Khí Cốt Quên Mình -Trần Xuân Dũng-

Do không còn được Hoa Kỳ viện trợ  súng đạn kể từ 27-1-1973, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã  bị đẩy dần vào cái thế không thể nào tự vệ được nữa trước sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt

Tháng 3-1975 Miền Trung mất dần, rồi đến miền Nam.

Xin mời đọc giả xem phong thái tiêu biểu của  một số Y Sĩ trong những ngày đó, tại một số đơn vị.

 1.Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng.

 Trong những ngày cuối tháng 3-1975, Đà Nẵng trong một  tình trạng kinh hoàng. Đã có  thể hơn cả 100.000 người chạy từ Quảng Trị và Huế vào. Người ở Đà Nẵng cũng đang cuống cuồng chạy đi. Bằng bất cứ phương tiện nào. Dân  dùng những phương tiện dân sự như tầu  buôn, thuyền. Lính dùng phương tiện của quân đội như máy bay, tầu chiến, xuồng máy v.v.. Rồi tới mức, lính và dân không còn phân biệt nữa. Dân cố leo lên tầu lính, và ngược lại, lính xuống cả thuyền đánh cá, ghe  nhỏ  của dân. Các đơn vị tan rã vì không còn bom đạn để xử dụng.

Ngay cả vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn cũng không còn  một toán quân nhỏ  trong tay. Trong lúc mọi người chỉ còn lo chạy, không ai có thì giờ lo cho người khác, thì Y Sĩ Trung Úy Bạch Thế Thức, lại chỉ đứng trong  phòng mổ,  chuyên  tâm giải phẫu chữa trị cho  những  người bị thương, bất kể là lính hay là dân.

Một người bạn cùng lớp là Bác Sĩ Ngọc, thấy tình trạng cấp bách, rủ Bác Sĩ Thức  bỏ hết đi, để cùng chạy. Bác Sĩ Thức từ chối, khiến Bác Sĩ Ngọc phải phát khóc, vì nghĩ khi vào tới Sài Gòn sẽ không biết nói sao với vợ của Bác Sĩ Thức là Bác Sĩ Thúy San đang có đứa con đầu lòng được bốn tháng.

Bác sĩ Thức kể lại:

-Tôi làm việc thâu đêm. Vừa xong một ca mổ trở xuống phòng cấp cứu đã ba giờ sáng, gặp một bệnh nhân bị thương ở bụng đã hai ngày và rõ ràng đã bị viêm phúc mạc (péritonite), tôi đưa bệnh nhân lên phòng mổ và quyết định mổ ngay. Nhóm y tá làm việc với tôi đêm đó than phiền: "Bác sĩ bắt chúng em làm việc nhiều quá, ai cũng mỏi mệt kiệt lực hết, ngày trước các Bác Sĩ Phạm Hà Thanh, Nguyễn Quang Huấn... họ có phải làm việc nhiều như thế này đâu?". Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi họ đem tên tuổi của các đại huynh trưởng ra hù họa tôi, nhất là thời các vị đó làm việc ở đây, chiến tranh đâu đã khốc liệt như bây giờ. Tôi trả lời với họ rằng chính tôi, tôi cũng đã mệt mỏi vì tôi đã làm việc không nghỉ từ sáng hôm qua. Nhưng đây là việc cần phải làm, chúng tôi phải làm ngay và tôi hỏi lại họ nếu đây là thân nhân của họ, họ có muốn đi ngủ, bỏ bệnh nhân lại cho phiên trực ngày mai không? Và chúng tôi đã mổ bệnh nhân đó với vết thương bụng lủng ruột làm viêm phúc mạc. Ca mổ chấm dứt lúc 6 giờ sáng, tôi có một giờ để chợp mắt trong phòng trực.

Bảy giờ rưỡi sáng, một đợt thương binh 5-7 người được đưa đến phòng cấp cứu. Nhóm bệnh nhân này không có gì trầm trọng, chỉ những vết thương ở phần mềm tứ chi, chúng tôi rửa ráy thay băng và cho thuốc ổn định thì nhóm bác sĩ trực ngày hôm sau, (ngày 28 tháng 3) vừa đến. Gặp Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Ngọc Khôi, tôi bàn giao phiên trực, anh Khôi nói: "Toa khỏi bàn giao bệnh nhân cho moa, ra mà bàn giao với VC ngoài hàng rào kia kìa".

       (Trích: Những ngày cuối cùng ở Tổng Y Viện Duy Tân Đà  Nẵng. Bạch Thế Thức)

 2.Bệnh Viện Bài Lao Đà Nẵng.

 Y Sĩ Đại uý Nhẩy Dù Tôn Thất Sơn đang làm Chỉ Huy Phó bệnh viện Bài Lao Đà Nẵng. Ông vào ở ngay trong đơn vị, để phòng ngừa trường hợp  dù đường xá có bị tắc nghẽn, thì vẫn có thể  lo cho bệnh nhân và đơn vị được.

Diễn biến sau đó, (Ông dùng chữ Hắn để chỉ chính mình):

-Cũng trên con đường bỏ của chạy lấy người, Hắn học được bài học thực tế về tình chiến hữu của những vị chỉ huy trưởng trong tình thế lâm nguy, bỏ mặc cấp dưới, chạy một mình cho nó khỏe thân. Trong cơn sốt của những ngày cuối cùng tại đơn vị ở Đà Nẵng, Hắn chứng tỏ rằng Hắn luôn đứng bên cạnh sếp trong mọi tình huống bằng cách vào đơn vị cắm trại… Một buổi tối sau khi bắt được liên lạc chạy làng với vị Chỉ huy trưởng Quân Vận của Quân Khu I ,Vị chỉ huy trưởng quyền uy lẳng lặng tếch đi không lời từ giã.

                         (Trích: 80 năm, những chặng đường đi qua. _Tôn Thất Sơn)

 3.Quảng Ngãi .

Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Hoàng Hải đang giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng bệnh viện 1 Dã Chiến Quảng Ngãi.

Ngày 23/3/1975, Trung Tá Lộc, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Quảng Ngãi nói với Bác Sĩ Hải rằng: “Bác Sĩ hãy đến ở bên cạnh tôi  (Ông ta ngầm ý bảo rằng tôi sẽ cung cấp phương tiện, nếu may mắn có được một trực thăng, hoặc nếu không có, thì cũng là dắt bác sĩ cùng chạy).

Đây là một đề nghị giúp đỡ rất quý báu trong hoàn cảnh đó. Nghĩ đến số thương bệnh  binh còn nằm trong bệnh viện và tất cả các Y Nha Dược Sĩ dưới quyền mình, Bác Sĩ Hải từ chối:

-Tôi còn thương binh, tôi phải về lại bệnh viện, tôi không thể nào bỏ anh em lại, mà âm thầm chạy trước một mình.

Vì biết vào  giờ phút đó vị tham mưu trưởng sẽ bận tối mặt, có thể quên  thông báo cho Bệnh Biện 1 Dã Chiến,nên Bác Sĩ Hải cử Bác Sĩ Cung, sang túc trực cạnh vị Tham Mưu Trưởng, để  biết khi nào Tiểu Khu chính thức rút lui, và rút lui hướng nào, ra hướng Cù lao Ré  hay Chu Lai  thì báo lại ngay.

Tới  9 giờ  đêm, khi nhận được điện thoại rất ngắn từ Bác Sĩ Cung, vỏn vẹn có hai chữ “Chu Lai”, Bác Sĩ Hải đã lập tức hạ lệnh cho các Y Nha Dược Sĩ và thuộc cấp  tùy nghi thoát hiểm, hướng Chu Lai. Mặc dầu Bác Sĩ Hải chăm lo cho đơn vị  và anh em như vậy, nhưng trong cuộc chạy hỗn loạn, Bác Sĩ Nguyễn Nam (em ruột Giáo Sư Y Khoa Nguyễn Hữu),  đã mất tích.

 4-Sàigòn.

A-Y Sĩ Thiếu Tá Nhẩy Dù Trần Đức Tuờng, là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y Nhẩy Dù. Bác Sĩ Tường đã nói với các thương binh trong Bệnh Viện Đỗ Vinh rằng: “Tôi sẽ không bỏ anh em mà chạy.”

 Quả thật thế. Trong vài ngày chót trước khi thảm họa mất nước xẩy ra, Bệnh Viện Đỗ Vinh tràn ngập thương binh. Bác Sĩ Tường đích thân chỉ huy việc di chuyển số lượng vượt mức này tới những cơ sở điều trị khác như TổngY Viện Cộng Hòa và Quân Y Viện Trần Ngọc Minh. Và vào ngày 30-4-1975 trong lúc ông đang chuyển giao  các thương binh Nhẩy Dù, Biệt Kích Dù, và cả vài thương binh Việt Cộng nữa, cho Quân Y Viện Trần Ngọc Minh, thì quân Bắc Việt ập vào đây.   

B-Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bích đang phục vụ Bệnh Viện 4 Dã Chiến Bình Dương.

Ngày 28-4-1975 khi  Việt Cộng đụng với Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở  Lai khê, tình trạng trở nên bất ổn. Bệnh Viện 4 Dã Chiến bắt đầu lo lắng không yên, nên đã chuyển một số thương binh mới được giải phẫu qua bệnh viện dân sự. Buối sáng, ngay  sau khi hết phiên  trực Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bích lái xe về Saigon với gia đình.  

Liền sau đó Bác Sĩ Nam, Phó Giám Đốc Bảo sanh viện Từ Dũ, vì biết gia đình Bác Sĩ Bích chưa đi được nên mời Bác Sĩ Bích vào giúp bệnh viện giải quyết những trường hợp cần mổ cấp cứu vì thiếu bác sĩ giải phẫu.

Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, cả Sài Gòn đang nhào nháo lên tìm đường chạy cho  bản thân và cho gia đình mình. Mặc dầu Từ Dũ không phải đơn vị của mình, thế nhưng Bác Sĩ Bích nhận lời vào ngay. Lúc vào tới Bảo Sanh Viện, thấy nhiều bệnh nhân quá, đa số bị thương do mảnh đạn cùng sản khoa đang chờ mổ, vị Bác Sĩ đầy từ tâm và lương tâm này bắt đầu ngay, lo mổ không ngừng từ chiều 28-4 đến sáng sớm ngày 1 tháng 5. Ba ngày liên tục, không nghỉ. Lúc tờ mờ sáng khoảng 4 giờ, một thiếu uý Nhẩy  Dù bị thương ở cánh tay chạy vào phòng cấp cứu xin giúp đỡ. Bác Sĩ Bích và  một cô y tá quen, đã chữa trị rất nhanh, rồi ra khỏi bệnh viện.

Buổi sáng lúc ra về thì gặp người bạn cũ là Bác Sĩ Trần Xuân Dũng ở sân bệnh viện nhờ đưa dùm vợ con mới sanh về nhà. Nhưng  khi đến Đakao  xe cộ quá đông không thể qua  cầu được để sang Gia Định, nên phải ghé vào nhà Bác Sĩ Trần Xuân Ninh . 

C-Bác Sĩ Vĩnh Chánh.

 Bác Sĩ Vĩnh Chánh, sau khi tốt nghiệp Y Khoa Huế, ngay lập tức xin gia nhập Binh Chủng Nhẩy Dù. Xin mời đọc một đoạn trích dưới đây trong cuốn sách của Ông:

-Những căng thẳng của tuần cuối. Những bồn chồn mất ngủ của những ngày và đêm 27, 28, và 29 tháng 4. Dù vậy, tinh thần chiến đấu của Tiểu Đoàn 15 Nhẩy Dù vẫn bất diệt. Cá nhân tôi vẫn bình tĩnh làm phận sự của mình, vẫn theo sát Tiểu Đoàn 15, vẫn chiến đấu tại cầu Bình Triệu, Gia Định, gần nhà thờ Fatima. Cho đến ngày cuối cùng 30tháng 4, giờ cuối cùng:

Sau khi được lệnh buông súng

.Nghẹn ngào trong sững sờ

.Bàng hoàng trong đau đớn.

Xót xa trong tủi nhục!

                                                           (Trích: Tháng ngày tao loạn- Vĩnh Chánh)

 Và tủi nhục thật!

Hai bác sĩ Y Khoa Huế, cùng  phục vụ trong Binh Chủng Nhẩy Dù, là Tôn Thất Sơn và Vĩnh Chánh, sau khi mất nước, đã cùng trải qua những ngày bị đầy đọa trong trại tập trung ở Rừng Lá.

Mới đây, Bác Sĩ Vĩnh Chánh còn viết trong một email ngày 03-10-2021:

-“Giờ đây, nhìn lại ngày tháng tuổi hoa niên của mình, tôi nhận biết tôi đã làm một quyết định đúng khi vào Nhẩy Dù. Tôi đã đi. Đã thấy. Đã nghe. Đã Sống. Đã làm tròn bổn phận với đất nước. Đã vinh quang cũng như tủi nhục. Và chưa một lần tôi hối tiếc thời gian đi Nhẩy Dù, phục vụ Quân Y Nhẩy Dù, cho dù phải trả bằng cái giá của mấy năm tù tội, gian nan trên biển cả lênh đênh, và xuôi ngược trên xứ người.”

  5-Bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định.

Ngày  30-4-1975, Y Sĩ Trung Tá Bạch Đình Minh  đang đâm kim vào, rút nước tủy sống để chữa cho một bệnh nhân. Hoàn tất việc này, ông vừa buông mũi kim xuống xong, thì Việt Cộng tràn vào cửa trước bệnh viện. Ông chạy thẳng ra cửa sau.

 6-Căn Cứ Sóng Thần. Thủ Đức.

Ngày 30-4-1975. Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang chỉ huy tại  Căn cứ Sóng Thần. Ông đã viết lại:

-“Khoảng 10:00 giờ hơn, Trung Tá Hoàng Ngọc Bảo bước nhanh vào và bằng một giọng trầm hẳn xuống, buồn bã, đầy xúc động, anh báo cho tôi:

- “Trình Đại Tá, mình đầu hàng rồi!”

Tôi sửng sốt hỏi lại ngay:

- “Hả? Anh nói sao?”

Trung Tá Bảo nói tiếp:

 - “Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên cáo yêu cầu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hãy ở tại chỗ, tránh nổ súng và chờ lực lượng giải phóng đến bàn giao”.

Tin như sét đánh ngang tai. Tôi bàng hoàng không biết phải nói gì với mọi người đang có mặt, dù chỉ một câu thật ngắn ngủi. bởi tôi chưa hề chuẩn bị một chút tâm tư hay suy nghĩ nào cho những phản ứng trước một sự thật phũ phàng đến như thế! Bởi mới hôm qua đây, bao nhiêu anh em vừa mới nằm xuống nơi chiến trường phía Đông không xa lắm, cũng chỉ vì hai chữ “DANH DỰ - TỔ QUỐC”. Bởi hai chữ “đầu hàng” hay những nhóm chữ tương đương với ý nghĩa đó, không bao giờ có trong bất cứ binh thư, sách vở nào nơi các quân trường... Nhưng biết làm sao đây, bao nhiêu anh em đang nhìn tôi như chờ đợi một giải đáp.

Tôi cho mời tất cả các đơn vị trưởng đang có mặt trong căn cứ Sóng Thần đến họp để chính thức thông báo về lời tuyên cáo của Tổng Thống Dương Văn Minh. Trước mặt mọi người tôi có vài lời vắn tắt như sau:

 “Chắc các anh em đã nghe lời tuyên cáo của Tổng Thống Dương Văn Minh, cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta không thể làm gì hơn. Vì là quân nhân, chúng ta phải tuân theo kỷ luật. Yêu cầu các anh em hãy cố gắng tiếp tục đưa đơn vị của mình về Căn Cứ Sóng Thần, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đồng thời giải thích cho họ rõ những điều tôi vừa nói để tránh mọi trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Sau đó anh em có thể cho đơn vị giá súng vào kho và ra về với gia đình. Tôi xin gởi đến tất cả các anh em và gia đình lời chúc bình an và nhiều may mắn. Xin cảm ơn tất cả anh em về sự chiến đấu anh dũng và không mệt mỏi trên mặt trận phía Đông Biên Hòa trong những ngày qua...”

Có những cặp mắt buồn bã nhìn nhau im lặng... và tôi cũng đã nghẹn ngào, không thể nói thêm được gì hơn. Tôi nhờ Trung Tá Bảo gọi Bệnh Viện Lê Hữu Sanh để tôi hỏi thăm về tình trạng thương bệnh binh ra sao?

Một y tá cho biết Bác Sĩ Trần Công Hiệp, Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện, hiện đang chữa trị cho các thương binh ở khu giải phẫu. Không muốn làm phiền Bác Sĩ Hiệp trong lúc ông đang bận săn sóc thương binh, tôi hỏi anh y tá số thương binh tại bệnh viện hiện giờ là bao nhiêu. Anh cho biết là khoảng gần tám chục người, không kể trên mười thương binh khác trong tình trạng nặng, được chuyển từ mặt trận Biên Hòa về khuya hôm qua và đã được khẩn cấp đưa đi Tổng Y Viện Công Hòa điều trị.

Thật đau lòng khi nghĩ tới số phận của các anh em thương bệnh binh rồi sẽ ra sao. Bác Sĩ Hiệp và các y tá, nam cũng như nữ, vẫn còn tận tụy săn sóc thương binh cho đến giờ phút cuối cùng này. Họ đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm, lương tâm của những chiến sĩ Quân Y Thủy Quân Lục Chiến. Sự hiện diện của họ trong lúc này đã xoa dịu phần nào nỗi đau trên thể xác lẫn tâm hồn của các thương bệnh binh. Bên cạnh những bàn tay “Từ Mẫu” ấy, các thương bệnh binh hẳn cũng đã tìm được chút niềm an ủi, cảm thấy ấm lòng trong giờ phút đau buồn và tủi nhục nhất của đất nước.

Đến trưa thì Bác Sĩ Hiệp cho phép các thương bệnh binh và y tá được rời khỏi Bệnh Viện Lê Hữu Sanh. Các thương binh, kẻ chống nạng, người trên xe lăn, các y tá và bệnh binh còn đi được, thì dìu hoặc cõng những thương binh khác, đã nhất quyết rời khỏi bệnh viện vì không muốn chờ kẻ thù đến sỉ nhục hay hành hạ mình.

 Vâng! Đã đến lúc những thương binh Thủy Quân Lục Chiến nói riêng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, thấy cần phải thể hiện tính khí khái, lòng can đảm và làm bất cứ điều gì mà họ có thể làm được, để bảo vệ danh dự và uy tín của tập thể, mặc dù họ biết chính họ là những kẻ thua thiệt hơn ai hết.

 (Trích Ngày tháng không quên_Nguyễn Thành Trí)

 7- Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ.

Y Sĩ Đại Úy Trần Mộng Lâm phục vụ tại Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ và ở tại đơn vị này, chăm sóc thương bệnh binh cho đến tận ngày mất nước 30/4/75. Trong bài “Bẩy Năm Quân Y Viện” in trong cuốn Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xuất bản năm 2000, Bác Sĩ Trần mộng  Lâm đã viết lại diễn tiến trong ngày đó:

-“Chúng tôi đã là những bác sĩ quân y tận tâm, ngày nay nghĩ lại quả thực không có gì để thẹn với lương tâm. Ngay trong những ngày sau cùng, khi hai ông Tướng Hưng và Nam đã anh dũng tự tử để khỏi rơi vào tay Việt Cộng, chính Y Sĩ Trưởng của Quân Y Viện, Y Sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng đã đứng ra lo việc tống táng cho Tướng Nam theo đúng lễ nghi quân cách, tuy lúc đó tên y sĩ VC Tám Thiện đã vào tiếp thu. Người bác sĩ đầu đàn của  Quân Y Viện đã giữ được tiết tháo cho anh em chúng tôi ở giờ thứ 25 của cuộc chiến. Anh đã nói những lời cảm động để tên cán bộ CS chịu cho chúng tôi chào vĩnh biệt Thiếu Tướng oai hùng, của  Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà.

Sau khi nước mất, Bác Sĩ Trần Mộng Lâm bị bắt đi  khổ sai nhiều năm trong các trại tập trung  tại rừng U Minh.

                                                              ***

 Miền Nam  đã mất  47 năm.

Bác Sĩ Vĩnh Chánh đã than lên trên một diễn đàn của Y giới:

-“Đời người qua cái vèo, nhanh như lá thu rơi rụng. Ôi! Người đi để lại cái danh gì cho hậu thế đây!?”

Người viết bài này đã trả lời:

-“Bác  sĩ Vĩnh Chánh than, Ôi người đi để lại cái danh gì cho hậu thế đây!? Thì tôi xin thưa là cái mà chúng ta là những chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân Y Sĩ hiện dịch, hay trừ bị trong Quân Lực này để lại, đó là:

“Đã chiến đấu anh hùng, hết mình cố gắng bảo vệ tự do cho Miền Nam”.

Và cuối cùng người viết xin thưa cùng độc giả: 

Khí cốt quên mình là một phần của hai chữ anh hùng.