LGT: Cuối tháng 8, nhiều người ở hải ngoại nhớ đến cuộc hành quân Đông Tiến của Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất Giải phóng Việt Nam do chủ tịch Mặt Trận, tướng Hoàng Cơ Minh chi huy trên đường về Việt Nam mở rộng điạ bàn hoạt động trong nước. Chuyến đi này thất bại vì sau nhiều tuần bị VC với quân số đông đảo bao vây truy diệt, tướng Hoàng Cơ Minh cùng nhiều vị chỉ huy khác và nhiều kháng chiến quân đã hy sinh. Nhiều kháng chiến quân bị bắt và xử tù. Với sự vận động chống độc tài Cộng sản của MT ở hải ngoại, nhiều đồng bào, nam cũng như nữ, đã tham gia vào MT với sự hăng say đáng nể. Xin mời quý vị và các bạn nghe lại một lá thư tâm tình của hai phụ nữ, hai chị em bạn thân, viết cho nhau lúc đó.
Khoảng năm 1966, nhà xuất bản Lá Bối ở Việt Nam có phát hành một tác phẩm có tên là “Nói với tuổi 20” của một nhà sư, nay được gọi là thiền sư. Nghe nói là sách đã gây nhiều “xúc động” cho giới trẻ thời đó. Tôi chưa được đọc và cũng không dám đọc vì theo tôi, tác phẩm của một nhà sư thì thường là cao siêu, huyền bí, khó hiểu….. Nhưng khoảng năm 1984, tôi đã được đọc bài viết dưới đây cũng thuộc loại “Nói với tuổi 20”, chứa đựng những thao thức, mơ mộng rất thực tế và đầy trách nhiệm. Tác giả bài viết đóng vai “một bà chị”, trải nghiệm nhiều với cuộc sống…. đưa ra những lời khuyên chân thành đến người em gái lứa tuổi 20. 31 năm sau (tháng 8/2015) đọc lại bài viết, thú thật, dù không phải là “đối tượng” trong bài viết, nhưng có cảm tưởng như là đã thấy lại được “chính mình” từ cái lúc chập chững nghĩ suy của thời non trẻ trong lúc đi tìm con đường thực hiện ước mơ: “Hãy trả lại cho gia đình tôi, anh em tôi, dân tộc tôi những gì đã bị cướp. Tôi chỉ đòi lại cho tôi, cho dân tôi những gì của chúng tôi”.
------------------------------------
Từ chiếc áo lụa đến chiếc áo nâu
Em,
Từ Đại Hội Chính nghĩa tới nay cũng đã gần 4 tháng. Lá thư em viết cho tôi vẫn trang trọng nằm trong góc cái khay ở phòng làm việc. Tôi đã định trả lời thư em nhiều lần nhưng rồi chuyện nọ xảy ra khiến tôi vẫn chưa có dịp cầm bút lên cho đến hôm nay. Hai đứa nhỏ theo bố đi câu cá và rồi bỗng có một ngày chủ nhật rảnh rỗi. Lá thư của em phải được trả lời.
Tôi nhớ khuôn mặt trong sáng của em ở hành lang hội trường, chị em mình đã từ chỗ không quen thành quen trong phút giây ngắn ngủi, chị em mình đã từ chỗ gặp nhau đến chỗ thân nhau sau những ngày Đại Hội. Em đã viết cho tôi lá thơ đầy chân thành, tất là tôi phải trả lời em.
Nơi Đại Hội Chính Nghĩa, em mặc chiếc áo dài lụa trắng. Nó nhắc tôi đến những ngày hoa gấm ở Việt Nam, cái thời Trưng Vương với “áo trắng trong ảo não hồn trinh”. Nhưng cái khác biệt nó nằm ở chỗ này. Em không có được tuổi thơ của tôi, giống như tôi. Em nói với tôi đây là lần đầu em mặc áo dài Việt Nam. Suốt từ lúc bỏ nước ra đi đến nay em học ở trường của người địa phương, nơi em ở cũng ít người Việt. Quần jean đối với em là y phục thường ngày. Đi đâu trang trọng em mặc âu phục.
“Lần đầu em mặc áo dài thấy làm sao ấy, nhưng mẹ em khuyên em nên mặc áo dài để dự Đại Hội. Bà mua vải và hai mẹ con phải đi hàng trăm cây số nhờ người cắt hộ hai chiếc áo, một màu trắng, một mầu hồng”.
Tôi nghĩ bà cụ em là người mẹ đáng trọng. Thứ nhất bà để em đi dự Đại Hội một mình như một người trưởng thành và sau đó đi dự như một phụ nữ Việt Nam đúng nghĩa, em không thấy những tà áo dài của các em làm Đại Hội tươi vui hơn không?
Chiếc áo dài đầu đời của em đã được diện đúng lúc. Tôi hãnh diện mỗi lần đi cạnh em. Thư em nghiêm trang khắc khoải ưu tư. Đó là một điều vừa vui vừa buồn. Hồi tôi xấp xỉ như em, tôi có những suy nghĩ khác. Tôi cất hình Sandra Dee, hình Athony Perkin ép vào vở. Tôi mê thơ Nguyên Sa, tôi chép thơ Nguyễn Bính. Nay em nói với tôi những điều khác, em đặt vấn đề trách nhiệm. Trong khi tôi sưu tầm những bài thơ như “Hai sắc hoa Tigon”, ngồi nắn nót chép bài hát “Crazzy Love”, đi mượn cho được đĩa nhạc Edith Rias thì em tâm sự với tôi về người anh đang ở trại cải tạo. Tôi đã suy nghĩ nhiều và tôi buồn. Đáng lẽ tuổi em là tuổi lo son lo phấn. Em đẹp lắm, tôi đã nói với em điều này ngay lần gặp em đầu tiên. Đẹp nhưng có vẻ em lơ là với những phấn son là điểm tôi chú ý đặc biệt. Em bảo lọ son hộp phấn của em là do mẹ mua cho. Tối hôm đó tôi đã ngồi chỉ cho em kỹ thuật làm đẹp. Tôi muốn em đẹp, ai cũng muốn em đẹp, em đã đẹp nhưng phải nhớ săn sóc sắc đẹp của em.
Nói như vậy không có nghĩa là em sẽ dồn mọi thì giờ để trau chuốt, mẹ em cũng sẽ đồng ý với chị ở điểm này. Chúng ta lo làm đẹp vừa đủ để tự tôn trọng mình và tôn trọng người, nhưng mục tiêu sống của chúng ta không phải là lo suốt ngày nhìn trong gương.
Em cũng hỏi tôi ý kiến về tình yêu. Tôi không biết phải nói với em những gì cho đủ. Đây là vấn đề muôn thuở, lúc nào cũng mới. Nếu tom góp những sách nói về tình yêu, tôi e rằng mất cả đời chưa đọc hết. Làm sao tôi có thể nói hết với em về tình yêu. Đó là một cái gì thiêng liêng và cá biệt. Nó đặc thù nên không có lời khuyên tổng quát, nếu em hỏi ý kiến riêng thì tôi xin nói: “Trong tình yêu phải có sự kính trọng lẫn nhau”, tôi nhắc lại kính trọng chứ không phải tùng phục. Trường hợp của tôi, tôi vẫn nghĩ là may mắn vì nhà tôi và tôi luôn luôn kính trọng nhau. Tôi nói với em một cách chân thành rằng đừng ỷ lại. Hai cá nhân nam nữ cùng phải nắm tay nhau chung lo đối phó với cuộc đời. Đã từng tâm sự với em, đã từng đọc thư của em, tôi tin tưởng hoàn toàn nơi em. Vấn đề của em là thời gian và cơ hội để có thể gặp được người vừa ý. Em thấy tôi thực tế không? Tôi hồi xưa cũng mê mải đọc truyện Anderson và chờ một vị hoàng tử. Nhưng kinh nghiệm đời cho tôi thấy không cầu toàn trách bị được và phải biết chấp nhận cũng như tha thứ. Em có để ý nhà tôi lớn tuổi hơn tôi nhiều không? Tuổi tác, địa vị, xã hội hoặc tất cả tiêu chuẩn khác đều chỉ là phụ. “Đương sự” mới là quan trọng.
Đọc thư em tôi đã mỉm cười tự nhủ, sẽ viết cho cô bé này một thư thật dài về tình yêu. Nhưng lúc này tôi thấy rõ là không có lời khuyên trong lúc này. Em phải tự trải qua, tìm hiểu lấy. Phải nói với em rằng không thể khơi khơi, mà những lời “khuyên” phải tùy trường hợp. Mẹ em, sẽ là vị cố vấn sáng suốt vì mẹ em đã tỏ ra hiểu em, biết em muốn gì, muốn đời em đi tới đâu. Hãy nghe lời mẹ. Tôi chân thành cầu chúc em tìm được tình yêu dù trong thư em viết: “hỏi chỉ vậy thôi chứ em chưa để ý ai lúc này”. Em ơi, có thể em sẽ phải đương đầu với tình yêu vào ngày mai. Đừng bao giờ tự tin trong vấn đề này.
Em.
Thư em đặt ra nhiều câu hỏi quá, có vẻ như em quá tin tôi, đó vừa là niềm hãnh diện, vừa là niềm lo âu. Được em tin tưởng, được em hỏi ý kiến là điều đáng hãnh diện lắm chứ. Nhưng lo âu bởi tôi biết em sẽ ảnh hưởng rất nhiều về những lời trong thư này. Nói trắng ra em định làm rồi nhưng em còn “ngài ngại”. Em kèm trong thư một đơn xin gia nhập Mặt Trận và nhờ tôi ký giấy giới thiệu. Em viết: “em sẽ hãnh diện nếu được chị ký giới thiệu”. Tôi không biết người thứ nhì là ai, nhưng: “Tôi vô cùng hãnh diện là chiến hữu của em”. Hãy để vấn đề đến cuối thư vì có một điều tôi muốn tâm sự với em. Tôi sẽ đánh thứ tự từng điểm một theo thư em để mọi sự được rõ ràng.
1/ Chính trị là cái gì xấu xa? Việc em đang ở nước ngoài đã là một hành vi biểu lộ thái độ chính trị, nếu em không ở đây mà mẹ em chọn ở lại Việt Nam thì đó cũng là một hành vi chính trị. Chính trị tự nó chỉ là hành vi biểu lộ thái độ trước một biến chuyển, trước một chọn lựa cá nhân đối với cộng đồng, đối với xã hội. Đi bầu cho một ứng cử viên tranh cử đã là một biểu lộ chính trị. Nếu chính trị là một cái gì xấu thì có biết bao nhiêu người xấu xa. Cái ý niệm làm chính trị là xấu bắt nguồn từ nỗ lực vô hiệu hóa sự đóng góp của chúng ta đối với đất nước. Trước 1975, cái ý niệm này rất phổ thông. Những người như Ngô Bá Thành, Nguyễn Ngọc Lan..... dù đi biểu tình chống phá công cuộc chống cộng bảo vệ miền Nam, nhưng lúc nào cũng nỏ mồm nói rằng không làm chính trị và đổ diệt mọi cái xấu lên những kẻ “làm chính trị” tức là các đảng phái quốc gia miền Nam. Em nhớ điều này giùm chị. Kẻ nào nói không nên làm chính trị kẻ đó không phải là người quốc gia Việt Nam.
2/ Em đang học năm thứ hai đại học. Em đã nhiều lần được dự những cuộc hội thảo sinh hoạt. Lập luận của một vài kẻ là lo học đi, đừng nghĩ gì đến Việt Nam. Tôi đã nổi giận nhiều lần vì cái lập luận này. Đối với những người lứa tuổi em thì lo học đi. Lớn hơn em, là luận điệu phải lo cho đời sống cá nhân trước đã. Phải hội nhập được vào xã hội địa phương. Phải sống như người địa phương, em đã tâm sự với tôi em không trở thành người bản xứ được. Tôi đã không chỉ sống ở đây mà còn nhiều nơi khác. Tôi xin mượn lời nhạc sĩ Phạm Duy để nói với em rằng không đâu hơn quê hương mình. Thuở nhỏ tôi học lớp nhất, quyển quốc văn giáo khoa thư dạy tôi rằng không đâu đẹp bằng quê hương mình cả. Chủ tịch Hoàng Cơ Minh cũng nói rằng chỉ có Tổ Quốc dang tay đón chúng ta. Em vẫn phải lo học, tôi không khi nào bảo em bỏ học cả. Vấn đề cơ bản là học để làm gì? Câu hỏi đó đặt ra cho những người như em.
3/ Em nói với tôi về những người lo phát huy văn hóa Việt Nam. Tôi kính trọng văn nghệ sĩ. Tôi ngưỡng mộ những nhà làm văn hóa. Mới đây nhà văn kiêm họa sĩ Võ Đình có tiếng kêu sầu thảm: “Ôi văn hóa, người ở đâu”. Tôi không bàn nhiều vì e rằng sẽ gây hiểu lầm, nhưng cơ bản của vấn đề rất giản dị. Văn hóa Việt Nam không thể nào được phát huy bên ngoài và không có sự tham dự của dân tộc Việt Nam. Có người bàn đến việc phải học cho giỏi ngoại ngữ để tuyên truyền văn hóa Việt Nam trên xứ người. Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra và lúc đó kẻ thụ hưởng sẽ là văn hóa xứ người chứ không phải dân tộc mình.
4/ Em có đề cập đến một vấn đề hơi khúc mắc. Liệu việt cộng có thể đổi không? Chủ nghĩa Cộng Sản sẽ không là chủ nghĩa cộng sản nếu nó đổi. Chị sẽ không đi vào lý thuyết, sẽ không đưa ra những lý luận rắc rối. Chị hỏi em một câu rất giản dị. Người ta nói đến chủ nghĩa Tito và kết quả là thế giới có cuốn giai cấp mới. Khởi đi từ nguyên thủy, chủ nghĩa cộng sản là một dập khuôn, giáo điều, cứng nhắc không thể nào thay đổi được. Điều này đúng, rõ rệt minh bạch và không thể tranh cãi.
Em
Em viết thư cho chị kể chuyện lo Tiếp Vận Kháng Chiến. Em kể chuyện đem chiếc lon đến những gia đình Việt Nam, em kể chuyện của gia đình Bác Sáu ở thành phố gần chỗ em ở. Em còn viết về những người bạn em cũng có những suy nghĩ như em. Tôi cảm ơn em vô cùng vì em đã tin tưởng ở tôi để yêu cầu cho biết ý kiến về việc em muốn mặc áo nâu. Tôi đã ký tên vào ô đề người giới thiệu. Và tôi muốn nói cùng em về một tinh thần của một chiến hữu nói với một chiến hữu:
Điều trước tiên, tôi tin rằng em sẽ rất hãnh diện khi mặc chiếc áo nâu. Nó biểu lộ một chọn lựa dứt khoát, nó là tượng trưng cho sự dấn thân đích thực. Em đã ở trong “Tổ Tiếp Vận”, em đã nói với tôi về những nỗ lực, tuy như lời em nói là nhỏ nhoi, nhưng như em biết không có đóng góp nào cho đất nước được coi là nhỏ cả. Cung cách đóng góp mới là quan trọng. Nó phản ảnh sự tự nguyện, sự tham gia đích thực và trực tiếp. Nó phải là kết trình của lý trí qua những suy nghĩ lâu dài, nó phải là hoa nở của kết tụ tình cảm. Tóm lại đóng góp vào cuộc đấu tranh này của dân tộc phải là một cái gì trọn vẹn.
Em muốn bước tới một bước nữa, em không chỉ muốn góp tay, em muốn có mặt trong tuyến đầu, em muốn đảm đương trách nhiệm. Mặc áo nâu, là đoàn viên của Mặt Trận, em sẽ có thêm nhiều bổn phận, thêm nhiều trách nhiệm. Tôi trên cương vị của một người ký giấy giới thiệu muốn nói với em về một điểm rất đặc thù trong nếp sinh hoạt của một đoàn viên Mặt Trận. Đó là lễ nghĩa.
Em,
Những điều tôi sắp nói với em không có gì là lạ cả. Nó có từ ngàn xưa, tràn ngập trong nếp sống của ông bà tổ tiên. Nó là riềng mối giữ cho chúng ta khác với dân tộc khác. Nó là cái vũ khí lớn lao nhất để tạo sức mạnh. Hãy tin tôi vì tôi nói với em rất chân thành.
Hãy giữ lễ nghĩa. Lễ nghĩa với chính mình là điều đầu tiên. Em phải luôn luôn tự xét mình, tự vạch cho mình những tiêu chuẩn và cố đạt tới những tiêu chuẩn đó. Nếu em giữ được lễ nghĩa với chính em thì người khác sẽ phải đem lý nghĩa đối xử với em. Ngạn ngữ có câu “có giúp mình thì trời mới giúp”. Chuyển sang ý nghĩa mà tôi đang thảo luận với em cũng vậy. Em đã được những ảnh hưởng rất cao quí từ bà cụ. Tôi tin em cảm nhận điều này rất nhanh. Sau những ngày tâm sự cùng em ở Đại Hội, tôi biết em đã thực hiện sự tự trọng, lấy lễ nghĩa đối xử với chính mình. Tôi viết ra đây như một lời nhắc nhở.
Lễ nghĩa phải được nới rộng với tha nhân, em phải sử dụng lễ nghĩa thường trực không lúc nào ngơi nghỉ trong cuộc sống hàng ngày. Nó là biểu hiện cho tư cách của em, giáo dục gia đình. Nó chinh phục người khác. Khi là một chiến hữu mặc áo nâu, em phải sống làm sao để chinh phục quần chúng. Điểm đầu tiên nhìn vào là đạo đức cá nhân. Nếu giữ được lễ nghĩa, em có tất cả những ưu điểm để chinh phục và vận động quần chúng tích cực hơn nữa trong cuộc đấu tranh một mất một còn này. Lễ nghĩa là đức tính căn bản để phát sinh ra đức tính tốt khác. Có lễ nghĩa là có chân thành. Em sẽ ngay thẳng từ ý nghĩ đến việc làm, không tự dối mình và lừa người, không bóp méo sự thật hay dấu diếm sự thật. Giữ lễ nghĩa với mình, với người, em sẽ có thành tín, cân nhắc và tôn trọng lởi nói để tạo niềm tin yêu cho tha nhân. Có lễ nghĩa, em sẽ có nhân ái, thương yêu người khác. Chúng ta chiến đấu cho tình thương yêu, đem yêu thương trả về cho quê mẹ, lấy thương yêu để thay thế hận thù. Chỉ từ lễ nghĩa ta mới có được yêu thương.
Khi tâm mình chính, em không rụt rè sợ hãi. Em có cái dũng, cái dũng to lớn của những người ở tuyến đầu, cái dũng vĩ đại là kết tinh của trí tuệ. Dũng không phải là liều. Liều hay là liều mạng là việc làm không suy nghĩ, bộc phát vì tự ái hão vì lâm vào đường cùng. Đó là sự khác biệt to lớn mà chúng ta phải phân biệt.
Nếu có lễ nghĩa thì chúng ta sẽ có kỷ luật. Hơn ở bất cứ đoàn thể nào, Mặt Trận chúng ta là đoàn thể cần có kỷ luật nhất. Mặt trận chúng ta đứng ra nhận trách nhiệm lịch sử, làm mũi tên hòn đạn ở tuyến đầu trực diện với kẻ thù dân tộc. Chúng ta sẽ là những người đi tạo cơn gió lớn cuốn hút để rồi toàn dân sẽ cùng chúng ta trở thành một khối đánh tan kẻ thù. Mặt Trận sẽ chỉ là một nhóm người ô hợp, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy nói nếu chúng ta không có kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của chúng ta, khiến chúng ta khác với một ái hữu, một đoàn thể tương tế hay một qui tụ có tính cách xã hội, nghề nghiệp. Kỷ luật chúng ta được phát sinh từ lòng tự nguyện, từ sự tự giác, từ tinh thần dấn thân. Nó chỉ là kết quả sau cùng của những sinh hoạt thường nhật. Nếu em giữ được lễ nghĩa với chính mình, với người, em sẽ có tinh thần kỷ luật.
Em,
Tôi đã viết cho em về lễ nghĩa, dù là chưa tường tận lắm. Trong nếp sống của dân Việt chúng ta, nó hằng hữu, ăn vào xương máu, thấm sâu vào đường gân thớ thịt của chúng ta, nên tôi tin em sẽ cảm nhận những điều tôi trình bày một cách thấu đáo. Lễ nghĩa lúc nào cũng có trong nếp sống của chúng ta chỉ có điều trong những lúc đen tối của lịch sử, nó bị khuất, che mờ. Nhưng sức sống kiên cường của nòi giống sẽ là động lực để đẩy xa những gì xấu xa, trả lại đức tính lễ nghĩa cho dân tộc.
Đến đây, tôi muốn trình bày với em về một điểm mà tôi đã nêu lên trong những giòng đầu của lá thư em viết cho tôi.
Nơi em ở, những chiến hữu Mặt Trận chắc chắn đã xây dựng em trong một tiến trình lâu dài. Có nhiều động lực ban đầu để lôi kéo một cá nhân gia nhập Mặt Trận. Nếu tự kiểm điểm lại, mỗi đoàn viên Mặt Trận sẽ nêu ra một nguyên cớ và chúng ta sẽ có một danh sách dài thậm thượt. Chắc chắn em muốn tôi tâm sự. Tôi đã gia nhập Mặt Trận từ lúc đầu. Nó phát xuất từ con tim. Tôi luôn luôn tin rằng dân tộc Việt đáng được hưởng thanh bình và yêu thương. Tôi tin rằng bà mẹ già của tôi không mơ ước điều gì to lớn ngoài một khoảnh vườn nhỏ với dăm bông hoa mướp vàng đong đưa trong gió và đến ngày giỗ chạp thì con cháu xum họp đầy đủ. Tôi tin rằng ông anh tôi chỉ cần một đời sống đạm bạc nhưng con cái phải được giáo dục để trở nên người hữu dụng. Tôi tin đứa cháu gái tôi năm nay mười một tuổi không hề muốn đi bươi rác để nhặt những mảnh ni lông nát nhàu bẩn thỉu đem về đóng góp cho đảng và nhà nước việt cộng trong những kế hoạch lớn, kế hoạch nhỏ. Tôi tin rằng bác Hai hàng xóm tôi ở Việt Nam không trông đợi gì to lớn hơn là bữa cơm đủ no, áo mặc đủ ấm.
Tôi chỉ đòi trả lại cho gia đình tôi, anh em tôi, dân tộc tôi những gì đã bị cướp đi. Tôi chỉ phản đối việc đem nhà trường làm nhà tù, cưỡng bách lao động, hủy hoại nhân tính, súc vật hóa con người.
Tôi đã gia nhập Mặt Trận chỉ đòi lại cho tôi, cho dân tôi những gì thuộc về chúng tôi. Giản dị vậy thôi.
Em,
Nhưng sau đó là niềm tin. Em có tin ở dân mình không? Em có tin vào chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh này không? Niềm tin không phải là một đột xuất. Nó là kết tinh của thời gian, của nỗ lực, của việc làm. Niềm tin là sự kiện đến từ bên trong, củng cố từ bên ngoài, được nâng đỡ từ sinh hoạt. Niềm tin phải mỗi ngày một bền vững, mỗi lúc một sắt đá. Có những đêm trằn trọc tôi nghĩ về Việt Nam, về những khổ đau và lòng bừng bừng chỉ muốn có phép thần thông, chỉ muốn có cây đũa thần của bà tiên, gõ một cái, mọi sự thay đổi.
Nhưng cuộc đấu tranh này vô cùng khó khăn. Nó không xuất phát từ bồng bột. Nó được tính toán kỹ lưỡng. Cương lĩnh chính trị, văn kiện căn bản mà em nắm vững đã vạch rõ điều đó. Đây không phải là một việc làm tùy hứng, thích thì làm không thích thì thôi. Đây là một việc làm to lớn xoay vần lịch sử, đem lại ấm êm cho dân tộc. Đây là việc làm nối lại những anh kiệt, kết lại những dũng sĩ, tụ lại những anh hào để cùng diệt bạo quyền việt cộng, lấy lại giang sơn. Em có thể mường tượng vào một đêm trời tối, một nhóm người ở Lũng Nhai đã xiết tay nhau để dựng lại niềm tin. Khởi đi như vậy nhưng không phải một tháng, một năm là thành công, mà phải 10 năm nằm gai nếm mật, có lúc chỉ có củ chuối để sống. Lê Lai phải giả Lê Lợi, có lúc phải rút sâu vào tận Chí Linh. Chỉ có niềm tin tất thắng của chính nghĩa, của dân tộc mới giúp nghĩa quân của Lê Lợi vượt mọi khó khăn gian khổ.
Em hãy kiên định niềm tin, truyền niềm tin đó với người khác, sử dụng niềm tin như một chiếc giáp sắt để chống đỡ những đòn công phạt bất cứ từ đâu tới. Có niềm tin là có tất cả, giữ được niềm tin là giữ được tất cả. Tôi ghi lại đây một đoạn phát biểu của chiến hữu Chủ Tịch Mặt Trận đọc trước Đại Hội Chính nghĩa vào thời gian trước đây. Nó tóm lược tại sao chúng ta đang tiến hành một cuộc đấu tranh có chính nghĩa.
“Chúng ta không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một dòng họ như trong thời quân chủ xa xưa. Chúng ta cũng không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một giai cấp, của một đảng độc tôn. Chính nghĩa của chúng ta là ở chỗ chúng ta chiến đấu để giành quyền tự do, vì quyền lợi tối thượng của đất nước, vì lẽ sống còn của toàn dân. Bất cứ cuộc đấu tranh nào do toàn dân phát động để đáp ứng nguyện vọng của người dân, thì đó là cuộc đấu tranh có chính nghĩa”.
Em sắp chính thức mặc áo nâu. Tôi đã cố tình chậm gửi giấy giới thiệu vì để em có thêm một thời gian ngắn trước khi bước một bước dài. Các chiến hữu ở nơi em ở cho tôi biết đã xây dựng em tích cực và em sẽ tuyên thệ trong tháng tới. Tôi đã nói với em về niêm tin và lễ nghĩa. Tôi đã đả thông với em về một số điểm khác. Tôi đã viết thư này như thư của chiến hữu cho một chiến hữu và hơn cả là thư của một người đàn bà Việt viết cho một đàn bà Việt khác.
Em cho tôi gửi lời thăm bà cụ dù chưa một lần gặp nhưng sự tôn kính đã có từ lâu. Tôi cũng nhờ em chuyển đến những bạn bè của tôi, của em lời thăm hỏi chân tình. Dù ở đâu trên thế giới thì chúng ta cũng đã nối kết với nhau vì chúng ta đang cùng đi trên một con đường với lời thề vang vọng khắp năm châu. Giải phóng Việt Nam không phải là ước mơ nữa mà là điều đang xảy ra nhờ những bàn tay khối óc của những người như em.
Kết thúc thư sẽ là một câu nói, câu chào được bộc lộ cái quyết tâm, phát hiện mọi ám ảnh và được nhắc nhở để kiên định niềm tin: Giải phóng Việt Nam.
Chị của em và chiến hữu của em.
Ngô thị Phù Vân
Tháng 8/1984
August 28, 2015