1/TXN. Kình chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV, chào KV, chào NK. Tuần này có rất nhiều tin hay đáng chú ý. Thứ nhất là tin tổng thống Phi Luật TânRodrigo Duterte sang thăm Tầu và tuyện bố rằng quyết định chia tay với Mỹ, và kết bạn với Tầu và Nga. Thứ hai là tin Nga gửi hàng không mẫu hạm độc nhất của hải quân Nga từ căn cứ phía bắc Na Uy xuống Địa Trung Hải. Thứ ba là theo tuyệt đại đa số các cơ quan truyền thông của Mỹ thì sau cuộc tranh luận chót tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump kể như là thua Hillary Clinton không cứu được. Thứ tư là Thổ nhĩ Kỳ đã tấn công vào lực lượng Kurds Peshmerga mà Mỹ viện trợ trong kế hoạch làm mũi nhọn giúp quân nổi loạn Syria chiếm được một vùng ở phía nam Thổ nhĩ kỳ và phía bắc Syria để làm lãnh thổ của quân nổi loạn. Thứ năm là Nga và Ấn độ đã ký một thỏa ước hợp tác dầu hỏa và khí đốt trị giá 13 tỉ đô la. Thứ sáu là Mỹ ra một tuyên cáo chung giúp đỡ Miến điện với bà Aun Sang Suu Kyi, cố vấn chính phủ Miến điện, được mời gặp tổng thống Obama ở Bạch cung nhân dịp đi dự đại hội thường niên LHQ ở Nữu Ước . Thứ bẩy, Mỹ đã ký một kết ước an ninh với Do thái viện trợ cho Do Thái 30 tỉ đô la trong mười năm. Thứ tám, Saudi Arabia bắt đầu bán bonds để bù vào thiếu hụt ngân sách vì giá dầu hạ. Những tin này nếu mà bàn cho tới thì có nhiều ý nghĩa lắm. Và dĩ nhiên là không thể tóm gom lại trong nửa giờ đâu. Cho nên tùy các bạn chọn lựa thảo luận.
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, ĐT, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N, thân kính chào các chị ĐT, TV, KV. NK nghĩ rằng chúng ta còn nhiều thì giờ để bàn chuyện rộng thế giới. NK đề nghị hôm nay mình đi vào chuyện bầu cử tổng thống MỸ đi, vì chỉ còn 11 ngày nữa là chúng ta đã đến ngày bầu cử và sau đó thì không còn gì để nói nữa. NK muốn hỏi các vị, mà đặc biệt là hai chị ĐT, và TV, rằng sẽ bầu cho ai và không bầu cho ai và xin nói vắn tắt lý do. Bởi vì bác sĩ N đã có ý kiến rồi. Là đã chán cái lối tranh cử “thấp cấp dưới thắt lưng” của các ứng viên và không có cái ý muốn đi bầu tổng thống nữa, vì rằng cả hai người là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump không có ai đáng mặt để chọn lựa. NK nhớ rằngKV thì cũng có suy nghĩ tương tự, không biết bầu ai, vì sợ cái lập trườngcủa ông Trump đề cao quyền sở hữu vũ khí, nghĩa là cho phép mua súng dễ dàng, mang súng đi ngờ ngờ ngoài đường. Ngoài ra thì còn sợ chính sách kỳ thị sắc tộc sẽ trở lại với ông Trump. Còn bà Clinton thì vừa là thuộc đảng Dân chủ mà KV không thích, vừa là người gian trá, tham vọng. Nếu NK nhớ sai tóm tắt sai thì các vị chỉ giáo dùm nhe.
3/ĐT. ĐT có nghe cuộc thảo luận thứ ba và cuối cùng giữa ông Trump và bà Clinton. ĐT cũng đã theo rõi không phải là tất cả nhưng cũng kha khá những bài viết và tường thuật về cuộc tranh cử. Quyết định sau cùng của ĐT là bỏ cho bà Clinton, vì ba lý do. Một là bà Clinton dù sao cũng là người có kinh nghiệm điều hành, lãnh đạo trong chính quyền. Hai là trong thảo luận bà tỏ ra bình tĩnh, và chủ động. ĐT không bỏ cho ông Trump là vì ông Trump trong thảo luận tỏ ra nóng nẩy phản ứng, không làm chủ được cảm tính của mình. Tư cách này có thể là tư cách của một trọc phú làm chủ một công ty, chứ không thể là một người lãnh đạo đại cường Hoa kỳ với nhiều chủ trương và quyền lợi khác khác nhau cần điều hợp, nghĩa là biết nghe để suy nghĩ mà quyết định. Sau chót thì đàng nào nước Mỹ cũng cần có một tổng thống. Giữa hai cái xấu thì ĐT chọn cái ít xấu hơn, là bà Clinton.
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Cũng giống như chị ĐT, vào ngày bầu cử tổng thống tháng 11 sắp tới TV sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton. Bà Clinton theo TV tuy có khuyết điểm nhưng trong thời gian bà ở trong chính quyền, với cương vị đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ cũng như địa vị ngoại trưởng, công việc làm của bà chẳng có gì là hư hỏng quá đáng. Vụ tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi bị tấn công làm cho đại sứ Mỹ bị giết mà người ta nói là bà có lỗi và bất lực thì cũng có thể có phần nào đúng. Nhưng không có ai mà không phạm sai lầm. Như tổng thống Bush con quyết định mở ra trận đánh Iraq gây ra bao nhiêu là hệ quả tai hại cho nước Mỹ và cho Iraq, thì rõ ràng là một sai lầm trầm trọng nhiều lần hơn vụ Benghazi thì không ai nói tới là bao nhiêu. Và ông Bush con chỉ nhận rằng có sai lầm tình báo thế là xong. Trong khi đó qua những phát biểu, tuyên bố và thái độ thì ông Trump không có đủ tư cách giữ vai trò tổng thống của một quốc gia, nhất là một cường quốc như Hoa Kỳ. Ông Trump chỉ thích hợp trong vai trò một tay lái buôn, kiêu căng, ăn nói thô lỗ, bặm trợn, sỗ sàng và coi thường mọi người đặc biệt là phụ nữ, ông ta lại dễ bị chọc giận đưa tới những lời qua tiếng lại thì không thể ở trong vai trò đại diện cho nước Mỹ được.
5/KV. Dạ trước hết thì KV xin được gởi lời chào đến quý thính giả, kính chào BS N, chị ĐT, chị TV và anh NK ạ. Anh NK ơi, xem như là anh đã tóm tắt hếtý kiến của KV từng phát biểu của những kỳ trước rồi đó còn gì nữa đâu cơ. KV không có thay đổi gì cả, vì những bàn tán hay là tuyên bố, hoặc là những tranh luận tiếp theo của mỗi bên, cũng chỉ là khai thác cảm tính, và đá giò lái phía đối thủ, của những thành phần quần chúng khác nhau để kiếm phiếu thôi ạ. Thí dụ như tại Philadelphia, Donald Trump thì nói trong một cuộc vận động rằng: “tôi thích Wikileakds”, ý nhắc đến những mánh khóe của Hillary hạ đối thủ của mình trong đảng mà Wikileaks tiết lộ. Còn ở Florida thì bà Hillary tuyên bố “Tôi yêu y tá”, để mà tạo cho mình hình ảnh đối nghịch với Trump ở đây. Những vận động hỗ trợ bà Hillary Clinton của phó tổng thống Biden, bà Michelle Obama, hay tổng thống Obama, cũng chỉ là những tấn công vào cá tính với con người của Trump, để mà nói Trump không có khả năng, chứ không chỉ lên được rõ ràng là bà Hillary có khả năng ở chỗ nào. Tức là cho tới nay thì KV vẫn không biết bỏ cho ai. KV thấy trong các vấn đề bác sĩ Ninh nêu ra có vấn đề tổng thống Phi luật Tân tách ra khỏi Mỹ để đi theo Nga Tầu là điều quan trọng nổi bật trong thời sự quốc tế, KV đề nghị mình đi vào vấn đề đó trước các vấn đề khác, có được không ạ?
6/TXN. Trong cái chuyện Duterte sang Tầu để sáp lại gần Tầu với Nga này, tôi thấy có một chi tiết nhỏ không quan trọng nhưng nêu ra để cho vui và cũng để suy nghĩ về sự thiên lệch chủ quan của con người. Như người bình dân Việt nam nói “yêu thì củ ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo”. Là khi mà Duterte gọi ông Obama là “thằng chó đẻ” và nói “cút xuống địa ngục đi” thì đã có những phản ứng thân Mỹ trên mạng điện tử giang hồ mắng Duterte trình độ thấp kém, không văn minh vân vân. Và thêm vào đó nữa là tố giác rằng Duterte bỏ vợ, có vợ thứ và có hai bồ nhí với đầy đủ hình ảnh vân vân. Làm như là tiết chế dục tính và có một vợ là một đặc tính cao quý không có không được của một nhà lãnh đạo chính trị. Nhưng thực tế là nhiều tổng thống Mỹ và các vua chúa hay hoàng hậu nổi tiếng trên thế giới cũng lăng nhăng tình ái. Tôi nói thế không phải là chủ trương chuyện này nhưng chỉ muốn nêu lên rằng khai thác to lớn chuyện này như trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay là bẻ ngoẹo sang bên vấn đề, biến cuộc tranh cử thành một trò ngồi lê đôi mách. Nói tổng quát thì chuyện tình dục không liên quan bao nhiêu đến khả năng làm tổng thống cả. Trừ trường hợp ngày xưa ở nước ta như vua Lê Long Đĩnh dâm đãng quá độ, không ngồi được, phải thiết triều trong tình trạng nằm trên long sàng nên được gọi là Lê Ngọa Triều. Ông Bill Clinton nổi tiếng lăng nhăng tình ái vẫn làm tổng thống và làm chồng bà Hillary ngon ơ. Ngoài ra thì những lời chê bai dè bỉu này làm cho tôi không khỏi nghĩ đến sự giả đạo đức của Hồ chí Minh, và băng đảng tùy tùng, thổi phồng tô vẽ huyền thoại “bác” không lấy vợ hay không có nhân tình nhân bánh thành thần tượng, thành cao quý. Nhìn rộng ra nữa thì ngay ở nước Mỹ này, người ta đã vác chuyện trai gái và tình dục ra để bêu xấu nhau và tranh nhau hơn thua trong chính trị. Những chuyện này đã làm cho có kẻ mất chức, từ thống đốc đến dân cử các loại, trong khi thực tế xã hội Mỹ, vấn đề tình dục là vấn đề quan tâm hàng đầu. Bởi vì có thể nói nếu không có chuyện tình dục thì không có phim ảnh Mỹ và không có Hollywood; Và nếu không có những trang mạng dâm đãng thì số người vào internet sẽ giảm hẳn đi, có thể là ¾. Ngoài ra thì trong một cuộc sưu tầm về tình dục ở Mỹ của một nữ tiến sĩ người Mỹ sống ở Anh tôi không nhớ tên, được in ra trong một cuốn sách ở Anh cách đây chừng chục năm, thì người ta biết rằng một người Mỹ trung bình, nam cũng như nữ, trong cuộc đời có 15 đối tác tình dục. Sau chót, nếu tôi nhớ không lầm thì chuyện kể rằng chúa Jesus cũng đã nói trước một đám đông tính ném đá một người đàn bà ngoại tình rằng ai thực sự không có tội thì ném trước đi, và đã không ai dám ném trước. Tôi đưa chuyện này ra để các bạn và quý vị suy nghĩ chơi cho vui để thấy cái trớ trêu giả đạo đức, sử dụng tiêu chuẩn kép để phán xét người khác, của cuộc đời. Bây giờ trở lại với chuyện Duterte, bạn nào có theo dõi thì xin lên tiếng trước.
7/ĐT. Tuần này, ĐT thấy có một đề tài hấp dẫn là ngày 19 tháng 10 vừa qua, ông Rodrigo Duterte, Tổng Thống Phi Luật Tân đã lên đường qua thăm TQ, dẫn theo phái đoàn doanh nghiệp 400 người. Tổng thống Duterte được đón tiếp long trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh. Sau cuộc hội đàm, tổng thống Philippines và chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết nhiều hiệp định hợp tác giữa hai nước.
Gặp mặt với cộng đồng Phi tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 10, ông Duterte đã tuyên bố: Philippines cho tới nay đã không hưởng được gì nhiều từ liên minh với Mỹ, và theo ông “đã đến lúc nói lời từ giã Washington.” Tổng thống Philippines còn tuyên bố sẽ không đặt chân đến Hoa Kỳ, trước khi, một lần nữa dùng một từ miệt thị, để gọi tổng thống Barack Obama.
Ngày 20 tháng 10, trong cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Duterte đã ca ngợi sự nồng ấm trở lại của quan hệ song phương, và nhắc lại rằng bang giao giữa hai nước « đã có từ bao thế kỷ qua ». Ông Tập Cận Bình thì cho rằng cuộc gặp gỡ hôm nay « có ý nghĩa rất to lớn ». Hàm ý về Biển Đông, lãnh đạo họ Tập cho rằng, « mặc dù đang gặp giông bão, nền tảng quan hệ hữu nghị và mong muốn hợp tác của chúng ta vẫn không thay đổi »
Tại diễn đàn kinh tế, diễn ra sau cuộc hội đàm với lãnh đạo TQ, Tập Cận Bình, ông Duterte đã khẳng định: “Tôi thông báo chia tay với Hoa Kỳ”. Thông báo này, đã được cử tọa trong diễn đàn vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Ông Duterte còn tuyên bố sẽ sang thăm Nga, và hy vọng 3 nước Nga, TQ và Phi sẽ liên kết để đối đầu với thế giới.
Đáp lại việc ông Duterte đồng ý việc đối thoại song phương trong tranh chấp Biển Đông, chủ tịch Tập Cận Bình loan báo Trung Quốc sẽ “tích cực tham gia” vào việc giúp Phi xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sắt, xa lộ, hải cảng cho Philippines, những công trình tối cần thiết cho sự phát triển của quốc gia quần đảo này. Ông Tập Cận Bình còn cam kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Philippines và khuyến khích dân Trung Quốc đi du lịch đến nước này. TQ cũng hứa hẹn sẽ cho ngư dân Phi đánh cá ở gần bãi cạn Scarborough, nơi mà hai bên đã tranh chấp từ nhiều năm nay.
Tổng cộng có 13 hiệp định được ký kết trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại, chống ma túy và hợp tác trên biển, trong đó có việc thành lập một ủy ban hỗn hợp giữa lực lượng tuần duyên hai nước.
Qua những lời tuyên bố của ông Duterte, người ta thắc mắc, không biết Phi chia tay với Mỹ bằng cách nào? Khi từ nhiều năm nay, hai bên đã có những liên hệ, gắn bó về mọi mặt, từ quân sự, tới chính trị, và kinh tế…
Ông Duterte đã bắt đầu thực hành những điều ông tuyên bố khi mới nhậm chức, mà nhiều người đã hoài nghi là ông chỉ … cường điệu. Không ai biết trong tương lai, ông Duterte sẽ dẫn dắt nước Phi đi về đâu ? Nhưng chuyện trước mắt là TQ đã quá thành công về mặt ngoại giao, khi ông Duterte không màng tới phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế, mà điồng ý theo đề nghị của TQ là đàm phán song phương.
8/NK. Đứng từ xa và một cách nhìn khách quan mà xét thì Duterte chỉ làm một quyết định thực tế. Là chọn giữa một bên được coi là đồng minh cật ruột mấy chục năm cứ cho là ân tình có đấy, nhưng chẳng còn bao nhiêu sức lực thực tế giúp mình. Với một bên là tiền bạc rủng rỉnh. Thế giới toàn cầu kinh tế ngày nay nó là như vậy. Mỹ trên thực tế hiện nay, chẳng có chi ra bao nhiêu tiền, mà chỉ có chi ra nước miếng chiêu bài “tự do dân chủ nhân quyền”. Chiêu số này là chiêu số võ công cao cường thời chiến tranh lạnh đã tạo nên con đường tìm tự do một chiều từ sau màn sắt sang thế giới tự do. Ngày nay nó không còn khả năng lôi cuốn như trước vì nó đã trở thành trống rỗng…Vì nó trống rỗng nên khi ông Obama tính nêu ra vấn đề nhân quyền với ông Duterte thì đã bị Duterte quạt cho đau điếng. Và tiếp theo là chuyện bỏ Mỹ theo Nga Tầu.
9/TV. Dù sao thì sẽ có nhiều người với lối suy nghĩ chiến tranh lạnh Cộng sản và Tư bản đối đầu không đội trời chung chê bai Duterte thậm tệ, và nghĩ rằng chắc chắn là Duterte sẽ bị lừa cho khốn khổ bởi Trung cộng. Sẽ bị cán bộ TC vào len lỏi nắm quyền, lật đổ, vân vân… Phi luật tân sẽ bị Hán hóa vân vân…Theo TV nghĩ thì khi một nước lớn bỏ tiền vào đầu tư hay viện trợ cho một nước tiểu nhược nào thì cũng sẽ tìm cách lũng đoạn, khống chế, chứ không riêng gì TC. Vấn đề quan trọng là cái khả năng của người lãnh đạo của nước nhược tiểu ra sao mà thôi. Nếu mà người lãnh đạo vì dân vì nước thì khác, mà người lãnh đạo chỉ mong làm tay sai như lãnh đạo VC từ trước đến nay thì kết quả chúng ta đã thấy rồi: Là mất đất, mất biển, mất rừng, mất tài nguyên khoáng sản…vân vân. TV không biết ông Duterte thuộc loại nào, vì ông mới làm tổng thống có vài tháng, cho nên không đoán trước được tương lai Phi luật Tân.
10/KV. Dạ thưa KV chỉ xin có một ý kiến nhỏ thôi cơ. Là không biết ông Duterte liệu có thể tại vị, để mà thi hành chủ trương của ông ta không. Bởi vì Mỹ là nước bảo trợ cho Phi luật tân, ít nhất từ thời chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt tới nay. Ảnh hưởng của Mỹ rất lớn. Người dân Phi luật Tân đa số mong được là dân Mỹ, được sống ở Mỹ. Tiếng Anh là tiếng chính thức bên cạnh tiếng Tagalog. Các giới lãnh đạo Phi luật Tân cao cấp nhất cho tới nay, đều được Mỹ giúp đỡ gián tiếp, hay trực tiếp để lên cầm quyền. Các nhân viên thân Mỹ, hay làm việc cho Mỹ, không thiếu gì trong cơ chế cai trị Phi. Chỉ nhìn một sự kiện mới đây, là nhóm người biểu tình chống Mỹ trước tòa đại sứ Mỹ, đã bị xe cảnh sát Phi xông lên cán bừa, là biết tình hình ra sao rồi. Vì thế cho nên suy nghĩ của KV trong vụ Duterte này, chỉ thấy một điều không chối cãi được là ảnh hưởng Mỹ tại Phi đã đi xuống thấy rõ.
11/TXN. Tôi cũng muốn thêm một chút là với vụ này thì có thể nói rằng chiến lược chuyển trục về Á châu có vẻ như rút lại chỉ là chuyện nói miệng vì “sân sau” Phi luật Tân của Mỹ đã có thêm TQ vào cắm dùi. Hiệp ước đối tác xuyên Thái bình Dương TPP thì dậm chân ngay tại Mỹ. Nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới là Indonesia trong cuộc tập trận hải quân mới đây đã không có Mỹ tham dự…Và không quân Indonesia có trang bị đủ loại phi cơ từ Mỹ đến Nga đến Nam Hàn vân vân.. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin chào NK, ĐT, TV, KV và xin cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
12/ ĐT. ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả, xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim, thân ái chào TV và KV, xin hẹn gặp lại quý vị trong kỳ bàn chuyện thời sự tuần tới.
13/KV. Dạ, KV xin kính chào tạm biệt quý thính giả, xin chào BS N, chị ĐT, chị TV và anh NK. Vẫn như những lần trước, KV xin hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
14/NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, ĐT, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt các chị ĐT, TV và KV. Xin hẹn lại quý vị trong chương trình BCTS lần tới.
15/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.