1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK, chào TV, chào KV. Tình hình bầu cử tổng thống Mỹ tuần qua không có gì lạ, ngoài tin ứng cử viên Jeb Bush là người đã rút lui và đã từng tấn công sát ván thượng nghị sĩ Ted Cruz nay đã lên tiếng ủng hộ Cruz. Điều này làm cho truyền thông nói rằng đây là một nỗ lực của thế lực chính thống đảng Cộng Hòa tập trung vào để loại Donald Trump, không cho ông này kiếm đủ phiếu làm đại diện cho đảng. Nếu nghe diễn văn của bà Hillary Clinton trong hội nghị tại Washington DC, của tổ chức vận động chính trị thế lực hàng đầu ở Mỹ, tên gọi là Ủy ban vận động chính trị Mỹ Do Thái (AIPAC), thì người ta thấy có điểm chú ý là bà Hillary Clinton đã tố Donald Trump trung lập đối với Do Thái. Còn nếu nghe diễn văn của Trump cũng trong hội nghị trên thì người ta không thấy gì đặc biệt, và không có gì quá đáng. Nhưngmà lời Trump thêm vào ngoài bản văn chính thức, phê bình tổng thống Obama, thì là điều đã làm cho chủ tịch hội AIPAC phải khóc mà xin lỗi sau đó. Khi Trump đã them vào bài diễn văn rằng là “tổng thống Obama là điều tồi tệ nhất đã xẩy ra cho Do Thái” thì đã không có tiếng phản đối “boo” nào mà có nhiều tiếng vỗ tay. Chuyện chính trị sôi nổi thế giới là những vụ nổ bom tự sát ở Brussels nước Bỉ và ở Istanbul Thổ nhĩ Kỳ. Vụ nổ bom ở Brussels khiến ngoại trưởng Đức nói rằng đây là trái tim của Âu châu bị đánh. Sơ sơ là như thế, mời các bạn góp ý thêm.
2/Nguyên Kim. Chào hỏi. NK không hiểu tại sao lời chỉ trích tổng thống Obama của Trump lại làm cho chủ tịch hội vận động chính trị Do Thái bề thế AIPAC phải khóc mà xin lỗi? Nếu có xin lỗi là Trump xin lỗi. Và lại lời phê bình này cũng không mang tính thô lỗ thường thấy trong ngôn ngữ Donald Trump. Ngoài ra thì bà Hillary Clinton mà có tố Donald Trump là trung lập đối với Do Thái thì cũng có điều gì đặc biệt đáng chú ý đâu?
3/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. TV có đọc bản tin báo Washington Post về vụ này. Cho nên hiểu tại sao chủ tịch AIPAC phải xin lỗi. Lời xin lỗi của chủ tịch AIPAC mà báo Washington Post trích dẫn là: “Trong khi chúng ta có thể có khác biệt chính sách, chúng ta rất tôn kính chức vụ tổng thống Hoa kỳ và tổng thống Barack Obama của chúng ta. Có những người trong gia đình AIPAC của chúng ta đã bị xúc phạm nặng nề, và chúng tôi thành thực xin lỗi. Chúng tôi thất vọng vì đã có nhiều tiếng vỗ tay hoan nghênh một cảm tính mà chúng ta không đồng ý hay dung thứ. Chúng ta hãy chấm dứt hội nghị mà chấp nhận khi nói “Hãy lại cùng nhau” là chúng ta còn nhiều điều để học hỏi nhau và còn nhiều việc phải làm nữa”. Theo TV thì sự vỗ tay hoan nghênh Trump khi ông này nói tổng thống Obama là điều tồi tệ nhất cho Do Thái làm cho người ngoài nhớ lại những thái độ và hình ảnh khinh thường của thủ tướng Do Thái Netanyahu khi họp với tổng thống Obama. Và nhớ lại chuyện Netanyahu đến quốc hội đọc diễn văn mà không cho Bạch cung biết trước theo thông lệ. Điều này không có lợi cho tư thế của AIPAC, cho nên chủ tịch AIPAC đã phải đóng kịch khóc mà xin lỗi.
4/KV. Dạ, KV xin được gởi lời chào thân mến đến quý thính giả, kính chào BS N, chị TV và anh NK. Qua những lời bàn luận nãy giờ của quý anh chị thì KVcó nhớ là bác sĩ N có lần nói rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng cử tổng thống, vì bà đã được truyền thông o bế ca tụng tô vẽ từ nhiều năm, từ khi làm ngoại trưởng cho ông Obama. Thế mà bà lại phải tố rằng ông Donald Trump trung lập, nghĩa là không ủng hộ Do Thái, trong khi bà là người được biết rằng rất ủng hộ Do Thái, trong hội nghị AIPAC gồm những nhân vật Do Thái thế lực, thì theo nguyên tắc là dư, không cần thiết. Nhưng KV nghĩ rằng nếu bà Hillary đã làm như thế thì có thể là do nguyên nhân bà có nỗi e sợ thất bại trước ông Trump. Và cũng bởi vì bà đã có quá nhiều những điều xấu mà giới truyền thông cũng như dân chúng đã nhắc đi nhắc lại cũng như khai thác trong thời gian qua, nhất là khi mà số người bực bội vì sự ù lì của các nhà chính trị trong hiện tại quá cao, nên đã đi ủng hộ ông Trump khá đông, đến độ mà ông Trump nổi bật lên, vượt qua các nhân vật thế giá khác trong đảng Cộng hòa. Đặc biệt như Jeb Bush đến độ phải bỏ cuộc.
5/TXN. Tôi muốn thêm một ý kiến nhỏ vào những nhận định của TV và KV. Là hiện tượng hội trưởng vỗ tay hoan nghênh Trump chỉ trích ông Obama có thể là biểu lộ của quan điểm bắt nguồn từ lập trường chống đối việc ký thỏa ước nguyên tử với Iran. Nói khác đi, những người vỗ tay là những người có lập trường diều hâu cứng rắn như Netanyahu. Và theo như phóng viên Chemi Shalev của báo thiên tả Do Thái Haaretz thì có những người Do Thái không diều hâu như thế, không chống đối coi thường Obama như là Netanyahu, và người phóng viên này lo rằng sự hoan nghênh ông Trump chỉ trích Obama có thể làm sâu thêm hố phân cách hai thành phần Do Thái này. Theo tôi đây là ý nghĩ riêng của Shalev thôi. Có thực rằng có nhiều người Do Thái lập trường không diều hâu, nghĩa là mềm mòng, một cách dứt khoát hay không để làm cho sự bất đồng ý kiến giữa hai quan điểm là một phân cách trầm trọng hai thế lực trong cộng đồng Do Thái thì không rõ. Ngoài ra, theo sự hiểu biết của tôi, thì trong sự vận động chính trị tại Hoa kỳ, người Do Thái luôn luôn ủng hộ cả hai phía Dân chủ cũng như Cộng hòa. Chỉ có điều khác là một bên ủng hộ nhiều, một bên ủng hộ ít hơn hay là vừa phải, để mà dù bên nào thắng thì cũng vẫn có phần. Chứ không quyết liệt chọn một bên, theo cái kiểu được ăn cả ngã về không.
6/NK. Tin bầu cử tổng thống Mỹ tưởng là không có gì để nói thế mà rút cục lại còn vẫn có điều lý thú. Nhân đây thì NK đề nghị đi vào một vụ bầu cử khác ở VN, cũng hay hay. Tin Reuters mới loan đi rằng nữ ca sĩ Mai Khôi, trong nước được coi là Lady Gaga VN đã nộp đơn tự ứng cử vào quốc hội VC và giấy tờ ứng cử bị làm khó khăn. Cùng với Mai Khôi tin cũng loan đi rằng còn có tay hề Nguyễn Quốc Vượng. Phóng viên Reuters viết rằng những người này không phải là chính trị gia, nhưng mà cho biết là Nguyễn quốc Vượng nói rằng “Tôi muốn thay đổi cảm nhận về chính trị, đem lại tuổi trẻ và sinh lực cho quốc hội. Chúng tôi không muốn thấy cảnh ngồi ngủ trong quốc hội. Phải thấy rằng đem mặt mới và ý mới là tốt hơn cho đất nước”. Còn Mai Khôi thì phóng viên Reuters tường thuật là cô ta nói rằng “nhiều người ngạc nhiên hỏi rằng một ca sĩ như tôi thì tại sao mà lại ứng cử quốc hội”. Và cô nói trong quốc hội có nhiều cơ hội để nói lên ý kiến của mình”. Cô muốn đề cập đến vấn đề xã hội như đồng tính luyến ái. Phóng viên Reuters viết rằng ở VN nói đến chính trị đa nguyên là bị cấm. Rồi đi phỏng vấn Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề người dân thường tự nộp đơn ứng cử. Ông này là một cựn đại biểu quốc hội và đang là một giáo sư xã hội học lâu lâu có bài viết nhận định về các vấn đề chính trị, đã từ chối trả lời, nói rằng “không tiện” cho ông bình luận. Bài viết của Reuters kể rằng Ủy ban bầu cử Hà nội cho rằng có những thành phần “khó chịu” ứng cử và được các thế lực phản động VN và ngoại quốc giúp đỡ. Nhưng cũng thêm rằng ông Nguyễn Văn Phong trách nhiệm tuyên truyền trong ủy ban nhân dân ở Hà nội thì nhận định rằng “hiện tượng nộp đơn tự ứng cử cho thấy tinh thần dân chủ đã thắng” và “nhân dân muốn đóng góp cho xã hội”. Nói chung thì bác sĩ N và TV với KV có ý kiến gì về nhận định của Nguyễn văn Phong và bản tin Reuters này?
7/KV. Dạ thưa theo như tin trang điện tử trong nướcngày 11 tháng 3 mà KV có đọc qua thì đơn ứng cử ngày 8 tháng 3 của Mai Khôi đã được nhận. Tức là không có trục trặc gì như Reuters nói. Ngoài ra có một bài viết ngày 20 tháng 3 ký tên Thùy Trang trên báo Người Lao động, đã ca tụng Mai Khôi hết mình, cho rằng Mai Khôi đã thay đổi, là người ca sĩ trung thực với mình, vừa “ngông cuồng vừa tử tế”. Bài viết còn giới thiệu kỹ lưỡng về một tác phẩm của Mai Khôi, tên là ca khúc Việt Nam, kể là khác hẳn với các sáng tác khác, mang tính cách Lady Gaga của Mai Khôi. Như sau: “Khi ca khúc “Việt Nam” rất ý nghĩa của Mai Khôi được cất lên bằng giọng hát của cô, cả người nghe và giới chuyên môn vô cùng ngạc nhiên bởi có sự thay đổi lớn ở ca sĩ này. Hình như cô bắt đầu quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn chuyện tình yêu đôi lứa. Đó là đất nước. “Xin được viết lên bài hát ca ngợi quê hương của tôi/ Ôi Việt Nam đẹp xinh muôn màu ... (àh ha cùng tình người ấm áp)/ Việt Nam nơi ta được thắp lên niềm tin/ Nào ta cùng hát lên hồn nhiên/ Cùng đi về nơi bình yên tuyệt vời (à ah)/ Miền đồng quê hoang vu mình cùng ngồi bên nhau hát ca vui thiết tha…” (trích lời ca khúc “Việt Nam”).
Qua điều nêu lên ở trên, và nếu căn cứ theo những điều này, thì chuyện Mai Khôi ứng cử không có trục trặc. Còn trúng cử hay không thì KV không biết được ạ.
8/TV. Không hiểu Thùy Trang và Nguyễn Thùy Trang có phải là một không. Nhưng TV còn nhớ cái tên bác sĩ Nguyễn Thùy Trang nói xưng xưng về chuyện thuốc ngừa cùm gà cách đây mấy năm, làm những người không biết phục lăn. Gần đây hơn thì Thùy Trang lại viết một số bài liên tục, khẳng định như là người trong cuộc, về cái chết của tướng VC Phùng Quang Thanh, cho tới cả ngay sau khi có tin Phùng Quang Thanh xuất hiện. Và những bài này đã được vài chương trình phát thanh ngoại quốc tiếng Việt phóng đi. Cho tới khi chuyện Phùng quang Thanh trở thành trật lấc thì mới yên. Nay Thùy Trang lại viết về Mai Khôi, thành ra TV nghĩ rằng nếu có rảnh thì giờ thì đọc qua cho biết. Chứ không có gì đáng để ý. Bởi vì TV nghĩ rằng cái tên Thùy Trang và một vài tên nữa trong giới giang hồ điện tử, kèm theo hình ảnh, được dùng như là một cái loa truyền đi các sản phẩm của đảng hay nhà nước VC để trộn lộn và bóp méo sự kiện khiến người nghe không biết đâu là thực đâu là giả. Trở lại vói trường hợp Mai Khôi, câu hỏi là tại sao Thùy Trang lại nói về Mai Khôi thì TV nghĩ rằng chưa biết chừng là chế độ muốn cho cô này vào quốc hội để làm cái trang sức mầu mè, gây ấn tượng là chế độ cởi mở tới độ một ca sĩ loại Lady Gaga cũng được tự do ứng cử và trúng cử.
9/TXN. Về bài viết hãng Reuters đã nhận định rằng với chuyện Mai Khôi, người ta có thể thấy chế độ Hà nội cởi mở tới đâu, thì tôi chỉ thấy đó là lối suy diễn điển hình mà nhiều người cho là phiến diện, của mấy phóng viên ngoại quốc về thời sự Việt Nam. Tương tự như lối nhận định khi có một nhân vật được thả hay bị bắt thì coi đó là dấu hiệu của chính sách xiết chặt hay đổi mới. Họ bỏ qua điều căn bản của chính sách cai trị VC là “trước sau như một”, nghĩa là xử dụng các nhân vật gọi là bất đồng ý kiến hay là các nhà dân chủ, hay chuyên viên để tạo ấn tượng cần có cho từng giai đoạn. Cốt yếu là nhằm phục vụ những yêu cầu chính trị giai đoạn, và cốt để duy trì cái kiểu đấu tranh giống như con ngựa kéo xe bị ngườiđánh xe dứ dứ trước mũi củ cà rốt để mà tiếp tục chạy và tin tưởng sắp ăn cà rốt tới nơi. Chúng ta thấy hiện tượng này nơi những người đấu tranh tin tưởng rằng Nguyễn Tấn Dũng thân Hoa kỳ và đổi mới để mà ủng hộ hay là mong mỏi cho người đảng viên CS kỳ cựu này tiếp tục nắm quyền, dù rằng ông ta đã từng công khai tuyên bố theo đảng và tuân hành lệnh đảng từ khi vào đảng tới nay là nửa thế kỷ,. Sự tin tưởng này đã dần dần được tạonên bởi những cái loa kiểu Thùy Trang loan tin về Mai Khôi và Phùng Quang Thanh.
10/NK. Báo New York Times đã đăng tin tổng thống Obama ngày chủ nhật 20 tháng 3 đã tới thủ đô Havana Cuba trong chuyến thăm được gọi là “lịch sử” 48 giờ, chấm dứt tình trạng thù nghịch giữa hai nước bắt đầu từ sau khi Fidel Castro lật đổ chế độ thân Mỹ tại đây, năm 1959. Bài báo kèm theo hình ông Obama với đương kim tổng thống Cuba Raul Castro được ghép cạnh nhau trên một tấm bảng với hàng chữ Bienvenido a Cuba, có nghĩa là Hoan nghênh (hay là chào mừng) tới Cuba Welcome to Cuba đặt trước cửa vào một khách sạn ở trung tâm thành phố Havana. Bác sĩ N, TV và KV có nhận định gì về chuyến đi được coi là lịch sử này?
11/KV. Dạ trước hết là qua những tin và hình truyền đi, người ta thấy không có thảm đỏ từ máy bay dành cho ông Obama và gia đình đến. Cũng không có chính giới Cuba đón tiếp, mà chỉ có các giới chức an ninh Mỹ cầm ô che, vì trờimưa. Phải nói rằng chuyến đi Cuba của tổng thống Obama tương tự như một cuộc làm việc theo tinh thần brown bag lunch thì đúng hơn. Bởi vì vừa mang tính du lịch, vừa có chút thảo luận. Vì ông Obama có mẹ vợ, vợ và hai con đi theo, đến phi trường quốc tế Havana ngày chủ nhật, không có được long trọng đón tiếp. Chỉ đến ngày hôm sau mới có duyệt hàng rào danh dự với Raul Castro và một buổi tiệc tối. Còn lại là xem baseball đấu giao hữu giữa hai đội Cuba và Hoa kỳ, mà khán giả toàn là chọn lựa được mời. Kết quả cụ thể của chuyến đi chỉ là một giao kèo ký kết giữa công ty Starwood Hotels & Resorts Worldwide với Cuba, để khai thác hai khách sạn ở Cuba. KV nghĩ rằng tổng thống Obama vào cuối nhiệm kỳ muốn dùng cái địa vị tổng thống của mình để du lịch một số nơi cho biết, bởi vì sau khi rời Bạch cung rồi thì không còn những tiện nghi thoải mái để đi đây đi đó không mất tiền túi như vậy nữa. Và điều này thì thật sự cũng không phải là lạ đối với một số tổng thống tiền nhiệm của ông Obama.
12/TV. Nghe KV nói thì TV thấy rằng chuyến đi của ông Obama sang VN sắp tới vào tháng năm cũng sẽ là như thế. Nghĩa là chẳng có gì đặc biệt quan trọng. Bởi vì bang giao Việt Nam và Hoa kỳ đã định hình từ nhiều năm nay, ít ra là từ khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Tuy rằng là một vài cây viết “vơ vào” cho rằng chuyến đi VN của ông Obama có ý nghĩa chính trị quan trọng trong chuyện đấu đá trong lãnh đạo VC, đặc biệt là cho thấy cái tư thế kém sút của Nguyễn Phú Trọng đối với Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài ra thì nếu mà nhìn chặng đi Argentina của ông Obama sau hai ngày ở Cuba, thì người ta cũng thấy rằng cùng một tính chất. Bởi vì tuy báo New York Times có viết bài thổi lên sự chuyển hướng thiên hữu, nghĩa thân gần Mỹ hơn, của tân tổng thống Argentina Mauricio Macri mới đắc cử, nhưng mà cũng không dấu rằng sẽ không có những cam kết chặt chẽ bỏ con đường phía tả của cựu tổng thống Cristina Kirchner đã thực hiện từ mưới mấy năm nay ở Argentina.
13/TXN. Tôi cũng đồng ý rằng chuyến đi này chẳng có gì gọi là lịch sử. Lịch sử nếu có đã bắt đầu từ trước đây mấy năm (2013), khi ông Obama và Raul Castro bắt tay nhau lần đầu tiên là trong đám tang tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Nhưng nói về dấu hiệu sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba thì là vàonăm 2000 khi tổng thống Clinton bắt tay Raul Castro lúc đó ở trong một bữa ăn trưa họp kín của LHQ. Ngoài ra thì phải nói thêm rằng cuộc gặp gỡ kỳ này giữa ông Obama và Raul Castro không có mấy thân mật, vì trong buổi họp báo chung, đã không có bắt tay như lệ thường mà chỉ có Raul Castro cầm cẳng tay ông Obama dơ lên như một cầu thủ dơ giải thưởng. Mà giải thưởng là cái cẳng tay sụi lơ của tống thống Mỹ vịt què Obama.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV, chào NK, chào KV và cám ơn các bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/NK. Chào tạm biệt
15/KV. Dạ, KV xin được kính chào tạm biệt quý thính giả, cũng xin kính chào tạm biệt BS N, anh NK và chị TV. KV xin được hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
16/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.