Bernie Sanders là thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont nhỏ xíu với dân số trên dưới 620,000 người. Ông là người gốc Do Thái, ra đời ở thành phố New York. Trước khi làm thượng nghị sĩ, ông là thị trưởng nhiều nhiệm kỳ của thành phố Burlington tiểu bang Vermont. Khi là sinh viên đại học University of Chicago, Bernie gia nhập Liên đoàn thanh niên Xã hội Young People's Socialist League là một thành phần của đảng Xã hội Mỹ (tức là đảng Cộng sản). Điểm đặc biệt của Bernie là ông ta là đảng viên đảng Dân chủ, nhưng tự coi là thuộc thành phần tự do, khi thì bỏ phiếu theo khi thì không theo đường lối đảng Dân chủ. Nghĩa là tùy theo từng vấn đề. Cũng tương tự như một thượng nghị sĩ Do Thái khác là Joe Lieberman, người từng là ứng viên phó tổng thống trong liên danh Dân chủ Al Gore tranh cử với tổng thống Bush con năm 2000. Trên cái tinh thần này, họ đã là những lá phiếu xoay chuyển tình hình trong những trường hợp mà không có đa số thỏa thuận dứt khoát.
Phải nói rằng hai người này đã có những lập trường rất khác nhau khi ra tranh cử tổng thống. Lieberman là người theo Do Thái chính thống giáo, tức là cực kỳ bảo thủ, mới đầu tính tranh cử tổng thống không thành, sau gia nhập cùng với al Gore và nhờ thế Al Gore từ vị trí thua kém trở thành suýt nữa thắng ông Bush con, nếu không có quyết định của Tối cao pháp viện không cho đếm lại phiếu ở Florida. Bernie Sanders ra tranh cử với lập trường thiên tả dân chủ xã hội kiểu Âu châu (Social democrat) để tranh với Hillary Clinton là người kể như đã được chọn sẵn của đảng Dân chủ. Mặc dầu vậy, Bernie đã làm Hillary lao đao mặc dù bà này tiền nhiều vô kể do được nhiều đại tài phiệt ủng hộ. Bởi vì Bernie khai thác giới trẻ nhiệt tình, lý tưởng và chưa có tương lai trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay của Mỹ bằng những chương trình xã hội, y tế và giáo dục hấp dẫn. Truyền thông đã giúp Bernie khi nhắc đi nhắc lại rằng Bernie được sự ủng hộ của đa số quần chúng bình thường và nghèo, chứ không phải là “gà” của giới tài phiệt. Hiện nay, Hillary đã vượt xa Bernie và gần như chắc chắn trở thành ứng cử viên được chọn của đảng Dân chủ, nhưng Bernie vẫn chưa chịu rút lui, và tuyên bố sẽ tiếp tục cho tới phút chót. Ngoài ra thì truyền thông vẫn tiếp tục khen tặng Bernie có khả năng lôi kéo những người bất mãn với tình trạng “chính trị như cũ” của Washington DC, mà Hillary Clinton là đại diện. Nghĩa là nói nhiều hứa nhiều, nhưng bầu cử xong là tiếp tục như cũ, để thất vọng cho tới 4 năm sau kế tiếp bầu lại.
Cái tâm trạng chán ngán bực bội “chính trị như cũ” này đã có từ nhiều năm nay, khi mà những vấn đề căn bản của cuộc sống Mỹ không có gì cải thiện ngoài những biện pháp vá víu giai đoạn. Thay đổi do đó đã là yếu tố khiến Obama thắng lớn trong kỳ tranh cử thứ nhất với khẩu hiệu “we can” (chúng ta có thể), để rồi sau đó thì trở thành tổng thống có nhiều điều quan điểm căn bản bỏ qua nhất. Và ngay kết quả mà ông Obama lấy thế để khoe khoang như là một thành tích, là cải tổ y tế cũng đầy những điều không tới, trục trặc và ngay cả có những tồi tệ hơn, do sự sào qua xáo lại những thỏa hiệp giữa các nhóm quyền lợi nhân danh lợi ích quần chúng.
Cái tâm trạng chán ngán bực bội này về phía đảng Cộng hòa đã sản xuất ra Donald Trump, một tỷ phú có lối phát biểu bặm trợn thích hợp với những thành phần quần chúng Cộng hòa bình dân đơn giản. Nhờ thế, mà ông Trump đã vượt lên trên hẳn các ứng viên gà nòi thế giá của hệ thống đảng Cộng hòa cổ điển quy ước. Và hiện nay thì mọi ứng viên khác đã rút hết chỉ còn có Trump mà truyền thông nói rằng kể là ứng viên tông thống đại diện cho đảng Cộng hòa. Trump chỉ được kể là ứng viên vì bởi vì những tranh cãi cũng như điều đình hậu trường chia xẻ quyền lợi chưa xong. Triệu chứng điều đình từ phía hệ thống quyền hành đảng Cộng hòa có thể thấy trong lời tuyên bố của một nhân vật chống Trump dữ dội là thượng nghị sĩ John McCain. Người bị Trump lột cái huyền thoại son phấn “anh hùng” này, sau khi thấy các đối thủ của Trump rút hết đã nói rằng sẽ sẵn sàng cố vấn cho Trump trong vấn đề đối ngoại, nếu được yêu cầu.
Chính vì sự “chưa xong” này trong đảng Cộng hòa, mà Bernie Sanders về phía dân chủ chưa lùi, để mà không làm xẹp nhiệt tình thay đổi, bởi vì tùy theo liên danh phía Trump, mà Bernie sẽ ra đi hẳn hay là sẽ nhập vào thành liên danh với Hillary Clinton. Người ta phỏng đoán điều này vì đã có những phát biểu nhẹ nhàng đối với nhau từ cả hai phía Hillary và Bernie. Với Bernie bên cạnh Hillary, liên danh Dân chủ sẽ lôi kéo được những thành phần nhiệt tình và bất mãn với tình trạng chính trị như cũ để rủ nhau đi bầu. Và như thế thì có thể đối lại khối quần chúng Cộng hòa hăng say theo Trump để chống lại phía Dân chủ.
Hiện tượng Bernie Sanders với Donald Trump, cho thấy tình trạng xã hội Mỹ đã thay đổi, không còn mang những đặc tính tích cực đã khiến cho Mỹ trở thành hùng mạnh dần từ thời lập quốc, và đặc biệt nhanh chóng từ sau thế chiến thứ hai. Đặc biệt là những mâu thuẫn nội bộ đã gia tăng sau sư sụp đổ của khối CS Liên Sô, sự trỗi lên của Trung Cộng và chủ trương kinh tế toàn cầu khiến những đại tài phiệt không còn coi đất Mỹ là thành trì căn bản thủ thân, vì cơ ngơi có thể ở bất cứ nơi nào thuận lợi kiếm nhiều tiền trên thế giới. Trump là một tiếng nói thủ thân có khả năng lôi kéo quần chúng với khẩu hiệu sẽ “làm cho Mỹ vĩ đại như cũ”. Lời đáp lại của Hillary “Mỹ vẫn là vĩ đại”chỉ là khoa trương chính trị, không có bao nhiêu tác dụng cho người suy nghĩ.
Bernie phía dân chủ có vai trò củ cà rốt trước đầu con ngựa kéo xe.
Chuyên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 quả là có nhiều lý thú.
Lâm Phong
(ngày 6 tháng 5/2016)