1.TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK, Chào KV, chào TV. Xin bắt đầu chương trình bcts hôm nay bằng một chuyện hi hữu ở một chính quyền được Mỹ công nhận, coi là dân chủ và là đồng minh cật ruột ở Bắc Phi, là Ai cập.
Tin đài BBC cho biết rằng tại Ai cập, Ahmed Mansour Qorany Sharara đã bị xử tù chung thân vì đã làm thiệt mạng 3 người trong một vụ biểu tình cách đây 2 năm. Nhưng khi cảnh sát đến nhà bắt phạm nhân trong chiến dịchbắt 116 người khác bị tòa kết án tù vì cùng một tội thì mới khám phá ra rằng phạm nhân lúc đó mới 16 tháng, và vì thế cho nên đã bắt đi người bố. Sau khi tin này đã truyền đi rộng rãi thì chính quyền quân sự Ai Cập mới xác nhận rằng phạm nhân thực sự là cùng tên và đi biểu tình lúc 16 tuổi, chứ không phải là cậu bé 4 tuổi. Tưởng cũng nhắc lại ở đây rằng chính phủ quân nhân Ai cập do tướng Al Sisi làm tổng thống đã được Mỹ nhanh chóng ủng hộ sau một cuộc bầu cử mà quân đội kiểm soát và được kể là dân chủ. Chuyện này đã khiến dư luận đặc biệt chú ý đến sự trấn áp mạnh mẽ, và rộng rãi, các thành phần chống đối chính phủ hiện tại, đặc biệt là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và cựu tổng thống dân cử Morsi, với gần một ngàn bản án tử hình và chung thân. Nhìn toàn cảnh thì đây là kết quả cụ thể của phong trào Mùa xuân Ả Rập được truyền thông Âu Mỹ thổi lên vào cuối năm 2010 bắt đầu từ Tunisia, cho rằng là sẽ mở đầu cho một giai đoạn dân chủ tự do tại Bắc Phi và các nước Ả Rập. Phong trào này bây giờ không còn ai nói tới nữa. Vì kết quả chỉ là như cũ, độc tài và trấn áp, hay là mất ổn định. Quay sang nước Mỹ thì Donald Trump trong cuộc tranh cử làm ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa đã thắng bỏ xa các ứng viên khác là Ted Cruz và Marco Rubio trong cuộc bầu phiếu tại Nevada. Ông Trump đã tuyên bố sau khi có kết quả rằng “Người ta đã không nghĩ rằng chúng ta thắng nhiều, nhưng chúng ta đang thắng, thắng và thắng trong nước. Và không bao lâu nữa nước chúng ta sẽ thắng, thắng, và thắng”. Và “Chúng ta đã thắng trong quần chúng Thiên chúa giáo, chúng ta thắng nơi giới trẻ. Chúng ta thắng trong giới già. Chúng ta thắng trong quần chúng trí thức. Chúng ta thắng trong giới ít học. Tôi quý những người ít học”. Và Trump nói không dấu diếm rằng nếu mà thắng cử tổng thống thì “Việc đầu tiên sẽ làm là dẹp những sắc lệnh của tổng thống về biên giới khiến cho người ta có thể đổ vào nước ta như phó mát Thụy sĩ. (Ý nói biên giới thủng lỗ chỗ như phó mát Thụy sỹ). Tôi sẽ bỏ Obamacare. Tôi sẽ chăm sóc lo cho quân đội và cựu quân nhân”. Tại Nevada, nơi có nhiều người Mỹ gốc Latin, Trump đã thắng và khoe thành tích này (dù rằng ông đã tuyên bố ý định tranh cử vói tuyên bố miệt thị dân Mễ tây cơ vào Mỹ là tội phạm). Về phía đảng Dân chủ thì bà Hillary Clinton người được tài phiệt ủng hộ rất nhiều đã thấy rung động vì phong trào ủng hộ đối thủ là Bernie Sanders lên cao. Truyền thông Tây phương cũng bàn tán nhiều về một bài thơ ca tụng Tập Cận Bình của phó biên tập ban thời sự Tân Hoa Xã. Đại khái là như thế. Xin các bạn đóng góp thêm.
2.NK. Chào hỏi. Những chuyện thế giới vừa nêu có điều lý thú thật, nhưng NK nghĩ rằng vụ TC lời qua tiền lại giữa TC và Hoa kỳ trong việc quân sự hóa biển Đông không phải là thiếu hấp dẫn.
Phát biểu trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định: “Rõ ràng là Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông”.
Phát ngôn viên bộ quốc phòng TC trong buổi họp báo hàng tháng, nói đô đốc Harris đã bôi nhọ TC để xin tiền quốc hội. “Theo tin tức trên truyền thông, tôi được biết rằng đô đốc Harris đã nói như vậy trước quốc hội để xin thêm tiền cho bộ quốc phòng. “Chúng tôi không can thiệp vào việc quý ông xin thêm tiền cho quốc phòng, nhưng quý ông không thể cẩu thả bôi nhọ Trung quốc khi xin tiền như vậy”. Khi được hỏi về toan tính của Trung Quốc trong việc xây dựng và mở rộng các đảo trong biển đông cũng như làm phi trường, hải cảng, đài radar cũng như đưa các loại vũ khí xuống Biển Đông, đô đốc Harris nói thẳng: “Tôi tin rằng Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực Đông Á (và Đông Nam Á).” Ông nói việc quân sự hóa biển đông của TC là “chắc như kẹt xe” và nói các nghị sĩ nghĩ khác thì tức là cho rằng “trái đất là mặt phẳng”. Bác sĩ N, Tv và KV có nghĩ rằng phát ngôn viên bộ quốc phòng TC là loại “gái đĩ già mồm” hay không”.
3/KV. Dạ, KV xin được kính chào quý thính giả, kính chào BS N, anh NK và chị TV ạ. Dạ thưa theo KV thì anh NK dùng chữ hơi mạnh đấy cơ, tuy nhiên KV nghĩ là không sai. Những đảo TC đã chiếm của VN ở Hoàng Sa, dựa trên công hàm Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai, và sau khi đánh bại hải quân VNCH năm 1974, và những lấn chiếm ở Trường Sa sau này đã bị gọi là “những vùng tranh chấp” bởi những kẻ bàng quan. Chuyện TC mở rộng và bồi đắp một số đảo này mới đây, cũng như việc xây dựng các hải cảng, phi cảng, gửi quân lính và gửi người tới ở, ít ra thì cũng phải hiểu rằng đó là việc biến những đảo này thành thực sự là của TQ, căn cứ theo số cư dân sống tại chỗ. Chuyện TQ có thể độc quyền bá chủ biển đông hay không, thì là một vấn đề khác. Câu trả lời là tùy theo thái độ của Mỹ. Đô đốc Harris, chỉ huy trưởng hải quân Mỹ ở Thái bình dương cho là như thế. Nhưng ngoại trưởng Kerry thì chỉ mềm mỏng nêu ra những sự kiện này trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng TC Vương Nghị tại Washington, khi cho rằng: "Thật là đáng tiếc khi có hỏa tiễn, máy bay chiến đấu, súng ống và những thứ khác được bố trí tại vùng Biển Đông". Và chúng ta cũng vẫn nhớ rằng từ đầu đến giờ, Mỹ chỉ luôn luôn xác định là đứng ngoài tranh chấp, chỉ muốn tự do hàng hải và khuyến khích mọi phe thảo luận, giải quyết trong thảo luận hòa bình.
4/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Theo TV thì Mỹ nếu có chống TC xây dựng căn cứ và cơ sở quân sự cũng như dân sự trên các đảo Hoàng sa và Trường sa thì đó chỉ là chống kiểu ngoại giao chứ không có biện pháp gì khác, cứ nghe những phát biểu từ bộ ngoại giao và của các lãnh đạo hành pháp khác là rõ rồi. Đô đốc Harris điều trần trước quốc hội là để xin thêm tiền cho bộ quốc phòng nói chung, còn nói riêng là cho hải quân. Sự xin thêm tiền này là chuyện thường xẩy ra trong chuyện sắp xếp ngân sách, mà người ta gọi là “phân chia phần bánh” giữa các binh chủng quân chủng với sự thúc đẩy vận động của các đại công ty sản xuất vũ khí và quân cụ quân dụng các loại. Điều mà TV nhận thấy là khác với thời chiến tranh lạnh, đơn độc chỉ có đệ thất hạm đội Mỹ nắm quyền bá chủ Thái bình dương. Còn bây giờ ngoài đệ thất hạm đội hoạt động ở Thái bình dương còn có hải quân TC đang được bành trướng, trong chính sách của Tập Cận Bình. Thành ra nếu nói Mỹ mất vị trí độc chiếm biển Đông thì có, còn nói TC độc chiếm biển đông thì không, hay dè dặt lắm thì phải nói là “chưa”. Nói đến Tập Cận Bình thì TV muốn nhân tiện đi sang chuyện bài thơ viết tặng Tập Cận Bình của Bồ Lập Nghiệp, Phó Biên tập ban thời sự Tân Hoa xã nhân chuyến đi thăm Tân Hoa Xã của Tập Cận Bình. Bài thơ nhan đề “Tổng Bí thư, tấm lưng người và ánh mắt tôi”. Nghe rất buồn cười với nội dung là ca tụng và thề trung thành với họ Tập. Truyền thông Tây phương đã bàn tán về bài thơ này, cho rằng TQ có lẽ sẽ trở lại thời đại tôn sùng lãnh đạo độc tài trước đây. Bác sĩ N, anh NK và KV có ý kiến gì không?
5/TXN. Ca tụng lãnh tụ không phải là chuyện lạ trong các chế độ độc tài. Những tác phẩm ca tụng lãnh tụ rất là cần thiết trong các chế độ độc tài khi mà đời sống người dân không được giài quyết thỏa đáng, ngoài chuyện thường trực bị trấn áp. Staline, Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh đều như thế cả. Riêng Hồ chí Minh thì đã tự viết tác phẩm ca tụng mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, là quyển sách mang tên “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”.Dưới chế độ toàn trị Việt cộng, thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa có một dàn những văn công thi nhau viết bài viết sách giới thiệu và bình luận các tác phẩm từ văn đến thơ đến diễn văn đến lời phát biểu của Hồ chí Minh, kể cả những lời Hồ lấy trong sách vở thời xưa của Tầu. Với Tập Cận Bình thì có một điều hơi khác. Là thời những lãnh tụ trước Tập Cận Bình từ Đặng Tiểu Bình trở xuống, thì sự ca tụng lãnh tụ hiếm thấy. Hay nếu có thì chỉ là sơ sài. Có lẽ vì cái mặc cảm gây ra bởi sự thất bại của chế độ toàn trị sùng bái lãnh tụ Mao Trạch Đông. Và bởi vì Đặng tiểu Bình chấm dứt công khai sùng bái lãnh tụ. Nay xuất hiện bài thơ ca tụng lớn tiếng công khai họ Tập thì không khỏi có câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Tập Cận Bình đã độc tài hơn các lãnh tụ tiền nhiệm? NK KV TV có ý kiến gì không?
6.NK. Truyền thông thế giới gần đây có những bài nhận định cho rằng Tập Cận Bình gia tăng tập trung quyền bính vào tay mình, qua những thanh trừng các nhân vật quyền lực thân gần với các lãnh tụ cao cấp nhất của chế độ, trước Tập Cận Bình. Lý do chính là tham nhũng. Cho tới nay thì Tập Cận Bình đã thành công, dầu rằng có những tiên đoán trên truyền thông ngoài Trung quốc rằng quyền lực Tập không chắc chắn, như là có những vụ nổ mà người ta cho rằng là vì phá hoại, và nhất là với những bất ổn tài chính kinh tế như sụt giá chứng khoán, và mất giá đồng nguyên. Nhưng đã không thấy có dấu hiệu cái ghế của TCB bị rung rinh, bởi vì Tập Cận Bình đã công du kể như khắp thế giới, các nước Âu Á Phi Mỹ, liên tục dài ngày. Nhận định một cách tổng quát, thì khi nội bộ không vững mà vắng mặt dài ngày thì là một cách tự đào thải. Cho nên, chưa biết chừng là viên phó tổng biên tập Bồ lập nghiệp “ mê” Tập Cận Bình từ đáy lòng, tương tự như Tố Hữu mê “bác Hồ” và “ông” Sit Ta Lin vậy. Nhất là vì Tập Cận Bình đã có những phát biểu về “giấc mộng” của Trung quốc, những thành tích chi tiền ra khắp thế giới và đầu tư cạnh tranh với Âu Mỹ, làm cho dân Tầu bớt được cái mặc cảm nhược tiểu bị thế giới Tây phương coi khinh từ đầu thế kỷ thứ 20, thời cuối nhà Thanh.
7/KV. TCB độc tài hơn những người tiền nhiệm hay không thì KV không biết. Nhưng chỉ nhìn vào chuyện TCB có khả năng dẹp các nhân vật quyền lực tham nhũng thì KV thấy họ Tập có tài. TCB dám đỡ cho Putin để nhẹ bớt áp lực chế tài của Tây Phương đối với Nga trong vụ Ukraine cũng như hợp tác với Nga trong chính sách Iran thì KV thấy là TCB khá vững đấy cơ.
8/TV. TCB có thể là có tài. Nhưng cái mạnh của Trung quốc và cái tư thế kinh tế tài chính mà TQ có được là do sự đóng góp của thế giới Tây phương. Chỉ cần nhìn vào số hàng hóa đủ mặt tràn ngập trong xã hội Mỹ và Tây phương là có thể thấy. Nhưng đây là một vấn đề lớn và phức tạp, TV mà chỉ nêu ra để mọi người chúng ta cùng suy nghĩ.
9/TXN. Tại sao trong vòng ba thập niên thực sự đi vào kinh tế thị trường theo chủ trương đổi mới và chấm dứt tôn sùng lãnh tụ của Đặng Tiểu Bình, Trung hoa từ một nước lạc hậu dân không đủ ăn đã trở thành một siêu cường ngang hàng với Mỹ là một câu hỏi khó trả lời ngắn gọn mà có không giải thích. Bài thơ ca tụng Tập Cận Bình có phải là dấu hiệu của sự trở lại chủ trương tôn sùng lãnh tụ hay không cũng không thể có câu trả lời được nhiều người đồng ý. Chê bai dè bỉu Bồ Lập Nghiệp làm thơ ca tụng Tập cận Bình và phê phán Tập Cận Bình dễ hơn, và có nhiều người đồng ý hơn. Tuy nhiên, đây là chuyện bên Tầu. Nhân vụ này thì tôi thấy nhìn lại Việt Nam cũng đổi mới từ ba mươi năm thời Nguyễn Văn Linh, để mà suy nghĩ thì có lẽ ích lợi hơn. Liên quan chặt chẽ đến trách nhiệm chế độ thì đất nước VN không có gì đáng gọi là hãnh diện. Kinh tế tài chính thì ngoài những vụ đứng đầu vỡ nợ không lồ như Vinashin, Vinalines và vô số nhà băng cũng như doanh nghiệp lớn khác. Biểu kiến bề ngoài là những nhà cao tầng cho nhà giầu và vô số khách sạn nhiều sao trồi lên trên những khu ổ chuột và đường xá ngập lụt khi trời mưa xuống. Tâm lý quần chúng thì sống hối hả lấy giả làm thật, hãnh diện về những cái bề ngoài cặn bã Tây phương du nhập qua những chương trình giải trí 24/24 suốt tuần của hệ thống truyền thông đảng và nhà nước. Tinh thần thì trông vào ngoại quốc, dựa vào Tầu để chống Mỹ, tin vào Mỹ để chống Tầu. Tôi chỉ kể sơ gợi ý để suy nghĩ, như TV nói. Và để mà chọn thái độ căn bản nghiêm chỉnh mà hành xử, chứ không để tự chê, tự khinh như một số người trong đáy lòng thấy bất lực và từ đó sinh bất mãn, với chính mình và với mọi người. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả, Chào NK, chào TV, Chào KV. Và xin cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
10/. NK. Chào tạm biệt thính giả.
11/ KV. Dạ KV xin được gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả, kính chào BS N, chị TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại tất cả quý anh chị vào kỳ tới ạ.
12/ TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS