Vào đầu tháng tám, nhân xem một số hình ảnh trên internet, tôi đã khựng lại trước một bức ảnh của mùa thu. Bức ảnh thật là đẹp về mầu sắc cũng như cảnh tượng. Trong sự bị lôi cuốn về hình ảnh tuyệt vời của mùa thu, tôi đã chợt nghĩ tới sư hào hùng lãng mạng của các chiến hữu của tôi, những kháng chiến quân Việt Nam vào đầu thập niên 1980s, thay vì chọn cuộc sống bình an hạnh phúc nơi hải ngoại đã quyết định khoát chiến bào trở về đất nước đấu tranh trong giai đoạn mà cả đất nước Việt Nam đang thống khổ dước ách cộng sản. Những chiến hữu anh hùng đó của tôi ra đi và đã không bao giờ trở lại. Các anh đã nằm xuống trên đồi núi Hạ Lào vào một ngày cuối tháng tám năm 1987 sau những trận đánh oanh liệt mở đường cho cuộc Đông Tiến trở về lập chiến khu trên đất nước. Các anh ra đi nhưng hùng tâm của các anh mãi mãi vang vọng với quyết tâm “Một là Giải phóng dân tộc. Hai là hy sinh vì Tổ Quốc.”
“Sống hay Chết,” cả hai cái đích trong con đường các anh đi đều hào hùng và tuyệt đẹp trong lý tưởng Việt Nam. Tôi nhớ đến bài “Viết cho Tự do” của Cao Quỳnh Phụng, người kháng chiến quân chưa từng làm thơ trước khi đi vào đấu tranh. Bài này ở trong tuyển tập Con Đường Mới, ghi lại tâm tình của những kháng chiến quân trong thời gian chờ đợi trở về Việt Nam.
Viết Cho Tự Do
Viết cho Tự Do không phải viết tự do
Theo rung cảm của nhịp tim dạt dào ngây ngất
Viết cho Tự Do là xây dựng cuộc sống Tự Do
Là tranh đấu giành lại quyền Tự Do đã mất.
(KCQ Cao Quỳnh Phụng, Con Đường Mới.)
Nhiệt tình đi vào trực diện đối đầu với giặc có thể thấy nung nấu trong tâm tình người kháng chiến quân qua bài Tiễn Nhau, của KCQ Nguyễn đức Thắng:
Tiễn Nhau
Ta phăng phăng trên con đường đã chọn
Con đường
Hoặc giải phóng Việt Nam
Hoặc chết
Anh đi trước đem lửa đấu tranh cấy vào lòng dân tộc
Đem sóng căm hờn xóa sạch vết nhơ
Tôi trở về lo phòng thủ chiến khu
Đào tiếp giao thông hào dang dở
Sự hy sinh cao cả của các anh tuy nhiên vẫn gặp những chỉ trích. Trong những chỉ trích nói trên có chỉ trích cho rằng sự lãng mạn của các kháng chiến quân là ngây thơ dại dột, mua thiệt vào thân, nhưng từ cổ đến kim chính sự lãng mạn đấu tranh đã cho con người sự hưng phấn trong cảm xúc khi nghĩ về đất nước, đã giúp những người đấu tranh vượt qua những khó khăn trở ngại thường tình trong cuộc sống. Và lãng mạn cũng đã là chất men kết nối tình chiến hữu và khơi dậy quyết tâm của những con người cùng chung lý hưởng. Tôi là một trong không thiếu gì những người như vậy, sống cuộc đời thường, nhưng lãng đãng trong lý tưởng:
Chiều trên đỉnh núi ngắm mây
Thở làn gió mới hồn ngây ngất hồn
Chuôi gươm chạm bỗng vấn vương
Dõi về quê mẹ xót thương nước nhà
(Lãng Đãng, Việt Khanh)
Hôm nay, nhân Ngày Giỗ Các Chiến Hữu KCQ, qua bức ảnh mùa thu, tôi lại phiêu bồng trong cái thế giới lãng mạn hào hùng của các chiến hữu đã hy sinh, mà tôi đã có dịp chia xẻ mấy chục năm trước đây, và thoáng nhanh lệ bỗng nhạt nhòa.
Khép mắt gối đầu trên bãi cỏ
Mây lênh đênh hồn bước lang thang
Trời chuyển thu cây đỏ lá vàng
Nghe như tiếng xạc xào trong gió
Thanh âm chùng không gian lặng quá
Kỷ niệm xa ngày tháng đã qua
Trời không mưa sao bỗng nhạt nhòa
Con chim nhỏ bật òa dấu mỏ.
(Viết Nhân Ngày Giỗ Các Chiến Hữu KCQ,
Việt Khanh, Tháng Tám 2016)