Người sống ở miền Nam trước 30 tháng 4/1975 mà có đọc sách báo khi nghe nói đến chuyện ma quái thì không khỏi nghĩ đến Liêu trai chí dị cùa Bồ Tùng Linh. Những chuyện này thường ngắn ngủi, văn phong đơn giản kiểu kể chuyện, kết cấu đột ngột thú vị. Bồ Tùng Linh, gốc người Mông Cổ, trưởng thành ở giai đoạn nhà Thanh mới dựng, thông minh, 18 tuổi đổ tú tài, nhưng các kỳ thi sau chẳng đỗ đạt gì. Làm thầy giáo làng nghèo, đến 71 tuổi mới được bổ làm cống sinh, 75 tuổi thì chết. Liệu trai chí dị là những chuyện kỳ dị ông viết trong nhà nhỏ sơ sài thời kỳ làm thày giáo nghèo này. Tiến sĩ Vương Ngư Dưong làm quan thương thư đọc xong Liêu Trai chí dị đã cảm đề bằng một bài thất ngôn tứ tuyệt rất hay, đặt tên là Liêu Trai đề từ (1709) nhưng cũng không làm cho Liêu trai chí dị được phổ biến rộng rãi ngay. Bài đó như sau;
Liêu trai đề từ
Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.
Tạm dịch nghĩa:
Nói lời lảm nhảm (mà vui), nghe lời lảm nhảm (mà vui)
Mưa (đêm) dệt như màn mưa tơ trên giàn đậu giá dưa
Giọng đời đã chán ngấy không muốn nhắc tới nữa
Chỉ thích nghe quỷ dưới mộ mùa thu ngâm thơ.
Thi sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu phóng dịch thành
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
Một bản dịch khác sau đó là của nhà thơ danh tiếng Vũ Hoàng Chương là
Nói bứa bừa đây nghe bứa bừa
Dây dưa giàn đậu phới tơ mưa
Giọng đời chán ngấy người lên được
Tiếng quỷ mồ thu hát thấy ưa.
Toàn tập Liêu Trai chí dị tính ra gồm trên 400 thiên, nhân vật bao gồm đủ loại hồ ly, ma quỷ, trùng thú. Được coi là một tác phẩm văn học cổ đại nổi danh Trung quốc. Các nhà bình luận hàn lâm và nghiên cứu tháp ngà sau này phân tích cho rằng Liêu Trai chí dị là có tính cách chính trị (chống đối nhà Mãn Thanh). Nhưng đối với đại đa số quần chúng bình thường thì có lẽ tính cách lý thú giải trí hấp dẫn là bao trùm. Vì thế một số các chuyện này đã được chọn lựa ra dịch sang tiếng Việt từ đầu thế kỷ thứ 20 (1901). Một trong những dịch giả hiện đại là Nguyễn đức Lân, giáo sư toán trường trung học Chu văn An Sài gòn, Sau 30 tháng 4/1975 cảnh nhà thanh đạm lại càng khó khăn hơn, cho nên Nguyễn đức Lân đã ngồi dịch một số chuyện trong Liêu Trai chí dị, có thể để tìm quên mà cũng có thể hy vọng làm phương tiện kiếm cháo. Cố gắng này thất bại vì nay chẳng thấy dấu vết của những bài dịch này. Sự kiện này dễ hiểu trong cái giai đoạn chủ trương tịch thu và đốt sách của chính phủ mới, tự xưng là cách mạng.
Thời Mãn Thanh cuối thế kỷ 17 Bồ tùng Linh là một thầy giáo nghèo thất bại trong cuộc đời, sống trong gian nhà trống trải, viết Liêu Trai chí dị tìm quên trong thế giới ảo tưởng của mình với hồ ly ma quỷ và không có điều kiện phổ biến. Thời Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cuối thế kỷ 20, thày giáo toán Nguyển đức Lân ở trong căn nhà gỗ nhỏ 3mx10m với cái gác mái tôn khu Nguyễn Thiện Thuật, dịch Liêu Trai chí dị kiếm sống cũng không thành. Có người nghĩ phải chăng cái tên Liêu Trai chí dị gắn liền với nghèo nàn bất đắc chí? Không nói được. Vì cũng thấy truyện ngắn rất Liêu trai: “Oan hồn người đàn bà khát tình” của ToPa (ở Hòa Lan là một nước không kể là nghèo nàn lạc hậu).
**
Read more