obama làm thế để làm nhẹ nỗi đau thất bại chưa từng xẩy ra của giới siêu quyền lực đã nuôi dưỡng ông và bà Hillary Clinton. Còn nhiều suy nghĩ khác nữa nhưng nói thêm cũng chẳng hơn gì.
Ở đây chỉ nghĩ về cái phản ứng của Putin đối với các biện pháp của ông Obama một chút. Để mà thấy rằng ông Obama trong chuyện này đã lãnh một cái búa. Sau quyết định của ông Obama, bộ trưởng ngoại giao Nga đã đề nghị trả đũa tương tự: Là đóng cửa cơ sở Mỹ, trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ. Nhưng Putin đã thản nhiên tuyên bố “sẽ không xử dụng lối ngoại giao xó bếp (kitchen diplomacy) vô trách nhiệm”. Và “Nga sẽ không gây khó khăn cho các nhân viên ngoại giao Mỹ. Sẽ không có ai bị trục xuất”. Và “Mặc dầu chúng tôi có quyền trả đũa, nhưng nước Nga sẽ sắp đặt những bước kế tiếp để phục hồi bang giao Nga Mỹ trên căn bản của những chính sách của chính phủ Trump”. Và “những biện pháp Mỹ mới đưa ra là đi ngược lại quyền lợi của cả hai dân tộc Nga và Mỹ”. Ngoài ra, Putin đã cho mời tất cả con cái cuả các nhân viên ngoại giao Mỹ vào điện Kremlin dự buổi liên hoan đầu năm.
Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga, trước khi có phản ứng chính thức của Putin, vào khuya thứ năm, đã nói rằng trả lời của Nga sẽ làm Mỹ rất khó chịu khổ sở (discomfort). Quả đúng là như thế. Tại sao? Một cách vắn tắt, Putin đã không coi quyết định của ông Obama ra gì. Đã chỉ chờ nói chuyện với Trump. Ông Obama đã vô tình tạo cho Putin điều kiện để ông này tỏ vẻ biết điều với Trump, cũng như để bày tỏ tinh thần hoà dịu, đối thoại của Nga. Donald Trump đã ngắn gọn khen Putin là “khôn ngoan”. Rõ ràng là ông Obama muốn làm khó cho Trump và Putin mà thực ra lại làm dễ cho cả hai người. Tóm lại, trong suốt hai nhiệm kỳ đối đầu với Putin, Obama chỉ có thua và hụt hẫng.
Di sản chính trị của ông Obama đã không có bao nhiêu, như ta đã thấy. Với vụ này nó lại còn teo đi nữa.
Trần Xuân Ninh
Ngày 4 tháng 12/2017.