Đối với nhiều người, tiền bạc là chìa khóa của hạnh phúc vì khi có tiền con người có thể có được nhiều thứ, chẳng hạn như có được sự tự tin trong khả năng cá nhân và có được sự ổn định trong đời sống vật chất. Nhìn về khía cạnh tâm hồn và sức khỏe, tiền bạc tuy nhiên lại không có được tác dụng tuyệt đối như mong muốn bởi vì tuy có thể mua được nhiều thứ, sai khiến được nhiều người, nhưng tiền bạc lại không hẳn có thể mua được tình cảm và sức khỏe là những mặt đến từ cái duyên và cái nghiệp (tiếng nhà Phật) của con người. Vật chất ngoài ra lại là một thứ không vĩnh viễn, có thể đến, có thể đi bất cứ lúc nào, tức là vô thường.
Hiểu như thế thì con người có thể thấy rằng trong sự vô thường của cuộc đời, hạnh phúc có như thế nào là do tác động của cái nghiệp lên cái duyên mà kết quả biểu hiện ra cụ thể trên ba mặt: vật chất, tình cảm và sức khỏe con người.
Vững vàng vật chất hay ổn định trong tài chánh đem đến cho con người sự tự tin và thoải mái trong đời sống. Vật chất đến từ khả năng xây dựng qua năng lực cá nhân, sự mẫn cán, tức là những yếu tố chủ quan, cái nghiệp của mình. Nhưng mà cũng còn do những yếu tố khách quan như do thừa hưởng gia tài, như hoàn cảnh làm việc hay hoàn cảnh sống. Tức là tùy ở cái duyên. Cái duyên này có thể là tốt, vì gặp gỡ những điều thuận lợi, thí dụ như trong việc làm gặp công việc hợp khả năng và thích thú, gặp được đồng nghiệp giúp đỡ tôn trọng nhau, gặp được người chủ hiểu biết… Cái duyên này có thể xấu, như gặp chủ khó khăn, khai thác tàn tệ, đồng nghiệp ganh tị, lạm dụng… Mà duyên cũng có thể không xấu không tốt.
Dù duyên là xấu hay tốt, hay không xấu không tốt, thì nó có thể thay đổi bởi thái độ, cung cách hành xử, đối phó của mình. Nói khác đi là bởi cái nghiệp của mình. Thừa hưởng gia tài giầu có mà phung phí chơi bời thì rồi gia tài cũng sa sút hay là hết, chủ đàng hoàng đồng nghiệp tốt mà không biết giữ tròn trách nhiệm của mình thì công việc rồi cũng lộn xộn khó khăn.
Nếu vật chất quan trọng thì tình cảm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tình cảm giữa người với người do từ cái duyên gặp gỡ đến sự phát triển tình thân. Tình cảm không thể mua được bằng vật chất hay tiền bạc. Tình cảm khiến con người trở nên phong phú, sâu sắc và lãng mạn trong suy tư cảm nghĩ. Tình cảm khiến cuộc đời con người trở nên thăng hoa, có ý nghĩa trong sự ràng buộc với trách nhiệm và bổn phận. Tuỳ theo sự liên hệ trong mỗi trường hợp mà tình cảm xẩy ra dưới những mức độ khác biệt, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa bạn bè, giữa hai người yêu nhau, giữa tình đồng nghiệp, giữa tình đồng bào, vân vân. Thông thường tùy theo cung cách đối xử của mình với người mà sẽ có những sự hỗ tương đáp ứng từ người. Nếu sự đáp ứng không như ý là do thiếu cảm thông, do ngộ nhận hay do chấp nhất của một trong hai phía, hay cả hai phía. Nguyên nhân từ hai phía thì tức là cả hai đã đi vào một cái vòng luẩn quẩn không thoát được là hành động-phản ứng- hành động-phản ứng. Vì thế ngày xưa các cụ xưa đã nói “dĩ oán báo oán, oán nghiệp chập chùng”
Khi sự việc chỉ ở một phía thì tức là có sự không-phản-ứng từ phía bên kia. Không-phản-ứng tức là không bị động lôi theo cảm tính, mà chủ động hành xử theo hiểu biết và nguyên tắc đạo lý của mình. Do đó mâu thuẫn sẽ qua. Đây chính là điều người xưa dậy “dĩ đức báo oán, oán nghiệp tiêu tan”. Nhưng đức là gì? Đơn giản theo cái hiểu bình dân thì đức chỉ là làm điều tốt, điều phải. Người ta làm điều xấu với mình, mình không phản ứng, mà tiếp tục làm điều cần làm với người ta, cho người ta, trong khuôn khổ hệ thống giá trị mình chấp nhận. Người không liên hệ gì với mình mà cần giúp đỡ thì có điều kiện giúp đỡ được là mình vẫn làm, dù có mất công mất sức hay mất tiền của. Hiểu đức là như thế, thì đức là hành động bố thí, là hành động không chấp, trong đạo Phật. Bố thí là bỏ những cái mình sở hữu. Không chấp là bỏ những cái xúc phạm tới mình, vì không nghĩ tới nó nữa. Nghĩa là không phân biệt đối xử cá nhân với tha nhân, nghĩa là không khe khắt với người để lấy cái lợi cái hơn về mình. Nói như thế thì có vẻ như thật là khó theo. Nhưng nghĩ kỹ thì thái độ hành xử như thế chẳng khác gì trường hợp con người gặp ngày mưa lớn thì phải mang dù, mang áo mưa, chứ không mấy ai để bụng mà trách trời mưa sao lớn. Làm như thế được bởi vì biết rằng mưa là không tránh được, là chuyện tự nhiên, cho nên chẳng trách oán nó làm gì.
Trong hoàn cảnh sinh ra và lớn lên ở miền Nam, người Việt Nam bình thường được nghe kể hay chứng kiến không thiếu gì những trường hợp nhờ có “đức” mà được “phúc”, tai qua nạn khỏi. Nói như thế thì có người cho là mê tín mơ hồ, nhưng chính người viết những giòng này lại không thấy thế, sau nhiều năm thăng trầm ở cuộc đời và chiêm nghiệm, vì được thấy những trường hợp cái đức thực hiện trong đời này có kết quả trước mắt, không như người xưa nói phải chờ đến kiếp sau mới ứng.
Khi con người có tiền bạc đưa đến sự ổn định đời sống, có tình cảm tốt đẹp đưa tới sự thăng hoa trong cuộc đời, nhưng gặp phải bệnh tật thì đời sống con người vẫn không trọn vẹn hạnh phúc tức là vẫn có sự đau khổ. Có những chứng bệnh mà tiền bạc chỉ có thể là phương tiện giúp giảm thiểu cái đau hay kéo dài sự sống nhưng không chữa trị được hoàn toàn. Khi có bệnh tật rồi thì con người mới thấy sự quan trọng của sức khỏe. Sức khỏe một phần do bẩm sinh, nhưng phần khác là do chính con người làm thay đổi nó, qua cách sống, cách nghĩ, cách ăn uống, cách hoạt động vân vân… Người bản chất khỏe mạnh, nhưng lạm dụng phung phí sức khỏe thì đủ loại bệnh tật sinh ra. Ai cũng biết rượu hại gan, thuốc lá hại phổi, nhưng vẫn uống rượu, hút thuốc lá cho nên rút cuộc là bị bệnh gan, bệnh phổi hành cho sống dở chết dở. Người bản chất yếu đuối, nhưng ăn uống, sinh sống hoạt động nhất nhất chú ý bảo vệ sức khỏe, thì cũng không thiếu gì trường hợp sống bình thường, tự nhiên, không bệnh tật. Những cung cách sống như vậy chẳng qua cũng là do cái nghiệp mình tự tạo cho mình.
Người bình dân Việt Nam nghĩ cuộc đời mỗi người là do cái số. Sướng khổ là do cái số. Sướng thì không nói làm gì nhưng khổ thì có tin tưởng rằng làm đức được phúc, mà bớt khổ đi, không tại đời này thì đến đời sau. Những người có học ngày xưa thì nói rằng “đức năng thắng số” (cái đức có thể thắng được cái số). Đạo Phật giải thích là cái nghiệp cái duyên: Nghiệp có thể đổi duyên. Các bậc trí giả, các bậc hàn lâm có thể thảo luận vô tận về bốn chữ này, đã được biết đến từ nhiều thế kỷ, nhưng cuộc đời vẫn tiếp diễn trong đau khổ, và hạnh phúc nói chung thật khó thấy.
Lời giải thực tế chỉ là, áp dụng hàng ngày những hiểu biết đơn sơ về những khái niệm duyên, nghiệp, nhân, quả, buông, xả, thì Hạnh phúc không cần tìm đâu xa mà nó ở chính ngay trong tầm tay của mỗi người vậy.
Tuệ Vân
Ngày 18 tháng 8 năm 2016