Ảnh chụp các kháng chiến quân Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam trong chiến khu.
Thanh niên hải ngoại tuyên thệ gia nhập vào tổ chức Mặt Trận.
Cố Chủ Tịch Hoàng Cơ minh phát biểu trước Đại Hội.
Một số các chiến hữu Mặt Trận chụp ảnh kỷ niệm trong một buổi họp cơ sở.
Tuệ Vân
Đoàn văn nghệ kháng chiến Đông Nam Hoa Kỳ thập niên 1980s.
Cố Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh và Bác sĩ Trần Xuân Ninh chụp chung với đoàn văn nghệ kháng chiến Houston.
Có những nỗi nhớ sẽ nguôi ngoai theo thời gian, nhưng có những ký ức sẽ không bao giờ mất đi trong lòng người. Những ký ức đó chắc hẳn là những ký ức trong sáng đủ cho lòng người có lại những xúc cảm, bồi hồi, hạnh phúc khi nhớ về. Những ký ức kiểu như của thời học sinh. Thời đi học đúng là là thời gian đẹp nhất. Khi đó giữa tình bạn đã không có những so đo tính toán, ganh đua hơn thiệt, hại người. Chỉ đến khi bước vào đời sống phức tạp, bị xã hội điều kiện hóa, thì tình cảm giữa con người mới dần thay đổi vì đã có sự xen vào của lợi danh quyền vật chất.
Thập niên 1980s, sau khi vượt qua muôn ngàn giông tố, nguy hiểm trên đại dương, một số người Việt Nam đã đến được bến bờ tự do, thấm thía thân phận tiểu nhược của người tỵ nạn. Thấy và cảm được nỗi đau khổ, lầm than của người dân trong nước dưới chế độ độc tài vong bản của chính quyền Bắc Việt. Trong số những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam trên khắp thế giới đó, đã có một số người đến với nhau trong tổ chức Mặt trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) dưới sự dẫn dắt của cố chủ tịch Hoàng Cơ Minh. MTQGTNGPVN là một trong những tổ chức cách mạng đầu tiên tại hải ngoại chủ trương đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bạo quyền cộng sản.
Những ngày tháng đó là những ngày trong sáng nhất trong đời tỵ nạn của các thành viên thuộc MTQGTNGPVN. Những thành viên của MT, bỏ qua những nỗi nhọc nhằn của đời sống tỵ nạn, đã đến với nhau bằng trái tim, bằng lý tưởng. Từ tổ chức, các thành viên của MT đã thấy được tình người vô vụ lợi, tất cả mọi đóng góp đều hướng về dân tộc và đất nước. Có những thành viên MT cả gia đình tham gia kháng chiến. Những ngày tháng đó với thành viên MT là những ngày tháng vất vả nhưng đầy hạnh phúc. Có các thành viên MT ban ngày thì phải đi làm, đi học, nhưng chiều tối về thì lại tích cực tham gia các công tác đấu tranh gây quỹ cho quốc nội, với sự ủng hộ của cả gia đình.
Tình nguyện trở về đấu tranh tại quốc nội dưới sự lãnh đạo của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh là các kháng chiến quân MT, nhiều người là các cựu quân nhân như Lê Hồng, Trương Ngọc Ny, Nguyễn Trọng Hùng, Phùng Tấn Hiệp, hay những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, lãnh đạo sinh viên như Trần Hướng Việt, Trần Thiện Khải, Võ Hoàng, Ngô Chí Dũng, là các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hải ngoại có thể dựa vào mảnh bằng để có một công việc khả dĩ đem đến cho họ một đời sống ổn định. Nhưng tất cả đã chọn lựa sự trở về, chọn lựa lý tưởng của hai cái đích như cố Chủ Tịch MT Hoàng Cơ Minh đã tuyên bố: “Một là Giải Phóng Tổ Quốc. Hai là Đền Nợ Núi Sông”.
Những người ở lại hải ngoại trong khi đó thì đã hăng say đóng góp vào các công tác hậu cần, tạo nguồn tài chánh để cung cấp lương thực, vũ khí, thuốc men cho tiền tuyến. Trong đó có Bác Sĩ giải phẫu Trần Xuân Ninh. Thay vì làm bác sĩ giải phẫu toàn thời, Bác sĩ Ninh đã chọn lựa làm việc bán thời ở Chicago, thời gian còn lại dùng cho việc gặp gỡ các chính khách trên thế giới, vận động họ ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa cho Tự Do Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam, họp tham mưu với Trung Ương MTQGTNGPVN, hay hiện diện tại các cơ sở MT trên thế giới trong các buổi học tập, các sinh hoạt phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc lấy ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh, vận dụng quần chúng tham gia ủng hộ kháng chiến qua các Đại nhạc hội gây quỹ đấu tranh vân vân…
Quên bản thân, chung một tấm lòng, đến với nhau trong giao điểm tình yêu quê hương và đất nước. Người trở thành kháng chiến quân trở về nước đấu tranh hay người ở lại làm công tác yểm trợ kháng chiến, tất cả các thành viên MT thời đó đều mong muốn cho đất nước có điều kiện phát triển giầu mạnh trong một thể chế nhân quyền, tự do, dân chủ. Tuy nhiên trời đã phụ lòng người. Đoàn kháng chiến quân Đông Tiến khi trên con đường xâm nhập vào Việt Nam đã bị cộng sản Việt Nam và cộng sản Lào bao vây, tiêu diệt tại Nam Lào vào ngày 27 tháng 8 năm 1987.
Các kháng chiến quân MT nằm xuống, tổ chức MTQGTNGPVN đã giải tán vài năm sau đó. Những thành viên của MT mỗi người đã chia tay và đi theo chí hướng cá nhân. Nhưng rõ ràng là vào tháng tám mỗi năm, nhớ về đoàn quân Đông Tiến, thấy lại một phần đời lý tưởng của mình, lòng các cựu thành viên MT không khỏi trầm xuống trong sự bồi hồi trân kính, yêu thương và xúc động.
Nhân tháng tám kỷ niệm Đông Tiến, một nén hương lòng xin trân trọng hướng đến những anh hùng Mặt Trận đã vị quốc vong thân,
Tháng tám 2024.
Tuệ Vân