Sunday, September 29, 2024
Một người bạn vừa chuyển cho người viết những dòng này một bài đáng chú ý của nhà báo Đặng Minh Phương, đăng trên báo điện tử Phú Yên online từ ngày 13-2-2013. Đặng Minh Phương là một nhà báo lão thành, đã có danh vọng ở trong nước. Trong bài, ông nêu lên một nghi vấn:
“Như vậy, canh gà Thọ Xương là món canh gà chứ không phải tiếng gà, lúc gà gáy. Rất mong được biết các ý kiến khác làm sáng tỏ thêm”:
Phú Yên Online - Canh gà Thọ Xương Món ăn hay thời khắc? (baophuyen.vn).
Tuy đăng lên từ 13-2-2013 nhưng hôm nay, 30-9-2024, bài vẫn còn trên Net, cho thấy ông Phương vẫn chưa nhận được những hồi âm thỏa đáng.
Mặt khác, mấy câu: Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
hay: Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
vẫn được coi là những câu thơ hay trong kho tàng văn chương Việt Nam.
Nhân câu hỏi ông Đặng Minh Phương nêu ra, xin được đóng góp chút ý kiến khiêm nhượng vào chuyện này. Để giúp các bạn trẻ từ trước chưa có hoàn cảnh biết nhiều về mấy câu thơ trên, tôi xin được tóm lược câu chuyện từ đầu.
HAI BẢN KHÁC NHAU CỦA CÂU THƠ (HAY CÂU CA)
--Người đầu tiên phổ biến câu thơ với “canh gà Thọ Xương” ở dạng chữ quốc ngữ là học giả Phạm Quỳnh, vào tháng 4 năm 1918, khi ông đang là Chủ bút của tạp chí Nam Phong. Nhằm mục đích tới quan sát để có thể viết ra, thuật lại nghi thức tế Nam Giao, ông tới Huế ngày 21-3-1918, ở đó 12 ngày, và từ giã ra về ngày 2 tháng 4 cùng năm. Sau khi được chứng kiến buổi lễ, ông bỏ ra 10 ngày thăm một số nơi đặc sắc, các lăng tẩm, và gặp một số nhân vật đáng chú ý ở Huế. Thiên hồi ký của ông được in trên Nam Phong số 10, phát hành tháng 4-1918, từ trang 198 đến trang 222. Ở đoạn gần cuối, ông viết như sau:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên-mụ canh gà Thọ-xương.
“Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên-mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ- xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế….”
Qua câu, “Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh …,” ta thấy ngay là Phạm Quỳnh muốn nói “tiếng gà gáy từ xa đưa tới” chứ không phải ông muốn nói “bát canh có thịt gà.”
Tạp chí Nam Phong đã được đưa vào DVD và được phổ biến trên Net. Thiên hồi ký đã được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội in lại thành sách năm 1994 dưới nhan đề Mười Ngày Ở Huế . Cũng đã được đưa lên Net trong blog của Phạm Tôn tại địa chỉ sau đây:
Tác phẩm – Mười Ngày Ở Huế | Pham Ton's Blog (wordpress.com)
--Người đầu tiên phổ biến toàn thể bài thơ của Dương Khuê ở dạng chữ quốc ngữ trong một sưu tập các tác phẩm văn chương Việt Nam là Trần Trung Viên. Đó là bộ Văn Đàn Bảo Giám, được phát hành ở Hà Nội lần đầu năm 1926. Khi in lần thứ 2 năm 1929 có thêm lời tựa của cụ Dương Bá Trạc. Trong lần in năm 1934, có thêm lời tựa của Tản Đà. Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, bộ sách được in lại ở miền Nam năm 1968 với sự hiệu chính của Hư Chu. Người viết những dòng này chân thành cám ơn Gs. Phạm Lệ Hương đã tìm hộ từ kho tài liệu kỹ thuật số Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp các bộ Văn Đàn Bảo Giám ấn bản đầu tiên năm 1926 và ấn bản thứ hai năm 1929.
Sau đây là bản chụp bài thơ từ trang 279 của ấn bản đầu tiên ở Hà Nội năm 1926:
Lời thơ phản ảnh cách nói của miền Bắc hồi trước: “giăng tà” (thay vì “trăng tà”), và có vài lỗi chính tả, điển hình cho tình trạng chính tả Việt ngữ ở miền Bắc đầu thế kỷ 20: “ngọn chúc” (thay vì ngọn trúc), “Chấn Võ” (thay vì Trấn Võ). Dương Khuê được gọi là “cụ Thượng Dương-Vân-Trì” vì Vân Trì là bút hiệu của ông. Tuy làm quan đến chức Tổng Đốc, khi về hưu, ông được tặng “hàm” (honorary title) Binh Bộ Thượng Thư.
Nhan đề của bài thơ (“tức cảnh”) cho ta thấy tác giả đã sáng tác nhân cảm hứng trước cảnh tượng trước mắt. Đó là một cảnh đêm sắp hết (đêm tàn) khi trăng đã xuống thấp chỉ còn ngang ngọn trúc. Trong cảnh yên tĩnh ấy, tác giả nghe thấy tiếng chuông từ đền Trấn Võ ở gần, rồi đến tiếng gà gáy sang canh ở huyện lỵ Thọ Xương. Xen vào đó là tiếng chày làm giấy từ làng An Thái (cũng được gọi là Yên Thái). Đó là một cảnh đẹp, trong cảnh có âm thanh. Đang say sưa trước khung cảnh thơ mộng như thế, nếu tác giả đột ngột khen một món ăn ngon thì ý thơ không liền mạch và không tự nhiên. Từ trước, những người đọc bài thơ đều chỉ thấy là một bài tả cảnh đẹp ở Hồ Tây, ngoại thành Hà Nội, và “canh gà” là tiếng gà gáy sang canh.
So sánh hai câu đầu của bài này với hai câu viết về Huế do Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Nam Phong, chúng ta thấy câu đầu của Phạm Quỳnh chỉ thuần túy tả cảnh (Gió đưa cành trúc la đà), trong khi câu đầu của bài này (Phất phơ ngọn trúc trăng tà) cho ta thêm ý niệm về thời gian trong ngày. Câu 2 rất giống nhau, chỉ khác ở chỗ câu của Phạm Quỳnh nói đến chùa Thiên Mụ ở Huế, trong khi câu của Dương Khuê nói tới đền Trấn Võ (cũng gọi là Trấn Vũ) ở Hà Nội.
Đền Trấn Võ có tên chữ Hán là Trấn Vũ Quán (鎮武觀), tên dân gian là đền Quán Thánh, là một ngôi đền có từ đời Lý Thái tổ (1010-1028), để thờ thần Trấn Thiên Chân Vũ Đế Quân, một trong bốn vị thần trấn giữ kinh thành Thăng Long thời xưa. Đền nằm cạnh Hồ Tây, với địa chỉ hiện nay là số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Thọ Xương là tên một huyện của kinh thành Thăng Long xưa, ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, và một phần các quận Ba Đình, Đống Đa của Hà Nội ngày nay. Danh hiệu Thọ Xương từng được nhắc đến trong một bài thơ về danh tướng Lý Thường Kiệt:
Thường Kiệt tướng nước ta
Người ở phường Thái Hòa
Huyện Thọ Xương, Hà Nội
Tiếng giỏi vang gần xa …
Sau khi người Pháp lập thành phố Hà Nội, ngày 1-10-1888 vua Đồng Khánh ra đạo Dụ nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp, huyện Thọ Xương bị bãi bỏ. Hiện nay chỉ còn một con ngõ nhỏ mang tên là ngõ Thọ Xương thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, một ngôi chùa có thờ vị Tri huyện Thọ Xương trên phố Lý Quốc Sư, và một văn chỉ (một loại văn miếu thu nhỏ), có tên là văn chỉ Thọ Xương. Văn chỉ này hiện vẫn còn ở số 222 phố Bạch Mai, ngõ Văn Chỉ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
An Thái, thường được gọi là Yên Thái, có tên dân gian là Kẻ Bưởi, tức làng Bưởi ở bên Hồ Tây. Làng này có nghề làm giấy từ bột của vỏ cây dó. Một trong những giai đoạn quan trọng của công việc là dùng chày giã cho lớp vỏ ấy nhuyễn ra thành bột, trước khi có thể “xeo” lại thành tờ giấy. “Tiếng chày Yên Thái” là tiếng chày khi người dân Yên Thái giã các vỏ cây dó.
Chúng ta chưa biết đích xác Dương Khuê đã sáng tác bài “Hà Nội tức cảnh” năm nào. Có vẻ bài ấy đã được lưu truyền ở Hà Nội trước khi được Trần Trung Viên chọn in vào Văn Đàn Bảo Giám. Năm 1960 ở Sài Gòn, trong một tập sách luyện thi môn Quốc văn, với sự hiệu đính của ông Dương Thiệu Cương (anh ruột nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) và Tiến sĩ Giáo dục Dương Thiệu Tống, hai hậu duệ của họ Dương Vân Đình, nhà giáo Nguyễn Duy Diễn đã phổ biến một dị bản của bài “Hà Nội tức cảnh.” Ông cho biết bài thơ ấy đã trở thành ca dao, được biết tới khá rộng rãi quanh khu vực Hà thành:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ.
Chúng ta thấy, câu đầu của dị bản này giống hệt câu đầu trong hai câu Phạm Quỳnh viết về Huế, và không giống bản in trong Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên. Theo nhà biên khảo Lê Quang Thái, trước năm 1918, lời hát ru “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương” ở Huế không ai hát bao giờ. Trong một bài đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị, ông Thái cho rằng khi viết bản ký sự “Mười ngày ở Huế,” Phạm Quỳnh đã đem “tiếng chuông Thiên Mụ” để thay “tiếng chuông Trấn Võ”:
Hai nhà biên khảo Lê Thanh Hoàng Dân và Nguyễn Ngọc Thanh đồng ý với ông. Theo Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Quỳnh đã lấy ý thơ của Dương Khuê để “viết lại cho hợp với cảnh và địa danh ở Huế.”
Mặt khác, chúng ta cũng thấy Dương Khuê từng sống ở Huế ba năm từ 1865 đến 1869, khi ông ở tuổi 26-29. Sau khi đậu Cử nhân năm 1864 (với Nguyễn Khuyến đậu Thủ khoa), năm sau ông vào Kinh thi Hội. Không đậu ngay, ông được Tùng Thiện Vương mời về nhà dạy con cháu học. Ông nán lại, sống trong phủ Tùng Thiện vương chờ khoa thi sau. Năm Mậu Thìn (1868) đời vua Tự Đức, ông đậu Tiến sĩ, được bổ đi làm quan ở nhiều nơi khác nhau. Nếu câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”đã có ở Huế từ trước, rất có thể ông đã chịu ảnh hưởng của câu ấy khi viết “Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.”
Tuy nhiên, đây không phải mối quan tâm chính của chúng ta, những người đang băn khoăn với ý nghĩa của mấy chữ “canh gà Thọ Xương.”
BÀI THƠ VỚI Ý NGHĨA KHÁ QUAN TRỌNG
Theo nhà báo Đặng Minh Phương, có nhà nghiên cứu cho ông biết rằng trong cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên sinh Thi tập hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A2185, có chép một bài thơ với tên là “Tối ức Thọ Xương thang” (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Ông cho biết nguyên bản chữ Hán của bài ấy đọc theo âm Hán Việt như sau:
Niễu niễu dao phong trúc
Thương thương Trấn Vũ chung
Thọ Xương đa cố cựu
Đồng mãi đốn Kê Khang
Yên tỏa Tây Hồ thủy
Chử kinh yên Thái hương
Hà thành tư mỹ cảnh
Tối nại khách tư hương.
Ông viết tiếp: “Dương Khuê viết bài thơ bằng chữ Nôm, không phải bằng chữ quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh. Nguyên văn chữ Hán của chữ Canh là bát canh, món canh, món cháo nhừ, chứ không phải là canh khuya, canh chầy”:
Phú Yên Online - Canh gà Thọ Xương Món ăn hay thời khắc? (baophuyen.vn)
Những chứng cứ ấy rất đáng được chú ý. Nhưng nếu quả có bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” như thế trong Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên sinh Thi tập, thì tại sao ông (và nhà nghiên cứu mà ông nhắc tới) không chụp, không scan bài thơ ấy ra để làm dẫn chứng? Bài thơ ông trưng ra là một bài được đánh máy, với loại chữ trên computer thời Dương Khuê chưa có. Công việc ấy làm mất thời giờ cùng công phu của các ông nhiều hơn. Khi cho biết trong câu “canh gà Thọ Xương,” Dương Khuê đã dùng chữ “canh” với nghĩa là “món canh,” tại sao ông không chụp để trưng chữ “canh” ấy ra? Bản phiên âm ông đưa ra cũng có những chỗ không chính xác. Ông phiên âm câu 4 là “Đồng mãi đốn Kê Khang” với hai chữ Kê Khang viết hoa như một danh từ riêng, trong khi câu thơ chữ Hán là “Đồng mãi đốn kê thang”với hai chữ “kê thang” không viết hoa. Phiên âm sai như thế, nghĩa khác đi rất nhiều. Ông phiên âm câu cuối là “Tối nại khách tư hương”trong khi chữ thứ 5 của câu ấy không phải là chữ “hương.”Đó là chữ 量,có âm Hán Việt là “lương”:
Bản chữ Hán cho bài “Tối ức Thọ Xương thang” của ông chữ nhỏ và nhòa, rất khó đọc. Tôi xin đánh máy lại để chúng ta dễ nhận mặt chữ hơn:
裊裊搖風竹
蒼蒼鎮武鐘
壽昌多故舊
同買燉雞湯
煙鎖西湖水
杵驚安泰鄉
河城斯美景
最耐客思量
Phiên âm:
Niểu niểu dao phong trúc,
Thương thương Trấn Vũ chung,
Thọ Xương đa cố cựu,
Đồng mãi đốn kê thang.
Yên tỏa Tây Hồ thủy,
Chử kinh Yên Thái hương.
Hà thành tư mỹ cảnh,
Tối nại khách tư lương.
Dịch nghĩa một cách mộc mạc:
Gió lay trúc phất phơ, Chuông Trấn Vũ văng vẳng, Thọ Xương nhiều bạn cũ, Cùng đến mua canh gà hầm. Khói tỏa mặt nước hồ Tây, Tiếng chày kinh động làng Yên Thái. Cảnh đẹp ấy của Hà Thành, khiến khách rất nhớ nhung.
Nhà báo Đặng Minh Phương viết tiếp, “Có nhà nghiên cứu, nhà giáo đã khẳng định “canh gà” ở đây đúng là món canh nấu thịt gà,” nhưng ông không cho chúng ta biết “nhà nghiên cứu, nhà giáo” ấy là ai.
SAI LẦM, HAY TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP CỦA MỘT CÔ GIÁO TRẺ
Tìm hiểu thêm về chuyện này, tôi được biết như sau:
Ngày 12-9-2012, cô giáo Hà Thị Thu Thủy dạy tiết cuối trong đề tài ôn tập ca dao cho học sinh lớp 7A10 tại trường Trung học Phổ thông Lômônôxốp ở Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 4 tháng 10, một phụ huynh lớp ấy liên lạc với ban Giám hiệu nhà trường, phàn nàn rằng trong bài tập môn Văn của con có câu “canh gà Thọ Xương là một món ăn ngon của Hà Nội” nhưng câu ấy không được sửa và bài vẫn được cô giáo cho 8 điểm (trên 10). Sau khi tìm hiểu và nhận được thêm thông tin từ các bạn của con, vị phụ huynh ấy vừa khiếu nại với nhà trường, vừa tung tin ra trước dư luận. Sự việc sau đó được phát tán trên mạng, nhiều phụ huynh nhập cuộc, đua nhau chỉ trích cô giáo và đòi kiểm tra lại trình độ học vấn của cô. Nhà trường cho biết cô tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc loại “Giỏi,” và bảo vệ luận văn Thạc sĩ với số điểm tối đa 10/10. Cô giáo Thủy giải thích rằng khi giảng bài thơ của Dương Khuê mà cô gọi là ca dao, có học sinh hỏi, “Có phải đó là món canh của Hà Nội?” cô đã trả lời, “Cũng có nhiều người hiểu như thế, các con cảm nhận như thế nào?” nhưng sau đó không giảng lại rõ hơn cho các em. Có học sinh viết, “Hà Nội còn đặc sắc với những món ăn nổi tiếng như canh gà Thọ Xương,” cô gạch dưới những chữ ấy bằng mực đỏ và ghi nhận xét ở bên lề là “Sai.” Tuy nhiên, có lẽ vì không đủ thời giờ, cô đã không sửa lại cho tất cả các em. Điều đáng nói là sau đó cô giáo Thủy nộp đơn xin từ chức, trở nên trầm cảm nặng, phải vào bệnh viện. Sau khi ra khỏi bệnh viện, cô tắt điện thoại cá nhân vì mệt mỏi trước búa rìu dư luận, không liên lạc với ai nữa, và về quê.
Nhiều học sinh mến cô, muốn cô trở lại trường. Một số các em lập một diễn đàn trên Facebook, lấy tên là “Tìm lại công bằng cho cô Hà Thủy.” Trên diễn đàn ấy, em Hùng Hero viết như sau, “Cô hỏi tôi, ‘Con biết ý nghĩa của câu thơ này không?’ Tôi đáp, ‘Canh gà hầm ạ!’ Cả lớp bật cười, cô thì cười mỉm. Cô biết cậu học trò bé bỏng đang xấu hổ. Cô bảo cả lớp trật tự rồi giảng cho tôi biết đó là tiếng chuông chuyển sang canh gà gáy.”
Ban Giám hiệu nhà trường nhận định là cô “không mắc lỗi về nhận thức” nhưng “mắc lỗi về nghiệp vụ” do thiếu kinh nghiệm.”
Trong tháng 10 và 11-2012, nhiều bài trên báo mạng ở trong nước xuất hiện với những tiêu đề như “Đâu rồi tính nhân văn?”, “Dư luận đang quá khắt khe với người thầy,” “Đừng vội ‘ném đá’ cô giáo”… Tác giả các bài ấy cho rằng đây chỉ là một lỗi khá nhỏ của một cô giáo trẻ mới vào nghề (với cô Thủy, đây là năm dạy học thứ ba). Các tác giả ấy kêu gọi dư luận bớt khắt khe với cô:
Đừng vội "ném đá" cô giáo - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
SỰ THẬT VỂ BÀI THƠ “TỐI ỨC THỌ XƯƠNG THANG”
Trong bài “Đã có thể khép lại câu chuyện ‘Canh gà Thọ Xương’,” được phổ biến trên Net ngày 18-10-2012, Ts. Nguyễn Xuân Diện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đăng một lời đính chính từ Facebook Phan Quang Minh. Trong lời đính chính này, ông Phan Quang Minh viết như sau:
ĐÍNH CHÍNH: “Hôm qua tôi có share một stt của bác Le Quang về việc Vũ Bằng (được cho là) đã viết tay một bài thơ liên quan đến món "canh gà Thọ Xương." Cũng trong stt của bác Lê Quang, tôi có đọc được và cũng đưa lên stt comment của một bác (xin được giấu tên) cho rằng trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh có tại thư viện Viện Hán Nôm có chép bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê bằng chữ Nôm, trong đó chữ Canh được viết là là 羹 (bát canh) chứ không phải 更 (canh khuya). Cũng chính bác xin giấu tên này là tác giả của giả thuyết được đưa lên mạng mấy hôm nay, cho rằng trong sách trên có chép bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê.Tôi đã nhờ anh Xuân Diện ở Viện Hán Nôm tra lại cuốn sách trên, nhưng anh Diện cho biết không hề có. Hôm nay, bác Lê Quang và bác xin giấu tên kia đã khẳng định đây chỉ là trò đùa. Và những câu thơ (được cho là của Dương Khuê) trong bài “Tối ức Thọ Xương thang” hoàn toàn do bác kia tự phóng tác ra.
…Vậy xin nói lại cho rõ, rằng những vấn đề trên hoàn toàn không có thực, chỉ là trò đùa của hai bác nói trên…” (Nguồn: FB Phan Quang Minh).
Nói cách khác, bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” nhà báo Đặng Minh Phương đưa ra trên báo mạng Phú Yên online không phải là một bài thơ có thật của Dương Khuê. Bài ấy đã do “một bác xin giấu tên,” có tình quen biết với Facebook Lê Quang, “tự phóng tác ra,” rồi Lê Quang phổ biến trên Facebook. Chuyện Dương Khuê dùng chữ 羹 (với nghĩa là món ăn) chứ không phải chữ 更 (với nghĩa là canh khuya) cũng không hề có.
Mấy chữ “stt” trong lời Đính chính của ông Phan Quang Minh là cách viết tắt của “status,” tức là một thông tin do một người dùng Facebook tạo ra để chia sẻ giữa những người dùng Facebook với nhau. Facebook Lê Quang còn cho biết “bác xin giấu tên” nói với ông rằng nhà văn quá cố Vũ Bằng (1913-1984) từng nói về các món ăn ngon của vùng lân cận Hà Nội qua câu “Tương Bần, cà Láng, dưa La/Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương,” trong khi thực ra chỉ có câu ca dao “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần/Nước mắm vạn Vân, cá rô đầm Sét.” Khi hỏi đến chứng cớ, tức bút tích của Vũ Bằng, “bác xin giấu tên” không hề có:
Tễu Việt: ĐÃ CÓ THỂ KHÉP LẠI CÂU CHUYỆN "CANH GÀ THỌ XƯƠNG" (chuteuyeuquy.blogspot.com)
Trong một bài phỏng vấn dành cho nhà truyền thông Mặc Lâm của đài RFA ngày 20-10-2012, Ts. Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm: Vị xin giấu tên ấy là một cụ già 95 tuổi, “ngày xưa đã giao du với Nguyễn Bính, Đinh Hùng và các nhà thơ khác.” Được 95 tuổi năm 2012, ông cụ hẳn sinh ra năm 1917, hơn Nguyễn Bính (sinh năm 1918) 1 tuổi, hơn Đinh Hùng (sinh năm 1920) 3 tuổi. Cụ thông thạo chữ Hán và có tài làm thơ. Bài “Tối ức Thọ Xương thang” cụ bịa ra để gán cho Dương Khuê là một bài thơ ngũ ngôn lưu loát. Hai câu 5 và 6 đối nhau rất tề chỉnh. Giữa cảnh tượng một cô giáo trẻ bị đấu tố một cách hung hăng vì ý nghĩa của mấy chữ “canh gà Thọ Xương,” có vẻ cụ muốn tung hỏa mù (chưa chắc cách hiểu nào là đúng) khiến mọi người hoang mang, hầu giảm bớt phần nào sự hung hãn trong việc kết tội cô giáo. Nhưng nhận thức được rằng dù sao thì xuyên tạc ý nghĩa thơ của tiền nhân cũng là điều sai trái, ngay hôm sau cụ đã thú nhận chuyện bịa đặt của mình và “xin được giấu tên.” Nếu còn tại thế đến năm nay (2024), cụ hẳn được 107 tuổi.
Ts. Nguyễn Xuân Diện kết luận, “Đấy chỉ là những điều họ bày đặt ra cho vui vẻ trong thời gian căng thẳng như thế này thôi, chứ không phải là một câu chuyện thật.”
Câu chuyện “canh gà” — Tiếng Việt (rfa.org)
Trong ngày 19-10-2012, ba tạp chí điện tử ở trong nước cùng viết về chuyện này. Tạp chí Tri Thức (NewsVN) viết, “Không có chuyện 'canh gà Thọ xương' là món ăn”:
Không có chuyện 'canh gà Thọ xương' là món ăn - Giáo dục - ZNEWS.VN
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam viết, “Món ‘canh gà Thọ Xương’ chỉ là sản phẩm tưởng tượng của dân mạng”
Tạp chí điện tử Tiền Phong, cơ quan trung ương của Đoàn Thanh Niên CS Thành phố HCM, viết, “Món “canh gà” và trò đùa thời internet”:
Món “canh gà” và trò đùa thời internet (tienphong.vn)
Đa số những người quan tâm tới văn học ở trong nước đã lấy lại sự bình tâm về chuyện này.
NGUYÊN TÁC BÀI THƠ CỦA DƯƠNG KHUÊ Ở DẠNG CHỮ NÔM
Theo PGS TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đương nhiệm (1999-2013), trong thư viện của Viện có cuốn Vân Trì Thi Thảo, tập thơ chữ Nôm của Dương Khuê. Cuốn ấy mang ký hiệu VHv. 2482. Phía sau là bài thơ của Dương Khuê trong cuốn ấy, với chữ Canh 更 là đơn vị chỉ thời gian dành cho ban đêm:
So với bản Trần Trung Viên in trong Văn Đàn Bảo Giám, bản chữ Nôm này có hai điểm khác biệt:
--Tên bài thơ: Trần Trung Viên gọi là bài “Hà Nội tức cảnh,” bản chữ Nôm này là “Hà Nội tứ cảnh.”
--Câu 4 ở bài trong Văn Đàn Bảo Giám là “Dịp chày Yên Thái.” Câu 4 trong bản này là “Tiếng chày Yên Thái.”
Quan trọng nhất, với chữ Canh: Nhà thơ Dương Khuê đã dùng chữ 更
với ý nghĩa đơn vị chỉ thời gian ban đêm.
KẾT LUẬN
Những trang phía trên đã cho thấy việc Dương Khuê dùng chữ CANH 羹 với nghĩa là món ăn và việc ông làm bài thơ với những câu “Thọ Xương đa cố cựu/Đồng mãi đốn kê thang” (Thọ Xương nhiều bạn cũ, Cùng đến mua canh gà hầm) chỉ là một chuyện bịa đặt không hề có. Chúng ta có thể an tâm.
Ts. Nguyễn Xuân Diện cho biết bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” chỉ là một trò đùa chứ không phải bài thơ đích thực của Dương Khuê ngày 18-10-2012. Ông nói thêm về ông cụ xin giấu tên ngày 20-10-2012. Trong ngày 19-10-2012, ít nhất ba tạp chí điện tử có tầm vóc ở trong nước đã bình luận về chuyện ấy như đã nói trên. Khi nhà báo Đặng Minh Phương lên tiếng báo động và đưa bài “Tối ức Thọ Xương thang” lên báo mạng của đảng bộ CS tỉnh Phú Yên ngày 13-02-2013, những lời đính chính đã được phổ biến từ 4 tháng trước đó. Đáng tiếc ở chỗ nhà báo Đặng Minh Phương và đảng bộ CS tỉnh Phú Yên đã không biết đến những lời đính chính ấy. “Canh gà Thọ Xương” vẫn có nghĩa như chúng ta luôn luôn hiểu từ trước: tiếng gà gáy sang canh từ địa điểm Thọ Xương.
Sống ở ngoài nước, người viết những dòng này chưa biết hoàn cảnh của cô giáo Hà Thị Thu Thủy hiện nay ra sao. Xin chân thành cầu mong những điều tốt lành nhất tới với cô. Giả dụ rằng trước kia cô chưa hiểu đúng nghĩa câu ấy thì hiện nay, chắc chắn cô cũng đã hiểu rất rõ rồi. Có lẽ cô cũng đã tìm ra rằng câu ấy vốn của nhà thơ Dương Khuê trước khi trở thành ca dao. Cũng mong nhà báo Đặng Minh Phương hài lòng với lời đính chính của các ông Phan Quang Minh, Lê Quang, và vị cao tuổi giấu tên. Tuy làm một chuyện “động trời,” việc vị ấy làm không có vẻ mang ý hướng xấu.
Trần Huy Bích