Chỉ còn không đầy 4 tuần nữa là đến ngày 8 tháng 11 bầu cử tổng thống Mỹ, quyết định Hillary Clinton hay Donald Trump sẽ ngồi ở tòa Bạch cung, trong vị trí kể là quyền uy nhất thế giới. Đối với đảng Dân chủ, thì quá trình sửa soạn mười năm để chuyển giao cuộc chiếm giữ tòa nhà hành pháp bởi người Mỹ da đen đầu tiên, là Barack Obama, cho người phụ nữ đầu tiên là Hillary Clinton, tưởng là suông đuột, đã không mấy êm ả với sự nhập cuộc của Donald Trump. Trump đã đi vào sâu khấu chính trị một cách phi quy ước, không theo nguyên tắc phát biểu “phải đạo chính trị” (politically correct) để làm đẹp lòng tối đa và làm phật lòng tối thiểu quần chúng, để mà giữ những thành phần chung chung muốn yên thân trong nguyên trạng. Trump đã khai thác cảm tính của đám quần chúng bất mãn vì thực trạng xã hội chính trị và kinh tế Mỹ, nuối tiếc một thời vàng son. Đa số đám này là người Mỹ trắng. Với khẩu hiệu “Làm cho Mỹ quốc vĩ đại như xưa”. Tình trạng vĩ đại như xưa này đơn giản hiểu là một xã hội trật tự mà người da trắng giữ quyền. Các biện pháp chính trị được quyết định trong những cuộc giàn xếp ở những phòng họp đầy khói thuốc lá hay xì gà, giữa các nhân vật tài phiệt có túi bạc lớn. Còn kinh tế phồn thịnh nhờ sự sản xuất kỹ nghệ nhanh chóng và nhờ số tiền với vàng dự trữ đầy ắp luân lưu viện trợ toàn cầu để phục vụ đời sống tiêu dùng của dân chúng Mỹ.
Tất cả những điều này đã giảm dần từ sau cao điểm thập niên 1950. Do chính sách can dự vào chính trị toàn cầu chống bành trướng Cộng sản. Do sự thay đổi cấu trúc xã hội Mỹ thập niên 1960 xóa bỏ chính sách kỳ thị mầu da, và sự biến thái từ chủ nghĩa tư bản sản xuất sang tư bản tiêu thụ và dịch vụ. Do sự sụp đổ thập niện 1990 của chủ nghĩa bành trướng Cộng sản nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản. Thay vào đó là một trật tự thế giới mới thập niên 2000 được gọi là kinh tế toàn cầu đa cực mà các mâu thuẫn thế giới được giải quyếttheo quy trình kín “Đối thoại. Hợp tác. Cạnh tranh. Đối đầu. Đối thoại…”. Nghĩa là không trên tiền đề phía CS tiến lên tiêu diệt phe tư bản. Tất cả đều là tư bản, với sự khác biệt là CS trở thành tư bản nhà nước, nghĩa là tư bản nhân danh quyền lợi quốc gia. Còn tư bản tiêu thụ Tây phương thì vẫn là những tư bản cá nhân, hay những tập đoàn tư bản đa quốc, hay quốc tế, mà các thành phần không phân biệt, có thể là từ các nước cộng sản cũ Liên sô Trung quốc vân vân. Trong tình trạng này, tiền bạc và công ăn việc làm không còn nằm ở các nước tư bản Tây phương và Mỹ. Nghĩa là thời kỳ vàng son cũ đã hết. Donald Trump đã khai thác sự bất mãn bình dân đơn giản này, khi đưa ra chính sách chống di dân Mễ ( vì người bình dân Mỹ coi là di dân Mễ vào Mỹ chiếm việc, chủ trương dẹp bớt can thiệp của chính quyền liên bang vào các chính quyền địa phương, dẹp một hệ thống chính trị xơ cứng gồm các chính trị gia thối nát, nói mà không làm, vì chỉ phục vụ quyền lợi các thế lực tài phiêt chi tiền ra cho các chính trị gia đắc cử). Nói khác đi là: 1.bớt các chính sách trợ cấp xã hội mà bình dân da trắng nghĩ là vô ích, chỉ dành cho những thành phần ngồi không ăn bám; 2. chống chi tiền cho các đồng minh Tây phương thí dụ NATO; 3.chống Hồi giáo mà người bình dân nói chung coi là khủng bố, là cuồng tín. Cụ thể là Hillary Clinton nhận những số tiền ủng hộ khổng lồ của tài phiệt Wall Street. Tổ chức bất vụ lợi Clinton foundation mà bà Hillary cùng chồng là cựu tổng thống Bill Clinton và cô con gái Chelsea dựng ra, nhận được mấy trăm triệu đô la đóng góp từ các đại tài phiệt ngoại quốc trong thời gian bà Hillary làm ngoại trưởng. Đó là tóm tắt sơ lược về các ấn tượng chính trị tạo ra nơi giới bình dân da trắng qua các tuyên bố thô lỗ của Trump, và qua truyền thông các nguồn, mà ở đây không bàn tới đúng sai. Dĩ nhiên là phía Clinton cũng phản pháo lại, tố ra rằng nguyên giám đốc phụ trách chương trình tranh cử của Trump là Paul Manafort đã nhận được 12 triệu đô la từ nhóm tay chân cựu tổng thống thân Nga Yanukovitch bị lật đổ bởi những người biểu tình sành sỏi thân Mỹ và khối Liên Âu, để thay bằng chính phủ Ukraine hiện tại. Ngoài tất cả các chuyện này, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đã xuống tới mức thấp tối đa, bôi xấu cá nhân, những chuyện kể là riêng tư phòng the, mà ai cũng phải nhăn mặt, trừ trường hợp những người cuồng tín ủng hộ phía này hay phía kia. Với tất cả những tiêu cực này, những cử tri sẵn sàng đi bỏ phiếu chỉ còn thu lại là những người ủng hộ mỗi phe. Những thành phần có chút suy nghĩ, có quan điểm khách quan, mất hết hứng thú đi bầu, vì thấy không có ích lợi gì để chọn giữa một bên là lươn lẹo dối trá tham vọng là bà Clinton với một bên thô lỗ kỳ thị là Trump.
Giữa hai người thì cái đau là nằm ở phía bà Hillary. Vì sau bao nhiều tiền của công sức đổ ra cho bà cả chục năm nay để tô vẽ cho bà chắc thắng trong cuôc đua vào vị trí tổng thống Hoa kỳ, thì nay, khi thời gian còn không đầy một tháng, bà Hillary đã không còn thấy chắc ăn nữa. Bà đã phải cầu cứu đến cựu phó tổng thống Al Gore, người đã nổi danh là “tây gỗ” vì ăn nói vô duyên nhưng đã suýt nữa thắng ông Bush con nhờ phút chót đưa thượng nghị sĩ Mỹ gốc Do Thái Joe Liebermann vào đứng chung liên danh làm phó tổng thống. Sau cuộc thất bại này, ông Al Gore đã biết sức, rời bỏ chính trị, lặn sâu trong lãnh vực môi sinh. Al Gore đã 4 lần từ chối ủng hộ bà Hillary trong cuộc tranh cử, nhưng sau cùng, ngày 11 tháng 10, ông đã lên tiếng trong cuộc vận động cho bà Clinton ở Florida có chừng 1600 người tham dự, và phát biểu rằng “Hãy nghe tôi đi, mỗi lá phiếu đều đáng kể”. Ông Gore đến để kêu gọi những người cuồng nhiệt với bảo vệ môi sinh trong đảng Dân chủ. Nhưng sự nhạt nhẽo đã không thể tránh khỏi, khi ông Gore đứng cạnh bà Clinton đã hỏi “Có muốn cùng dơ tay lên không?” Bà Clinton đã trả lời “Có” Và như thế hai người nắm tay nhau dơ lên một cách quy ước của những nhà chính trị trên sân khấu để chào cử tọa. Phía bà Hillary đã quả thực phải dùng hết sức để vận động vào giai đoạn chót, mà cụ thể là bà Michelle Obama đã công kích vào cá nhân Donald Trump mạnh mẽ, cho rằng là ông nàykhông đáng làm tổng thống, vì những tiết lộ trên truyền thông về những tác phong tư thái của ông đối với phụ nữ.
Báo New York Times, tờ báo kể là có uy tín nhất nước Mỹ trong việc nhào nặn dư luận và đường lối chính trị Mỹ, đã chính thức ủng hộ bà Hillary Clinton. Tờ báo cũng tung lên tiếp theo một bài viết tường thuật lời tố giác của hai phụ nữ mà Donald Trump đã “bốc hốt”.
Một trong hai người là Jessica Leeds kể rằng cách đây 3 thập niên, bà là một thương nhân ngồi trên máy bay ghế hạng nhất cạnh Donald Trump. Hai người chưa từng biết nhau. Sau khi máy bay cất cánh 45 phút, Trump đã hạ vách để tay cách hai người xuống, bóp vú bà. Tiếp theo, Trump thò tay vào dưới váy bà, lần lên trên. Bà nói: “Tay ông ta ở mọi nơi. “Ông ta như con bạch tuộc”. Hỏi tại sao bà không nói với nhân viên máy bay thì bà đáp rằng trong thương giới thập niên 70 và 80, “đàn ông gạ gẫm đàn bà bất chấp mọi sự là thường tình. Và chúng tôi được dậy rằng “đó là do lỗi của chúng tôi”. Tiếp theo là thêm hai phụ nữ tố cáo Trump nữa, nhưng cũng chẳng ai có thể kiểm chứng đúng sai.Tất cả chỉ có tác dụng tăng cường hình ảnh Trump dâm đãng và coi thường đàn bà, nghe khoái tai những người chống Trump. Để thêm hiệu quả, giảm sự chê bai thiên lệch đối với Trump, phó tổng thống Biden đã phân biệt sự dâm đãng của Trump với cựu tổng thống chồng bà Hillary, là Clinton đã bị đem ra bãi nhiệm.
Dù sao người ta cũng thấy rằng sau khi chính thức ủng hộ Hillary Clinton “lá cờ đầu” truyền thông Mỹ là tờ New York Times truyền đi những bài như thế, và sự lên tiếng của Michelle Obama cũng như Biden, để mà đánh Trump túi bụi, thì tức là Hillary và hệ thống truyền thông ủng hộ bà từ nhiều năm nay không còn tin nhiều ở khả năng lôi kéo chung chung quần chúng của họ nữa. Câu hỏi ở giờ phút này sẽ là:
Ai thắng ai, Hillary hay Donald? Thật khó trả lời. Vì dân Mỹ trí nhớ ngắn, ít có thói quen suy nghĩ sâu xa về chính trị, cho nên kết quả tùy thuộc khá nhiều ở cảm tính quần chúng mỗi bên vào phút chót. Nhưng ai thắng thì cũng thế thôi. Nước Mỹ sẽ không có gì thay đổi nhiều. Với Hillary thì sẽ là mọi sự như cũ. Những người hy vọng bà Clinton cứng rắn hơn với Nga hay Tầu sẽ thất vọng, vì bà được nuôi dưỡng bởi cùng hệ thống quyền lực hậu trường không diện mạo (expressionless) đã ủng hộ bà và tổng thống Obama suốt cả chục năm qua. Với Donald thắng cử thì sẽ có một số thế lực tài phiệt mới, khác hệ thống đương quyền chút đỉnh, cùng với những ồn ào cảm tính từ những thành phần quần chúng kỳ thị bảo thủ. Nhưng mà trở lại chính sách kỳ thị trước thập niên 70 thì là điều khó xẩy ra. Và quyết liệt với Nga hay Tầu thì là điều bất khả.
Bởi vì phải nhận một điều rằng nước Mỹ về mặt nội trị cũng như ngoại giao không còn ở vị trí vững chãi ổn định như trước đây. Những dấu hiệu ta đã thấy rồi: Trong suốt quá trình tranh cử tổng thống Mỹ, ngay trên đường phố Mỹ, và trên chính tình thế giới, qua chuyện Syria, biển Đông, Bắc Phi, Liên Âu. Đặc biệt là chuyện nước đồng minh thân cận nhất là Anh rút khỏi Liên Âu bất chấp tổng thống Obama sang tận London khuyến cáo và cảnh báo. Người ta đã đổ cho sự yếu kém của ông Obama, một cách tội nghiệp, mà bỏ qua không nói tới bản chất chính tình Mỹ là ông Obama chỉ đóng trò diễn xuất khi tranh cử, còn sau đó là làm y theo thế lực đã đặt ông vào toà Bạch cung. Vì thế, ông Obama đã chẳng làm được bao nhiêu những điều hứa hẹn lúc tranh cử
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 14 tháng 10/2016)