Không có tự do sẽ không có nghệ thuật, Albert Camus, đề từ của Nguyễn Quốc Khải.
L'art nait de contrainte, vit de lutte et meurt de liberté, André Gide, đề từ của Trần Văn Tích.
(Nghệ thuật khởi sinh từ cưỡng chế, tồn tại qua đấu tranh, tử vong vì tự do)
Nhân vụ cô ca sĩ Mai Khôi từ trong nước sang Hoa Kỳ trình diễn theo lời mời của Bà Nguyễn thị Thanh Bình nhưng không chấp nhận Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nên bị dư luận phản đối, Ông Nguyễn Quốc Khải đã viết một bài để phê phán cách hành xử của những người công kích cô Mai Khôi và nhất là công kích bà Nguyễn thị Thanh Bình. Đại khái Ông Nguyễn Quốc Khải cho rằng mỗi người có tự do chọn lựa, “không một ai vỗ ngực tự cho mình là một chiến sĩ chống độc tài lại có thể buộc cô Mai Khôi phải phục vụ dưới một lá cờ nào cả.“ Ông còn viết thêm : “Nếu chúng ta ép buộc những người trong nước ra hải ngoại phải đứng dưới lá cờ vàng, phải cuốn vào cổ mình khăn quàng màu vàng, phải chào cờ vàng, lối cư sử (sic) của chúng ta cũng độc tài chẳng khác gì CSVN cả.“
Bỏ đi chuyện sử dụng động từ “phục vụ“ một cách sai nghĩa1, chúng ta thấy rằng lập luận của Ông Nguyễn Quốc Khải sai từ căn bản sự kiện. Ông xuyên tạc sự thật với dụng ý xấu. Những người chống cộng không bao giờ bắt buộc những kẻ dị ứng với Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà phải “phục vụ“ dưới lá cờ nền vàng ba sọc đỏ. Chúng tôi tổ chức một buổi sinh hoạt của chúng tôi, dành cho chúng tôi. Theo thông lệ đương nhiên, chúng tôi treo Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà. Quí vị ngại ngùng không muốn tham dự một buổi sinh hoạt như vậy thì xin quí vị đừng có đến, có vậy thôi. Chuyện ép buộc người khác phải mang quanh cổ mình khăn quàng màu vàng đã xảy ra một lần duy nhất và do một cá nhân hành động thiếu trí tuệ, sai lương tri, phản đạo lý; chúng tôi, những người chống cộng đứng đắn chưa bao giờ lập lại một lần thứ hai, ít nhất là cho đến hôm nay. Ông Nguyễn Quốc Khải chẳng nên vì định kiến mà buộc tội tất cả quần chúng vì lối cư xử của một người.
Theo ông Nguyễn Quốc Khải, “khoảng 80% của dân số 95 triệu người (2016), có thể họ chưa bao giờ thấy lá cờ vàng hiện diện ở trong nước và từng bị CSVN nhồi sọ qua việc bóp méo lịch sử.“ Chính vì vậy cho nên chúng ta mới có bổn phận phải trình bầy lại lịch sử cho những người bị nhồi sọ biết rõ sự thực lịch sử. Những người tỵ nạn cộng sản kiên trì, kiên quyết, thường xuyên làm việc đó và không phải vào tình huống nào, trong hoàn cảnh nào cũng phải dưới Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà.
Ông Nguyễn Quốc Khải đặt hai câu hỏi và nêu một nhận thức : “Có nghệ sĩ hải ngoại nào đã bị CSVN bắt chào cờ đỏ hay chưa. Tại sao người ta hay đòi hỏi quá đáng những người ở trong nước ra hải ngoại mà không đòi hỏi gì ở những người về Việt Nam phải làm gì. Tôi nghĩ rằng những người hay la lối om sòm lại là những người thiếu tự tin.“ Khi có kẻ muốn về Việt Nam, đương sự phải cúi đầu bước qua cổng những cơ quan ngoại giao của Việt cộng với quốc huy của chúng và quốc kỳ của chúng treo trên cao. Khi những kẻ đó vừa đặt chân lên Việt Nam là chúng đã phải đối diện với cờ đỏ sao vàng ở khắp nơi, qua nhiều hình thức. Việt cộng không thừa hơi đâu mà đi bắt những kẻ đó phải chào cờ của chúng, chúng không cần gì phải làm một công việc quá dư thừa đối với những kẻ đã đầu hàng và chịu khuất phục chúng. Những kẻ đó đâu còn chút ý chí đấu tranh nào, họ đã sẵn sàng cam chịu sự chi phối trọn vẹn của thế lực bạo quyền rồi cơ mà, Việt cộng có dở hơi mới bắt họ phải chào cờ cho thêm rách việc, để nói theo kiểu Vixi nghe cho vui một chút. Tại sao người ta không đòi hỏi những người về Việt Nam phải làm gì? Câu hỏi thực ngây thơ như của một học trò lớp năm. Những kẻ đã đầu hàng chẳng lẽ lại là những Kinh Kha? Nếu Ông Nguyễn Quốc Khải biết tự trọng thì Ông không nên dùng cách diễn tả “những người hay la lối om sòm“. Thực ra những người được Ông đề cập rất tự tin vì một lẽ giản dị : chân lý, chính nghĩa đứng về phía họ. Họ tin như vậy đến nỗi họ đã chấp nhận điều đó như một tín lý. Ông Nguyễn Quốc Khải không biết đấy thôi, chứ thực ra trong tiềm thức Ông cũng chấp nhận tín lý này, nếu không thì Ông đã nói những gì ở những lần gặp gỡ các sinh viên được trong nước gửi đi du học tại Berlin và Montréal?
Mục đích của chúng ta, theo Ông Nguyễn Quốc Khải, là “chuyển đạt tư tưởng chứ không phải là chào cờ.“ Không phải chỉ có chào cờ thì mới chuyển đạt được tư tưởng, Ông Nguyễn Quốc Khải cố tình lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích, theo một dụng ý thiếu lương thiện trí thức.
Ông Nguyễn Quốc Khải hoàn toàn thiếu căn cứ khi Ông khẳng định một cách rất thiếu lịch sự rằng “phe ta cũng có kẻ thô bỉ (…) vơ đũa cả nắm cho rằng tất cả những người bị CSVN đầy đọa2 ra nước ngoài đều là những kẻ nằm vùng cho CSVN.“ Dư luận hải ngoại luôn luôn theo dõi, phân tích từng trường hợp cá nhân và chỉ khi nào có bằng chứng thì mới xem một người được ViXi cho ra nước ngoài trong tư cách nhân vật đấu tranh phản kháng là nằm vùng hay không. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng cho đến hôm nay, người Việt hải ngoại chống cộng chưa kiếm được một nhân vật nào thực sự xứng đáng với danh nghĩa đấu tranh chống cộng trong số các cá nhân bị hay được – thường là được – Việt cộng trục xuất; nhưng đó lại là chuyện khác.
Khi đem chuyện sang khu vực phía đông Berlin3 để nói chuyện với sinh viên du học mà không phải đứng dưới cờ đỏ và tượng họ Hồ đặt vào bối cảnh ca sĩ Mai Khôi sang Virginia trình diễn mà bắt phải dẹp bỏ cờ vàng, Ông Nguyễn Quốc Khải lại lập luận thiếu chân chính và thiếu tự trọng. Ở hải ngoại, cờ đỏ sao vàng hầu như chỉ được treo trong các cơ sở ngoại giao của Việt cộng. Ở Berlin, trên phần đất thuộc Đông Đức cũ, gần như không thấy bóng lá cờ màu máu. Ngay khu vực buôn bán ở chợ Đồng Xuân cũng không thấy treo cờ đỏ sao vàng. Cho nên Ông Nguyễn Quốc Khải sang bên đó nói chuyện mà không có treo cờ và cũng không có bày tượng là chuyện quen thuộc, là chuyện xảy ra từ lâu rồi. Ngược lại ở Hoa Kỳ, tại những khu có đông người Việt tỵ nạn cộng sản cư ngụ, Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà thường bay phấp phới khắp nơi. Ca sĩ Mai Khôi đòi dẹp Quốc kỳ Việt Nam là làm một chuyện ngược ngạo, không theo lệ thường, nói đúng hơn, là đòi hỏi một điều thiếu lễ giáo. Một đằng không hề treo cờ thì đương nhiên vẫn không hề treo cờ khi sinh hoạt, đó là một tình huống rất bình thường như vốn có sẵn; một đằng bắt phải dẹp cờ, dấu cờ trong khi cờ luôn luôn được treo, được bày thì là một khiêu khích, một thách thức, nếu không là một nhục mạ, một phỉ báng. Thế mà ông Nguyễn Quốc Khải có thể đem hai tình huống đặt cạnh nhau! Chung qui Ông chỉ nói cho kỳ được theo lập trường có sẵn. Còn ở Montréal thì không có cả cờ vàng lẫn cờ đỏ khi Ông Nguyễn Quốc Khải thuyết trình là do thái độ thoả hiệp của nhóm tổ chức. Việt cộng biết rằng cờ của chúng bị khước từ – Ông Nguyễn Quốc Khải cũng chối bỏ cờ của chúng – nên chúng không dám treo cờ của chúng và lôi kéo, thuyết phục đối phương không treo cờ vàng cho...tiện sổ sách!
Trở lại với chuyện ép buộc phải đứng dưới lá cờ vàng. Cá nhân tôi vui mừng nhận ra rằng đã có những người xuất thân từ chế độ xã hội chủ nghĩa tự nguyện chấp nhận tham gia vào hàng ngũ các người tôn trọng Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà. Tại Hội trường Bad Homburg gần Frankfurt am Main tôi đã gặp năm người như vậy, một nữ và bốn nam, nhân dịp hội thảo chính trị vào dịp Quốc Hận 2016.
Tôi còn có thể kể chuyện ngoạn mục hơn. Trong tam cá nguyệt đầu năm 2014, Trung cộng đưa giàn khoan dầu xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Chúng tôi cấp tốc tổ chức biểu tình phản đối trước đại sứ quán Trung cộng ở Berlin. Khi được biết tin này, Bà Trịnh thị Mùi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên thuộc Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức – là một tổ chức của Việt cộng –, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, nguyên là công nhân lao động xuất khẩu thời mồ ma Đông Đức, gửi điện thư và gọi điện thoại cho tôi, đề nghị cùng phối hợp tổ chức biểu tình chống Trung cộng. Tôi, với tư cách Chủ tịch Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, không đồng ý phối hợp nhưng chấp thuận để Bà Trịnh thị Mùi gửi người cùng tham gia biểu tình với điều kiện không được sử dụng cờ đỏ sao vàng mà tất cả cùng đứng dưới Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ. Bà Trịnh thị Mùi đồng ý và chúng tôi có thêm khoảng sáu mươi người cùng tham gia biểu dương lực lượng.
Tôi nghĩ rằng chủ trương của tôi trong vụ này hách hơn hẳn chủ trương của Ông Nguyễn Quốc Khải cùng phe nhóm của Ông. Chuyện cờ đỏ cờ vàng được tôi giải quyết một cách dễ dàng và giản dị. Tôi không thoả hiệp với ViXi, tôi không đầu hàng ViXi và tôi không chịu làm theo ý muốn của đối phương. Tôi càng không hàng phục vô điều kiện qua những lập luận nghe như nhân bản cao thượng nhưng thực chất là giả dối khó lường. Tôi không thuộc hạng người chuyên dùng xảo ngôn.
16.01.2017
1 Tham gia sinh hoạt cùng người Việt hải ngoại với sự hiện diện của quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà không phải là “phục vụ“. Phục vụ là “làm phận-sự mình đối với người hay đối với sự-vật; ví dụ phục vụ đất nước.“ (Việt-Nam Tự-điển, Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ).
2 Ông Nguyễn Quốc Khải lại dùng sai từ ngữ tiếng Việt. Đày đọa (hay đầy đoạ) ai là bắt người đó phải chịu cảnh sống đau khổ, cực nhục. Lẽ ra Ông nên dùng động từ “đày ải“ hay đúng hơn, “trục xuất“.
3 Ba chữ Đông Bá Linh thuộc từ vựng Việt cộng nhằm chỉ khu vực trước kia thuộc Đông Đức. Nước Đức đã thống nhất và thủ đô Berlin không còn có Đông Bá Linh mà chỉ có khu (phía) đông Berlin.