Câu Chuyện Nhân Văn: Nghĩ Về Biệt Ly (phác thảo)
« Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng xa ráng trời
Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người
Thuyền ơi viễn xứ xa xôi
Một lần qua giạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngân về
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Ðời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng »…
Intro/ CH: Quý thính giả vừa thưởng thức bản nhạc Thuyền Viễn Xứ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Huyền Chi vào khoảng năm 1953, bài hát thể hiện tâm tư hoài nhớ, khắc khoải của những người con xa xứ.Có thể nói Thuyền Viễn Xứ là tiếng lòng của người ly hương. Hôm nay CH có dịp trò chuyện cùng BS. Trần Xuân Ninh trong những ngày đầu năm. CH xin mời BS Ninh gửi lời chào đến quý thính giả của CT Câu Chuyện Nhân Văn tuần này?
1/TXN
2/CH: Năm nay Bác sĩ Ninh có ăn tết không, ăn tết ra sao, có vui không?
3/TXN.Chào LDCH. Rất vui. Vì năm nay tết lại có duyên nói chuyện với LDCH. Còn nhớ cách đây mấy năm nhân dịp tết mình bàn về mấy câu thơ của đại sư Mãn Giác « mac vị xuân tàn hoa tận lạc, tiền đình tạc dạ nhất chi mai » Thật hay. . Chỉ có hai câu 14 chữ mà thật là hay, vì nói lên cái sự vô thường và lẽ luân hồi : Hoa mai rụng rồi hoa mai lại trổ.
4/LDCH. Đúng vậy. Chúng ta vừa thưởng thức bản nhạc Thuyền Viễn Xứ, và CH được biết đây là một trong những bản nhạc BS ưa thích nhất. Nhưng mà tại sao bác sĩ lại thích nghe « Thuyền viễn xứ » vào ngày xuân. Lý ra thì phải nghe những bài nhạc xuân, không thiếu gì, vừa tình cảm vừa vui tươi, và đầy hưng phấn? Phải chăng bác sĩ tính đi xa năm mới ?
5/TXN. Tôi không tính đi xa. Nhưng đây là một trong số những bài nhạc tôi thích từ hồi còn tuổi thiếu niên học trung học ở VN. Vì nó làm cho tôi tưởng tượng đến sự lãng du và những khám phá mới của những chuyến đi xa. Và cũng vì đọc bài giảng văn khuyên người mình không nên du du xó nhà, sau lũy tre xanh, mà phải có tinh thần mạo hiểm tìm tòi thì mới khá, của Nguyễn Bá Học với câu : « đường đi khó không khó vì ngăn không cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những bậc anh hùng làm nên những việc gian nan…là nhờ cái gan mạo hiểm. Các nước Âu-châu ngày nay đã nên giầu-mạnh, cũng là nhờ có những tay mạo-hiểm: kẻ đóng tầu lên Bắc-cực, người vượt biển sang Mỹ-châu, dấn sức với ba-đào thi gan với sương tuyết; để sưu-cầu những đất mới, những báu lạ, từng trải bao nhiêu là gian-hiểm mới có cái cảnh-tượng ngày nay »
Thế nhưng nói vậy thì nói, tôi bản chất là một đứa bé tình cảm, quyến luyến. Ở đâu thích đấy. Mỗi khi bố mẹ dọn nhà đi là lòng buồn không vui. (Bố tôi làm xe lửa cho nên hay phải di chuyển). Nhà tôi ở Vinh. Năm 1943-44 Mỹ ném bom nhà ga và nhà máy Trường Thi xửa xe lửa, Tôi phải chạy đi theo bố tôi vào ga Chu Lễ cách Vinh chừng bẩy chục cây số xung quanh toàn rừng. Mẹ tôi có em bé. Tôi cả ngày tha thẩn đi ra rừng sau nhà nhặt hạt dẻ dại mầu nâu bóng về nhà chơi. Ban đêm thì đèn dầu lù mù. Thế mà chỉ một thời gian ngắn, lúc trở về Vinh tiện nghi hơn vì có điện, mà lòng tôi cũng buồn nhớ Chu Lễ. Hay là mỗi khi nghỉ hè theo bố mẹ tôi về quê thăm ông bà nội, chỉ có ít ngày tôi được ngủ với bà nội để bà gãi lưng xoa rôm và ru ngủ thì còn nhớ tới bây giờ mấy câu bà tôi ru:
Chiếc tầu tu tu nó sắp sửa kéo cầu
Đường trần sắp sửa chia sầu từ đây
Anh nắm tay em chẳng lỡ rời tay
Tấc riêng anh dặn lời này em chớ có quên
Cái máy phân ly nó sắp sửa chia duyên
Mời anh ngồi xuống để em bước lên trên cái mạn bờ .
Lúc đó tuy còn nhỏ lắm, nhưng tôi đã cảm thấy được nỗi buồn của sự chia tay, xa cách của hai vợ chồng, chồng ra tỉnh làm việc, vơ ở nhà lo việc đồng áng và phụng dưỡng bố mẹ chồng.
6/LDCH. Nhưng bác sĩ có thấy rằng thời nay những tình cảm biệt ly xâu nặng có vẻ như không còn nữa hay không? Vơ chồng xa nhau vì công việc không thiếu gì trên đất Mỹ này. Những cuộc chia tay thắm thiết chỉ bằng cái ôm thật chặt, cái hôn kéo dài vài phút ở phi trường. Không gian xa cách có thể thật xa cả ngàn, hai ngàn, ba ngàn cây số, gấp nhiều lần hơn khoảng cách từ quê lên tỉnh khi chia tay xuống tầu của cặp vơ chồng quê trong bài ru con chúng ta vừa nghe của quá khứ. Tại sao như vậy ? Phải chăng vì những phương tiện liên lạc mới như điện thoại điện thư và giao thông quá nhanh chóng khiến cho khoảng cách rút lại cực kỳ ngắn? Mà vì cực kỳ ngắn nên không còn thấy xa. Phải chăng những phương tiện giải trí đủ loại tràn ngập đã làm giảm sự cô độc tối đa ? Phải chăng là vì tình trạng kinh tế phát triển đã khiến quan hệ vơ chồng không còn chặt chẽ như xưa ?
7/TXN. Có thể rằng những điều LDCH nêu ra là những đánh giá thực tế và cụ thể, theo cách mà người ta cho là những phương pháp khoa học, nghĩa là cân đo đong đếm, như số nhịp tim số giờ ngủ lượng thực phẩm tiêu thụ nhưng không lượng giá được sự tưởng tượng, sự sáng tạo, nghĩa là đầu óc của những nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ. Đó là một thiếu sót lớn. Vì phải có những nghệ sĩ mà ta mới có những giây phút thăng hoa thoát tục, với thơ với vần với điệu và hình ảnh. Như trong Chinh phụ ngâm, chúng ta mới được thưởng thức những câu thơ tuyệt diệu của cuộc chia tay của một cặp vợ chồng lính thú với sự ngập ngừng thương yêu tuyệt đẹp :
“Ngòi đầu cầu, nước trong như lọc,
Ðường bên cầu, cỏ mọc còn non.
Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
Nước trong chảy, lòng phiền chẳng rửa.
Cỏ xanh thơm, dạ nhớ khó quên.
Nhủ rồi nhủ lại trao liền.
Bước đi một bước lại vin áo chàng”
Ở những hoàn cảnh này người ta mới có những hình ảnh dáng dấp tự nhiên tuyệt đẹp của sự biệt ly. Dù rằng tác giả Đoàn thị Điểm không phải là người trong cuộc, hay thực sự chứng kiến cảnh chia tay.
8/LDCH. Tưởng tượng và sáng tạo là yếu tố quan trọng trong sự hình thành một tác phẩm văn học. Đã có người viết về trường hợp bài Biệt Ly và tác giả nhạc sĩ Dzoãn Mẫn và nêu lên vai trò của tưởng tượng của sự hình thành bài nhạc. Ông Dzoãn Mẫn viết "Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện…bịa". Nhân vật "em" trong "Biệt ly" cũng là trường hợp như vậy. Doãn Mẫn từng kể: "Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại đề tài này".
9/TXN . Chúng ta đã nói tạm đủ về sự biệt ly nhìn chung, và bài nhạc biệt ly của Dzoãn Mẫn mô tả tâm trạng chia tay của hai người yêu nhau. Đến đây tôi đề nghị LDCH nên hát lên bài đó cho quý vị thính giả thưởng thức chút xíu.
10/LDCH.
Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.
11/LDCH muốn có thêm một câu hỏi cho bác sĩ Ninh : ‘’Biệt ly là một chủ đề rộng lớn bao trùm lên thân phận người Việt phát xuất từ bối cảnh lịch sử, chiến tranh. Vậy, trong cuộc đời BS Ninh thì có những cuộc biệt ly nào da diết không ?
12/TXN. Biệt ly người ta thường dùng cho sự chia lìa không nối lại được của hai người yêu nhau. Nói tổng quát là chia lìa giữa hai con người thân thương yêu quý nhau, không nhất thiết ruột thịt. Như hai người tri kỷ, như chiến hữu. Cho nên mới có chuyện Bá Nha gẩy đàn giỏi, Tử Kỳ nghe đàn tài tình thời Xuân Thu Chiến quốc. Khi Tử Kỳ chết Bá Nha dứt giây đập đàn không chơi nữa.
Tôi vốn người nhút nhát nói lên tình yêu trai gái, không dám tích cực tỏ bầy. Khi mà như thế thì người đẹp có ra đi không thể trong tình trạng quá nặng lòng. Tôi có một trường hợp có cảm tình đặc biệt với một người đẹp cũng có cảm tình với tôi. Vắn tắt thì là cái câu ‘tình trong như đã mặt ngoài còn e’. Nhưng khi người đẹp thấy có người xin bàn tay tuy so sánh không bằng tôi nhưng đã đồng ý. Tôi bị một đêm mất ngủ và vài ngày bần thần. Với những dữ kiện này thì sự chia tay này có một xáo trộn lớn, nhưng không thể gọi là da diết được. Vì da diết vừa hàm ý sâu đậm vừa hàm ý ray rứt lâu dài.
13/ Thật sự biệt ly là một mầu sắc ẩn hiện trong văn học cũng như âm nhạc . Trong số vô vàn chất liệu để tạo nên cảm hứng lãng mạn, trữ tình ấy, nỗi buồn biệt ly đã được nhiều nhạc sĩ và thi sĩ tìm đến. Thơ văn là vậy, âm nhạc cũng vậy. Sầu biệt ly cũng đi vào các nhạc phẩm tiền chiến một cách vô tình, tự nhiên như chính nó là phương tiện cần có để các nhạc sĩ bày tỏ xúc cảm cùng với nốt nhạc. Nhà thơ viết nhiều về sự biệt ly đầu tiên phải nhắc đến cái tên Xuân Diệu. Thơ Xuân Diệu hay không chỉ ở sự căng tràn, phơi phới sức sống, sự khát thèm yêu đương mãnh liệt như không muốn bỏ lỡ đi một giây, một phút nào mà còn ở sự ngậm ngùi, pha lẫn luyến tiếc của giã từ, của chia xa. Ngay cả trong những tiếng reo vui nhất về nỗi khát thèm sự sống củng thoáng chút đượm buồn biệt ly trong bài "Vội Vàng"
“Mùi tháng năm rớm vị chia phôi
Khắp sông núi than thầm tiễn biệt”
Và "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" với màu biệt ly nhuộm khắp không gian được mô tả trong bài thơ của Lý Thúc Đồng mang tựa đề Tống Biệt được Gs. Lê Đình Thông chuyển thể lục bát :
Đường quê san sát lều tranh
Lối xưa còn đó buồn tênh nỗi sầu
Ngoài trời lất phất mưa ngâu
Nối vào tiên cảnh một màu thiên thanh
Đâu đây nghe tiếng tơ mành
Liễu rung theo gió sáo gieo nỗi buồn
Hoàng hôn nắng tắt cuối thôn
Non kia che dấu nỗi buồn cách xa
Không gian xa cách mịt mờ
Đông tây ngàn dặm ngẩn ngơ một thời
Nào cùng nhấp chén ly bôi
Cho vơi nỗi nhớ ngút ngàn chờ mong
Xa nhau buốt lạnh cõi lòng
Từ nay cách biệt mỏi mòn chôn sâu.
CH xin cảm ơn BS Ninh với cuộc trò chuyện hôm nay. Xin cảm ơn quý khán thính giả đã theo dõi CT CCNV tuần này, và xin hẹn quý khán thính giả vào kỳ tới.