“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Đó là mấy câu đầu của một bài giảng văn khi tôi học lớp đệ thất. Bây giờ, gần nửa thế kỷ sau, thì “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại vấn vương những kỷ niệm khác: Những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ hưng phấn đầy lý tưởng, hướng về những người ra đi vì dân tộc.
Vợ Hiền
(Việt Khanh, 1987)
Tóc em dài óng ả
Trong gió chiều lộng bay
Hương cỏ thơm nhẹ tỏa
Cho lòng anh ngất say
Anh nhìn em rung động
Nâng niu nụ môi trao
Má em hồng e thẹn
Con chim nhỏ bay cao
Em tuổi hồng thánh thiện
Tình yêu em thiên thần
Em dịu dàng bé nhỏ
Nhưng lòng em mênh mông
Em bảo em sẽ đợi
Vì quê hương anh đi
Yêu anh em chẳng ngại
Thời gian lỡ xuân thì
Anh thương em thật nhiều
Nhẫn cỏ anh kết trao
Trăm năm lời ước nguyện
Trọn giữ nghĩa tình sâu
Mai này anh sẽ về
Ngày đó mình có nhau
Hoa hồng tươi anh kết
Vương niệm em đội đầu
Hoàng hậu cười rực rỡ
Xinh đẹp tựa như tiên
Lòng quân vương hớn hở
Đứng bên cô vợ hiền.
Tác giả bài thơ này tôi biết. Là một cô gái trên tuổi 20. Nhưng tuổi thơ cô đã thuộc lòng lời ru “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô thị có chùa Tam Thanh”và nghe lời giải thích chuyện cổ tích này của mẹ để mà thương cho người phụ nữ Việt từ ngàn xưa chờ chồng đi đánh giặc. Và cũng vì thấm thía với những tình cảm của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm khúc” của Đoàn Thị Điểm, nhờ đối chiếu được với lịch sử miên viễn chiến tranh của đất nước, cho tới tận gia đình của cô mà cha anh đều phải xa nhà, đi vào trận mạc. Cho nên đã viết ra những giòng thơ ngắn ngủi này, khi thấy có những kháng chiến quân rời bỏ hải ngoại đi về chiến khu đấu tranh giải phóng VN. Tuy cô không có người yêu, hay người thân, quen biết trong số đó.
Cô gái đó chính là tôi.
Cái tâm cảm của tôi lúc đó là một thăng hoa dạt dào yêu thương đồng bào bị kìm kẹp trong xiềng gông CS, yêu thương đất nước trong tình trạng ngăn sông cấm chợ, ngưỡng phục sự hy sinh cao quý của những con người dấn thân vì lý tưởng phục vụ dân tộc, cùng với hy vọng chắc chắn cho một ngày thành công, để có môi trường khả dĩ nở hoa tình yêu đôi lứa mật ngọt.
Sự ngưỡng phục lý tưởng này của tôi đã nẩy mầm từ những năm đầu đi học, được nghe chuyện Triệu Thị Trinh, Trần Bình Trọng, Nguyễn Tri Phương và nhiều anh hùng anh thư khác làm tôi cảm phục trong giòng lịch sử dân tộc.
Niềm hy vọng chắc chắn thành công cũng là do từ kinh nghiệm sống sau tháng tư 1975 ở VN, khi thấy được sự bời rời thất vọng của những cán binh VC khi vào đến Sàigòn, mà nghĩ rằng chế độ toàn trị này sẽ không thọ. Niềm hy vọng nhất định thành công ở những người dấn thân ra đi với tinh thần “lấy sức mình làm chính,” cũng còn do sự suy ra từ sự vượt qua được mọi khó khăn của chính cá nhân mình ở một đất nước lạ nước lạ cái, tiếng tăm không biết, đường xá không thông, và những cung cách hành xử không quen đối phó, mà chỉ bằng nỗ lực ngày đêm làm việc học hành, với sức lực của một thân mình vốn liếng cân lượng chưa được 90 lbs.
Tôi đã tham dự những sinh hoạt tập thể xưng dương và đóng góp cho những người ra đi, cho công cuộc đấu tranh. Kết quả vật chất chẳng đáng là bao, vì cái cộng đồng tỵ nạn CS lúc đó chỉ gồm những người chân ướt chân ráo vật lộn với cuộc sống nơi xứ lạ, tiền bạc không dư dả. Nhưng cuộc sống mới của tôi với những công tác gom góp từng đồng từng cắc cho lý tưởng lúc nào cũng đầy hứng khởi. Tôi không bao giờ biết mệt, vì công việc đời sống cá nhân và vì việc chung. Tôi sống trong hy vọng thành công và trong sự tự hào.
Khi trận đánh Nam Lào xẩy ra, tôi đã không suy chuyển. Những người đi trước đã hy sinh nhưng tôi tin rằng sẽ có những người sau tiếp nối, và sẽ thành công, với quyết tâm và với phương châm lấy sức mình làm chính để giải quyết vấn đề của mình.
Tôi đã có đời sống ổn định bằng đôi bàn tay trần của tôi khi tới Mỹ. Tôi vẫn tiếp tục những đóng góp cho việc chung mà một số chiến hữu đã phải bỏ dở nữa chừng vì trận đánh Nam Lào, trong cái góc nhỏ bé của tôi ở hải ngoại.
Đường đời vốn không phải là bằng phẳng. Sống ở đời không phải như một người ngồi ghế nệm trong rạp hát máy lạnh xem phim chiếu bóng và cảm ứng theo đó một cách bình yên, không hề hấn gì. Sự say mê lý tưởng với hy vọng thành công của sự nghiệp đấu tranh vì đất nước của tôi lại trải qua một phen thách đố vì sự biến tâm của những người chiến hữu đi đường dài mệt mỏi, tìm dễ, lánh khó, a dua theo phương cách thoả hiệp của người ngoài, bỏ đi cái tinh thần nền tảng vì dân tộc để trở thành những con rối chính trị, phục vụ cho những toan tính của các thế lực phi dân tộc. Trong hoàn cảnh này, mỗi mùa thu đến, tôi lại thấy rộn lòng thương cảm cho những chiến hữu tiên phong đã hy sinh.
Năm nay, mùa thu, trong vấn vương những kỷ niệm của một thời hưng phấn, mà tôi tưởng không còn dấu vết, thì tôi lại thấy qua hiện tượng giàn khoan HD 981, có những nụ mầm tí teo mới nhú của tinh thần dân tộc, của ý thức tự lực tự cường, bên cạnh những ồn ào theo phe nọ phái kia của những thế lực ngoại quốc. Những kẻ một thời là công cụ đắc lực cho tội ác VC xoá bỏ biên cương để đi vào thế giới đại đồng vô sản, nay đã công khai xác nhận sai lầm của chính mình và của toàn đảng, công khai chỉ rõ bản chất bán nước phản dân của tập đoàn lãnh đạo VC. Có thể rằng họ nói để chiều theo tâm thức chung của dân tộc, để mập mờ biến thái. Nhưng không sao, nếu mà tâm thức dân tộc thực sự đủ mạnh mà phát huy, thì sự biến thái của họ sẽ không thể là biểu kiến, mà là, không thể đảo ngược. Chỉ cần chúng ta cảnh giác.
Trong sự suy nghĩ này, lòng tôi lại mở ra một trời hy vọng, và không khỏi nghĩ tới mấy câu thơ đã làm vào một ngày mùa thu cảm khái nhớ trận Nam Lào. Bài thơ có tên Thu Cảm.
Thu Cảm
(Việt Khanh, Tháng 8 năm 2005)
Một sáng nhìn sân bỗng ngỡ ngàng
Vàng cây đỏ lối gió thu sang
Xạc xào lá gọi hồn Đông Tiến
Lất phất mưa trời mây xám ngang
Năm tháng trôi qua trẻ lớn khôn
Mộ người phương đó mất hay còn
Xác thân bồi đất quê hương Mẹ
Chí cả hùng tâm rạng nước non
Thu đến thu đi lá trải đường
Thu về hồn gọi cứu Quê Hương
Người chao đảo mặc người chao đảo
Ta bền lòng không thẹn trước gương
Cành lung linh điểm giọt pha lê
Nắng vàng hanh đón bước anh về
Lá ủ đất giữ gìn mạch sống
Mầm Tự Do sẽ trổ trên Quê.
Tuệ Vân
Tháng 8, năm 2014