Ông Mai Thái Lĩnh, trong bài viết "Ải Nam Quan Trong Lịch Sử (2)" trên trang mạng Talawas Blog ngày 7 tháng 8 năm 2009: ''Vào năm 1813, đại thi hào Nguyễn Du có dịp đi sứ sang Trung Hoa. Nhân đi qua ải Nam Quan, ông có làm bài thơ trong Bắc Hành Tạp Lục, trong đó có hai câu như sau:
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn lâm
Nghĩa là:
Hai nước đều nhau bởi mặt chiếc lũy lẻ loi
Một cửa quan oai hùng trấn giữa muôn quả núi
'Mặt chiếc lũy lẻ loi chia đều hai nước' mà Nguyễn Du nói đến chính là bức tường xây hai bên sườn núi, có cửa quan (tức Nam Quan) nằm ở giữa. Như vậy, có thể nói từ thập niên 30 của thế kỷ 16 cho đến khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, trong khoảng 3 thế kỷ rưỡi, đường biên giới ở vùng này được xác định ngay tại vị trí Nam Quan. Nó được đánh dấu bằng cửa ải và bức tường xây ở hai bên. Không hề có "Vùng đệm" hay "Hai cửa khẩu" như người thời nay thêu dệt" (hết trích).