Viết bài này, người kể chuyện không hề có cao vọng nào khác hơn, vì lẽ giản dị là mình không phải là một văn tài. Tôi không có mục đích tố giác hoặc lên án một đoàn thể hay một cá nhân nào. Ai chả có một phút lỗi lầm. Người viết chỉ làm nhân chứng nhỏ bé trong một giai đoạn lịch sử đau thương khi đất nước chuyển mình.
Xin dành một phút tưởng niệm các bạn tù đã vĩnh viễn nằm xuống và thành thật chia sẻ những đau thương mất mát của gia đình các anh chị.
Bên đồi núi trắng sương sa.
Ngày đi năm tháng phôi pha mong chờ.
Chia ly ngăn cách mịt mờ.
Lòng ta đau xót lững lờ chơi vơi.
Vợ chồng đôi ngã đôi nơi.
Sông sâu cách trở muôn đời hay sao.
Đêm nằm khấn nguyện trời cao.
Biết ai là bạn tâm giao lúc này.
Hàn thuyên hay khó tỏ bày.
Ngậm cay nuốt đắng đọa đày tấm thân.
Thương nàng lệ úa sầu dâng.
Đêm đêm thao thức bâng khuâng đợi chờ.
Ngày đi đâu có ai ngờ.
Tính sai một bước, cuộc đời phôi pha.
Đây Bến Ngọc - sông Hồng Hà.
Thân trai, thương nước nhớ nhà.
Thương đàn trẻ dại, mẹ già cố hương.
Cầu cho đất nước tha hương.
Cho đời thắm đẹp, quê hương màu hồng.
Phương Đoài kết hợp Phương Đông.
Tình ta kết tục, đoàn viên vợ chồng.
Y Vũ
1977 - Việt Bắc
Nỗi Lòng Người Vợ (miền Nam)
Thân em như chiếc thuyền nan.
Lướt trên sóng vỡ bạt ngàn trùng dương.
Xa xôi mưa nắng mười sương.
Thuyền trôi ngàn dặm tha phương mịt mờ.
Thương ai tháng đợi năm chờ.
Ngày xanh mòn mỏi bên bờ nhiễu nhương.
Ngày về nối lại tình thương.
Cung đàn lỡ nhịp tơ vương bụi hồng.
Tình ta xa cách mặn nồng.
Cũng luôn ấp ủ tơ đồng yêu đương.
Nhật Mỹ (Hiền thê Y Vũ)
1977 - Sài Gòn.
Cửa Địa Ngục:
Buổi sáng hôm đó, tôi thức dậy sớm, chuẩn bị đi trình diện “cải tạo”. Lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Chuyến đi lành ít, dữ nhiều. Phải chăng đây là những giây phút cuối cùng bên vợ dại con thơ. Tương lai mịt mờ, biết ra sao ngày sau. Vai đeo ba lô, bước chân vào cửa nhà tù thứ nhất để nộp với hành trang chỉ đủ cho 10 ngày. Vào thì dễ mà ra thì thiên gian vạn nan. Như con cá chui vô trong rọ. Đã qua cái hom bắt cá thì đành thúc thủ.
Cả một đội Quân hùng Tướng mạnh ngoan ngoãn theo lệnh tập trung cải tạo. Định mệnh đã an bài. Tôi bước chân vào trường Taberd. Ôi nơi đây ngày mới đây còn là nơi ấp ủ tình thương, nào thầy nào trò. Mới ngày nào tôi còn đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen. Nay tự dưng tôi biến thành kẻ tội đồ, chờ mang đi lưu đày khổ sai chung thân. Cuộc đời là sắc sắc không không. Nhìn qua khung cửa sổ lầu hai, thấy người qua lại tự do, tôi thèm hai chữ tự do mà toan nhảy xuống đường. Nhưng với bản chất nhà giáo, tôi ngại mạo hiểm.
Những cái chết đầu tiên:
Trong hành trình tù cải tạo từ Nam ra Bắc, tôi đã chứng kiến bạn bè kề cận lặng lẽ vĩnh biệt. Người đầu tiên là anh Tường Thế Bỉnh, anh là Kỹ Sư Công Nghiệp, Chánh sự vụ sở Kiểm Lâm Cao Nguyên Trung Phần. Anh cùng chung một đội và phòng giam với tôi tại Trại Suối Máu, phi trường Biên Hòa.
Tối hôm đó, khoảng 9 giờ tối tháng 7 năm 1975. Mọi người đã vào chỗ nằm ngủ. Phòng không có điện, chỉ có ngọn đèn dầu hôi, tỏa ánh sáng lờ mờ. Trong phòng bỗng có tiếng ồn ào xôn xao. Thì ra anh Bỉnh đã dùng dao cạo râu tự cắt mạch máu ở cổ tay. Máu chảy lênh láng ra sàn nhà, miệng thở phì phò. Thế là đã trễ, anh đã vĩnh viễn ra đi. Cạnh anh có Bác Sĩ Hoàng - Bác sĩ Bệnh Viện Từ Dũ hết lòng cấp cứu, nhưng cũng đành bó tay. Anh Bỉnh thường ngày hay trầm ngâm. Mới cách đó 1, 2 tiếng đồng hồ, anh còn kiểm soát nước của đội. Mỗi tù nhân chỉ được quyền dùng 1 lon nước để làm vệ sinh răng miệng. Vì nước rất hiếm, anh em phải thay phiên nhau chở từ xa về.
Tâm sự của đa số anh em lúc đó là tuyệt vọng. Hằng ngày chứng kiến xe vận tải chuyển gạo cho trại tù nên ai cũng lắc đầu. Nhẩm tính biết là không phải tù chỉ trong 10 ngày mà là chung thân. Nếu anh biết, chỉ 3 tháng sau, những tù có chuyên môn như anh sẽ được trở về cơ quan cũ, có lẽ anh không tự sát vì tuyệt vọng. Vì bề gì thì tù ngoài cũng còn dễ thở hơn tù trong, còn được gần vợ con.
Cái chết của một Nhạc Sĩ:
Anh là nhạc sĩ Minh Kỳ, tên thật là Vĩnh Mỹ, gốc người Huế và tính tình hiền lành, vui vẻ. Anh là tác giả của nhiều bài ca nổi tiếng, trong đó có bài “Nha Trang” và “ Đàn Chim Việt” mà tôi rất thích. Những lời ca giản dị, dễ thương “...Nơi ấy có người trai vượt sóng cười...?” hay “Hót đi chim... hót đi chim...” vẫn còn đâu đây, vang vọng trong tôi. Hôm ấy là một chiều mùa Hạ oi bức, cũng tại Trại Suối Máu, Biên Hòa, một phân trại cách chỗ tôi ở khoảng 200 mét. Một tiếng nổ long trời lở đất, khiến tôi tưởng là có biến cố lớn. Người tù nào mà chả mong có một cái gì thay đổi, một sự giải thoát nào đó. Nửa tiếng sau đã có tin anh Minh Kỳ tử nạn cùng một số anh em khác vừa chết vừa bị thương. Con số nạn nhân khoảng mấy chục người. Sau một ngày lao động, anh em tù tụ tập lại chuyện trò. Một trái nổ phóng vào từ phía ngoài hàng rào kẽm gai. Có người nói, vì mua bán trao đổi không sòng phẳng gì đó giữa lính canh và tù cải tạo nên bộ đội ném trái nổ vô. Lại có tin là vệ binh bắn M79 hay lựu đạn giết hại tù cải tạo để trả thù cho người thân đã bị chết trong chiến tranh Việt Nam. Trung Ương có cho 1 phái đoàn xuống điều tra, nhưng kết quả ra sao thì không rõ.
Chú ý: trong Wikipedia tiếng Việt (của VC). Nói rằng Minh Kỳ chết trong trại An Dưỡng Biên hoà!!!
Bị chôn sống:
Ngoài một số anh em lao động khai quang đó đây trên các đồng cỏ trong phi trường Biên Hòa bị trúng trái nổ, còn những tai nạn khác do đất bị sụp lở. Trại phát động kế hoạch đào ao thả cá và đào giếng lấy nước. Anh em tù bảo nhau, bọn cai tù có kế hoạch : tù tự đào hố chôn tù. Khi có biến, chúng chỉ cần lùa tù xuống những cái hố đã đào sẵn, thả trái nổ hay xả súng bắn. Sau đó lấp đất là hoàn tất các mồ chôn tập thể một cách gọn nhẹ. Không biết ý kiến đó đúng hay không, nhưng chả cần chờ đợi gì lâu, trong khi đào đất, một số anh em đã bị đất lở, chôn sống. Khi anh em moi lên được thì chỉ còn là những cái xác tím bầm, mềm nhũn, không hồn. Cán bộ cho bắt loa phóng thanh hát những bài ca cách mạng, khích động cái hào quang giả “Anh Hùng Lao Động”. Đói không có gì ăn, khát không nước uống, một số anh hùng vẫn tranh nhau mà chết. Cứ hai hay bốn người tù khiêng một cái cáng làm bằng nứa hoặc tre đan lại để chuyển đất đá do các anh em khác đào xới. Cán bộ thì nói : “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Nhưng cơm đâu thì chả thấy, vì có chút cơm nào thì cán bộ đã ăn hết rồi còn đâu đến lượt tù.
Sinh Nam Tử Bắc:
Khoảng cuối tháng 8 tù cải tạo phần lớn được chuyển ra ngoài miền Thượng Du Bắc Việt để lưu đày. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu giam giữ, hàng trăm tù cải tạo đã bỏ xác tại ngay quê hương miền Nam. Từ nay, trong cuộc lưu đày biệt xứ, hàng nghìn tù bình lần lượt bỏ mình nơi xứ khách với đủ cảnh ngộ.
Đêm hôm đó, từng đoàn tù tay xách nách mang hành lý đi giữa 2 hàng vệ binh cầm súng, cầm đuốc dẫn tù trực chỉ hướng Bến Tàu Tân Cảng.
Đó là những chiếc tàu nhỏ chật chội, hôi thối, dơ bẩn. Từng hàng tù binh mò mẫm leo trên những chiếc cầu gỗ mong manh nhỏ hẹp để đi vào lòng tàu sâu thẳm, chỉ chừa một lỗ nhỏ độ một mét vuông lộ thiên. Dưới hầm tàu, anh em chung sống ngột ngạt với phân và nước tiểu do chính anh em tiểu và đại tiện ra một cái thùng. Mỗi ngày một lần, khi thùng đầy quá, tràn ra ngoài sàn, anh em phải hô lên để xin cai tù kéo thùng lên nóc tàu đổ đi. Phân và nước tiểu, nhất là của những anh em bị tiêu chảy, hôi thối vô cùng.
Nhờ ánh sáng trên trời dội qua lỗ hổng trên nóc tàu, anh em đoán chừng tàu đã đi vào hướng nào và khoảng thời gian nào trong ngày hay đêm. Chúng tôi biết mình đang được chở ra ngoài Bắc, dọc theo bờ biển miền Trung. Trước khi bước lên tàu, chúng tôi phải cúi rạp mình xuống, bò nép trên chiếc cầu ván ọp ẹp. Thỉnh thoảng có bạn tù chẳng may té xuống sông, bị nước xoáy cuốn đi tức khắc. Chẳng biết giây phút đó, cha mẹ, vợ con, anh em của họ có linh cảm gì khi thân nhân đang cố vùng vẫy trên sông nước. Phần chúng tôi, không biết giờ này thân nhân có hay rằng chúng tôi đang nằm trong bụng những khoang tàu đem đi lưu đày miền viễn xứ, nơi xứ lạ quê người ?
Chết vì thiếu dưỡng khí:
Tàu đưa chúng tôi tới Đồng Hới thì cập bến. Chúng tôi lên bờ, tiếp tục cuộc hành trình biệt xứ ra miền Bắc bằng xe lửa.
Có hàng trăm dân chúng đứng bên đường, sẵn sàng dàn chào tù binh bằng những lời chửi rủa và gạch đá nắm sẵn trên tay. Họ muốn ăn tươi nuốt sống, biểu dương lực lượng như đàn sói muốn vồ mồi. Cán bộ nói : “Các anh hiện đang ở trên đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa.”
Lần lượt chúng tôi được nhét vào những khoang tàu lửa bụi bặm, chật chội, hôi thối dùng để chở than và súc vật. Chúng tôi ngồi lê lết dưới sàn tàu, chặt như nêm cối. Goong tàu đóng kín không một kẽ hở khiến mọi người ngộp thở, miệng ngáp như những con cá ở trên bờ. Tôi cố gắng ghé mũi vô kẽ hở của cánh cửa goong tàu, tìm một chút khí để thở. Trời mùa hè miền Bắc nắng như nung. Mồ hôi toát ra đẫm áo mà không có một chút nước thấm cổ họng. Đây đó vài bạn tù ngất xỉu và tắt thở. Tiếng bàn tay đập lên thành toa xe kêu cứu. Nhưng tiếng xình xịch của con tàu át cả tiếng la hò. Giữa đường, xe ngừng để cán bộ kiểm điểm nhân số. Chúng tôi được dịp chạy ùa xuống cánh đồng, ruộng lúa. Thật là sung sướng được thưởng thức những giọt khí trời quý hóa, ngọt ngào, và những hớp nước giải khát. Bấy giờ là lúc trời nhá nhem tối, không biết rằng đó là những đầm nước, những vũng nước trên đầm, đầy những vi trúng sốt rét, kiết lỵ. Thậm chí nhung nhúc cả những con đỉa đói đang tung tăng bơi lội. Bệnh và chết chóc sẽ tính sau, chỉ biết bây giờ đang khát và khát... Những xác tù chết thì được vùi dập đâu đó. Chả biết sau này gia đình thân nhân có tìm ra được không để mà hốt cốt ? Tàu ngược miền Bắc Thượng Du Bắc Việt. Chúng tôi tới Yên Bái vào lúc hoàng hôn. Ôi ! Hoàng hôn của cuộc đời...
Sơn lâm chướng khí & Ma thiêng nước độc:
Tù cải tạo được thả vào trong những khu rừng vắng. Mỗi người được giao cho một con dao. Một nhóm vào trong rừng, vượt suối để chặt gỗ, tre, nứa chở về trại để làm nhà, hoặc đi lấy củi. Tù lao động suốt ngày đêm, làm thêm ngày Chủ Nhật. Kiếp trâu ngựa kể từ đây. Hoàn toàn thiếu đồ ăn thức uống và thuốc men. Tất cả chỉ được hứa hão. Thiên đường Cộng Sản là đây.
Cán bộ còn viết trong cầu tiêu : “Ngụy tù trong, ta tù ngoài” và dân chúng quanh vùng hầu hết là dân sắc tộc, hoặc những dân đi kinh tế mới hồi 1954. Họ sống nghèo nàn, khổ sở. Thân mình gầy gò ốm yếu, áo quần rách rưới, chân đi trần. Như thế thì lấy đâu mà được lo cho đủ ăn đủ mặc được. Anh em tù đói quá thì mang hết chút ít quần áo lén đem đổi chác với dân chúng trong vùng lấy chút thực phẩm ăn cho đỡ lòng.
Đi lao động, gặp gì thì nhét hết vô bao tử cho nó đỡ hành hạ. Có một lần, đi ngang qua quãng đường thấy một cây khế chua đã chặt, tôi ngừng lại điểm tâm một trái. Khế chua gặp bụng đói, bao tử cồn cào. Chịu không nổi, làm thêm một trái nữa cho đỡ cồn ruột, trái lại, bụng lại càng xót xa hơn. Và cứ thế, cái vòng lẩn quẩn tái diễn... Cóc, nhái, rắn, rết, bọ cạp, cào cào... Con gì nhúc nhích là ta chén liền. Xuống ao rửa tay, bắt được chú cá con bỏ ngay vào bụng nhai sống. Tôi thèm có một chút đạm. Ai ngờ sau mấy phút, bụng chuyển dạ, tào tháo đuổi ào ào. Bệnh kiết lỵ tiêu chảy làm cho con người mệt lả. Gió thổi cũng ngã. Nhu cầu bao tử làm cho trí óc mê muội. Ao tù, cả ngàn con người ngày nào cũng tắm giặt, thậm chí đem cả những thùng phân nước tiểu, sau khi tưới cây rau, đem xuống rửa. Trách gì mà bỏ cá vào miệng nhai ngấu nghiến mà không bị bệnh đường ruột cho được. Không thiếu gì anh em tù bị ngộ độc chết khi đi rừng và kiếm được những củ, trái cây. Nhẹ nhất thì cũng ngất ngư con tàu đi như ăn những củ sùi, sắn còn sót lại trên đồi. Cán bộ không cho nấu nướng, tù chỉ lột vỏ, đưa xuống suối rửa hay lấy vạt áo chùi đất cát xong ăn liền. Trại phát mỗi bữa một chén bo bo, vỏ dai cứng như chất Nylon, ăn vào bao nhiêu ra hết bấy nhiêu. Như thế sao không kiệt sức cho được.
Càng là những thân thể to lớn như lực sĩ, võ tướng càng dễ chết. Hai anh bạn tù nằm cạnh tôi đều đột ngột ra đi.
Trước hết là anh Nguyễn Văn Hai, tục gọi là Hai Cua-rơ vì anh là cựu tay đua xe đạp Quốc gia. Tướng tá anh Hai to lớn. Sáng sớm hôm đó, tù được tập trung lên Hội Trường để được học tập và nghe đọc tên chuyển trại lên Văn Bàn Hoàng Liên Sơn, một địa danh của địa đầu giới tuyến biên giới Lào-Trung Cộng-Việt. Lúc tới Hội Trường, anh còn khỏe mạnh. Nửa giờ sau khi về láng trại anh đã mê man bất tỉnh. Khi được cáng đi Bệnh xá, nửa đường anh Hai đã tắt thở. Lý do vì đói và lạnh quá, anh không chịu nổi. Chỗ anh nằm bên tay trái tôi. Người ta đem xác anh vùi dập ở chân núi đầy cỏ rậm. Mưa rừng, chẳng bao lâu sẽ làm cỏ mọc, cây cối um tùm. Và anh vĩnh viễn bỏ xác nơi rừng thiêng miền Bắc.
Người khác là anh Lê Trí Hồ. Lúc trước anh là Đại úy Cảnh Sát Tư Pháp Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Saigon. Anh nằm bên tay mặt tôi ở trại Văn Bàn. Anh bị kiết lỵ cả tuần. Sáng anh còn cố đưa quần áo ra suối giặt giũ. Xế trưa, khi chúng tôi đan liếp tre nứa cạnh nhà thì anh đã âm thầm yên lặng ra đi. Đầu giường của anh còn để nguyên chén cháo. Anh đã kiệt sức quá rồi. Một tuần sau, có 2 gói quà của gia đình anh gởi tới trại với đủ loại thuốc tây. Nhà anh có 2 tiệm thuốc tây ở Saigon. Tối đó, đội tôi phải đốt đuốc đưa anh vào rừng sâu, đào hố chôn anh. Khi trở về tới trại thì đêm đã khuya. Không biết sau này, khi Trung Cộng đánh tràn qua biên giới, không biết có ai còn nhớ được chỗ chôn anh nữa không ? Chứng kiến những cái chết cô lạnh của các bạn tù, tôi chẳng trông mong gì có ngày được thả ? Đêm ngày tôi chỉ thầm mong và cầu nguyện sao cho được để xác lại miền Nam, thì cũng là may mắn, hạnh phúc lắm rồi.
Lao Động là chết:
Con số tù trong các trại cải tạo chết càng ngày càng nhiều. Ban đêm những tiếng cú rúc tiễn đưa những linh hồn vĩnh biệt trần gian.
Có những anh em khi leo trên vách núi, trượt chân té xuống vực sâu và suối nước. Nước cuốn xác đi bị mất xác luôn. Trời mưa dầm dề, đường đất lầy lội như mỡ trơn. Cây chặt rồi, anh em phải chuyển về trại. Có cây to và nặng quá, cả chục anh em phải ghé vai vào hè nhau vác về trại. Chẳng may, một người té ngã thì cả toán đều té và bị cây đè, cổ bị gẫy, bể đầu và gẫy tay, chân, xương sống. Có khi phải chuyển cây từ núi xuống suối và chuyển qua suối lên bờ, đưa về trại. Anh em phải cột dây rừng vào đòn gánh, khiêng đi như khiêng những cái cột đình. Một hôm, anh em đẵn cây xong. Đến giờ trưa nghỉ tay ăn cơm trưa. Một bạn tù ngồi dưới chân núi dở bọc cơm ra ăn trưa. Các bạn khác kéo một thân cây lớn, đẩy xuống triền núi theo vết mòn của bờ dốc. Thân cây đổ dốc xuống chân núi kêu rền rĩ, ầm ầm như tiếng xe tăng hoặc tiếng súng thần công, vang vọng cả một vùng. Anh bạn ngồi ăn trưa dưới chân núi, bị cây đâm thẳng vào người không kịp né tránh, thân thể bầm nát, chết không kịp la lên một tiếng.
Cái chết rình rập mọi nơi, có khi tấn công cả một đội nông nghiệp khoảng 100 người. Tất cả lội xuống nước ngập cỏ dại để khai quang. Nào đỉa, nào muỗi, nào bọ vàng, bọ chét tấn công. Hầu hết anh em bị sốt rét, sốt vàng da. Ở tù cải tạo thì lấy đâu mà chữa lành. Cuối cùng thì mặt bủng, da vàng, bụng chướng lên mà chết. Ở Văn Bàn có câu : “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyển”. Ruồi vàng tấn công nhanh như cắt. Khi bị chúng chích vào da thì sưng lên và nước vàng cứ tiếp tục chảy ra không cầm lại được. Có bạn tù vào rừng bị ong đốt sưng hết cả mặt, ngất xỉu. Đi dọc đường, qua những tàng cây, những con vắt tinh khôn phục kích sẵn trên cành, thấy có người qua liền phóng xuống hút máu. Nếu bắt nó mà vứt đi xa, nó sẽ đánh hơi nóng thân nhiệt và di chuyển về phía người trở lại. Có lần, tối về trại ngủ, con vắt hút đầy máu mới nhả ra và lăn ra lớp trải giường. Thường thì chúng tôi dùng vài bao cát bằng nylon cắt ra và mang lại thành những quần lót hoặc tấm trải giường. Vải bao cát có cái lợi là dễ giặt và dai, khó rách. Tuy nhiên, nếu dùng làm ba lô thì mấy chú chuột với bộ răng nhọn hoắt cũng không tha. Chiều đi lao động về, tù đem ra khâu lại. Tối đến chuột lại chui rúc vào cắn nát. Khổ nhất là chúng chui rúc dưới thùng cầu tiêu, mình trây trét đầy phân và nước tiểu. Khi chúng bò vào túi quần áo lại trây trét hết vào quần áo, vật dụng cá nhân và chăn màn. Ngoài ra thì rệp, gián, kiến, chúng hợp đồng phá hoại khủng bố tù không ngớt. Thân tù chỉ còn có da bọc xương nhưng chúng cũng chiếu cố tối đa. Có lẽ da thịt tù hấp dẫn lắm sao? Rệp, chí tăng dân số rất mau, dở gối mền lên thì lúc nhúc như đậu đen. Mọi thứ được tập trung để hành hạ bọn tù. Tù với tù cũng hành hạ nhau. Ngày bị áp đảo lao động. Tối đến còn phải học tập và tố khổ với nhau tới khuya. Thật là Trời không dung Đất không tha. Mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Con người muốn điên lên được.
Thỉnh thoảng có người nhà đi thăm tù. Đi cả ngàn cây số khổ cực, vượt đồi vượt núi, sông suối, nhưng Ngưu Lang - Chức Nữ chỉ được gặp nhau có 5 phút. Mới hỏi được câu “Ở nhà có khỏe không ?” thì đã được Cán bộ ra lệnh vào trại. Vợ chồng ngậm ngùi lưu luyến chia tay. Có cặp thì bà vợ còn đem theo chồng mới lên thăm chồng cũ, yêu cầu ký giấy ly hôn. Một anh bạn mới đưa đồ thăm nuôi vào trại, chưa kịp coi xem có những gì thì đã ngã lăn ra chết vì kiệt sức. Khi được người nhắn tin, vợ anh quay trở lại thì chồng đã nằm sâu trong mộ phần. Tội nghiệp chị khóc vật vã, cắt mớ tóc để lại trên mộ như muốn gửi cả cuộc đời, thân xác được theo chồng vào lòng đất. Chị chỉ còn biết để lại một mộ bia :
Hiền thê lập mộ”.
Cũng có những trường hợp, trên đường ra Bắc thăm chồng, cha, lúc đi hoặc trên đường về, hoặc vợ hoặc con ngả bệnh và để xác ở dọc đường. Thật là trăm nỗi truân chuyên.
Chết nơi rừng lá:
Càng ngày, áp lực Trung Cộng đánh sâu qua biên giới càng mạnh. Tù cải tạo được lệnh rút dần về Trung Châu - Bắc Việt và sau cùng là rút về miền Nam. Trước đó vào ngày, tôi nằm mơ thấy các bạn tù đội mồ đứng dậy đuổi tôi về đến tận thành phố mới thôi. Chúng tôi được báo cho biết : “Các anh sẽ về trại Thủ Đức Z - 30D Xuân Lộc”. Người chót nằm xuống tại Trại 11B Yên Bái - Hoàng Liên Sơn có lẽ là linh mục dòng Đa Minh, Linh Mục Bản. Cha bị bệnh tiêu chảy kiết lỵ. Vĩnh biệt Cha, người thầy cũ lớp Trung Học Đệ Nhị ở Vũng Tàu.
Trên đường trở lại miền Nam, đồng bào nô nức đón mừng tiếp tế đồ ăn thức uống và hô to : “Hãy trả lại chồng cha chúng tôi !” Bộ đội phải nổ súng giải tán dân chúng tụ tập ngày một đông. Anh em tù ghi vội mấy hàng chữ vào những mảnh giấy, quẳng ra ngoài khoang xe lửa, báo tin cho gia đình...
Chúng tôi lại tiếp tục cuộc đời tù cải tạo tại Rừng Lá, Thuận Hải. Trại có kế hoạch xây đập, ngăn nước suối. Chúng tôi phải tải đá xanh, đất, xi măng y hệt như cảnh nô lệ thời cổ La Mã. Đập đá xây xong rồi, nước dâng lên. Sau những trận mưa rừng, nước cuồn cuộn xô đẩy xuống chân đập.
Ở Z 30 D, nam tù bình được nhốt cạnh trại nữ tù bình. Đó là những sơ Công Giáo, Ni cô Phật Giáo, người vượt biên bị bắt trở lại, Học sinh, Sinh viên trong các tổ chức chống đối. Nam tù cải tạo đã khổ, nhưng đời sống nữ tù có lẽ còn phức tạp, khổ cực hơn. Nên có những trường hợp, các bà, các cô như bị mất trí, cởi tung hết quần áo, chạy tới chạy lui. Vì trại giam cạnh nhau nên đôi khi cũng có những mối tình thầm lén trao đổi giữa hai trại. Sau khi ra khỏi trại, họ thành vợ thành chồng.
Trại cũng gồm cả thành phần tư bản địa chủ. Một buổi đi lao động về, anh em xuống đập nước tắm. Một ông người Hoa thuộc loại “xì thẩu” Chợ Lớn, không biết tính toán độ nước chảy. Ông bơi giỏi, thả trôi từ bên này sang bên kia sang bên đập nước, cách cửa đập khá xa. Nhưng ông đã tính toán lầm : nước chảy xiết quá, sức ông không đủ để chống lại sức nước nên bị cuốn theo những ngọn thác đổ từ bờ xuống bên kia chân đập. Trại cho người mò mẫm mãi mới tìm được xác ông trôi dạt, kẹt vào gốc cây bên bờ suối. Chiều hôm đó, gia đình ông ở Chợ Lớn lên trại lãnh xác ông về Saigon.
Cái chết cuối cùng:
Anh thuộc cơ quan Cảnh Sát Đặc Biệt (thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Saigon). Trẻ trung, đẹp trai, hiền lành nhưng số phận hẩm hiu. Cha mẹ mất sớm, anh phải đi làm rất sớm để nuôi bầy em dại đi học. Anh đâu biết là đi cải tạo là vĩnh biệt đàn em nhỏ.
Anh được giao cho làm công tác diện rộng, nghĩa là tương đối tự do đi làm đây đó gần trại mà không cần sự giám sát chặt chẽ của vệ binh. Anh không có vợ vì rất thương và lo cho các em. Anh hy sinh cả cuộc đời cho đám em nhỏ. Dáng dấp anh luôn luôn trầm ngâm tư lự.
Một hôm anh vô rừng lấy củi, đem theo một cái thùng múc nước và cuộn dây thừng. Xế chiều rồi mà không thấy anh về Trại, các vệ binh, bộ đội được huy động đi tìm kiếm. Mọi người đều nghĩ rằng anh đã trốn trại. Không biết giờ này anh ở đâu... Mọi sự tìm kiếm đều vô hiệu. Tôi thầm cầu nguyện và hy vọng mong cho anh được an toàn và thoát hiểm. Ngày hôm sau, có người phát giác ra anh treo cổ trên cây ở bìa rừng. Nội tạng, ruột gan bị loài chim rút rỉa hết.
Tội nghiệp, chắc là anh tuyệt vọng vì nghĩ rằng : thuộc ngành Cảnh Sát Đặc Biệt như anh thì tù mãn đời. Cuộc đời kể như hết rồi. Cho đến khi ấy thì rất hiếm có người nào được thả. Nếu anh chậm quyết định kết liễu đời mình vài tháng nữa thì có lẽ không đến nỗi vì ít tháng sau có tin đồn : Chính phủ Mỹ sẽ tiếp nhận tù cải tạo từ trong trại và liên tiếp một số đông tù cải tạo được cho về với gia đình. Do đó, có một số anh em, khi được đọc tên cho về lại cảm thấy không mấy hài lòng vì sợ sẽ không được Mỹ chiếu cố.
Phần tôi, là người theo tín ngưỡng Công Giáo, tôi vẫn nghĩ rằng : Linh hồn anh (Anh tên gì, tôi không còn nhớ được, mong rằng sẽ có các bạn khác bổ túc), một người anh tuyệt đối hy sinh vì hạnh phúc của đàn em nhỏ, sẽ được Thiên Chúa nhân lành cho về chốn nghỉ ngơi. Tôi cũng luôn nhớ đến và cầu nguyện cho linh hồn anh mỗi kỳ lễ “Tháng Các Linh Hồn”.
Trước khi chấm dứt, tôi xin dành một phút nhớ tới và cầu nguyện cho hương hồn các bạn tù từ Bắc tới Nam được mỉm cười nơi chín suối. Như 1 nén hương dâng lên các anh.
Y Vũ
March 24, 2015