Nếu mà xét kết quả bầu cử tổng thống ở North Carolina sau khi nghe bài diễn văn tha thiết và sôi nổi của ông Obama khi tới tiểu bang bản lề này để vận động quần chúng bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton thì người ta có thể nói rằng thành tích chính trị của ông Obama không có là bao nhiêu. Thực vậy, sau khi chỉ trích Donald Trump sát ván, kết thúc bài diễn văn, ông đã nói rằng quà tiễn đưa ông ra khỏi Bạch cung tốt đẹp nhất là bỏ phiếu cho bà Clinton. Thế mà North Carolina đã bầu cho Donald Trump, cũng như các tiểu bang bản lề khác. Tuy nhiên, sẽ không thể đánh giá di sản của hai nhiệm kỳ tổng thống Obama bằng một vài sự kiện chọn lựa. Mà cần phải nhìn suốt quá trình 8 năm, gồm hai nhiệm kỳ tổng thống.
Trước hết, ông Obama đã thành công một cách nổi bật khi thắng liên danh John McCain/ Sarah Palin kết hợp hai mẫu người lý tưởng quy ước, là một thượng nghị sĩ thuộc gia đình quân nhân, và mang nhãn anh hùng, vì đã chịu tù VC. Và một phụ nữ thống đốc tiểu bang, lập trường bảo thủ Cộng hoà, nhanh mồm nhạy miệng. Ông đã tạo nên cái không khí phấn chấn khi tranh cử trên cái khẩu hiệunền là “Thay đổi” và “Chúng ta có thể”, lôi kéo được đông đảo quần chúng và giới trẻ cũng như trí thức tích cực ủng hộ ông. Cũng như nhờ những chủ trương chính trị rất là tiến bộ và đúng mức về tình hình nội bộ Hoa kỳ, chiến tranh và mâu thuẫn Trung đông, và quan hệ toàn cầu. Ông đã trở thành ngôi sao chính trị ngời sáng trong khi tranh cử và sau khi thắng cử, trên toàn thế giới.
Tháng 10 năm 2009, ông được giải Nobel Hoà bình, trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Lý do Ủy ban trao giải Nobel đưa ra là “những nỗ lực phi thường của ông để tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc” và thúc đẩy “giải pháp toàn cầu” cho “các thách đố toàn cầu”. Xét kỹ, ông đã đưa ra trong bài diễn văn tháng 6/2009 ở Cairo các nhận định và chủ trương rất hợp lý về quan hệ giữa Mỹ và Hồi giáo, về vấn đề tự do tôn giáo, về dân chủ, nhân quyền, về võ khí nguyên tử, vấn đề người Palestine và Do Thái sống hoà bình với nhau, và Do Thái phải ngưng lập vùng định cư mới trên đất của Palestine, về vấn đề Iraq, Afghanistan, Iran. Nhưng khi thi hành thực tế cụ thể thì ông đã bỏ chủ trương chống chính sách lập các vùng định cư Do Thái trên đất Palestine, để gọi là khuyến khích Do Thái điều đình với chính quyền Mahmoud Abbas trong việc thực hiện giải pháp hai nước Do Thái và Palestine sống chung hoà bình. Kết quả là Do Thái đã mở ra thêm rất nhiều khu định cư trên vùng Tây ngạn sông Jordan của Palestine. Và sau cùng là ông tuyên bố chịu thất bại sau 7 năm thi hành chính sách khuyến dụ Do Thái điều đình này.
Tháng 2/2011, ông đã lôi kéo được các nước trong khối Bắc Đại tây dương NATO lập một liên minh để yểm trợ quân và dân Lybia nổi dậy đòi tự do dân chủ chống nhà độc tài Khaddafi, trong cái gọi là phong trào “mùa Xuân Ả Rập” khởi đầu ở Tunisia. Tưởng cũng nên mở ngoặc nhắc ở đây rằng Phong trào mùa Xuân Ả Rập này khởi đầu từ tháng 12/2010 bằng những cuộc biểu tình và sau một tháng thì tổng thống ben Ali kể là độc tài vì đã cai trị trên hai chục năm phải từ chức và lưu vong sang sống ở Saudi Arabia.
Dưạ trên quyết định của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mà Nga và Tầu không bỏ phiếu cho lập vùng cấm bay và cho phép xử dụng mọi biện pháp cần thiết tại Lybia để bảo vệ dân chúng, Mỹ và các nước trong khối NATO đã tự do oanh kích tiêu diệt các cơ sở đầu não điều hành chính phủ Lybia cũng như những cuộc hành quân diệt quân khởi loạn. Do đó chế độ Khaddafi đã chấm dứt vào tháng 10/2011 khi Khaddafi bị giết.
Cuộc chiến này kể là thành công, vì đã loại được Khaddfi, người nắm quyền ở Lybia 42 năm và chủ trương “Toàn Ả Rập” (Pan Arabism) và “Toàn Phi Châu” (Pan Africanism). Nhưng để lại một nước Lybia rối loạn và hiện nay còn đang chìm vào chiến tranh phe phái, không biết bao giờ dứt. Với sự tham dự có mặt của lực lương ISIS.
Cũng năm 2011, tháng 3, Anh, Pháp, Mỹ Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái và một số nước Ả Rập hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của dân Syria gọi là biểu tình đòi tự do dân chủ, được mau chóng biến thành những cuộc đấu tranh võ trang với nhiều nhóm khác nhau. Chính phủ Assad dần dần bị đẩy vào thế thụ động, vùng kiểm soát bị thu hẹp. Mỹ và các đồng minh Anh Pháp lớn tiếng đòi Assad ra đi. Nhưng kế hoạch này không thành vì Hội đồng bảo an LHQ đã không thông qua một quyết nghị lập vùng cấm bay tương tự như trường hợp Lybia vì có sự bất đồng ý của Tầu và Nga. Sau cùng, cuối tháng 9/2015, Putin đã cho không lực vào yểm trợ cho quân đội Assad, đẩy lui dần quân nổi loạn. Hiện nay, thành phố Aleppo lớn thứ hai của Syria sắp sửa bị quân chính phủ chiếm lại trọn vẹn. Cuộc chiến Syria kéo dài đến nay là trên 5 năm. Số dân Syria chết chừng khoảng từ 500,000 đến 700,000 ngàn tuỳ theo nguồn đánh giá. Số dân chúng phải bỏ nhà bỏ cửa chạy là chừng 4, 5 triệu. Những dân Syria tị nạn đổ sang Âu châu, đã tạo nên một thảm cảnh chính trị xã hội khó giải quyết.
Tại Iraq, quân Mỹ sau khi rút đi năm 2012 theo như lời hứa của ông Obama thì tình hình đã không hoàn toàn ổn định. Đã có lực lượng ISIS nổi lên, thuộc Hồi giáo Sunni theo phái cực đoan Wahhabi như Saudi Arabia, nhanh chóng chiếm được miền tây Iraq và miền đông Syria trong thời khoảng tháng 6/2014. Chình phủ Iraq yêu cầu Mỹ chặn đường tiến quân trên các xe vận tải ngờ ngờ của ISIS, nhưng ông Obama không đồng ý. Coi là một nhóm khởi loạn không đáng kể. Nhưng sau đó thì lực lượng này đã chiếm và kiểm soát các vùng có dầu của Iraq như Mosul và công nhiên khai thác dầu đem bán qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Với thời gian, mấy chữ ISIS được dùng trên truyền thông để chỉ mọi hoạt động chống đối chính phủ Syria bởi nhiều nhóm do các thế lực yểm trợ khác nhau. Thành phần phức tạp này của ISIS lộ ra kể từ khi Nga can thiệp giúp Syria. Vì Mỹ và Nga không đồng ý với nhau trong việc chỉ danh nhóm nào là khủng bố ISIS, nhóm nào không là ISIS khủng bố mà chỉ là quân chống chính phủ Syria. Do đó đã không thể phối hợp với nhau trong việc oanh kích ISIS, và Nga đã xin vào liên minh chống ISIS Mỹ lập ra mà không được. Và trong tương lai ISIS sẽ chỉ còn là những nhóm nhỏ hoạt động không có tầm vóc đáng kể, tản ra từ Iraq và Syria, trên nhiều điạ bàn ở Trung đông và Bắc Phi trong đó có Lybia và một số nước Phi châu khác.
Tóm tắt sơ lược tình hình như thế thì không lấy gì làm lạ rằng có người kết luận là ISIS là sản phẩm của bà Hillary Clinton (bởi vì nhóm này phát triển trong thời gian bà làm ngoại trưởng, thi hành chính sách Obama). Với sự tung hoành của ISIS thuộc Hồi giáo Sunny thì các nhóm Hồi giáo Shìtes thân Iran cũng tập hợp lại phản ứng. Không những ở Iraq mà còn ở Syria, ủng hộ chính phủ Assad, bên cạnh Nga.
Mỹ bây giờ đang có tổng số chừng 5,000 quân gọi là phụ trách yểm trợ và huấn luyện cho quân Iraq và lực lượng người Kurds Peshmerga chống ISIS, đặc biệt là trong cuộc hành quân đang tiến hành để chiếm lại Mosul, bên cạnh những hoạt động tình báo và công tác đặc biệt. Chiến tranh Iraq với chiến lược tạo kinh hoàng và choáng váng để chiếm đóng và ổn định Iraq mà ông Bush con mở ra, để gọi là tạo dựng nên một nước Iraq làm mẫu mực cho tự do dân chủ ở Trung đông đã thất bại. Ông Obama rút quân ra theo lời hứa lúc tranh cử, đã gửi quân trở lại ở dạng ít ồn ào hơn qua các hoạt động tình báo và lực lượng đặc biệt. Loại hoạt động này có cần thiết cho Mỹ hay không, người trả lời câu hỏi sẽ là Donald Trump.
Nói đến thành tích của tổng thống Obama mà không nói đến hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình dương TPP thì thật là một thiếu sót lớn. Hiệp ước này có thể kể là cái lõi của chính sách chuyển trục về Á châu Thái Bình dương của Mỹ. TPP có thể nói là một đối trọng để chặn sự phát triển của thế lực kinh tế tài chính đang lên của TC ở vùng này. Trong hội nghị APEC tại Bắc Kinh, ông Obama đi họp tưởng có thể kết thúc được hiệp ước TPP. Nhưng nó đã bị để sang bên vì không được sự đồng ý của các thành phần quan trọng trong hiệp ước như Nhật, Úc, Tân Tây Lan. Ngược lại kế hoạch Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu mà Tập cận Bình đưa ra đã được tán thành và thực hiện sau đó với vốn khởi đầu là 50 tỷ đô la. Điều oái oăm là các định chế thế giới Âu Mỹ như Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) cũng đã gia nhập vào cơ chế TC này. Cũng trớ trêu rằng TPP là hiệp ước bà Hillary Clinton đã trách nhiệm vận động tích cực trongthời gian làm ngoại trưởng nhưng bà Clinton đã trở mặt không tán thành ở cương vị ứng viên tổng thống. Và lại càng khổ sở cho ông Obama đã phải dốc sức cổ võ bỏ phiếu cho bà Hillary vào những ngày chót khi mà cái thế chắc thắng của bà biến mất sau bao nhiêu tiền của công sức bỏ ra tô vẽ cho bà cả trên 10 năm. TPP sau chót thì đã kể như tiêu tan với sự đắc cử của ông Trump.
Về mặt nội vụ, luật cải tố y tế Obama Care mà ông Obama coi là thành tích đáng hãnh diện đã không thực sự được hoan nghênh nồng nhiệt vì những trục trặc, và vì những đổi thay chi tiết cho luật được chấp nhận đã làm biến dạng ý nghĩa của lúc ban đầu, không kể những chống đối nguyên tắc từ phiá đảng Cộng hoà. Với ông Trump, luật Obama chắc chắn là sẽ bị sửa đổi nhiều, nếu không nói là bị bỏ hẳn.
Sau chót, về mặt tư thế cá nhân khi công du ngoại quốc trong năm cuối nhiệm kỳ không có điều gì hoan hỉ. Ông Obama tới Cuba để mở đường làm ăn buôn bán vào một sáng chủ nhật trời mưa, không có thảm đỏ trải đón, dưới những chiếc dù lúp xúp che đầu bởi mật vụ. Sang đến Hà nội sau nhiều tin tức chi tiết qua lại sửa soạn với VC là một nước CS biến thái mà uy tín thuộc loại “tận cùng bằng số”, ông Obama đã vào ban đêm, chỉ được một nữ cán bộ vô danh mặc áo dài tặng hoa. Qua thành phố Hàng Châu củaTầu, là đối tác kinh tế và tài chính quan trọng, đã không có cầu thang thích ứng chờ sẳn cho nên chỉ có thể xuống thang nhỏ qua cổng sau máy bay, vân vân… Nghĩ cũng tội. Điều an ủi chỉ là khi tới Hy Lạp nửa đêm thì được đón thảm đỏ đàng hoàng. Chỉ vi Hy lạp đang cần được nhẹ tay giải quyết nợ.
Tất cả những thành tích, hay di sản này, chẳng qua là kết quả của hai điều: một là ông Obama đã không làm những điều tốt đẹp mà ông đã nói. Bởi vì ông đã bỏ đi, coi như những lời hưá hẹn cửa miệng cho qua (như chuyện ngăn Do Thái lập khu định cư). Hai là vì đã làm mà không được, vì cái vị trí thực tế của Mỹ trên toàn cầu không còn như trước. Cái vị trí thực tế này đã cho người ta hiểu tại sao mà một tổng thống nước nhỏ trong vòng tay Mỹ, như Phi luật Tân, đã có thể nặng lời coi thường với ông Obama như là mọi người đã thấy.
Dù sao thì ông Obama cũng đi vào lịch sử như là người da mầu đầu tiên làm tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ. Phải chăng là vì ông có tài? Và tài gì? Nhưng có tài mà sao thành tích không có gì đáng nói như vậy? Trả lời câu hỏi này hơi khó. Chắc phải có nhiều thì giờ hơn.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 16 tháng 12 năm 2016