THÁNG TÁM VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC (Phạm Diễm Hương)

Quý chiến hữu thân kính,

 Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã hy sinh vào ngày 28 tháng 8 năm 1987 tại Nam Lào. Trong trận đụng độ này, ngoài chủ tịch Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận còn mất một số chiến hữu lãnh đạo khác như chiến hữu Trần Thiện Khải, Chiến hữu Võ Hoàng và một số Kháng Chiến Quân...

Những tháng năm khó khăn sau biến cố Nam Lào: Tất cả chúng ta đã phải dằn nỗi đau mất mát quá lớn lao để tiếp tục đấu tranh, để từ chiến khu, từng đoàn quân Đông Tiến vẫn tiếp tục lên đường về nước, để ở hải ngoại các chiến hữu mình tận tâm tận lực phản bác, bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc của địch cùng những dèm pha cay nghiệt của một số người (đứng bên lề công cuộc đấu tranh), để bảo vệ chính nghĩa, để che chắn mọi tổn thương nhắm đến Anh Linh các chiến hữu đã hy sinh.

Chúng ta hãnh diện đã giữ gìn được thanh danh quý ch/h Tiên phong trong suốt 37 năm qua. Trong các buổi lễ Tưởng Niệm. chúng ta thường tuyên đọc phần tiểu sử ngắn của Thầy và của từng Kháng Chiến Quân. Bất giác tôi chợt lo, theo thời gian, thế hệ các ch/h trẻ sẽ không biết hoặc không còn nhớ phần đời rất thật, rất sống động và giá trị của các KCQ. Các KCQ dần mất hút, chỉ còn linh vị với bảng tên bên dưới.

Trong Khí Thiêng Tháng Tám năm nay 2024, tôi muốn mời quý ch/h cùng đi lại từ đầu, cùng gặp các KCQ lúc họ đang bước vào lịch sử như Võ Hoàng, như Trần Thiện Khải...
Hôm nay xin mời quý ch/h đọc lại bài viết về KCQ Võ Hoàng của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa viết năm 2001, là năm MT chính thức tuyên bố về những mất mát tại Nam Lào. Bài viết được đăng trong cuốn “Trên Đường Đông Tiến”, Việt Tân xuất bản năm 2007.

Phạm Diễm Hương

NHỚ VÕ HOÀNG. (Nguyễn Xuân Nghĩa)

Đáng lẽ, văn học hải ngoại đã có một tác giả độc đáo. Đó là Võ Hoàng.

Võ Hoàng

 Nhưng, anh không muốn vậy. Và định mệnh lẫn sự hẩm hiu của văn học thời loạn cũng chiều lòng anh. Võ Hoàng trở thành một kháng chiến quân đã hy sinh vào một ngày tháng Tám năm 1987. Tôi viết những giòng này để nhớ tới Võ Hoàng như một nhà văn và một người anh em...

Tôi gặp Võ Hoàng trước khi biết đến và gia nhập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, để rồi cùng anh tham gia tổ chức này. Gặp anh, tôi biết mù mờ rằng Võ Hoàng Oanh sinh năm 1952 tại Phú Quốc, gia nhập Hải quân và bị tù cải tạo. Mù

mờ vì anh em gặp nhau lúc đó thì có bao giờ hỏi han mấy chi tiết vớ vẩn về cuộc đời? Sau này mới biết rõ hơn và quý trọng nhau hơn. Qua Lý Khánh Hồng, tôi gặp Võ Hoàng khi mình mới từ bên Pháp đến Mỹ. Lúc đó, vào mùa Thu năm 1982, cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lôi Tam và Lý Khánh Hồng, Võ Hoàng thực hiện tạp chí và cơ sở xuất bản Nhân Văn. Thời đó, trong sự đổ vỡ chung của niềm tin lẫn nỗi hoang mang trên cõi tạm dung, Nhân Văn thực sự đã có những đóng góp không nhỏ về cả mặt văn học lẫn lý luận.

Vào năm 1982, chúng tôi gặp nhau ở đó cùng một số văn hữu khác và tôi giật mình ở con người Võ Hoàng. Anh ít nói, thường có cái vẻ miễn cưỡng của người hiện diện ở một nơi không nên. Anh có cái vẻ miễn cưỡng của kẻ đã lỡ sống sót sau một thảm kịch lớn cho những người kia, những người không may đã khuất.

Nói về cái tên Oanh của anh, chúng tôi luận bàn về hai chữ chiến tranh và hòa bình. Tên anh không có cái nghĩa lãng mạn của một giống chim, mà là tiếng chuyển động ầm ầm. Của xe nhà vua như tôi nói đùa, hoặc, nói trong tiếng cười kín đáo của Võ Hoàng, tiếng chiến xa. Võ Hoàng là người kỳ tài trong số những người tôi đã được gặp. Viết ra điều mình đã nghĩ từ bao lâu nay, tôi lại thấy ngậm ngùi.

Anh viết Trong lòng cách mạng để ghi lại kỷ niệm ở quê nhà, những điều mắt thấy, tai nghe (và cả tay làm) sau ngày 30 tháng Tư 75. Anh vượt biên năm 1978 đến Úc sau khi đã lao vào hoạt động mệnh danh "Phục quốc" ở quê nhà: tù cải tạo ra, anh đi rải truyền đơn cho tới khi bị truy lùng thì phải chạy. Đọc Trong lòng cách mạng, người ta có thể lờ mờ đoán ra điều đó. Qua Góc bể bên trời, Võ Hoàng viết về chuyến vượt biên ly kỳ của mình thì ít mà về thân phận lưu đày của chúng ta thì nhiều. Đọc tác phẩm, ta càng hiểu đứa con của Phú Quốc là tay đi biển thành thạo, và càng thấy ở Võ Hoàng những dấu hiệu của một tài năng lớn, mà có lẽ anh cũng chẳng biết, hoặc bất cần. Ở anh, chỉ thấy toát ra một sự cô đơn.

Hai tập truyện Măng đầu mùa và Đất lạ viết cùng Tưởng Năng Tiến có thể phản ảnh những trăn trở đó của anh khi phải sống đời tỵ nạn. Thân ở đây mà hồn cứ như ở nơi đâu xa lắc. Gia đình anh vượt biên sau anh. Anh mừng vì đoàn tụ với gia đình nhưng vẫn bơ vơ vì chưa đoàn tụ với quê hương. Thấy gia đình tới nơi yên lành rồi thì Võ Hoàng thở ra nhẹ nhõm: đã có thể lại lao vào cuộc khác, để trở về.

Võ Hoàng có lối viết của một nhà văn miền Nam, với cái nhìn sắc bén thâm trầm của người miền Trung. Hãy đọc lại cuốn truyện dài Góc bể bên trời, hoặc truyện ngắn Khách thập phương trong tập truyện Đất lạ, cái đoạn mô tả cảnh một vị sư rót ra ba chung trà xếp thành hình chữ "phẩm" để mời khách, thì ta sẽ thấy nét tinh tế đó trong văn Võ Hoàng. Lối viết với đầy đối thoại, cứ tưởng như rời rạc, nhát gừng, mà bên trong đầy ắp những suy tư chỉ chực trào ra ngoài, những cuồng nộ không thể nguôi ngoai và sẽ bùng ra thành hành động.

Võ Hoàng thạo nghề sông nước, rất giỏi võ, khéo tay, có thể làm thợ nề thợ mộc như đã học từ bé. Anh vẽ thần sầu, làm thơ cũng hay mà viết nhạc cũng giỏi. Những anh em làm báo mà có Võ Hoàng bên cạnh là thấy nhẹ người: anh có thể cưa đẽo nhà dưới làm kệ sách rất mỹ thuật, rồi lên nhà trên giúp cho tờ báo về mọi mặt. Nơi này cần cái vignette là anh ngoáy bút ra một cái, nơi kia cần "mi" lại cho chỉnh, thời đó chúng ta chưa dùng chữ lay-out, là cũng có Võ Hoàng. Thời đó nữa, chúng ta còn phải dùng cái máy "Varytyper" nặng như cái cùm, in bài ra giấy còn phải lấy bút bỏ dấu, Võ Hoàng bỏ dấu rất gọn. Anh ít nói, bập bập điếu thuốc sau cặp kính hấp háy, nhưng khi nói là có giọng duyên dáng mà không ác, và làm gì cũng có vẻ như sợ làm phiền người khác. Võ Hoàng là người cực kỳ tài hoa mà lúc nào cũng có vẻ vụng về, nếu ta không để ý thấy đôi mắt rất sáng của anh. Anh nói ít mà hiểu nhiều bên sau cái dáng quê kệch của người mới ra tỉnh. Anh chí tình và tận tụy với trách nhiệm, bất kể lớn nhỏ. Ông Hoàng Cơ Minh sau này trông cậy rất nhiều nơi anh là cũng phải.

Chúng tôi kết bạn với nhau như vậy, cho tới ngày Võ Hoàng gia nhập Mặt Trận và thôi gọi nhau là anh em mà là "chiến hữu". Anh đã tìm được con đường muốn đi ngay từ khi bỏ nước ra đi. Đó là con đường về. Võ Hoàng trở thành "kháng chiến quân" khi đi vào chiến khu của Mặt Trận từ tháng Năm, năm 1984. Gặp lại anh sau đó, trong một vài lần hãn hữu và không khí kém vui của một sự rối loạn bên trong, tôi gặp một con người khác.

Bắc Phong có viết một bài thơ tặng Võ Hoàng, trong đó có câu mà chúng tôi nhớ mãi:
Đi, hành trang có niềm tin,

Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con.
Sau này, rất lâu sau này, vào tháng Sáu năm 1989, khi đi tới tận cùng của chiến khu để tìm lại tông tích của anh, tôi gặp lại và đi lại con đường anh mô tả trong bài ca Thế kỷ này là thế kỷ của chúng ta mà anh sáng tác trong đó:
Cách mạng, đường dài,
Người đi như con nước miệt mài.
Đổ mồ hôi thành dòng,
Loang theo dấu chân thành những con đường làm nên kháng chiến,
Ta đi, ta đi, ta đi...

Con đường đó vô cùng gian nan, nguy hiểm, và đòi hỏi một ý chí sắt thép, mà đổ mồ hôi thành dòng mới chỉ là một phần rất nhỏ của những gian truân. Phần còn lại, trên đoạn đường Mặt Trận gọi là "Đông Tiến", mới có những đòi hỏi khắc nghiệt hơn, kể cả đổ máu. Võ Hoàng đã hy sinh như vậy, trong một cuộc quần thảo bi thảm mà hào hùng ít ai có thể mường tượng ra.

Vào chiến khu của Mặt Trận, Võ Hoàng trở thành một người cộng sự thân tín của ông Hoàng Cơ Minh. Anh thoát xác đến anh em Nhân Văn và cả tôi, những anh em chí thiết khi anh chưa gia nhập Mặt Trận, cũng không ngờ nổi. Tinh thần kỷ luật nơi đó biến anh thành con người khác, bình thản, nhẫn nhục và lầm lỳ như một mũi tên chỉ chực bắn ra phía trước. Mũi tên bay đi không nhờ lực đẩy ở đằng sau, mà vì sức hút của mục tiêu ở đàng trước, một mục tiêu mà mọi người chúng ta đều mơ ước.

Khi Võ Hoàng viết một lá thư kêu gọi các văn hữu cùng tham gia vào việc đấu tranh, rất nhiều anh em ngoài này không hiểu được tâm tư và ý chí đó của anh, nên có thể thấy ngỡ ngàng, có khi khó chịu. Anh sắt thép quá, trông chờ nhiều quá, chỉ vì

đòi hỏi quá nhiều ở chính anh. Và cái đòi hỏi sau cùng, là sự hy sinh tuyệt đối nhất, anh cũng không từ nan. Nếu có đọc lại hoặc nhớ lại lời kêu gọi đó của Võ Hoàng, vào mùa Thu năm 1984, và biết rằng anh sẽ hy sinh đúng ba năm sau, chúng ta sẽ thông cảm với anh hơn, và thương tiếc nhiều hơn. Hình như tôi đang viết những dòng này để kêu gọi sự thông cảm đó.

Nếu như Võ Hoàng còn sống, và trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, chắc chắn anh vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng với những phương tiện mới trong một phương thức mới, một phương thức đòi hỏi sự sáng tạo, linh động và tính kiên nhẫn lẫn bao dung mà anh có thừa. Và văn học hải ngoại chắc chắn vẫn có Võ Hoàng.

Nếu đất nước ta thanh bình, điều chưa hề có từ bao lâu nay rồi, một con người tài hoa và lý tưởng như Võ Hoàng có lẽ đã cống hiến rất nhiều cho văn học và nghệ thuật nước nhà. Với sức làm việc kinh hồn và óc nhận xét tinh tế cùng khả năng diễn tả rất đa diện, Võ Hoàng đã có thể là một nhà văn có ảnh hưởng trong chúng ta ở nơi đây. Anh mất quá sớm, khi mới 35 tuổi, vào lúc sung sức nhất, sáng tạo nhất, để lại một sự tiếc thương khó nguôi ngoai trong bằng hữu, và một tiếng thở dài bất tận trong chúng ta, về hai chữ vận nước.

Chúng ta phung phí quá nhiều người tài giỏi như vậy, trong bao nhiêu năm trời, trên cả hai miền đất nước, ra tới bên ngoài này... Nghĩ vậy, làm sao mình không khỏi nghiến răng phẫn hận?

 Ngày 8 tháng Tám, 2001

NxN

THÁNG TÁM VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC (Hành Tư)

Thung lũng nở đầy hoa vàng mùa Hè 1983. Anh em đón anh tại tòa soạn báo Kháng Chiến có đôi chút ngỡ ngàng. Người đứng đầu trách nhiệm tuyên vận của tổ chức lại trẻ đến như vậy. Nắng mưa khu chiến không thể làm mất làn da trắng thư sinh của anh. Lúc mới 24 tuổi, anh là sinh viên du học tại Nhật và là chủ tịch hội Người Việt Tự Do ngay sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, đã làm đại diện Việt cộng ở Nhật thời bấy

giờ mất ăn mất ngủ bởi những cuộc biểu tình rầm rộ. Lúc 30 tuổi, anh rời Nhật trở về chiến khu.

Lần đó, từ chiến khu trở ra hải ngoại, một trong những công tác của anh là ổn định báo Kháng Chiến đang trong thời kỳ phôi thai. Những ngày làm việc với anh em, anh đã để lại nhiều cảm mến và tâm phục. Anh cẩn thận xem mỗi bản tin, từng bài vở. Anh ngồi chung với anh em dán từng địa chỉ độc giả, gói từng thùng báo gửi đi xa. Một chuyện không thể quên được là sau một buổi họp mới biết anh đã lên cơn sốt rét mà vẫn ngồi họp cùng với anh em cho đến cuối giờ. Mới biết nghị lực của anh lớn chừng nào.

Anh, từ những biến cố tháng 7 năm 1987, từng giữ trách nhiệm cao nhất tại chiến khu. Từ năm 1990, chính quyền Thái có những thỏa thuận "hòa bình" với Cộng sản Việt Nam. Khu chiến Việt Nam gặp nhiều trở lực. Ngày 15 tháng Giêng năm 1991, một viên chức Thái đưa anh đến vùng biên giới và anh mất tích từ đó.

Tên anh là Ngô Chí Dũng.

------

Anh gò lưng trên bàn lay-out trong một ngày tất bật của tòa soạn báo Kháng Chiến. Dáng anh tận tụy, thêm hai gọng kính cận dầy cộm làm anh già hơn tuổi. Anh em luôn thấy dáng tận tụy của anh trong khi làm việc, dù việc lớn hay nhỏ. Vậy mà năm rời chiến khu trở về Hoa Kỳ công tác, anh mới 32 tuổi.

Dù thời gian anh công tác ở hải ngoại không lâu, anh không để

phí thời gian, dù là có thể dành một chút thì giờ với vợ con. Biết báo Kháng Chiến sắp đến ngày in, anh đến thăm và "xin" giúp việc lay-out. Mục lịch sử nói về anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và cần một hình chân dung. "Chuyện dễ ợt!",anh cười nói với anh em và dùng ngay mực bút của tòa soạn thoáng vài nét là có hình vẽ chân dung Đề Thám thật linh động. Mới thấy tài hoa của anh. Anh em lại "tham" hơn anh nghĩ. Thế là anh đã ngồi dùng bút mực vẽ thêm hơn mười chân dung anh hùng dân tộc khác để anh em sử dụng trong những số báo sau. Vậy đó! Với anh, chuyện nào cũng "dễ ợt". Vì thế, với anh, chuyện đi đấu tranh "dễ ợt" vậy mà không chịu làm, mới lạ!

Anh, từng là nhà văn ở hải ngoại với nhiều chuyện ngắn nổi tiếng. Anh, tác giả bài hát "Thế Kỷ Này Thế Kỷ Chúng ta" từng vang lên trong rừng núi chiến khu. Anh, từng giữ trọng trách Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Sĩ Kháng Chiến, đã để lại vợ con ở hải ngoại để trở về khu chiến. Trong một chuyến xâm nhập vào đất mẹ Việt Nam, đoàn quân của anh đã giao tranh đẫm máu với lực lượng đông đảo của Cộng quân. Một trái pháo của giặc đã phủ chụp bên anh. Anh hy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1987.

Anh tên là Võ Hoàng.

-----

Đó là một buổi sáng rất sớm tại tòa soạn báo Kháng Chiến. Anh ngồi trên bàn đọc một tập thơ do Đông Tiến xuất bản. Mới 5 giờ sáng. Trong chuyến công tác ở hải ngoại, anh ghé thăm anh em và ở lại đêm chuyện trò. Tòa soạn im lặng khi anh em phụ trách còn đang ngủ say. Tập thơ Bắc Phong làm anh say mê đọc từng trang một."Đi, hành trang có niềm tin. Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con". Một câu thơ làm mắt anh cay cay. Ngày anh rời hải ngoại về chiến khu đấu tranh chỉ mang theo hình đàn con nhỏ.

Một anh em dậy sớm nhất đã giật mình khi thấy anh ngồi lặng lẽ dưới ánh đèn bàn được vặn nhỏ. Anh cười và còn nói vui là đã không dám di chuyển mạnh sợ đánh thức anh em. Anh nói đã quen giờ thức dậy ở chiến khu nên ra ngoài này cũng khó ngủ thêm được.

Anh, từ một nhà giáo trở thành một sĩ quan can trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3, 1975, anh bị Việt cộng bắt nhưng trốn thoát trở về nhà cùng gia đình vượt thoát sang Mỹ. Anh, cùng với những người có lòng gây dựng nên cộng đồng người Việt tại tiểu bang Hawaii. Và muốn đi đến tận cùng của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, anh đã trở về chiến khu và trong những ngày tháng bi hùng của tổ chức, anh đã đảm nhiệm trách vụ hàng đầu của Lực lượng võ trang kháng chiến.

Ngày 28 tháng 8 năm 1987, khi bị giặc cộng vây ở Nam Lào. Bị thương và không muốn sa vào tay giặc, anh tuẫn tiết ở rừng Nam Lào.

Tên anh là Nguyễn Trọng Hùng.

-----

Mùa Hè năm 1984, tòa soạn báo Kháng Chiến đón một khách quý. Ông từ chiến khu trở ra hải ngoại công tác. Dáng người ông nhỏ nhắn nhưng vẻ mặt cứng rắn, quả quyết của một quân nhân từng vào sinh ra tử với sư đoàn nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa. Ngày ông đến thăm, đặc biệt để gặp anh em phụ trách cơ quan ngôn luận của tổ chức và cũng để gặp một phụ nữ cũng rất đặc biệt, đó là nhà văn Trùng Dương. Ông đề nghị mọi người ngồi dưới sàn để chuyện trò thoải mái hơn. Ông sống bình dị vô cùng.

Ông từng giữ chức vụ Trung tá Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Theo lời kể của Bác sĩ Trần Đức Tường, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, khi căn cứ bị cộng quân tràn ngập, ông đã yêu cầu pháo binh bắn trên đầu mình. Một vị bác sĩ phải kéo người lính truyền tin chạy xuống đồi làm đứt dây ống nói, ông mới chịu rời vị trí. Ông "là con người như vậy, dũng cảm, gan dạ, sống chết với đơn vị, thà chết vinh hơn sống nhục".

Sau khi cùng gia đình vượt thoát sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tiếp tục tìm người đồng tâm đấu tranh chống Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông đã cùng nhiều người yêu nước trở về chiến khu.

Nói về "chiến khu", ông chia sẻ với nhà văn Trùng Dương: "chiến khu là nơi xảy ra những công tác tuyên vận, móc nối, hay những nơi huấn luyện, có thể là một bờ kinh, một góc vườn, một con đò giữa sông, ở dưới một tán bần hay cạnh một gốc dừa... Có thể nói không ngoa rằng chiến khu ở trong lòng mọi người dân. Còn nếu quan niệm rằng chiến khu là một doanh trại, có nhà cửa khang trang, với đây là chỗ ngủ, kia là phòng ăn, sân tập họp, bãi bắn... thì chúng ta không có chiến khu".

Đó là một trong những quan niệm mới của đấu tranh giải phóng.

Ông, từ một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trở thành Tư lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến. Đau đớn thay, ông

đã nằm xuống trong rừng núi chiến khu vì cơn sốt rét ác tính, vào ngày 1 tháng 5 năm 1985.

Ông tên là Lê Hồng.

-----

Năm 1985, ông rời chiến khu trở lại Hoa Kỳ để ổn định công việc điều hành tại hải ngoại. Trong một phiên họp bất thường, ban chấp hành hải ngoại đã quyết định họp tại tòa soạn báo Kháng Chiến. Vì số người đông so với phương tiện của tòa soạn, đêm về, ông đã ngủ dưới sàn nhà cùng với tất cả ban chấp hành. Mà nhớ đến nhân cách làm tướng của tác giả "Hịch Tướng Sĩ" Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Chủ-tướng như ruột thịt, như anh em. Một thời là tướng hải quân Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, người "Anh Hai Thủy Bộ" này đã từng đích thân vào chốn hiểm nguy để giải cứu đồng đội. Ông thương lính của ông như ruột thịt. Nhân cách ông không hề thay đổi. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người đã luôn theo ông vào chốn khốn khó, hiểm nguy nơi khu chiến và không muốn ở hải ngoại công tác dù có cơ hội.

Tháng 6, 1987, ông rời hải ngoại trở về chiến khu với một kế hoạch xâm nhập quốc nội. Ông đến tòa soạn báo Kháng Chiến thăm các chiến hữu của mình. Dù nét mặt ông luôn anh nhiên, bình thản trước mọi thử thách nhưng anh em biết chuyến đi của ông lần này sẽ gặp nhiều gian nguy. Ông biết điều đó. Ông nói chuyến đi lần này sẽ lâu và ngày gặp lại có lẽ sẽ khá lâu. Ông nói đến chữ "Tâm" và chữ "Tin". Luôn vững tâm và tin tưởng mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Ông bắt tay từng người, rất chặt.

Tháng 7 năm 1987, ông quyết định dẫn một đoàn kháng chiến quân băng qua lãnh thổ Lào để trở về quốc nội.

Trong thời gian đầu của chuyến đi, đoàn quân đã không gặp nhiều khó khăn, mặc dù có những trận đụng độ với bộ đội Lào cộng và bộ đội Việt cộng đóng trên xứ Vạn Tượng nhưng không đáng kể. Tuần lễ đầu tháng 8/1987, khi đoàn quân gần đến biên giới Lào Việt nằm về hướng Ðông tỉnh Attopư thì bắt đầu đụng độ khá nặng với lực lượng biên thùy của Việt cộng. Trong trận đụng độ này, một số kháng chiến quân đã bị bắt. Do sự khai báo của một vài kháng chiến quân, lãnh đạo Việt cộng biết được sự hiện diện của ông trong đoàn quân, nên đã huy động bộ đội lên đến cấp Trung đoàn bủa vây và dùng cả trực thăng để quan sát, dùng pháo binh để truy kích với mục tiêu là bắt sống ông. Sau hơn hai tuần lễ cầm cự và giao tranh dữ dội, nhiều kháng chiến quân đã hy sinh, và ông cũng đã bị thương.

Ðến ngày 27/8/1987, đoàn quân kháng chiến bị vây trên một ngọn đồi. Lãnh đạo Việt cộng xua quân tấn công nhiều đợt lên đồi để cố bắt sống ông. Mặc dù các kháng chiến quân chiến đấu rất anh dũng, nhưng quân ít, đạn thiếu, không sao thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Trong hoàn cảnh đó,đêm ngày 27/8 rạng sáng ngày 28/8, ông đã tập trung anh em lại dặn dò lần cuối. Ra lệnh cho những ai còn khỏe thì cố gắng tìm đường thoát khỏi vòng vây, ai không đi được thì ở lại tử thủ. Những người còn khỏe không ai chịu rời bỏ người chủ tướng, không ai muốn rời bỏ anh em. Trong cái không khí bi hùng u uất đó, pháo đạn như đã xiết lại gần hơn, vậy mà những người nghĩa dũng vẫn vây chung quanh người chủ tướng. Mọi người đều

khóc. Dù bị thương, ông vẫn nói đến tiền đồ dân tộc, đến đại cuộc giải phóng đất nước. Khó mà tưởng tượng ông nhắc đến hoàn cảnh bi tráng mà người anh hùng dân tộc Lương Ngọc Quyến đã trải qua trong cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917. Ông Lương Ngọc Quyến đã tự sát để các nghĩa quân không vướng bận khi phải tháo lui. Chính vì hiểu điều này, các kháng chiến quân còn khỏe mạnh đã rời khỏi ngọn đồi.

Ông đã ra lệnh cho các kháng chiến quân mở đường ra khỏi vòng vây, trong khi ông và một số chiến hữu bị thương ở lại bắn để chặn đường. Lúc đó, cộng quân tấn công dữ dội. Vì không muốn sa vào tay giặc, ông đã rút khẩu súng phòng thân ra khỏi vỏ. Không biết ông đã nghĩ gì trong khoảnh khắc bi hùng ngắn ngủi đó. Tiếng súng nổ đã vang lên trong núi rừng Nam Lào trước sự chứng kiến uy nghiêm của những chiến hữu còn lại. Mọi người đã qùy xuống lạy vị chủ tướng đáng kính, và rồi sau đó nhiều tiếng súng ngắn tiếp tục vang lên như xé trời tang.

Ông tên là Hoàng Cơ Minh.

----

Họ là những kháng chiến quân của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Những người đã từ bỏ sự nghiệp, rời xa mái ấm gia đình, quên đi hạnh phúc cá nhân để trở về khu chiến Dựng Cờ Chính Nghĩa. Họ đã chứng minh sự tiếp nối truyền thống hào hùng yêu nước và cứu nước của Tổ Tiên Việt Nam.

----

Bài viết này được ghi lại từ kỷ niệm của một đoàn viên từng có cơ hội công tác với báo Kháng Chiến và có duyên may mắn được gặp năm kháng chiến quân kể trên. Người viết xin được ghi lại như một nén hương lòng tưởng kính đến tất cả những người Việt Nam đã quên thân mình và hy sinh trên con đường mang lại Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam.

Hành Tư