Trong cộng đồng hải ngoại, chừng tuần lễ nay, tin và hình giáo dân Hà Tĩnh biểu tình chống đối hãng thép Formosa đã được phổ biến và bàn tán rộng rãi. Cuộc biểu tình này đã diễn ra ngày chủ nhật mồng 2 tháng 10, tức là 4 tháng sau khi tin cá chết hàng loạt trên bờ biển bốn tỉnh Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên vì nước thải từ nhà máy Formosa đổ ra biển. Giáo dân gồm trẻ con người lớn đàn ông đàn bà đã đi xe gắn máy từng đoàn chật cả đường lộ, mang theo biểu ngữ đến tụ tập trước bản doanh của hãng. Nhìn hình và các loại biểu ngữ nhiều người ở hải ngoại đã thấy rất sướng con mắt. Thí dụ “Yêu cầu chính quyền đứng về phía nhân dân, hãy bảo vệ nhân dân”. “Đừng đánh đổi tương lai dân tộc cho Formosa”; “đừng vì Formosa mà phản bội nhân dân”, vân vân và vân vân. Bởi vì theo các bản tin tường thuật và các hình ảnh, người ta thấy có “cành sát cơ động” ở trong đoàn biểu tình. Và không làm gì cả. Chưa kể rằng có ảnh người nữ cảnh sát cơ động, mặt mày trắng trẻo tươi tắn, trong một đám đội mũ bảo vệ đầu có 4 chữ CSCĐ, cầm một biểu ngữ “Hủy hoại môi trường là tội ác. Vì công lý hãy đứng lên đừng sợ”. Trước hãng Formosa là vô số quần chúng mang theo biểu ngữ và ngay cả cờ vàng trắng Vatican. Có nhiều người trèo lên bờ tường bao quanh hãng, trương biểu ngữ và vẽ khẩu hiệu lên tường. Có bản tin nói có những tiếng hô “Formosa cút đi”. Các bản tin loan số người tham dự biểu tình khác nhau từ hàng ngàn người, đến mười ngàn người, đến 18,000 người. Tuy nhiên, dù cho con số chính xác không rõ thì một điều chắc chắn có thể thấy qua hình ảnh và video, thì đây là một cuộc biểu tình lớn dưới chế độ độc tài VC, ở một vùng kể như là nòng cốt Cộng sản. Nòng cốt, vì ở vùng này, dân không từng tiếp xúc với ảnhhưởng của Tây hay của người quốc gia, trong suốt thời gian từ 1945 cho tới năm 1975. Cũng ở vùng này, người dân kể là vô cùng giáo điều quá khích nổi tiếng, và giáo dân thì thu gọn lại một nhóm, nằm yên thủ thân cho tới tận thời gian gần đây. Báo điện tử Dân làm báo, được biết là một tập hợp kết quả của sự tiếp cận của một nhóm chính trị hải ngoại với một số thành phần trong nước kể là bất đồng và theo Nguyễn Tấn Dũng, đã đặt tiêu đề bài tường thuật gay cấn là “Hà tĩnh nổi dậy, Formosa thất thủ, công an quân đội tháo chạy”. Bài báo đã nhắc lại lời linh mục Phê rô Trần đình Lai giáo xứ Đông Yên liên tục kêu gọi đấu tranh bất bạo động, mà bài báo mô tả là “điềm tĩnh, ôn hòa, nhưng cương quyết”. Cũng theo bài báo trên thì khoảng 10 giờ sáng công an đã bất ngờ ra tay đàn áp, nhưng người biểu tình đã “phản ứng quyết liệt khiến những kẻ đàn áp phải tháo chạy,” và “Thậm chí những viên công an còn kẹt lại hiện trường đã phải vội vàng cởi bỏ áo mũ để không bị nhận diện”. Bài báo có kèm theo hình ảnh hai công an đầu đội mũ bảo vệ, mình mặc áo may-ô ba lỗ. Không rõ những hành động đàn áp và phản ứng quyết liệt ra sao nhưng đã kéo dài không lâu. Đoàn biểu tình đã giải tán lúc khoảng 12 giờ.
Nghĩ thêm một chút nữa thì những khẩu hiệu chỉ là những phát biểu vừa phải, mang tính xin cho, chẳng có gì là đấu tranh. Xin đảng cứu dân thương dân. Mặt đấu tranh, nếu có đòi hỏi thì chỉ là đòi Formosa cút đi. “Xin cho” như thế thì xét cho cùng chẳng có gì phải cần đàn áp, giải tán. Để yên thì lại còn được tiếng là đảng và nhà nước sẵn sàng nghe dân. Cũng không thể nói là một nỗ lực của Công giáo dấy lên phong trào chống chế độ. Vì nếu thật sự muốn tạo tác động dây chuyền thì phải là có nhiều cuộc biểu tình ở các nhà thờ và giáo phận giáo xứ khác nhau khắp nước. Nhất là công giáo đã được biết đến là một tôn giáo lớn có tổ chức quốc tế, mà trung ương là ở Vatican. Một cách không phê phán thì có thể nói rằng đó là thái độ của vị linh mục cầm đầu và một số giáo dân thân tín.
Cuộc biểu tình này thật khác xa, so với cuộc biểu tình đông đảo kéo dài hơn, thời Nguyễn Tấn Dũng với những toán thanh niên đi xe gắn máy loại lớn, tấn công phá hủy các hãng xưởng Tầu và Nam Hàn vì coi thường và áp bức công nhân Việt Nam mà không thấy lực lượng an ninh trấn áp. Tuy không khí căng thẳng như vậy, nhưng đùng một cái, tất cả đi vào yên lặng khi Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng kêu gọi ngừng biểu tình. Khác xa cũng vì một bên ồn ào nóng bỏng với lửa cháy và đập phá, một bên thì cũng đông đảo nhưng trật tự như một cuộc biểu tình công chức, tập họp và giải tán êm ái sau vài tiếng đồng hồ. Nói cho rõ thì điểm giống nhau nổi bật là cả hai đã xuất hiện nhanh chóng và kể là bất ngờ, nhưng cũng rút lui nhanh chóng và bất ngờ không kém. Hình ảnh loan đi trên mạng điện từ cho thấy như là xem một cuốn phim Hollywood.
Những người từ xa, ở ngoài và mong cho chế độ độc tài VC sụp đổ, tất nhiên khi nhìn thoáng qua là thấy sung sướng. Vì không thể tránh khỏi suy luận rằng như thế là chế độ sắp chết đến nơi. Bởi “Dân không còn sợ nữa”. Điều đáng nói là có một số kẻ đã nhân cái phản ứng hứng thú tập thể này nhanh chóng đứng ra kêu gọi đồng bào hải ngoại quyên góp tiền cho những người gọi là đấu tranh trong nước dưới sự lãnh đạo của một ông linh mục có tên là Đăng Hữu Nam. Theo như kêu gọi của họ thì ông linh mục này đã thuê xe buýt chở người đi kiện Formosa đi đến tòa án nhân dân Kỳ Anh. Họ kiện vì thời gian qua, họ đã không thể ra biển bắt hải sản, đời sống lâm vào đói khổ khó khăn. Tổng số là 600 hồ sơ. Những người kêu gọi quyên góp đã lập ra một cái địa chỉ để gửi tiền thẳng về cho ông linh mục này qua ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Nghệ An. Những người kêu gọi thuyên góp chờ mong sẽ có được mấy trăm ngàn đô la. Tiền để giúp thuê xe buýt cho dân đi kiện và giúp cho dân có lều bạt che mưa nắng và cơm nước qua ngày trong khi tụ tập trước tòa án nộp đơn. Chuyện đấu tranh này bản chất là chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”. Ấy là chưa kể thật là vòng vèo. Bởi đơn giản đấu tranh xin cho như vậy thì chỉ việc có một vài cái bàn ở trong nhà thờ, hay tệ lắm là dưới cái bạt che ở góc sân nhà thờ, cho người tình nguyện ngồi giúp điền đơn cho dân rồi đem đi nộp. Đỡ tốn phí đỡ mất thì giờ và thực tế hơn nhiều. Khách quan mà nói, dựng lều nằm vạ đã xẩy ra từ nhiều năm nay ở Hà nội, và chẳng đi đến đâu. Tiếp tục bổn cũ soạn lại ở một góc Kỳ Anh chẳng có bao nhiêu hy vọng khác biệt. Người ta cũng nhớ nó đã từng xẩy ra với dân đòi bồi thường thỏa đáng cho tài sản bị chính quyền cướp đoạt ở quốc hội Sài gòn cách đây mấy năm. Lúc đó hòa thượng Thích Quảng Độ đã mang thực phẩm đến giúp đỡ tại chỗ và nhắc nhở mọi người rằng khổ nạn của họ cũng là của giáo hội PGVNTN và dân tộc đã và đang trải qua. Những người này đã bị nhanh chóng giải tán sau đó và hòa thượng Thích Quảng Độ bị cô lập hoàn toàn, không được ra khỏi Thanh Minh thiền viện từ đó. Bởi vì khi hòa thượng TQĐ chỉ ra chuyện trấn áp từng nhóm trong khung cảnh toàn dân như thế, thì là điều nguy hiểm cho chế độ. Nói khác đi thì cứu giúp từ thiện từng nhóm chẳng ích gì cho công chuyện chung. Có nhất tề phản đối về tình trạng cai trị thối nát khắp nước thì mới hy vọng có hiệu quả.
Do đó, đóng góp hay không theo những lời kêu gọi nhân dịp biểu tình chống Formosa là tùy mỗi người. Nhưng mà cũng phải nói rằng không tránh khỏi có nhiều người nghĩ về vô số lạm dụng đã xẩy ra trong các công việc từ thiện từ trước tới nay. Người ta còn nhớ có không biết bao nhiêu là những kẻ kêu góp bốc mộ người cải tạo, kêu gọi trùng tu nghĩa trang quân đội Biên hòa với những lời tạo cảm động như “một bông hồng cho người đã khuất”, hay là kêu gọi giúp thương phế binh...Tiền thu được thì nhiều, nhưng chi phí thì cũng bộn và tới tay các đối tượng thì như bọt nổi mặt nước.
Số cá chết quá nhiều không dấu được trên bờ biển miền Trung chẳng qua là kết quả của lối làm ăn giữa giới lãnh đạo quyền uy VC với tài phiệt Tầu. Theo tinh thần mà nói theo kiểu VC là “hai bên cùng có lợi”, nghĩa là bỏ tiền đầy túi, còn sống chết mặc bay. Chuyện này đã được khai thác bởi các nhóm quyền lực khác nhau trong chế độ, mà Nguyễn Tấn Dũng thực sự là có phần trách nhiệm quyết định quan trọng khi làm thủ tướng. Bởi vì ai cũng biết rằng trong cái chế độ này, thủ tướng ra chỉ thị từ việc to đến nhỏ: như phải điều tra chuyện đánh nhau trong quán chợ làng nọ, hay phải bỏ qua chuyện chửi nhau ở huyện kia. Cái phần trách nhiệm chủ chốt này không mấy ai nhắc tới trong vụ Formosa, vì Dũng đã mất chức, mà cũng vì phe phái của Dũng nhân cơ hội nhúa ra tấn công vào đương quyền mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.
Hãy để cho những đầu lãnh này đánh nhau. Nếu đã biết chẳng hơi đâu mà đi làm chuyện tầm phào, thí dụ như quyên góp tiền bạc giúp đỡ Đỗ Cường Minh bắn đồng đảng ở Yên Bái hay hoan nghênh che chở cho Trịnh Xuân Thanh nương náu ở hải ngoại, để gọi là khuyến khích những hành động phe phái VC giết nhau cho chế độ sụp đổ, thì cứ để yên cho quy luật tự nhiên tiến hành cái luật đào thải những sâu mọt của chế độ VC biến thái. Dính vào chỉ dơ tay bẩn chân.
Thạch Trung Ẩn
(ngày 4 tháng 10/2016)